Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã nêu rõ quan điểm về vai trò của nhân viên y tế Việt Nam: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế cần phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”- theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở từ gốc là nâng cao năng lực chuyên môn
Nhà nước đã có những chủ trương, quyết sách để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở

Như vậy, Nhà nước đã có những chủ trương, quyết sách để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên, không phải chỉ có vấn đề về tiền, cơ sở vật chất, mà còn vấn đề về nhân lực. Đội ngũ nhân lực cần được đào tạo bài bản, thường xuyên và liên tục.

Tuyến cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam

Hệ thống y tế Việt Nam phủ khắp từ Trung ương đến địa phương, trong đó y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân, là đơn vị y tế gần dân nhất, kịp thời phát hiện các dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho người dân. Mạng lưới y tế cơ sở thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo – nơi cách xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện Trung ương.

Để nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở, ngành Y tế đã xác định đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới “bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở cần mang tính chiến lược lâu dài, định hướng phát triển cho cả một giai đoạn sắp tới trong tình hình rất nhiều biến động.

Trên thực tế, đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy nhiều khó khăn, bất cập của hệ thống y tế, trong đó có y tế tuyến cơ sở. Cơ sở vật chất, nhân sự không đáp ứng kịp và đủ để thực hiện công tác phòng, chống dịch kịp thời, nhanh chóng. Sau đợt dịch lần thứ 4, nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở từ gốc là nâng cao năng lực chuyên môn

ThS. DS. Trương Văn Đạt

– Giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

– Phó Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam

– Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP. Hồ Chí Minh

Ba trụ cột cho việc thúc đẩy vai trò, năng lực của y tế tuyến cơ sở đó là: nguồn tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực. Nhà nước đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất cho các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế, trong đó có nhiều trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Có nhiều chủ trương cải cách tiền lương, chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế khi về công tác tại y tế cơ sở… Tuy nhiên, vẫn chưa đồng bộ giữa các tỉnh, thành, vùng miền.

Đặc biệt là vấn đề nhân lực, nhiều nơi vẫn thiếu bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng. Việc thu hút nhân lực không chỉ dừng lại ở chính sách đãi ngộ, mà vấn đề còn là được học, được đào tạo liên tục, nâng cao trình độ để có năng lực sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp của y tế. Đây là việc gốc của quá trình nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở.

Nếu như vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, cải cách tiền lương, chính sách ưu đãi đưa nhân lực y tế xuống cơ sở là trách nhiệm, vai trò của Nhà nước, thì việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở thông qua đào tạo chuyên môn có thể huy động mọi nguồn lực xã hội, sự tham gia của nhiều bên liên quan, đặc biệt là ứng dụng chuyển đổi số.

Chuyển đổi số: Giải pháp hữu ích, toàn diện

Cùng với sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi số đã và đang là công cụ hữu ích, là giải pháp toàn diện: nhanh chóng, linh hoạt, bảo mật sẽ góp phần thúc đẩy các dự án y tế, trong đó có đào tạo. Chuyển đổi số (digital transformation) là việc áp dụng các công nghệ đột phá để tăng năng suất, tạo giá trị và phúc lợi xã hội, là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: dữ liệu lớn (big data), kết nối vạn vật (internet of things – IoT), điện toán đám mây (cloud computing)…, nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa đơn vị.

Trong đại dịch Covid-19, nhiều dự án y tế ứng dụng chuyển đổi số đã được triển khai như: khám chữa bệnh từ xa (telemdicine), chăm sóc dược từ xa (telepharmacy), khai báo y tế qua ứng dụng điện thoại, đào tạo liên tục y tế qua các ứng dụng, trang web từ xa… Kết quả cho thấy chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy các mục tiêu, chương trình y tế quốc gia.

Cán bộ y tế làm việc trong các cơ sở y tế có nghĩa vụ tham gia các khóa đào tạo liên tục nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đang đảm nhiệm. Đây là quy định được Bộ Y tế nêu tại Thông tư số 22/2013/TT-BYT hướng dẫn việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, sau đó là Thông tư số 26/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2013/TT-BYT. Theo Thông tư, nhân viên y tế đã được cấp chứng chỉ hành nghề và đang hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia đào tạo liên tục tối thiểu 48 tiết học trong 2 năm liên tiếp.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng và điều trị bệnh, nhân viên y tế nói chung và đội ngũ bác sĩ, dược sĩ nói riêng cần nỗ lực hơn nữa trong công tác nâng cao năng lực, đào tạo liên tục. Bởi lẽ, kiến thức y khoa rộng lớn và đổi mới mỗi ngày, việc cập nhật kiến thức là điều hết sức cần và thiết thực. Tại các tuyến cơ sở, trong bối cảnh số lượng nhân viên y tế còn chưa đảm bảo theo yêu cầu đề ra, thì việc tăng sức mạnh, nâng cao năng lực nội tại của nhân viên y tế là cần thiết. Với mạng lưới y tế rộng khắp từ trung ương xuống địa phương, việc đào tạo liên tục thông qua nền tảng số là một giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay.

