TS. Nguyễn Xuân Đông, Học viện Ngoại giao

Email: Dongnx@dav.edu.vn

ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam, Học viện Ngoại giao

Email: lamntt@dav.edu.vn

Tóm tắt

Ngành công nghiệp bán dẫn đang thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sau cuộc chiến bán dẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong những năm gần đây. Đây là thời cơ để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Bài viết phân tích xu hướng và các yếu tố ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện nay, cuộc chiến bán dẫn Hoa Kỳ – Trung Quốc và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ, Nhật Bản nhắm tới ngành công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó, đưa ra một số hàm ý chính sách để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Từ khóa: công nghiệp bán dẫn, hàm ý chính sách bán dẫn, Việt Nam

Summary

The semiconductor industry has attracted the attention of many countries worldwide, especially after the semiconductor war between the United States and China in recent years. It is an opportunity for Vietnam to participate in the global value chain of the semiconductor industry. The article analyzes the trends and factors affecting the current global semiconductor industry, the US-China semiconductor war, and the export control measures of the United States and Japan targeting the semiconductor industry. On that basis, the article proposes some policy implications for Vietnam to develop the semiconductor industry.

Keywords: semiconductor industry, semiconductor policy implications, Vietnam

GIỚI THIỆU

Chip bán dẫn là một sản phẩm vi mạch để khởi động điện thoại thông minh, máy vi tính, ô tô, trung tâm dữ liệu, phần cứng thiết bị viễn thông, hệ thống vũ khí… Đặc trưng của ngành bán dẫn là có 2 loại chi phí cố định: Một là, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) bao gồm đổi mới sản phẩm và công đoạn để chế tạo ra sản phẩm mới và tác động học hỏi thông qua thực hành để sản xuất các sản phẩm hiện có một cách hiệu quả hơn; Hai là, chi phí vốn để mua sắm trang thiết bị. Để sản xuất bán dẫn, cần phải xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn. Các nhà máy này thường được gọi là “fabs” hoặc “foundries” với tổng chi phí lên đến hơn 10 tỷ USD, đòi hỏi các trang thiết bị phải siêu sạch và phải thiết kế phù hợp với các thiết bị đặc thù. Tỷ trọng chi phí R&D chiếm trong tổng doanh thu của ngành bán dẫn Hoa Kỳ ở mức cao thứ hai (sau ngành dược phẩm) và tỷ trọng chi phí vốn để mua sắm trang thiết bị cũng cao thứ hai (sau ngành năng lượng thay thế). Theo báo cáo năm 2020 của SIA, mỗi loại chi phí cố định này đều chiếm hơn 10% doanh thu hàng năm của ngành bán dẫn (SIA, 2020).

Sản phẩm chủ đạo của ngành bán dẫn hiện nay là mạch tích hợp (IC) chiếm tới hơn 80% doanh số toàn ngành bán dẫn năm 2019. Hai loại mạch tích hợp chiếm tới 50% doanh thu bán dẫn toàn cầu là bộ xử lý và bộ nhớ (mỗi loại chiếm 25%). Bộ xử lý có tầm quan trọng hàng đầu có thể ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo và đồ họa. Bộ xử lý bao gồm các bộ vi xử lý và bộ xử lý trung tâm trong điện thoại thông minh hoặc máy vi tính. Bộ nhớ có vai trò quan trọng trong việc lưu trữ thông tin. Với mục đích sử dụng cuối cùng, sản phẩm bán dẫn bao gồm: thiết bị viễn thông, máy vi tính và các thiết bị điện tử khác chiếm tới 75% tổng lượng tiêu dùng bán dẫn; 25% còn lại được sử dụng trong lĩnh vực cơ giới, công nghiệp và chính phủ.

Phân khúc ngành bán dẫn được nghiên cứu rộng rãi nhất là bộ nhớ, đặc biệt là bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (RAM động). Theo nghiên cứu của Irwin và Klenow (1994) về 7 thế hệ RAM động do 32 hãng sản xuất tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu và Hàn Quốc trong giai đoạn 1974-1992, tỷ lệ học hỏi trung bình đạt khoảng 20%, nghĩa là chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm khoảng 20% mỗi khi tăng sản lượng lên gấp đôi. Trong giai đoạn này, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) diễn ra mạnh mẽ, nhưng chuỗi cung ứng chưa được chuyên môn hóa sâu trên phạm vi toàn cầu so với giai đoạn hiện nay (Baldwin and Krugman (1987); Dick (1991); Gruber (1996)). Mặc dù vậy, nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng, tác động học hỏi đã diễn ra ở doanh nghiệp ngoài biên giới và các doanh nghiệp ở các nước khác đã học hỏi được công nghệ bán dẫn. Bài nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích tình hình ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện nay và đưa ra một số hàm ý chính sách để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

