Đoàn Thị Vân

Khoa Kinh tế – Quản trị, Trường Đại học Văn Hiến

Tóm tắt

Các trường đại học đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, góp phần tạo ra các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Kinh nghiệm từ các nước phát triển đã rất thành công trong việc thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ từ các trường đại học là phải xây dựng, hoàn thiện khung chính sách pháp luật của Nhà nước, thay đổi tư duy, xây dựng được hệ sinh thái đầu tư xung quanh các trường đại học, liên kết các đối tác có chuyên môn về các lĩnh vực công nghệ sẵn sàng đầu tư, và điều quan trọng là phân chia lợi ích hợp lý khi thành lập các doanh nghiệp spin-off. Tất cả những điều này đều là hạn chế ở Việt Nam, vì thế không thúc đẩy các trường đại học chủ động tham gia cũng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xung quanh mình. Bài viết đã đưa ra một số các kiến nghị tương ứng về phía nhà nước như là: thay đổi các quy định về sở hữu và chuyển giao tài sản trí tuệ, các hỗ trợ nguồn lực từ nhà nước, cũng như kiến nghị cho các trường đại học.

Từ khóa: hệ sinh thái khởi nghiệp, đại học khởi nghiệp, doanh nghiệp spin-off

Summary

Universities play a vital role in the innovative startup ecosystem, contributing to technology-based enterprise creation. Experience from developed countries that have been very successful in establishing technology-based enterprises from universities is to build and perfect the legal policy framework of the state, change the mindset, build an investment ecosystem around universities, connect partners with expertise in technology fields that are ready to invest, and importantly, divide benefits reasonably when establishing spin-off enterprises. All of them are limitations in Vietnam, so it does not encourage universities to proactively participate and build an innovative startup ecosystem around them. The article proposes several corresponding recommendations for the state such as changing regulations on ownership and transfer of intellectual property, supporting resources from the state, and recommendations for universities.

Keywords: startup ecosystem, startup university, spin-off business

GIỚI THIỆU

Những quốc gia phát triển mạnh trên thế giới thành công nhờ xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững chắc, trong đó các trường đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng. Những năm gần đây, mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) đã được quan tâm nhiều, và nhờ vậy đã nâng cao tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam. Mô hình tự chủ đại học được triển khai cùng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, đã tạo điều kiện cho việc hình thành các doanh nghiệp trong các trường đại học. Tuy nhiên, tại Việt Nam mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ các trường đại học vẫn chưa phát triển mạnh mẽ. Mặc dù các trường đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện rất nhiều các nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sinh viên nghiên cứu sáng tạo, nhưng kết quả những nghiên cứu sáng tạo đó lại rất ít được thương mại hóa, đưa vào thực tiễn để áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực. Ngoài ra, mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ tại các trường đại học chưa được quan tâm đúng mức và chưa có cơ chế phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của mô hình này. Do đó, các trường đại học vẫn chưa tham gia tích cực vào hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đến năm 2022, Việt Nam có 238 trường đại học, học viện và 412 trường cao đẳng, và có khoảng16.500 tiến sĩ, 574 giáo sư và 4.113 phó giáo sư. Mỗi năm các trường đại học đào tạo khoảng 1.500 tiến sĩ, 36.000 thạc sĩ, gần 1,5 triệu sinh viên đại học và triển khai hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học ở nhiều cấp độ. Dù nhiều đề tài, quy trình công nghệ và sản phẩm khoa học có tiềm năng ứng dụng thực tiễn, chỉ một số ít được chuyển giao hoặc thương mại hóa để tạo ra giá trị gia tăng và phục vụ lợi ích xã hội, dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội (Đặng Đức Thành, 2023). Do đó, cần tăng cường gắn kết và hợp tác giữa các trường đại học với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp để thúc đẩy việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong thực tiễn sản xuất và kinh doanh, từ đó nâng cao vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

PHÂN BIỆT LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO CÓ THỂ THÀNH LẬP TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC – SPIN-OFF

Spin-off/spin-out là gì

Có nhiều cách định nghĩa về doanh nghiệp spin-off, hay còn gọi là “spin-out”. Một định nghĩa phổ biến là: Spin-off là một pháp nhân độc lập được thành lập bởi một tổ chức mẹ (Parent Organization – PO) nhằm mục đích khai thác tài sản trí tuệ. Sau khi các công ty được thành lập, các PO sẽ chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, để cho Spin-off khai thác thương mại.

