Theo số liệu thống kê công bố, tính đến thời điểm 24/12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%.

Năm 2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành ổn định các mức lãi suất để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Hiện lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1%-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3%-3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2%-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5%-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1%-6,8% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm. Chất lượng tín dụng được nâng cao, góp phần kiểm soát lạm phát, đẩy lùi tín dụng đen; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng cho tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ.

Ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán phát triển tích cực năm 2021 bất chấp đại dịch
Thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh mẽ

Về hoạt động bảo hiểm, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý IV/2021 ước tính tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 20,9%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ giảm 2,6%. Tính chung năm 2021 doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 15,6% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21,7%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 1,7%.

Năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm ước đạt 710 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với năm trước; các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 577,1 nghìn tỷ đồng, tăng 22,2%; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm đạt 455,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24,9%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 49,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7%.

Đặc biệt, theo đánh giá của Tổng cục Tống kê, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới: Chỉ số VNIndex chạm mốc 1.500 điểm; làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng cao (đến cuối tháng 11/2021, số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020).

Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 27/12/2021, chỉ số VNIndex đạt 1.488,88 điểm, tăng 34,9% so với cuối năm 2020; mức vốn hóa thị trường đạt 7.702 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%; giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay (tính đến ngày 27/12/2021) đạt 26.526 tỷ đồng/phiên, tăng 257,5% so với bình quân năm trước.

Tính đến cuối tháng 11/2021, thị trường cổ phiếu có 761 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với cuối năm 2020.

Trên thị trường trái phiếu, có 430 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt 1.511 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020. Giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến ngày 27/12/2021 đạt 11.421 tỷ đồng/phiên, tăng 9,9% so với bình quân năm 2020.

Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hoạt động giao dịch tiếp tục diễn ra sôi động. Khối lượng mở tại thời điểm 27/12/2021 đạt 30.200 hợp đồng, giảm 25% so với cuối năm 2020. Tính chung từ đầu năm đến thời điểm trên, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 189.923 hợp đồng/phiên, tăng 21% so với năm trước. Trong năm 2021, thị trường đã có thời điểm ghi nhận khối lượng mở kỷ lục mới với 61.090 hợp đồng vào ngày 14/01/2021, là khối lượng mở cao nhất kể từ ngày khai trương thị trường chứng khoán phái sinh./.