XU HƯỚNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN HIỆN NAY

Ngành bán dẫn toàn cầu đã có nhiều thay đổi trong suốt 40 năm kể từ tranh chấp thương mại Hoa Kỳ – Nhật Bản. Trong năm 1980 và 2020, 6 doanh nghiệp hàng đầu đều có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhưng chỉ có 2 doanh nghiệp là Intel và Texas Instruments đều rơi vào Top 10 trong giai đoạn này. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã rất nổi bật trong ngành trong thập niên 1990, nhưng đến năm 2020, thì không có doanh nghiệp Nhật Bản nào nằm trong Top 10, mà các vị trí này đã được thay thế bởi các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu về doanh thu ngành bán dẫn trong năm 2020, nhưng dưới 15% năng lực sản xuất của thế giới đặt tại Hoa Kỳ (Varas và cộng sự, 2020).

Hai mô hình kinh doanh chủ yếu là nền tảng cho ngành bán dẫn toàn cầu. Mô hình thứ nhất, đó là IDM (hãng sản xuất thiết bị mạch tích hợp). Chẳng hạn như Intel tiếp tục tự mình thiết kế và chế tạo chíp bán dẫn để bán cho các công ty sử dụng ở hạ nguồn chuỗi cung ứng. Micron đã lớn mạnh từ một doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chíp bộ nhớ. Các mô hình IDM khác còn có Samsung. Hãng này duy trì thiết bị điện tử tiêu dùng hạ nguồn như một phần của mô hình kinh doanh của mình, nhưng vẫn bán chíp bán dẫn cho các công ty khác sử dụng. Một mô hình kinh doanh khác nổi bật trong thập niên 1980, đó là các doanh nghiệp “ sản xuất nội bộ” như: IBM, AT&T. Các doanh nghiệp này thiết kế và chế tạo bán dẫn phục vụ trước tiên cho tiêu dùng nội bộ. Tuy nhiên, mô hình này không còn ưa chuộng trong giai đoạn hiện nay.

FDI là một lý do tại sao mà sản phẩm bán dẫn của doanh nghiệp đóng tại Hoa Kỳ chưa bao giờ hiện diện tại Hoa Kỳ. Xu hướng này không mới. Trong thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, một số vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm bán dẫn của EU và Nhật Bản đã được các chi nhánh sở tại của các công ty Hoa Kỳ khởi xướng. Năm 2019, hơn 55% năng lực sản xuất tấm silicon của các doanh nghiệp đóng trụ sở tại Hoa Kỳ được đặt bên ngoài lãnh thổ, chủ yếu ở Singapore, Đài Loan, châu Âu và Nhật Bản. Ngược lại, một số hãng hoạt động theo mô hình IDM, như Samsung, lại tiến hành xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn và sản xuất chíp bán dẫn tại Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ còn làm tăng doanh thu toàn cầu mà không cần sản xuất ngay trong nước bằng cách sử dụng mô hình “fabless-foundry”. Đây là mô hình nhà máy bán dẫn, nhưng không chế tạo. Các công ty “không chế tạo” kiểu như: Broadcom, Qualcom và Nvidia, chỉ thực hiện thiết kế, marketing và bán chíp bán dẫn. Các công ty này không cần sở hữu hoặc vận hành nhà máy chế tạo chíp bán dẫn, mà họ thuê hợp đồng bên ngoài đối với hoạt động sản xuất tấm silicon với các nhà máy chế tạo bán dẫn, như: TSMC, SMIC và GlobalFoundries. Thậm chí, đến cuối thập niên 2000, mô hình kinh doanh này đã đủ trưởng thành với kết quả là các hãng không chế tạo, như: Qualcom và nhà máy chế tạo bán dẫn TSMC lọt vào Top 10 về doanh thu toàn cầu. Dù không hoàn toàn chế tạo bán dẫn, nhưng các doanh nghiệp Hoa Kỳ lại giữ vị trí chủ đạo trong mô hình kinh doanh này. Các công ty thiết kế bán dẫn đóng trụ sở tại Hoa Kỳ chiếm tới 65% doanh thu toàn cầu của các công ty không chế tạo vào năm 2019.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN XU HƯỚNG CHÍNH SÁCH NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN HIỆN NAY

Có 4 yếu tố của chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng đến diễn biến chính sách ngày nay. Mỗi yếu tố đều liên quan đến cả mô hình kinh doanh IDM và mô hình nhà máy không chế tạo. 3 yếu tố đầu tiên đều liên quan đến các yếu tố đầu vào.

Tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) là một phần mềm cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn. Các công ty đóng trụ sở ở Hoa Kỳ, như: Synopsys, Cadence Design Systems và Mentor Graphics bán hoặc cấp phép dịch vụ phần mềm của mình cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ và nước ngoài khác làm yếu tố đầu vào cho ngành bán dẫn. 3 công ty này của Hoa Kỳ chiếm thị phần tới 85% thị trường EDA toàn cầu (Varas và cộng sự, 2020).

Yếu tố đầu vào quan trọng tiếp theo, đó là thiết bị vốn chuyên dụng phục vụ nhà máy chế tạo bán dẫn. 3 công ty đóng trụ sở tại California là: Applied Materials, Lam Research và KLA-Tencor ước tính chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu. ASML (Hà Lan) và Tokyo Electron (Nhật Bản) chiếm khoảng 1/3 thị phần toàn cầu. Các báo cáo phân tích ngành bán dẫn chỉ ra rằng, mặc dù các con số này có thể đánh giá chưa xứng tầm tập trung ngành, nhưng mỗi chủng loại thiết bị đều có một nhà cung cấp chính yếu trên thị trường, chiếm hơn 50% thị phần toàn cầu. Điển hình là thiết bị in thạch bản có chi phí hơn 120 triệu USD với nhà cung cấp chính là ASML chiếm 75% thị phần toàn cầu. Mức độ tập trung ngành chỉ thấp hơn ở một số thiết bị chuyên dụng trong ngành để kết tụ hóa học trong pha hơi, khắc và kiểm soát gia công.

Yếu tố đầu vào thứ 3, đó là hóa chất và vật liệu chuyên dụng. Các nhà máy chế tạo bán dẫn cần kết hợp vật liệu này với thiết bị vốn để sản xuất tấm silicon (Goodman, Kim và VerWey, 2019). Chẳng hạn như thiết bị quang khắc sử dụng chất cản quang, thiết bị khắc sử dụng hydro florua. Ngoài số liệu thương mại ra, ít người biết đến tính chất cạnh tranh trong lĩnh vực này của chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp hóa chất của Nhật Bản, như: Tokyo Ohka Kogyo, JSR và Shin-Etsu Chemical là những nhà cung cấp chủ yếu trên thị trường, cũng như một số doanh nghiệp của Hoa Kỳ (Dow Chemical và Dupont), Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.

Phần cuối của chuỗi giá trị là công đoạn sau khi tấm silicon được các nhà máy chế tạo bán dẫn hoặc hãng IDM sản xuất. Đó là lắp ráp hoàn thiện, thử nghiệm và đóng gói tấm silicon vào chíp bán dẫn. Phần đầu của chuỗi giá trị được tách ra từ hoạt động chế tạo vào thập niên 1960. Phần lớn doanh nghiệp trong phân khúc này được đặt tại khu vực châu Á. Phân khúc này còn được gọi là OSAT (lắp ráp và thử nghiệm thuê ngoài). Các doanh nghiệp nổi bật, đó là ASE (Đài Loan), JCET (Trung Quốc) và UTAC (Singapore). Công ty Amkor của Hoa Kỳ có doanh thu lớn thứ 2 toàn cầu. Công ty này có nhà máy tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines và Đài Loan. Phân khúc này mang lại 6% doanh thu toàn cầu của ngành bán dẫn.

Sự kết hợp của những diễn biến về kinh tế, chính sách và công nghệ từ thập niên 1980 về cơ bản đã dịch chuyển ngành công nghiệp bán dẫn ra khỏi hình thức doanh nghiệp “sản xuất phục vụ nội bộ” tích hợp theo chiều dọc, vượt xa hình thức liên kết giữa các hãng chế tạo mạch tích hợp IDM sang hẳn mô hình nhà máy bán dẫn phi chế tạo. Chi phí của nhà máy chế tạo bán dẫn với công nghệ hiện đại nhất có thể lên tới 10 tỷ USD, vì vậy, các hãng sản xuất có thể bù đắp chi phí vốn bằng cách hợp tác với nhiều doanh nghiệp thiết kế phi chế tạo. Doanh nghiệp thâm nhập vào công đoạn thiết kế bán dẫn là do sự sẵn có của vốn liên doanh, cũng như môi trường chính sách hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình thực hiện Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ) (Thurk, 2020). Sự cắt giảm hàng rào thương mại, chính sách khuyến khích FDI và sự khác biệt về mức sử dụng kỹ năng trong chuỗi cung ứng làm cho lợi thế so sánh có vai trò quan trọng trong việc phân khúc ngành bán dẫn xuyên biên giới quốc gia.

BÁN DẪN LÀ TRUNG TÂM CỦA CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI HOA KỲ – TRUNG QUỐC

Tái cơ cấu kinh tế và chính trị của ngành bán dẫn đã dẫn đến 2 thay đổi lớn từ năm 2017: (i) Nhà hoạch định chính sách nhắm xa hơn biện pháp thuế quan và trợ cấp mà hướng tới các công cụ chính sách hoàn toàn mới; (ii) Các chính sách thường được ban hành trái ngược với mong muốn rõ ràng của ngành bán dẫn.

