Nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp

“Việc sửa đổi toàn diện, ban hành Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp mới, nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, theo Văn phòng Quốc hội.

Nâng cao quyền tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp (ảnh: QH)

Việc sửa Luật lần này, theo ông Long, còn nhằm tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

4 chính sách trọng tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nội dung các chính sách của đề nghị xây dựng Luật tập trung vào 4 chính sách trọng tâm, gồm: đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể, về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, quy định cụ thể khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp, vốn đầu tư của chủ sở hữu (Nhà nước) tại doanh nghiệp. Quy định cụ thể nguồn lực, quy trình đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và hình thức, phạm vi đầu tư vốn Nhà nước.

Nâng cao quyền tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước
Việc sửa Luật, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, nhằm luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc chung để nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa; bán, thoái vốn (ảnh: QH)

Về cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, luật hóa một số nội dung quy định mang tính chất nguyên tắc chung nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quá trình thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa, bán, thoái vốn như: giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm; việc bán cổ phần, thoái vốn phải thực hiện theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, tối đa lợi ích kinh tế – xã hội cho Nhà nước; doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán…

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, đưa dự án Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023)…

Về quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, quy định cụ thể nội dung quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; doanh nghiệp do doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp và bám sát nguyên tắc tổng thể, không đánh giá từng dự án.

Còn về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, phân công phân cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các cơ quan, tổ chức; quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền của chủ sở hữu. Quy định về trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu trước hoạt động giám sát của cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, Quốc hội. Công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc giao mục tiêu cụ thể tại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để tận dụng tối đa nguồn lực, phù hợp với thực tiễn hoạt động, dự báo thị trường và quản lý theo mục tiêu đối với doanh nghiệp…/.