Dân khiếu nại đúng, nhưng chưa thấy “điểm mặt” cơ quan nào sai

“Qua xem xét bước đầu các báo cáo cho thấy, việc thực hiện trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, được dư luận quan tâm đã được xử lý, giải quyết kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, một số tỉnh đã gửi báo cáo nhưng chưa đúng, chưa đủ nội dung theo đề cương, biểu mẫu yêu cầu của Đoàn giám sát…”, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại buổi làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 01/7/2016-01/7/2021.

Nếu không đổi mới, cải tiến, thì giám sát sẽ không hiệu quả…
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, phần lớn các báo cáo còn nêu chung chung. Ảnh: QH

Theo ông Bình, đến ngày 10/2, Đoàn giám sát đã nhận được 21/21 báo cáo của các Bộ, ngành Trung ương, 63/63 báo cáo của UBND tỉnh, thành phố và Toà án nhân dân cấp tỉnh; 48/63 Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; 46/63 báo cáo của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

“Về tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, phần lớn các báo cáo còn nêu chung chung, chưa nêu cụ thể số ngày phải tiếp định kỳ theo quy định, chưa đánh giá đầy đủ trách nhiệm, hiệu quả tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhiều đơn vị báo cáo tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền đạt rất cao, thậm chí đạt 100%, chênh lệch khá nhiều so với tỷ lệ giải quyết nêu tại báo cáo tổng kết hàng năm của chính đơn vị. Báo cáo của các địa phương có nêu số vụ việc công dân khiếu nại đúng, tố cáo đúng chiếm tỷ lệ trên 6%, đúng một phần chiếm tỷ lệ khoảng 20%, nhưng lại chưa nêu cụ thể sai sót của cơ quan hành chính các cấp, chưa nêu việc xử lý trách nhiệm, hình thức xử lý thuộc cấp nào, ngành nào…”, ông Bình thẳng thắn.

“Nếu không đổi mới, cải tiến, thì giám sát sẽ không hiệu quả…”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc. Ông đề nghị Đoàn giám sát họp đánh giá sơ bộ tiến độ triển khai thực hiện theo kế hoạch chi tiết, mục tiêu, yêu cầu bám sát Nghị quyết của Quốc hội, rà soát phân công phân nhiệm vụ cụ thể từng thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc, cá thể hóa trách nhiệm, bám sát theo từng lĩnh vực…

Nếu không đổi mới, cải tiến, thì giám sát sẽ không hiệu quả…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, các Đoàn giám sát lần này của Quốc hội và UBTVQH phải coi đây như là các “chiến dịch” để từ đó xác định cách thức “tác chiến” như thế nào để có được kết quả thắng lợi. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát có văn bản đôn đốc việc lập và gửi báo cáo của các cơ quan, địa phương đến Đoàn giám sát, trong đó, đặc biệt nhắc nhở đến Thanh tra Chính phủ – cơ quan chủ trì giúp Chính phủ trong lĩnh vực này nhưng báo cáo sơ sài, không đáp ứng yêu cầu…

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng từ thực tiễn giải quyết một số vụ việc nổi cộm trước đây tại Hà Nội như: vụ bãi rác Sóc Sơn, 8B Lê Trực, tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông …, nhờ sự vào cuộc thực chất, bám sát thực tiễn nên khiếu nại, tố cáo được giải quyết triệt để. Những vụ việc còn dang dở, kéo dài cần được giám sát, thì tìm hiểu nguyên nhân do đâu, có phải cơ quan chức năng không quan tâm giải quyết đơn thư hay giải quyết hình thức. Do đó, giám sát cần lưu ý tình trạng loạn đơn, đơn chuyển lòng vòng, đơn kéo dài, đơn vượt cấp, những đơn thư bất thường… Giám sát lần này của Quốc hội, UBTVQH phải thực sự tạo được sự chuyển biến, hiệu lực, hiệu quả, thực chất, có ý nghĩa tác động cho cả nhiệm kỳ Quốc hội.

Để bảo đảm chất lượng giám sát, Chủ tịch Quốc hội quan tâm đến những vấn đề nổi lên thời gian gần đây có nguy cơ trở thành khiếu nại, tố cáo phức tạo như vấn đề đất đai (bỏ cọc đấu thầu, cố tình không thực hiện hợp đồng mua bán đất đai, hợp đồng hứa mua hứa bán…, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, tình trạng người bị thiệt hại trở thành người vi phạm); thời kì hậu Covid-19 cũng phát sinh nhiều vấn đề tranh chấp hợp đồng dân sự.

“Giám sát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đưa ra kiến nghị từ lập pháp, cơ chế đến tổ chức thực hiện, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cá thể hóa trách nhiệm, làm kỹ, làm rõ các nội dung…”, Người đứng đầu Quốc hội yêu cầu./.