Vào năm 2017, Chính phủ Hoa Kỳ đã tự khởi xướng một cuộc điều tra đối với thực hành thương mại không công bằng của Trung Quốc theo Điều khoản 301, Luật Thương mại 1974 (Cách thức tương tự đã dẫn tới Thỏa thuận Thương mại Bán dẫn Hoa Kỳ – Nhật Bản năm 1986). Vụ việc năm 2017 điều tra các ngành công nghiệp của Trung Quốc có bổ sung thêm ngành bán dẫn cho thấy một mối quan ngại liên quan đến ngành bán dẫn.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) năm 2018 đã ban hành 2 báo cáo nêu rõ nội dung khiếu kiện. Theo nội dung báo cáo, ngoài việc trợ cấp, Trung Quốc còn yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài tham gia liên doanh với doanh nghiệp Trung Quốc dẫn đến việc chuyển giao công nghệ dưới giá thị trường hoặc ép buộc từ chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ để đổi lấy tiếp cận thị trường Trung Quốc. Các cáo buộc khác còn cho rằng có gián điệp công nghiệp nhà nước bảo trợ và ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ.

Trên cơ sở kết quả điều tra, năm 2018, Hoa Kỳ đã đánh thuế suất 25% đối với bán dẫn nhập khẩu từ Trung Quốc. Bán dẫn là sản phẩm đầu tiên trong số nhiều vòng thuế quan mới mà Hoa Kỳ đã đánh vào hơn 350 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tính đến tháng 9/2019. Trung Quốc trả đũa bằng cách đánh thuế nhập khẩu đối với gần 100 tỷ USD hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ trong năm 2018 và 2019. Biện pháp trả đũa này cố tình lảng tránh mục tiêu nhắm tới mạch tích hợp hoặc thiết bị sản xuất bán dẫn.

Mặc dù ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ chia sẻ quan ngại về chính sách của Trung Quốc, nhưng ngành vẫn phản đối mạnh mẽ hành vi thuế quan của Hoa Kỳ. Động thái này hoàn toàn khác với giai đoạn trước kia, khi đó biện pháp hạn chế thương mại của Hoa Kỳ áp dụng với hàng bán dẫn nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là đáp ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Vào tháng 02/2020, Hoa Kỳ và Trung Quốc thực hiện Thỏa thuận Giai đoạn 1, được xem như là một thỏa thuận đình chiến tạm thời, bởi vì thỏa thuận không dỡ bỏ thuế quan mới áp dụng của các bên, mà các biện pháp thuế quan mới này được đánh vào 450 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương. Tuy nhiên, thỏa thuận này bao gồm một yếu tố khiến liên tưởng tới Thỏa thuận Hoa Kỳ – Nhật Bản năm 1986. Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong năm 2020, 2021 và chíp bán dẫn cũng như thiết bị chế tạo bán dẫn cũng nằm trong danh mục hàng hóa và dịch vụ của thỏa thuận. Mục tiêu thể hiện bằng con số chính xác đối với ngành bán dẫn không được công khai, nhưng việc mua hàng của Trung Quốc kể từ tháng 10/2020 đã tăng lên so với các sản phẩm khác nằm trong danh mục hàng hóa và dịch vụ của Thỏa thuận. Điều này phản ánh các diễn biến chính sách khác mà không phải là việc tuân thủ Thỏa thuận Giai đoạn 1.

KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU CỦA HOA KỲ

Kiểm soát xuất khẩu bán dẫn của Hoa Kỳ

Kể từ năm 2019, Hoa Kỳ đã áp dụng một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn. Chính sách đầu tiên dựa trên cơ sở quan ngại về an ninh quốc gia đối với cơ sở hạ tầng chính yếu. Biện pháp kiểm soát xuất khẩu hướng tới Công ty Huawei, doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc có doanh thu toàn cầu ngang Microsoft’s. Mặc dù chính sách có diễn biến leo thang, nhưng vấn đề của Chính phủ Hoa Kỳ với Công ty Huawei lại xuất hiện từ ít nhất là giữa thập niên 2000 (Bown, 2020).

Huawei đã trở thành nhà cung cấp hàng đầu toàn cầu đối với 2 dòng sản phẩm vào năm 2019. Đây là 2 dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ. Huawei là hãng cung cấp điện thoại thông minh lớn chiếm tới 20% thị phần toàn cầu. Hoạt động kinh doanh khác của Huawei là cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông bao gồm cả thiết bị mạng 5G của nhiều quốc gia. Hạ tầng này vô cùng quan trọng cho phép phẫu thuật từ xa, phương tiện giao thông tự lái và kết nối vạn vật.

