Nhìn nhận Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đòi hỏi rất lớn cả về quy mô, cũng như thời gian để thực hiện, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, giá trị của các gói chính sách tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng. Chúng ta hình dung tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021. Còn nguồn thứ ba thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất, cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện.

Nguồn lực tài chính từ đâu cho phục hồi kinh tế?
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính, tiếp tục tận dụng dư địa trong tăng thu để có thêm nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.. Ảnh: MOF

Câu hỏi đặt ra là đến nay, việc thu xếp nguồn lực tài chính ra sao, để đáp ứng yêu cầu cho triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội? Theo Bộ Tài chính, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ đã khẩn trương phân công tổ chức thực hiện cho các đơn vị trong Bộ.

“Chúng tôi tính ra có đến 18 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính chủ trì và 13 nhiệm vụ Bộ phối hợp với các bộ, cơ quan khác, trong đó có những nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong quý I/2022 và có nhiệm vụ kéo dài suốt trong quá trình thực hiện Chương trình…”, ông Tân cho hay.

Đề cập cụ thể những nhiệm vụ mà Bộ Tài chính phải thực hiện ngay trong quý I/2022, ông Tân cho biết, đó là: hướng dẫn chính sách miễn, giảm thuế; hướng dẫn gia hạn thời gian miễn thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế; hướng dẫn cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp…

Bộ Tài chính đang khẩn trương tính toán nhu cầu, nguồn lực để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về tăng bảo lãnh chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành trái phiếu trong nước để thực hiện cho vay các đối tượng chính sách…

Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15; cho phép doanh nghiệp trích trừ vào chi phí chịu thuế thu nhập đối với khoản đóng góp tài trợ cho phòng, chống Covid-19. Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến; hay như vấn đề cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội….

Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ, đặc biệt là Vụ Ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước lên phương án để đảm bảo sẵn sàng nguồn lực đáp ứng kịp thời nhu cầu chi cho Chương trình, cũng như các nhu cầu chi tiêu khác của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó là tiếp tục tận dụng dư địa trong tăng thu, như đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu ở lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để phấn đấu tăng thu; tích cực tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là khoản chi có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm khoản chi không thực sự cần thiết. Trên cơ sở đó sử dụng nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

“Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như rà soát các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước để có nguồn lực đảm bảo tối đa cho nhu cầu thực hiện của Chương trình. Với những bước đi như trên, các giải pháp chính sách tài khóa trong Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả…”, ông Tân lạc quan./.