Nội dung bài viết tập trung vào các doanh nghiệp spin-off được hình thành từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Trong phạm vi này, spin-off được hiểu là một tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, độc lập với các trường đại học, nhưng được thành lập bởi ít nhất một thành viên của trường đại học hoặc có sự góp vốn của trường đại học.

Phân biệt các loại hình Spin-off

Có nhiều loại Spin-off trong kinh doanh, tùy thuộc vào tính chất của phần hoạt động, sản phẩm, hoặc dự án được tách ra. Một số loại Spin-off phổ biến bao gồm:

  • Spin-off sản phẩm: Đây là loại hình phổ biến nhất. Các Spin-off sản phẩm thường là các sản phẩm mới được phát triển từ các sản phẩm gốc, dựa trên các ý tưởng thành công từ các sản phẩm gốc.

  • Spin-off hoạt động: Các Spin-off hoạt động thường là các hoạt động kinh doanh mới được phát triển từ các hoạt động kinh doanh gốc.

  • Spin-off dự án: Đây thường là các dự án kinh doanh mới được phát triển từ các dự án kinh doanh gốc.

Cách thức thành lập công ty Spin-off

Công ty Spin-off là một công ty mới được tách ra từ một công ty mẹ. Có hai cách thức chính, bao gồm:

Tách ra từ công ty mẹ

Trong trường hợp này, công ty mẹ sẽ thành lập một công ty Spin-off mới, tách ra từ một tổ chức mẹ và được tổ chức mẹ góp vốn đầu tư, nhân lực và vốn trí tuệ. Các Công ty spin-off này nhằm mục tiêu tiếp tục phát triển và thương mại hóa các quyền sở hữu trí tuệ mà tổ chức mẹ đã tạo ra và chuyển giao.

Cùng với việc chuyển giao các tài sản vô hình có liên quan, tổ chức mẹ cũng chuyển giao cho các pháp nhân mới các nghĩa vụ và rủi ro liên quan đến việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ.

Được cấp phép từ công ty mẹ

Trong trường hợp này, một công ty mới sẽ được thành lập bởi một bên độc lập, thường là do một người bên ngoài độc lập với công ty mẹ, nhằm khai thác quyền sở hữu trí tuệ của công ty mẹ.

Công ty mẹ sẽ cấp phép cho công ty spin-off sử dụng quyền sở hữu trí tuệ của mình. Các công ty spin-off thường được thành lập bởi các nhà đầu tư, doanh nhân hoặc nhà nghiên cứu. Thông thường, trên thực tế, các tổ chức nghiên cứu thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm quan tâm đến đầu tư phát triển tài sản trí tuệ được tạo ra bởi tổ chức nghiên cứu. Đây là loại công ty đa dạng “khởi nghiệp”, thường để thương mại hóa, đưa các sản phẩm ra thị trường.

Chu trình hình thành công ty Spin-off

Chu trình hình thành công ty Spin-off bao gồm bốn giai đoạn chính:

Giai đoạn 1: Tạo ý tưởng và đánh giá tiềm năng kinh doanh

Trong giai đoạn này, các nhà nghiên cứu và nhà phát triển tại công ty mẹ sẽ xem xét các kết quả nghiên cứu của mình để tìm kiếm những ý tưởng kinh doanh tiềm năng. Các ý tưởng này cần đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Có khả năng thương mại hóa

  • Có thị trường tiềm năng

  • Có lợi nhuận tiềm năng

Giai đoạn 2: Phát triển dự án đầu tư

Các ý tưởng kinh doanh được lựa chọn sẽ được phát triển thành các dự án đầu tư. Các dự án này cần được đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả, và rủi ro.

Giai đoạn 3: Thành lập công ty

Khi dự án đầu tư được phê duyệt, công ty Spin-off sẽ được thành lập. Công ty spin-off sẽ đảm nhận các hoạt động kinh doanh liên quan đến dự án đầu tư.