Chính phủ Hoa Kỳ đã có ít nhất 2 quan ngại đối với thiết bị của Huawei. Thứ nhất, Luật An ninh quốc gia của Trung Quốc có thể ép buộc công ty thu thập và giao lại cho Chính phủ Trung Quốc những dữ liệu nước ngoài, như: thông tin cá nhân, doanh nghiệp, chính phủ hoặc quân sự, mà những thông tin này có thể chảy qua thiết bị mạng của Huawei. Thứ hai, tính năng và độ tin cậy của thiết bị chi phí rẻ của Huawei gây một mối lo rằng, mạng có thể dễ bị tổn thương trước sự tấn công của các hacker độc lập.

Báo cáo năm 2019 nộp lên Chính phủ Anh cho rằng, “các công đoạn phát triển và hỗ trợ của Huawei hiện không góp phần quản lý rủi ro an ninh dài hạn, mà hiện nay, Ban Giám sát đã không còn thấy tin tưởng vào khả năng của Huawei trong việc giải quyết vấn đề này”. Đáp lại, chính phủ các nước, như: Hoa Kỳ, Anh, Úc, Pháp và Thụy Điển lần lượt quyết định phản đối mua thiết bị của Huawei làm mạng 5G của quốc gia mình.

Trong một loạt động thái, vào tháng 01/2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã tố cáo Huawei ăn cắp công nghệ của Hoa Kỳ, rửa tiền và hỗ trợ Iran lẩn tránh các chế tài liên quan đến phổ cập vũ khí hủy diệt hàng loạt. Huawei đã phủ nhận cáo buộc này. Tuy nhiên, bản cáo trạng này trở thành cơ sở pháp lý cho Chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sau đó.

Đối tượng của biện pháp kiểm soát xuất khẩu năm 2019 của Hoa Kỳ: Chíp bán dẫn và phần mềm

Hoa Kỳ công bố biện pháp kiểm soát xuất khẩu đầu tiên vào tháng 5 và tháng 8/2019 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ bổ sung thêm Huawei và công ty con vào Danh mục Thực thể. Theo quy định pháp luật của Hoa Kỳ, Danh mục Thực thể là một bảng kê chính thức các công ty nước ngoài, trong đó việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các công ty này mà không có giấy phép do Chính phủ chỉ định sẽ là bất hợp pháp (Whang, 2019). Ngừng cung cấp các yếu tố đầu vào sản xuất tại Hoa Kỳ cho Huawei phục vụ sản xuất chíp bán dẫn, ngừng cung cấp công cụ EDA (tự động hóa thiết kế điện tử) cho công ty con chuyên thiết kế chíp của Huawei (HiSilicon) để ngăn chặn mọi tiếp cận một cách gián tiếp tới thị trường bán dẫn là một nỗ lực để làm tê liệt hoạt động sản xuất thiết bị 5G của Huawei. Về lý thuyết, hành động này sẽ nhường lại thị trường cho các công ty, như: Ericsson, Nokia và Samsung, là những công ty không hề có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Có 2 vấn đề phát sinh đối với biện pháp kiểm soát xuất khẩu Hoa Kỳ. Vấn đề đầu tiên liên quan đến kinh tế. Việc hạn chế doanh thu bán hàng bán dẫn của Hoa Kỳ không đe dọa an ninh quốc gia Hoa Kỳ, thì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu lại quá rộng. Huawei là một công ty đa sản phẩm. Nếu quan tâm của Huawei chỉ đến từ trạm gốc (base station) của mình, thì việc ngừng cung cấp chíp bán dẫn Hoa Kỳ để sản xuất điện thoại thông minh có thể tốn chi phí một cách vô ích đối với ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ.

Vấn đề thứ 2 là vấn đề vô cùng quan trọng đối với nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ. Thực tế là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ không bảo vệ an ninh quốc gia một cách hiệu quả. Biện pháp kiểm soát xuất khẩu năm 2019 không ngăn chặn được Huawei mua chíp bán dẫn mà các công ty thiết kế đã thiết kế cho TSMC để sản xuất tại Đài Loan. Huawei cũng không bị mất tiếp cận bán hàng cho các công ty như Samsung ở Hàn Quốc. Thực tế, SIA đã công bố một báo cáo vào tháng 7/2020 giải thích cho các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ là phần lớn chíp bán dẫn mà Huawei cần để làm trạm gốc là có thể mua được từ các hãng sản xuất bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Hoa Kỳ trong các tâm ngắm của chính sách an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Hơn 20% doanh thu hàng năm về chíp bán dẫn của Hoa Kỳ đến từ nguồn thu từ việc bán hàng cho Huawei và các công ty Trung Quốc khác. Các doanh nghiệp xuất khẩu Hoa Kỳ không có sức mạnh thị trường và tỷ trọng doanh số bán hàng sang Trung Quốc chỉ chiếm 5% kim ngạch nhập khẩu bán dẫn của Trung Quốc. Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn từ Đài Loan và Hàn Quốc.