Ra mắt Chương trình: Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở

Ngày 6/10/2022, lễ ký kết hợp tác tổ chức Chương trình “Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở” được diễn ra với sự chủ trì của Bộ Y tế, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Chương trình do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổng Hội Y học Việt Nam ký kết thực hiện với sự đồng hành của Công ty TNHH YouMed Việt Nam (www.youmed.vn) và Công ty TNHH Hedima (www.hedima.vn).

Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở từ gốc là nâng cao năng lực chuyên môn
Ông Nguyễn Trung Việt – Giám đốc điều hành Công ty Hedima (đơn vị đồng hành với Chương trình) cho biết, đến nay, Y360 đã có hơn 13.000 thành viên

Chương trình dự kiến được tổ chức trong vòng 3 năm, thí điểm giai đoạn 1 từ 2022-2023, với các mục tiêu cụ thể:

+ Mục tiêu 1: Nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế cơ sở với nội dung cập nhật chẩn đoán, điều trị và quản lý các bệnh lý phổ biến tại tuyến cơ sở thông qua các khóa đào tạo liên trực tuyến và cấp chứng chỉ đào tạo theo Thông tư số 26/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 22/2013/TT-BYT của Bộ Y tế.

+ Mục tiêu 2: Thu hút sự tham gia của hơn 20.000 nhân viên y tế trên toàn quốc trong giai đoạn 2022-2023.

+ Mục tiêu 3: Nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho nhân viên y tế khi tham gia vào chương trình.

Nội dung tập trung vào đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với những hình thức:

– Tổ chức các khóa học đào tạo về kiến thức, kỹ năng ứng dụng thiết thực trong hoạt động khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở. Các nội dung triển khai bao gồm:

+ Quản lý hiệu quả bệnh nhân tăng huyết áp

+ Quản lý hiệu quả bệnh nhân đái tháo đường và nội tiết

+ Quản lý các bệnh lý cơ xương khớp

+ Quản lý thai sản, chăm sóc sức khỏe sinh sản

+ Quản lý các bệnh lý thường gặp

+ Quản lý sức khỏe cộng đồng

+ Truyền thông, giáo dục sức khoẻ

+ Cung ứng thuốc thiết yếu

+ Chăm sóc sức khỏe ban đầu và sơ cấp cứu

+ Tiêm chủng vắc xin dự phòng và vấn đề tư vấn cho người dân

+ Dự phòng cho những tình huống khẩn cấp trong tương lai

– Ứng dụng nền tảng “Y360 – Cộng đồng y khoa học và đọc” (www.y360.vn) trong việc tổ chức và xây dựng khóa học.

– Triển khai thông qua nền tảng đào tạo trực tuyến có hệ thống đo lường và đánh giá năng lực người học qua từng chủ đề, bài học, đăng tải miễn phí cho toàn bộ nhân viên y tế đều có thể truy cập.

– Tổ chức tuyên truyền và biên soạn lại nội dung bằng nhiều hình thức.

– Thực hiện lấy ý kiến nhân viên y tế về công tác tổ chức, xây dựng nội dung gần gũi, thiết thực tùy vào tình hình và chủ trương phát triển y tế tại địa phương (liên hệ với dự án qua https://y360.vn/sukien/nang-cao-nang-luc-y-te-tuyen-co-so/)

Nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở từ gốc là nâng cao năng lực chuyên môn
Lễ ký kết thực hiện Dự án nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở

Trong giai đoạn 2022-2023, chương trình đặt trọng tâm phát triển và nâng cao năng lực cho hơn 20.000 nhân viên y tế trên khắp Việt Nam. Nội dung Chương trình sẽ bám sát Thông tư số 33/2015/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của trạm y tế xã, phường, thị trấn, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế và Thông tư số 26/2020/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2013/TT-BYT hướng dẫn về việc đào tạo liên tục cho cán bộ y tế, để làm cơ sở cấp chứng chỉ đào tạo liên tục cho cán bộ y tế tham gia dự án.

Theo ông Nguyễn Trung Việt – Giám đốc điều hành Công ty Hedima (đơn vị đồng hành với Chương trình): “Trong suốt 2 năm phát triển nền tảng Y360 cùng Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chúng tôi nỗ lực cho 2 mục tiêu trọng điểm. Thứ nhất, công nghệ của nền tảng cần mang đến trải nghiệm học hiệu quả, đọc hữu ích, tương tác linh hoạt của người dùng. Thứ hai, việc phát triển nội dung cần bám sát thực tế khám chữa bệnh và kỹ năng cần thiết cho bác sĩ, dược sĩ và nhân viên y tế tại Việt Nam. Kết quả đạt được trong 2 năm đầu tiên là nền tảng đã có 31 khoá học, 85 video bài học, 153 ca lâm sàng tại Việt Nam với sự đóng góp của hơn 130 tác giả là các chuyên gia y khoa đầu ngành, các bác sĩ, dược sĩ giàu nhiệt huyết. Đến nay, Y360 đã có hơn 13.000 thành viên, điều đó cho thấy sức hút lan toả và giá trị cao của nền tảng này”./.