Giai đoạn 4: Phát triển và khẳng định doanh nghiệp

Để bắt đầu hoạt động và phát triển. Công ty cần chứng minh được giá trị kinh tế của mình để thu hút các nhà đầu tư. Việc thành lập một công ty Spin-off là một quá trình khó khăn và phức tạp. Quá trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, nhà phát triển, và các nhà quản lý tại công ty mẹ

KINH NGHIỆM TRÊN THẾ GIỚI VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỪ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Thực trạng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trên thế giới được hình thành từ các trường đại học

Những nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc…, nơi có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, có đến 80 – 85% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ trường đại học. (Đặng Đức Thành, 2023)

Mô hình doanh nghiệp spin-off đã đạt được thành công lớn tại nhiều trường đại học trên thế giới. Ví dụ, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT,Hoa Kỳ), Đại học KU Leuven (Bỉ), Đại học Wageningen (Hà Lan), và Đại học Queensland (Australia) mỗi năm tạo ra khoảng 100-200 doanh nghiệp spin-off, mang lại doanh thu đáng kể và tạo ra nhiều việc làm.

Tại Vương quốc Anh, từ năm 2003 đến 2018, khoảng 3.000 công ty spin-off dựa trên tài sản trí tuệ đã được các trường đại học thành lập. Một nghiên cứu của Công ty Anderson Law năm 2018 cho thấy, 90% công ty spin-off tồn tại hơn 5 năm, tỷ lệ cao hơn so với các công ty khởi nghiệp thông thường. Một ví dụ nổi bật là ARM Holdings, công ty thiết kế vi xử lý cho điện thoại thông minh, được thành lập bởi Đại học Cambridge và được Công ty Softbank (Nhật Bản) mua lại với giá 24 tỷ bảng Anh vào năm 2018 (Phạm Hồng Quất và Phạm Thị Hồng Hạnh, 2021).

Tại Hoa Kỳ, từ năm 1980, Đạo luật Bayh-Dole đã được ban hành, trao quyền sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra từ ngân sách nhà nước cho các trường đại học. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học liên kết với doanh nghiệp để đầu tư và thương mại hóa công nghệ, từ đó giúp mô hình spin-off phát triển nhanh chóng. Trong vòng 20 năm từ 1980 đến 1999, mỗi năm có hơn 200 công ty spin-off được đăng ký thành lập tại hơn 132 trường đại học ở Hoa Kỳ. Các công ty này đã đóng góp 33,5 tỷ USD cho nền kinh tế và tạo ra 280.000 việc làm. Đặc biệt, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford là hai cơ sở đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ, nổi tiếng với việc cho ra đời khoảng 20-30 công ty spin-off mỗi năm để phát triển công nghệ dựa trên nghiên cứu của trường. Tính đến năm 2014, Trường Đại học MIT đã thành lập trên 30.200 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra 4,6 triệu việc làm và tổng doanh thu từ những DN này trên 1.900 tỷ USD/năm (Phạm Hồng Quất và Phạm Thị Hồng Hạnh, 2021).

Tại các quốc gia như Israel, Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất phát triển, với 80-85% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ các trường đại học.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, từ năm 1990, nhiều trường đại học đã chủ động thúc đẩy việc thành lập các doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc sở hữu của trường (University Run Enterprise – URE). Những doanh nghiệp này tích hợp toàn bộ các quá trình từ nghiên cứu, triển khai đến thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong cùng một tổ chức. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách về tư duy và thiết lập các giao dịch khoa học và công nghệ, từ đó thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và khu vực công nghiệp (Phạm Hồng Quất và Phạm Thị Hồng Hạnh, 2021).

Kinh nghiệm trên thế giới về thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ các trường đại học

Ở các quốc gia, để có thể thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo từ các trường đại học thì trước tiên là phải xây dựng, hoàn thiện khung chính sách pháp luật của nhà nước.

Tại Trung Quốc, việc cho phép các nhà khoa học trong trường đại học thành lập các doanh nghiệp spin-off được xem là một phương thức chuyển giao công nghệ hiệu quả.

Sự thay đổi trong quan điểm và cách nhìn nhận của các trường đại học đối với các doanh nghiệp spin-off đã dẫn đến việc thiết lập các cơ chế quản lý phù hợp. Ví dụ, ở Trung Quốc, cải thiện hệ thống bằng sáng chế đã trở thành một thước đo quan trọng để đánh giá và khen thưởng hiệu quả hoạt động của các trường đại học và nhà nghiên cứu.