Đối tượng của biện pháp kiểm soát xuất khẩu năm 2020 của Hoa Kỳ: Thiết bị chế tạo bán dẫn

Hoa Kỳ áp dụng bổ sung một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu từ tháng 5/2020 khi Hoa Kỳ nhận thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu năm 2019 không có hiệu quả trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm ép các công ty ở nước ngoài cũng phải dừng bán chíp bán dẫn cho Huawei. Để làm được điều này, Hoa Kỳ đã mở rộng phạm vi điều chỉnh của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu thông qua Quy tắc Sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR). Theo Quy tắc FDPR này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ hạn chế các doanh nghiệp sản xuất chíp bán dẫn nước ngoài tiếp cận với thiết bị chế tạo bán dẫn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ cùng hoạt động trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Cách tiếp cận chính sách này làm cho các hãng sản xuất nước ngoài, như: TSMC và Samsung phải đưa ra lựa chọn của mình. Để tiếp cận các công cụ sản xuất tại Hoa Kỳ để chế tạo bán dẫn, các doanh nghiệp nước ngoài này phải đồng ý không bán hàng cho Huawei nữa. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài này vẫn muốn duy trì mối quan hệ khách hàng với Huawei, thì phải tìm thiết bị chế tạo bán dẫn khác. Một thách thức là các hãng sản xuất chíp bán dẫn nước ngoài vẫn tiếp tục mua công cụ sản xuất bán dẫn của Hoa Kỳ.

Tương tự như các công ty bán dẫn Hoa Kỳ, các hãng sản xuất thiết bị của Hoa Kỳ, như: Applied Materials, Lam Research và KLA lo ngại rằng, hàng thay thế sản xuất ở nước ngoài sẽ có thể xuất hiện và sẽ không trở thành đối tượng kiểm soát.

Theo báo cáo của Hiệp hội của các hãng sản xuất công cụ (SEMI) năm 2020, chỉ riêng biện pháp kiểm soát xuất khẩu tháng 5/2020 của Hoa Kỳ đã làm mất đi 17 triệu USD doanh thu bán các sản phẩm xuất xứ Hoa Kỳ cho các doanh nghiệp không liên quan đến Huawei. Khi chính quyền Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát xuất khẩu hơn nữa kể từ tháng 8/2020, Hiệp hội SEMI dự báo rằng, những biện pháp hạn chế này sẽ tăng cường một nhận thức rằng, việc cung cấp công nghệ của Hoa Kỳ là không ổn định và khiến cho khách hàng nước ngoài kêu gọi việc thiết kế lại công nghệ của Hoa Kỳ.

Biện pháp kiểm soát xuất khẩu tháng 8/2020 có thể không phải là biện pháp cuối cùng liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Tháng 9/2020, giới truyền thông báo cáo rằng, một hãng sản xuất bán dẫn Trung Quốc là SMIC có thể ngừng mua thiết bị sản xuất tại Hoa Kỳ và thiết kế bán dẫn và phần mềm cũng được bổ sung vào Danh mục Thực thể. Chính quyền Trump đã xác nhận báo cáo này vào tháng 12/2020 thông qua việc công bố đưa SMIC vào Danh mục Thực thể. Cách tiếp cận của Trung Quốc đối với biện pháp kiểm soát xuất khẩu nổi lên này là sẽ tích trữ nhập khẩu bán dẫn và thiết bị sản xuất bán dẫn vào năm 2020.

Tác động của hạn chế đầu tư và hành động chống độc quyền đến tổ chức doanh nghiệp

Một quan ngại nữa nêu trong báo cáo năm 2018 theo Điều khoản 301, Luật Thương mại 1974 của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến sự thâu tóm công ty công nghệ nước ngoài do Chính phủ Trung Quốc bảo trợ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài ở Hoa Kỳ (CFIUS) là một cơ quan liên ngành của Chính phủ Hoa Kỳ có thẩm quyền pháp luật để ngăn chặn các thực thể nước ngoài có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia thông qua việc mua lại các công ty của Hoa Kỳ. Sự đe dọa can thiệp của CFIUS có thể dập tắt ý muốn tiềm ẩn để thương thảo mua bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp. Việc Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp trong ngành bán dẫn Hoa Kỳ là đối tượng rà soát của CFIUS bởi vì sự leo thang trong căng thẳng Hoa Kỳ – Trung Quốc gần đây. Năm 2018, Luật Hiện đại hóa rà soát rủi ro đầu tư nước ngoài (FIRRMA) đã tăng cường thẩm quyền pháp luật của CFIUS.

