“Bước sang năm 2023, ngay những ngày đầu, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/2023 của Chính phủ. Chính vì vậy, các hoạt động ngân hàng trong dịp Tết được bảo đảm thông suốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, ngay cả với những giao dịch ở ngoài nước đều được thực hiện 24/24, góp phần cùng cả nước đón Tết an toàn, lành mạnh, tiết kiệm…”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tại cuộc gặp mặt nhân dịp đầu Xuân mới và giao nhiệm vụ cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng, diễn ra chiều nay (ngày 27/1).

Cùng dự cuộc gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị…

Ngành Ngân hàng cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với lãi vay hợp lý
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các vụ, cục trực thuộc NHNN; các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng… triển khai trong năm 2023 (ảnh: sbv)

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, xác định năm 2023 còn nhiều khó khăn thách thức đối với nền kinh tế và hoạt động ngân hàng, ngay từ cuối năm 2022, ngành Ngân hàng đã bắt tay vào triển khai công việc quan trọng.

“Bám sát Nghị quyết số 01/2023 của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/2023 đưa ra mục tiêu định hướng giải pháp. Trong đó, NHNN giao nhiệm vụ cụ thể cho các vụ, cục trực thuộc NHNN; các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng… triển khai trong năm 2023, để tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó…”, bà Hồng cho hay.

Nhận định năm 2023 là năm bản lề giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ngay từ đầu năm các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 01/2023 của Chính phủ, quyết tâm, giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo tinh thần chủ đề điều hành của năm 2023 “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả” đã được Chính phủ xác định.

Ngành Ngân hàng cần điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với lãi vay hợp lý
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bảo đảm thanh khoản và lưu thông tiền tệ là nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành Ngân hàng (ảnh: sbv)

Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chú trọng rà soát cơ sở pháp lý, hoàn thiện các quy định về hoạt động ngân hàng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Ngân hàng cần đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả quản lý của các tổ chức tín dụng; khẩn trương thực hiện tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại đã được cấp có thẩm quyền cho phép.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thủ tướng lưu ý, ngành Ngân hàng cần điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng…

Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp, nhà ở xã hội và cho công nhân. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản cả về phía người bán và người mua.

Cùng với đó, nâng cao năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống, không để mất an toàn hệ thống và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài…/.