Người đứng đầu các cấp chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác thống kê
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác lãnh đạo chỉ đạo phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”

Tại Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thống kê và tác động, ảnh hưởng của hoạt động thống kê với kinh tế-xã hội đất nước.

Tại Việt Nam, Cơ quan thống kê quốc gia được thành lập sớm với bề dày truyền thống hơn 70 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước”. Để đề cao vai trò của căn cứ, số liệu, người xưa cũng đã tổng kết: “Nói có sách, mách có chứng”. Ngày nay, công tác thống kê với những “con số biết nói” có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách.

Thủ tướng chỉ rõ công tác lãnh đạo chỉ đạo phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thực tiễn được thể hiện rất rõ qua các con số thống kê, những thông tin quan trọng được hình thành từ công tác thống kê. Việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng phải dựa trên cơ sở dữ liệu lớn.

Do đó, 3 công việc gồm thống kê số liệu, phân tích, đánh giá số liệu và sử dụng số liệu có mối quan hệ rất chặt chẽ. Trong đó, số liệu thống kê là nền tảng, là trung tâm, phân tích, đánh giá, dự báo là động lực cho thống kê phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bao trùm, phục vụ người dân với vai trò là trung tâm, là chủ thể, người dân phải được thụ hưởng những kết quả từ công tác thống kê, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực của toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành thống kê, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước trong năm 2021 và thời gian qua.

Theo đó, ngành thống kê đã cơ bản hoàn thành vai trò “là tai, là mắt”, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp. Ngành cũng đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thống kê; Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào cuối năm 2021. Chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực, năm 2019, Tổng cục Thống kê nhận danh hiệu “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”.

Tổ chức ngành thống kê từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê được đẩy mạnh; từng bước vững chắc áp dụng các tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh, phải so sánh với chính mình, với cơ quan, địa phương khác và so sánh với các quốc gia khác thì mới biết mình đang ở chỗ nào, xếp hạng thế nào.

Người dân phải được thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau nhờ công tác thống kê

Đồng tình với những bất cập, hạn chế được nêu trong báo cáo và các ý kiến, Thủ tướng chỉ rõ, nhận thức ở các cấp chính quyền, đặc biệt là của người đứng đầu, nhìn chung còn chưa xứng tầm vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác thống kê. Đầu tư cho công tác thống kê còn chưa tương xứng. Nhân lực làm công tác thống kê chưa được coi trọng. Sự phối hợp của các cơ quan còn hạn chế. Việc phân tích, đánh giá, sử dụng số liệu thống kê chưa có hiệu quả cao. Cải cách hành chính, chuyển đổi số còn chậm, dù đã được chỉ đạo rất quyết liệt.

“Thống kê phải toàn diện, đầy đủ, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, phải được lưu trữ và công tác thống kê phải hội nhập. Làm tốt hơn nữa công tác phân tích số liệu để đánh giá sát tình hình và sử dụng số liệu, phân tích đó có hiệu quả”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Từ kinh nghiệm qua nhiều vị trí công tác tại nhiều cơ quan, nhiều cấp khác nhau, Thủ tướng cho biết, trong nhiều trường hợp còn thiếu các số liệu, dữ liệu để đưa ra các quyết định, chính sách.

Thủ tướng nêu rõ, năm 2022, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, chúng ta tiếp tục thực hiện “đa mục tiêu”, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi nhanh và phát triển bền vững về kinh tế-xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, với phương châm hành động của Chính phủ là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, các cấp, các ngành, các địa phương phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn nữa, trong đó việc triển khai đẩy mạnh công tác thống kê có ý nghĩa quan trọng.

Đánh giá cao chủ đề “Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả” của ngành Thống kê, Thủ tướng nhấn mạnh, suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Người đứng đầu các cấp chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác thống kê
Thủ tướng lưu ý rằng, phải giảm chi phí hành chính trong công tác thống kê và người dân phải được thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau nhờ công tác thống kê. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đối với những vấn đề đã “chín, đã rõ”, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, tiếp tục phát huy; những vấn đề chưa rõ, còn ý kiến khác nhau, chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn đổi mới, làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Về nhiệm vụ, Thủ tướng yêu cầu trước hết, phải nâng cao nhận thức về thống kê, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp chính quyền.

“Thống kê phải toàn diện, đầy đủ, khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời, thường xuyên, liên tục, phải được lưu trữ và công tác thống kê phải hội nhập. Làm tốt hơn nữa công tác phân tích số liệu để đánh giá sát tình hình và sử dụng số liệu, phân tích đó có hiệu quả”, Thủ tướng nêu quan điểm.

Thủ tướng yêu cầu phải đầu tư hơn nữa cho công tác lãnh đạo chỉ đạo trong lĩnh vực thống kê, người đứng đầu các cấp chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác thống kê để có dữ liệu, số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, “nói có sách, mách có chứng”.

Thủ tướng yêu cầu tinh giản biên chế phải đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng bộ máy hiệu lực hiệu quả gắn với xây dựng vị trí việc làm. Tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Công tác đầu tư phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; đầu tư hơn nữa cho chuyển đổi số, xây dựng các nền tảng dùng chung; tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng, trình ban hành nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng để thi hành Luật Thống kê sửa đổi, bổ sung; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các cấp, các ngành; đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng lưu ý rằng, phải giảm chi phí hành chính trong công tác thống kê và người dân phải được thụ hưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau nhờ công tác thống kê.

Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan xem xét, xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng sau hội nghị này, sẽ có chuyển biến trong nhận thức và hành động về công tác thống kê./.

Vị trí, vai trò của công tác thống kê: Có lúc, có nơi còn xem nhẹ! Vị trí, vai trò của công tác thống kê: Có lúc, có nơi còn xem nhẹ!

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đã chia sẻ điều này tại Hội nghị Thống kê toàn quốc “Tăng cường kỷ …

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, thông tin thống kê đóng vai trò hết sức quan trọng, là …