Bên cạnh đó, ở Anh, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, hệ sinh thái đầu tư xung quanh các trường đại học đã được xây dựng rất thành công. Các đối tác trong hệ sinh thái này thường có chuyên môn về các lĩnh vực công nghệ và sẵn sàng đầu tư, đồng thời giúp kết nối các công ty với nhau. Trong hệ sinh thái này, luôn có hàng chục công ty đầu tư mạo hiểm hoạt động để thu hút nguồn vốn đầu tư. Các hoạt động thương mại hóa trong hệ sinh thái này được điều phối theo cơ chế thị trường.

Vấn đề phân chia lợi ích khi thành lập doanh nghiệp spin-off là rất quan trọng quyết định việc thực hiện thành lập doanh nghiệp spin-off thành công. Nhiều quốc gia như Anh, Hoa Kỳ, một số nước khác thì việc phân chia là do các trường quyết định.

Theo nguyên tắc chung, tài sản trí tuệ thuộc về tổ chức nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, việc xác định quyền sở hữu không phải lúc nào cũng rõ ràng, và các nhà đầu tư cần làm việc với các trường đại học để thỏa thuận về quyền sở hữu. Quyền tự do hợp đồng cho phép sự linh hoạt trong việc này. Vì vậy, mỗi trường đại học có quy trình và quy định riêng để xác định quyền sở hữu tài sản trí tuệ và phân phối quyền sở hữu (cổ phần) trong các công ty spin-off.

Đại học Warwick: Chiếm 1/3 số cổ phần trong công ty spin-off, để lại 1/3 cho nhà nghiên cứu/sáng chế (nhà sáng lập) và 1/3 cho các nhà đầu tư bên ngoài.

Đại học Leeds: Tỷ lệ chia cổ phần là 60/40.

Đại học Oxford: Chiếm 50% cổ phần khi công ty spin-off được thành lập, còn lại 50% thuộc về các nhà nghiên cứu/sáng chế (nhà sáng lập).

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford: Thường yêu cầu khoảng 5% vốn chủ sở hữu từ người sáng lập thông qua khoản đầu tư từ 1-5 triệu USD, cộng với tiền và phí bản quyền về sở hữu trí tuệ (Phạm Hồng Quất và Phạm Thị Hồng Hạnh, 2021).

Trong khi đó, trên 90% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam được thành lập bên ngoài khu vực trường đại học (Đặng Đức Thành, 2023).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP SPIN-OFF TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Thực trạng khởi nghiệp tại các trường đại học ở Việt Nam

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, cả bắt buộc lẫn tự chọn, đã tăng từ 30% vào năm 2020 lên 48% vào năm 2022. 75% cơ sở đào tạo đã tổ chức các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp, và 100% cơ sở đào tạo đã xây dựng các chương trình truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên. Những nỗ lực này đã góp phần đổi mới căn bản phương pháp dạy và học, đồng thời biến môi trường đào tạo thành nơi sáng tạo tri thức mới.

Năm 2022, cả nước có 200 cán bộ tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở đào tạo. 60% các trường đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp theo các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh đào tạo. 90 cơ sở đào tạo đã bố trí không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên (HSSV), và 45 cơ sở đào tạo (chiếm 25% số cơ sở) đã thành lập các trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Trong số đó, 10 trung tâm đã thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Theo Đề án 1665, Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ 23 cơ sở giáo dục đại học tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong 5 năm tổ chức, từ hàng nghìn dự án của HSSV đến từ các địa phương và trường đại học, cao đẳng, ban tổ chức cuộc thi cấp Trung ương đã nhận được tổng số 1.670 dự án từ các cơ sở đào tạo trên toàn quốc. Trong đó, 70% các dự án đã có sản phẩm và 30% là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Tỷ lệ sinh viên tham gia khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp sau 5 năm duy trì ở mức trên 7% mỗi năm (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2023).

Như vậy, nhờ đề án 1665 tinh thần khởi nghiệp của HSSV trong các cơ sở đào tạo đã nâng cao, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đã tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên trong 5 năm tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp từ các dự án của HSSV vẫn còn rất ít.

Thực trạng phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học ở Việt Nam

Để phát triển mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học, cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm:

– Trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ: Đảm nhận vai trò chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu ra thị trường, giúp thương mại hóa các phát minh và công nghệ mới.

– Trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp: Cung cấp hỗ trợ và tài nguyên cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, bao gồm không gian làm việc, huấn luyện, và kết nối với các nguồn lực khác.

– Câu lạc bộ Mentor: Tạo ra mạng lưới cố vấn và hướng dẫn cho các nhà khởi nghiệp, giúp họ nhận được sự hỗ trợ và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành.

– Câu lạc bộ cựu sinh viên: Kết nối các cựu sinh viên với các hoạt động khởi nghiệp và tạo cơ hội hợp tác, đầu tư từ những người đã thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp.

– Các doanh nghiệp và quỹ đầu tư trong và ngoài đại học: Xây dựng quan hệ với các doanh nghiệp và quỹ đầu tư để cung cấp nguồn vốn và cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Xây dựng và duy trì hệ sinh thái này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các trường đại học.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường đại học vẫn chưa có đầy đủ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như chưa có cơ chế hợp tác để khai thác hiệu quả các nguồn lực của hệ sinh thái này cho phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các trường đại học.

Giai đoạn 2016- 2022 ở Việt Nam, chưa tới 10% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập từ các trường đại học, sau gần 8 năm, cả nước chỉ có gần 200 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập từ các trường đại học (Đặng Đức Thành, 2023). Như vậy, về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thành lập từ các trường đại học là rất ít, mà chất lượng cũng không đáp ứng yêu cầu đặt ra.

NHỮNG HẠN CHẾ TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH DOANH NGHIỆP SPIN-OFF TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM

Từ phía Chính phủ

Rào cản lớn nhất đối với sự hình thành và phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off tại các trường đại học ở Việt Nam hiện nay là thiếu các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến mô hình này. Hiện chỉ có những quy định chung, dẫn đến khó khăn cho các trường đại học trong việc thành lập, quản lý và chuyển giao các nguồn lực.

Về các thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ

Kết quả nghiên cứu khoa học sử dụng vốn nhà nước được coi là tài sản công. Theo quy định, quyền quản lý và quyền sử dụng tài sản công phải được Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân khác. Do đó, khi các trường đại học muốn chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học, họ phải nộp hồ sơ và đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau khi nhận được quyết định, đơn vị chủ trì mới có thể tiến hành đàm phán hợp tác hoặc liên kết với doanh nghiệp hoặc tổ chức khác để đầu tư và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. Chính quy định này dẫn đến cơ chế “xin-cho” gây khó khăn cho các trường đại học vì thế không thúc đẩy họ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

Để được giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ, các tài sản này cần phải được định giá làm căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định. Tuy nhiên, việc định giá tài sản trí tuệ là một công việc rất phức tạp, bao gồm cả tài sản hữu hình và vô hình, tài sản trí tuệ, và liên quan đến nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau, đặc biệt là những sản phẩm và công nghệ mới. Định giá tài sản trí tuệ là một thách thức lớn đối với đơn vị chủ trì, do chi phí cao và tính chất phức tạp của công việc. Thậm chí, khi có được kết quả tư vấn từ các chuyên gia hoặc tổ chức định giá, cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể gặp khó khăn trong việc quyết định giá của tài sản vô hình. Do không có thị trường rõ ràng để xác định giá tài sản vô hình, có nguy cơ dẫn đến trách nhiệm về việc thất thoát tài sản công nếu định giá không phù hợp.