Đôi khi các cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc cũng từ chối cho phép các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành bán dẫn tiến hành tái tổ chức thông qua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Năm 2018, Trung Quốc đã từ chối chấp thuận chủ trương Qualcomm thâu tóm một doanh nghiệp bán dẫn có trụ sở tại Hà Lan tên là NXP. Cả 2 doanh nghiệp này đều có hoạt động ở Trung Quốc. Động thái này diễn ra ngay sau khi Hoa Kỳ từ chối bật đèn xanh đối với thương vụ thâu tóm Qualcomm của Broadcom với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.

Biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản đối với hóa chất bán dẫn xuất khẩu sang Hàn Quốc

Trong tranh chấp không liên quan đến căng thẳng Hoa Kỳ – Trung Quốc, vào tháng 7/2019, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với yếu tố đầu vào quan trọng của các hãng chế tạo bán dẫn ở Hàn Quốc. Hành động chính sách này có liên quan đến sự leo thang mối quan ngại chính sách đối ngoại lâu dài giữa Nhật Bản và Hàn Quốc liên quan đến sự hung bạo trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai (Goodman, Kim và VerWey, 2019).

Nội dung của công bố năm 2019 này liên quan đến các biện pháp hạn chế xuất khẩu hydro florua, fluorinated polyimide và chất cản quang, là những hóa chất đầu vào quan trọng đối với ngành chế tạo bán dẫn của Hàn Quốc. Cục Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ước tính, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm trung gian này từ Nhật Bản chiếm khoảng 12,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hàn Quốc và Nhật Bản cung cấp hơn 90% kim ngạch nhập khẩu 2 trong 3 mặt hàng này của Hàn Quốc.

Mặc dù Nhật Bản cuối cùng đã không hạn chế các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp cận với hóa chất đầu vào cho sản xuất bán dẫn của Nhật Bản, song sự phụ thuộc rất lớn của Samsung và SK Hynix vào các yếu tố đầu vào nhập khẩu có vẻ vô hại này đã chứng tỏ có sự tổn thương ngắn hạn thể thiện thông qua con số chiếm gần 20% tổng xuất khẩu của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc ngay lập tức đã nộp đơn khiếu nại Nhật Bản lên WTO và kêu gọi trợ cấp trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Nhật Bản. Đến năm 2020, SK Materials là một doanh nghiệp “chaebol” giống như SK Hynix đã sản xuất khí và sẽ sớm bắt đầu sản xuất chất cản quang.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Sau một thời gian dài thu hút sự chú ý, ngành công nghiệp bán dẫn tự thấy có mối quan hệ sâu sắc với tranh chấp thương mại và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những diễn biến gần đây về cơ bản là khác so với các vụ việc xảy ra trong thập niên 1980. Lần này, ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ thấy rằng, cần phải chống lại các can thiệp chính sách thương mại, một phần bởi vì quá trình hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Hoa Kỳ. Với giá trị gia tăng lớn hàm chứa trong chíp bán dẫn sản xuất ở nước ngoài và giá trị gia tăng này phát sinh từ các công đoạn phần mềm, thiết kế và thiết bị chế tạo bán dẫn cộng với dòng FDI truyền thống, ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đã chuyển từ nhu cầu bảo hộ nhập khẩu sang mong muốn mở cửa thị trường. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với các bằng chứng về một kênh mà toàn cầu hóa đã tác động đến các yếu tố quyết định chính sách thương mại. Đây là thời cơ để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ vào Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn của Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ không ủng hộ sự quay trở lại áp dụng hàng rào thuế quan kiểu thập niên 1980 vào năm 2018 theo Điều khoản 301, Luật Thương mại Hoa Kỳ 1974, ngay cả khi ngành công nghiệp bán dẫn rất quan ngại về chính sách của Trung Quốc. Đến năm 2020, có rất ít bằng chứng cho rằng, Thỏa thuận Giai đoạn 1 đã giải quyết các quan ngại về nỗ lực của Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ Hoa Kỳ, trợ cấp ngành bán dẫn và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài. Cam kết mua hàng theo Thỏa thuận cũng đối lập với chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Hoa Kỳ. Một số ý kiến của chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc phải mua thêm hàng xuất khẩu bán dẫn và thiết bị chế tạo bán dẫn của Hoa Kỳ, còn một số ý kiến lại mong muốn hạn chế doanh số bán dẫn và thiết bị bán dẫn bán cho các danh nghiệp ở Trung Quốc. Sự mâu thuẫn này có vẻ không bền. Vì vậy, để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam phát triển, cần phải có các chính sách của chính phủ nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn theo hướng chào đón, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ sang hợp tác đầu tư tại Việt Nam.

