Thay vì xếp hàng lấy số, tại Bệnh viện Xanh Pôn, ngay từ cổng vào đã có rất nhiều các ki ốt để người dân tự đăng ký khám bệnh. Màn hình sẽ hiển thị các lựa chọn dịch vụ theo nhu cầu của người dân như: khám bệnh theo BHYT đúng tuyến, BHYT trái tuyến, đăng ký khám dịch vụ và đăng ký khám thu phí. Thao tác đơn giản, nhanh chóng, nên nhiều người đã lựa chọn đăng ký khám tại Bệnh viện Xanh Pôn bằng hình thức này.
Khi triển khai số hóa, Bệnh viện Xanh Pôn gặp nhiều khó khăn, vì phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi và bệnh nhi. Tuy nhiên, ngay sau khi triển khai, với sự hướng dẫn của nhân viên y tế, người bệnh đã nhanh chóng tiếp cận với các thiết bị thông minh. Họ thực sự hài lòng và thấy rõ hiệu quả của việc áp dụng số hóa vào khám chữa bệnh.
Thay vì xếp hàng lấy số, tại Bệnh viện Xanh Pôn, ngay từ cổng vào đã có rất nhiều các ki ốt để người dân tự đăng ký khám bệnh |
Ngay sau khi Sở Y tế Hà Nội có thông báo từ ngày 1/6/2024, tại bộ phận một cửa của các đơn vị y tế trực thuộc Sở phải triển khai các giải pháp thanh toán lệ phí không dùng tiền mặt, phấn đấu 100% giao dịch không sử dụng tiền mặt. Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã nhanh chóng triển khai giải pháp này, đảm bảo hiệu quả, nhanh chóng, thuận tiện.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và công khai, minh bạch chi phí khám chữa bệnh. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai, đã có hơn 60% người dân đến khám bệnh áp dụng thanh toán không tiền mặt.
Tuy nhiên, các bệnh viện vẫn tạo điều kiện cho những bệnh nhân muốn thanh toán bằng tiền mặt. Thậm chí, bệnh nhân có thể vừa trả một phần bằng tiền mặt, vừa chuyển khoản phần còn lại nếu có nhu cầu. Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt sẽ giúp thực hiện mô hình bệnh viện thông minh, hướng đến chuyển đổi số toàn diện trong ngành y tế.
Theo chương trình chuyển đổi số ngành y tế, Bộ Y tế xác định rõ, tới năm 2025 phải xây dựng được nền y tế thông minh với 3 nội dung chính: Phòng bệnh thông minh; khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Ngành y tế phấn đấu mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ đáp ứng 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Các cơ sở khám, chữa bệnh khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy. Hà Nội có 42 bệnh viện công lập, nhưng đến nay mới chỉ có 5 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử (đạt 12%) gồm: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức; Bệnh viện Đa khoa Vân Đình và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai.
Để giúp người dân đến khám có thể tiện theo dõi sức khỏe, nhất là với người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính, Bệnh viện Xanh Pôn đã xây dựng ứng dụng khám bệnh. Mọi thông tin từ kết quả thăm khám, xét nghiệm, điều trị, đơn giá thuốc, vật tư… sử dụng trong thời gian điều trị đều được thông báo một cách chi tiết, minh bạch và rõ ràng.
Thậm chí, ứng dụng còn có nhiều tiện ích khác phục vụ nhu cầu tìm hiểu thông tin bệnh, đội ngũ y bác sĩ, đồng thời cung cấp các thông tin về chính sách, chủ trương khám chữa bệnh của ngành y.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là một trong 70 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy. Theo các bác sĩ, bệnh án điện tử nếu được triển khai rộng rãi và kết nối giữa các cơ sở y tế sẽ mang lại lợi ích cho không chỉ người người bệnh, bác sỹ, mà còn giảm được rất nhiều chi phí khi sử dụng bệnh án giấy.
Bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ khi tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh.
Chuyển đổi số là một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế năm nay. Bệnh án điện tử là mắt xích cốt lõi trong chuyển đổi số, giúp bệnh viện quản lý minh bạch, khai thác dữ liệu và phục vụ nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn.
Điểm đăng ký khám bệnh tự động bằng nhận diện khuôn mặt |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chuyển đổi số, ngành y tế Thủ đô cũng đối mặt với một số khó khăn, đó là việc phát triển không đồng bộ chưa có chiến lược dài hạn; dữ liệu còn phân tán, chưa tập trung, không chia sẻ, kết nối được với các cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, việc triển khai bệnh án điện tử còn chậm, mới đạt 12%./.
PV