Kết quả là, các kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ có thể không được chuyển giao cho doanh nghiệp để thương mại hóa, dù chúng đã được tạo ra với nhiều công sức lao động sáng tạo của nhà nghiên cứu và chi phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Khoản 3 Điều 28 của Nghị định số 70/2018/NĐ-CP quy định về việc phân chia lợi nhuận thu được cho Nhà nước khi tổ chức, cá nhân nhận giao quyền sử dụng để nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghệ, ứng dụng và thương mại hóa kết quả. Theo quy định này, việc phân chia lợi nhuận sẽ được thực hiện dựa trên tỷ lệ vốn nhà nước đã đóng góp vào nhiệm vụ nghiên cứu. Điều này có nghĩa là nếu mức hỗ trợ từ Nhà nước càng cao, thì phần lợi nhuận mà tổ chức, cá nhân phải trả cho Nhà nước cũng sẽ tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, quy định này đặt ra một số thách thức đáng kể đối với các tổ chức chủ trì, bao gồm doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và các nhà khoa học. Cụ thể, việc yêu cầu hoàn trả lợi nhuận cho Nhà nước theo tỷ lệ đóng góp kinh phí có thể không tạo ra động lực tích cực cho các bên liên quan trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thực tế cho thấy, quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ thường đòi hỏi một nguồn vốn đầu tư lớn và có tính rủi ro cao. Nếu các nhà đầu tư và doanh nghiệp phải đối mặt với yêu cầu hoàn trả lợi nhuận cho Nhà nước, họ có thể cảm thấy không được khuyến khích tham gia vào quá trình thương mại hóa này. Hơn nữa, việc Nhà nước yêu cầu thu hồi khoản kinh phí đã đầu tư cho nghiên cứu khi giao quyền sử dụng cũng có thể dẫn đến việc các đơn vị chủ trì không mặn mà trong việc đưa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ vào thương mại hóa. Điều này có thể làm giảm khả năng phát triển các sản phẩm và công nghệ mới, cũng như hạn chế sự tham gia của các nhà nghiên cứu trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu của họ. Khi không có động lực để tiếp tục tham gia vào quá trình này, các nhà nghiên cứu sẽ khó có thể tạo ra doanh thu, lợi nhuận hoặc góp vốn bằng tài sản trí tuệ để thành lập các doanh nghiệp spin-off hoặc spin-out, từ đó làm giảm sự phát triển của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Tóm lại, quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP, mặc dù có mục tiêu tạo ra sự công bằng trong việc chia sẻ lợi nhuận giữa Nhà nước và các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, nhưng lại có thể tạo ra những rào cản trong việc khuyến khích sự phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Cần có những điều chỉnh hợp lý để đảm bảo rằng các tổ chức và cá nhân có động lực tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế.

Về cơ chế quản lý viên chức tham gia thành lập doanh nghiệp trong các cơ sở nghiên cứu, đào tạo

Luật Doanh nghiệp 2020 cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm cả các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, có quyền thành lập doanh nghiệp nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng như tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Luật Viên chức, viên chức làm việc tại các trường đại học công lập không được phép tham gia vào việc quản lý và điều hành doanh nghiệp, mà chỉ có thể góp vốn để thành lập doanh nghiệp. Điều này tạo ra một rào cản lớn cho cán bộ quản lý tại các trường đại học công lập, khiến họ không thể tham gia vào việc quản lý và điều hành các công ty spin-off liên kết với đơn vị của mình. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp và nhà đầu tư thường mong muốn tham gia vào việc thành lập công ty spin-off với sự bảo đảm về uy tín và trách nhiệm quản lý từ các cán bộ quản lý viện, trường. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: nếu họ muốn trở thành giám đốc điều hành của công ty spin-off, họ sẽ phải từ bỏ vị trí hiện tại của mình. Quy định này không chỉ không khuyến khích mà còn có thể làm giảm động lực của đội ngũ cán bộ có năng lực tại các viện, trường, đặc biệt là những người đã tham gia vào các đề án nghiên cứu, trong việc tham gia vào hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ cùng với doanh nghiệp. Sự thiếu hụt động lực này có thể dẫn đến việc giảm thiểu sự phát triển của các sản phẩm và công nghệ mới, đồng thời hạn chế khả năng hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và khu vực tư nhân. Để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, cần có những điều chỉnh hợp lý trong quy định hiện hành, nhằm tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý và nhà nghiên cứu tham gia tích cực hơn vào quá trình này.

Từ các trường đại học

Các trường đại học tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ. Thực tế cho thấy, phần lớn các trường đại học chỉ tập trung vào hoạt động đào tạo mà chưa chú trọng đến việc phát triển các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Theo nghiên cứu của Phương và Huỳnh, trong khi một số trường đại học đã triển khai các hoạt động nghiên cứu mạnh mẽ, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu chủ yếu diễn ra trong các lĩnh vực kỹ thuật, còn các lĩnh vực khác như kinh tế gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện (Phương & Huỳnh, 2022).

Vì thế các trường đại học chưa chú trọng vào việc tăng cường kết nối các nguồn lực để thành lập được các công ty spin-off thành công như tại các nước tiên tiến.