Chính phủ Hoa Kỳ có thể thay đổi quan điểm của mình về trợ cấp ngành như là một biện pháp ưu tiên an ninh quốc gia hơn là lợi ích kinh tế. Với khả năng doanh thu ngành bán dẫn thấp hơn nhiều do những biện pháp hạn chế doanh số bán hàng cho Trung Quốc, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Hoa kỳ (NDAA) năm 2020 đã áp dụng trợ cấp liên bang đối với chíp bán dẫn. Đạo luật này vẫn chưa được thống nhất, nhưng đã đưa ra tín hiệu ít nhất là 2 sự chuyển đổi tiềm năng. Chính phủ liên bang đang xây dựng chương trình để cấp vốn cho hoạt động R&D cơ bản cho toàn bộ ngành bán dẫn theo tinh thần của SEMATECH năm 1987. Các quốc gia đồng minh có thể tham gia vào chương trình miễn là các quốc gia này sẵn sàng thực hiện kiểm soát xuất khẩu bán dẫn sang Trung Quốc. Chính phủ cũng xem xét cấp vốn tài trợ cho việc xây dựng cơ sở chế tạo bán dẫn mới, chẳng hạn như hỗ trợ kết hoạch của TSMC là xây dựng nhà máy chế tạo bán dẫn mới ở Arizona. Vì vậy, Việt Nam cũng cần phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Liệu một chính sách của Hoa Kỳ hợp lý hơn thì có thể làm cho Trung Quốc không bị phụ thuộc vào chíp bán dẫn của Hoa Kỳ không? Giả sử các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã được phép bán tất cả mọi thứ, ngoại trừ chíp bán dẫn phức tạp nhất, nhưng Chính phủ Hoa Kỳ vẫn duy trì các biện pháp hạn chế bán thiết bị chế tạo bán dẫn và phần mềm EDA cho Trung Quốc. Doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ ít nhất cũng phải duy trì doanh thu và lợi nhuận để tiếp tục tài trợ cho hoạt động R&D của mình mà không cần trợ cấp liên bang. Nếu không có yếu tố đầu vào của nước ngoài, các hãng chế tạo bán dẫn của Trung Quốc sẽ không thể nâng cấp lên công nghệ tiên tiến để sản xuất chíp bán dẫn nhỏ hơn, nhanh hơn mà rất nhiều ngành đang có nhu cầu sử dụng. Trước tình hình tranh chấp địa chính trị vẫn còn tiếp diễn, Việt Nam cần tranh thủ thời cơ và tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ sang đầu tư tại Việt Nam đặt nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam phát triển./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Baldwin, Richard E., and Paul Krugman (1997), Market Access and International Competition: A Simulation Study of 16K Random Access Memories, In Empirical Methods for International Trade, ed. Robert Feenstra, Cambridge, MA: MIT Press.

2. Bown, Chad P. (2020), How Trump’s Export Curbs on Semiconductors and Equipment Hurt the US Technology Sector, Peterson Institute for International Economics Trade and Investment Policy Watch, September 28.

3. Dick, Andrew R. (1991), Learning by Doing and Dumping in the Semiconductor Industry, Journal of Law and Economics, 34(1), 133-59.

4. Goodman, Samuel M., Dan Kim, and John VerWey (2019), The South Korea–Japan Trade Dispute in Context: Semiconductor Manufacturing, Chemicals, and Concentrated Supply Chains, Working Paper ID-062, Washington: US International Trade Commission Office of Industries.

5. Gruber, Harald. (1996), Trade Policy and Learning by Doing: The Case of Semiconductors, Research Policy, 25(5), 723-39.

6. SIA (2020), 2020 Factbook.

7. Thurk, Jeff. (2020), Outsourcing, Firm Innovation, and Industry Dynamics in the Production of Semiconductors, Department of Economics, University of Notre Dame, Notre Dame, IN.

8. Varas, Antonio, and Raj Varadarajan (2020), How Restrictions to Trade with China Could End US Leadership in Semiconductors, Boston Consulting Group and Semiconductor Industry Association.

9. Varas, Antonio, Raj Varadarajan, Jimmy Goodrich, and Falan Yinug (2020), Government Incentives and US Competitiveness in Semiconductor Manufacturing, Boston Consulting Group and Semiconductor Industry Association.

10. Whang, Cindy (2019), Undermining the Consensus-Building and List-Based Standard in Export Controls: What the United States Export Controls Act Means to the Global Export Control Regime, Journal of International Economic Law, 22(4), 579-99.

Ngày nhận bài: 08/10/2024; Ngày phản biện: 16/10/2024; Ngày duyệt đăng: 24/10/2024