Ngoài ra, các trường đại học tại Việt Nam còn đối mặt với sự thiếu hụt về nguồn lực con người, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, nguồn lực về cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu, như các khu vực chế thử và sản xuất thử nghiệm, điều này gây khó khăn trong việc phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, cũng như trong việc hoàn thiện và kiểm thử sản phẩm trước khi tiến hành thương mại hóa. Kết quả là, nhiều thành quả từ các nghiên cứu khoa học không được ứng dụng vào thực tiễn, dẫn đến việc chúng bị lãng quên và không mang lại giá trị thiết thực cho xã hội (Vuong và Nguyen, 2024).

Hơn nữa, khi áp dụng mô hình doanh nghiệp spin-off, các trường đại học vẫn gặp phải một số vướng mắc liên quan đến việc phân chia lợi nhuận thu được từ hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến động lực tham gia của các nhà nghiên cứu mà còn cản trở sự phát triển bền vững của các sản phẩm và dịch vụ mới trong môi trường học thuật. Để khắc phục những hạn chế này, cần có những chính sách và chiến lược rõ ràng nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ chuyên gia, cải thiện cơ sở vật chất, cũng như tạo ra một khung pháp lý thuận lợi cho việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. Nếu phân chia lợi nhuận phù hợp hơn sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu và sinh viên thực hiện các nghiên cứu có tính ứng dụng cao hơn, cũng như tạo động lực để họ nghiên cứu nhiều hơn.

Các trường đại học ở Việt Nam còn hạn chế về mô hình thành lập các doanh nghiệp spin-off, vì thế các trường đại học bị vướng mắc trong cơ chế tổ chức, quản lý viên chức tham gia thành lập doanh nghiệp spin-off. Chưa có sự phối hợp chủ động từ nhà trường tới doanh nghiệp, vì thế các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bị thiếu thông tin, dẫn tới sự hỗ trợ khởi nghiệp của các bên liên quan và huy động nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp spin-off chưa hiệu quả.

Nhiều trường đại học tại Việt Nam hiện đang thiếu hụt một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khi phần lớn chỉ có các đơn vị như “Phòng Quản lý Nghiên cứu” hoặc “Phòng Khoa học Công nghệ”, chủ yếu tập trung vào việc quản lý các đề tài nghiên cứu được Nhà nước tài trợ. Điều này cho thấy sự thiếu hụt trong tư duy nghiên cứu định hướng thị trường và tư duy thiết kế, những yếu tố cốt lõi của đổi mới sáng tạo. Hơn nữa, các trường đại học cũng chưa có các tổ chức trung gian chuyên nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, như Văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), văn phòng cấp phép li-xăng (TLO), doanh nghiệp thuộc trường đại học, Vườn ươm, và Trung tâm Đổi mới sáng tạo.

NHỮNG KHUYẾN NGHỊ THÚC ĐẨY CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC THAM GIA TÍCH CỰC VÀO HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà một đại học khởi nghiệp cần phải có gồm những yếu tố cơ bản sau: Trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ; Trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp; Câu lạc bộ Mentor; câu lạc bộ cựu sinh viên; Các doanh nghiệp, quỹ đầu tư trong và ngoài đại học.

Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần có sự đồng bộ từ nhiều yếu tố, bao gồm hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và nguồn lực con người. Một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lý tưởng sẽ bao gồm sự tham gia của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường đại học, cùng với sự đóng góp của sinh viên và giảng viên.

Khuyến nghị đối với các trường đại học

Các trường đại học có thể được xem là môi trường lý tưởng để phát triển các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ, nhờ vào khả năng khai thác tài sản trí tuệ và các kết quả nghiên cứu để phát triển thành những mô hình kinh doanh mới. Để thực hiện điều này, trước tiên, các trường đại học cần phải đổi mới sáng tạo trong giáo dục và đào tạo, nhằm cung cấp cho xã hội những nguồn nhân lực được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Các trường đại học cũng cần phải chủ động hội nhập tốt hơn vào hệ thống thị trường, phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường, cũng như nghiên cứu mang tính ứng dụng, giải quyết bài toán cụ thể cho thị trường, mang lại giá trị cho xã hội.

Trường đại học là nơi có thể kết hợp các nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những nguồn lực gồm: Giảng viên, sinh viên, các nhà nghiên cứu, cựu sinh viên, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức trực thuộc như là trung tâm thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, trung tâm ươm tạo và khởi nghiệp… Ngoài ra, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công và mang lại hiệu quả cao thì các trường đại học cũng phải chủ động hơn trong việc hợp tác với khu vực tư nhân nhằm tận dụng các nguồn lực hạn chế của mình nhằm thu hút thêm nguồn lực tư nhân và cộng đồng, cũng như kết nối các nguồn lực hiệu quả để giúp các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ từ các trường đại học có thể phát triển thành doanh nghiệp thành công.

Khuyến nghị đối với Nhà nước

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy môi trường thể chế sẽ quyết định phần lớn mô hình chuyển giao công nghệ mới tại các trường đại học có thành công, hiệu quả và có mang lại lợi ích cho xã hội:

Đề xuất thứ nhất là Nhà Nước hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp spin-off từ các trường đại học tại Việt Nam.

  • Hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các chủ sở hữu tài sản trí tuệ, như vậy sẽ thúc đẩy các nhà nghiên cứu thực hiện những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao cho xã hội và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

  • Nên trao quyền sở hữu tài sản trí tuệ cho đơn vị chủ trì. Và quy định rằng tài sản trí tuệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước sẽ thuộc quyền sở hữu của đơn vị chủ trì (các viện, trường). Điều này sẽ là cơ sở và tạo động lực cho các trường đại học chủ động, thuận lợi trong thủ tục chuyển giao khi thành lập các doanh nghiệp spin-off để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

  • Nên cho phép viên chức tham gia quản lý doanh nghiệp. Và cần bổ sung quy định cho phép viên chức tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo công lập được tham gia quản lý và điều hành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Điều này sẽ thúc đẩy khả năng thương mại hóa các nghiên cứu của họ và tăng cường sự kết nối giữa nghiên cứu và thực tiễn.

Thứ hai, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho các trường đại học khởi nghiệp và các doanh nghiệp spin-off được thành lập từ các trường:

  • Khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo.

  • Cụ thể,Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ cao cho những nghiên cứu mang tính ứng dụng, đặc biệt là từ các tài năng trẻ tại các trường đại học. Điều này sẽ tạo động lực cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia vào các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

  • Hỗ trợ phát triển ý tưởng sáng tạo. Cụ thể, Nhà nước nên có chính sách đặc biệt để hỗ trợ các trường đại học và doanh nghiệp spin-off trong việc phát triển ý tưởng sáng tạo thành sản phẩm thương mại hóa. Các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn sẽ giúp các doanh nghiệp này vượt qua những khó khăn ban đầu và phát triển bền vững.

  • Chính phủ nên tăng tài trợ cho chương trình chuyển giao công nghệ và thành lập doanh nghiệp spin-off, sau đó tiếp tục cấp vốn cho các trường đại học khởi nghiệp đã thành lập doanh nghiệp spin-off và sẵn sàng chuyển sang giai đoạn thương mại hóa.

  • Ngoài ra, sau khi các công ty khởi nghiệp hoàn thành thành công thì cũng nên được xem xét đặc biệt để tiếp cận các hỗ trợ khác như các chương trình vay ưu đãi./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023), Bộ Giáo dục làm bộ tiêu chí đánh giá đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, truy cập từ https://dantri.com.vn/giao-duc/bo-giao-duc-lam-bo-tieu-chi-danh-gia-dai-hoc-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-20231030182630985.htm.

2. Phạm Hồng Quất và Phạm Thị Hồng Hạnh (2021), Chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Mô hình doanh nghiệp KH&CN dạng khởi nguồn từ viện nghiên cứu, trường đại học, truy cập từ https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/20792/chinh-sach-thuc-day-doi-moi-sang-tao–mo-hinh-doanh-nghiep-khcn-dang-khoi-nguon-tu-vien-nghien-cuu–truong-dai-hoc.aspx.

3. Đặng Đức Thành (2023), Đại học khởi nghiệp: Xu thế của thế giới, https://tphcm.chinhphu.vn/dai-hoc-khoi-nghiep-xu-the-cua-the-gioi-101231123184354325.htm

4. Vuong, Q. H., Nguyen, M. H. (2024). Further on informational quanta, interactions, and entropy under the granular view of value formation. https://books.google.com/books/about?id=vy4ZEQAAQBAJ

Ngày nhận bài: 10/9/2024; Ngày phản biện: 25/9/2024; Ngày duyệt đăng: 15/10/2024