THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU KTQP GIAI ĐOẠN 2010-2020

Khu KTQP là mô hình mới trong đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng và xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh ở nước ta, đây là mô hình với nhiều mục tiêu đan xen. Trong giai đoạn 2010-2020, việc xây dựng, phát triển các khu KTQP đã đạt được nhiều kết quả nhất định, như: hoàn thành xây dựng 403 tuyến đường giao thông các loại với tổng chiều dài 1.499 km; 89 cầu với tổng chiều dài 1.296 m; 390 phòng học với tổng diện tích 43.786 m2; 130 công trình điện với 14.636 km đường dây; 154 trạm biến áp và 114 công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ 20.238 hộ dân, 536 bản, điểm dân cư mới; 58 trạm xá quân y và 33 trạm xá quân dân y; 166 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, với 1.482 km kênh mương; 39 khu chợ dân sinh và nhà văn hóa, cùng nhiều công trình khác theo quy hoạch, dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt [3].

Nhận diện các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn các khu kinh tế quốc phòng ở Việt Nam
Những năm qua, việc xây dựng, phát triển các khu KTQP đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Ảnh: Internet

Các đoàn KTQP đã triển khai được 266 mô hình chăn nuôi cho 10.759 hộ dân; 18 mô hình trồng trọt cho 7.526 hộ dân; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật được 537 lớp cho 21.774 lượt người tham gia và nhiều mô hình khác với tổng giá trị đạt hơn 145 tỷ đồng [3]. Các đoàn KTQP đã phối hợp với các đơn vị quân đội trên địa bàn thực hiện các dự án trồng rừng trên địa bàn các khu KTQP, đến nay đã trồng mới được 5.794 ha; bảo vệ được 118.851 ha rừng tự nhiên; khoanh nuôi, tái sinh rừng được 2.422 ha; chăm sóc 10.186 ha rừng và các hạng mục khác của trồng rừng.

Nhờ thực hiện tốt các dự án đầu tư vào khu KTQP, những năm qua, địa bàn các khu KTQP đã có nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế. Các yếu tố cho phát triển kinh tế dần được bổ sung, hoàn thiện. Hệ thống giao thông thuận tiện hơn, việc phát triển kinh tế hàng hóa từng bước được hình thành. Tại nhiều nơi, thông qua dự án xây dựng khu KTQP, nhân dân được sử dụng điện, nước phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế; được tham gia học tập, nâng cao khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt được Quân đội triển khai đồng bộ và có hiệu quả cao. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn các khu KTQP bình quân năm 2020 tăng khoảng 2,1 lần so với năm 2010; đời sống nhân dân ngày được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm xuống, từ năm 2010 đến năm 2020 giảm 30 điểm %. Ngoài ra, người dân trên địa bàn các khu KTQP cũng được tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ về y tế, giáo dục, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng – an ninh trên các khu KTQP [3].

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo Bộ Quốc phòng, trong thời gian qua, mục tiêu phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Tăng trưởng kinh tế chậm, thu nhập bình quân đầu người cơ bản thấp, một số khu rất thấp (năm 2020, khu KTQP Quảng Sơn: 8,6 triệu đồng/người/năm; khu KTQP Bát Xát: 9,2 triệu đồng/người/năm); Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, chuyển dịch chậm, chưa vững chắc; Tình trạng nghèo đói vẫn diễn ra ở nhiều nơi, việc tiếp cận các dịch vụ y tế – giáo dục còn nhiều khó khăn và trở ngại. Nguyên nhân của những hạn chế này là do chưa nhận diện đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP để có những giải pháp thực sự hiệu quả.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRÊN ĐỊA BÀN CÁC KHU KTQP

Sự phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố có tác động trực tiếp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các rủi ro từ thiên nhiên và cú sốc từ thị trường. Địa bàn các khu KTQP chủ yếu là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng núi có địa hình phức tạp, rất nhiều địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở đất, lũ quét và các rủi ro thiên tai khác. Ngoài ra, tình trạng khô hạn cũng là là một loại rủi ro tự nhiên phổ biến khác xảy ra trên địa bàn các khu KTQP, chủ yếu là các khu KTQP tại vùng Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Bên cạnh các rủi ro về thiên tai, thì các cú sốc về thị trường, đặc biệt là giá cả các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP thời gian qua.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng và tính kết nối về vật chất (khoảng cách địa lý, điều kiện giao thông từ nơi cư trú của người dân đến các đô thị, các trung tâm hành chính) và kết nối kinh tế (kết nối với các cơ hội tạo việc làm, thu nhập từ các trung tâm kinh tế) còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế cho phát triển kinh tế; Nhiều khu vực số lượng được đầu tư còn hạn chế (địa bàn khu KTQP Bảo Lâm – Bảo Lạc; khu KTQP Mẫu Sơn); Hệ thống đường giao thông cơ bản đã bố trí đến các trung tâm xã, tuy nhiên sự liên kết giữa các khu vực định cư chưa thực sự tốt, hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại trong vận chuyển hàng hóa và phát triển sản xuất; Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như các công trình thủy lợi đã được đầu tư nhưng việc duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế.

Thứ ba, cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước là yếu tố quan trọng trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển, tiếp cận các dịch vụ công của người dân trên địa bàn các khu KTQP. Thực tế, nhiều cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với phát triển kinh tế các khu KTQP chưa được triển khai có hiệu quả. Việc đầu tư vào địa bàn các khu KTQP chưa có tính trọng điểm, chưa có những dự án mang tính mũi nhọn, chính sách đầu tư chủ yếu về cơ sở hạ tầng, các dự án nâng cao năng lực sản xuất cho người dân còn hạn chế. Việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân các khu KTQP chưa thực sự thuận lợi, số lượng bác sĩ khan hiếm, trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh còn thiếu đồng bộ với trình độ y, bác sĩ. Ngoài ra, hệ thống cấp nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, một số địa bàn phải sử dụng các nguồn nước tự nhiên chưa qua xử lý (nước mưa, nước suối…) cho mục đích sinh hoạt… (địa bàn các khu: KTQP Khe Sanh, KTQP Easup).

Thứ tư, sở hữu đất của người dân (gồm cả về diện tích đất và chất lượng đất canh tác) là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với địa bàn khu KTQP, khu vực mà chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của các hộ gia đình và nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp. Trên địa bàn các khu KTQP, thiếu đất sản xuất hay không có đất sản xuất là tình trạng phổ biến, thường là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nghèo đói kinh niên đối với người dân khu vực này, là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế.

Thứ năm, số lượng lao động và kiến thức, kỹ năng (thể hiện qua trình độ học vấn, các kỹ năng được đào tạo và kinh nghiệm), tình trạng sức khỏe của lao động. Từng yếu tố trong nhóm này đều có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển kinh tế. Trong thực tế, các khu KTQP đều có lực lượng lao động với số lượng lớn, tuy nhiên, chủ yếu là lao động hộ gia đình, không có trình độ chuyên môn, số lượng lao động qua đào tạo rất ít (theo khảo sát của tác giả, chỉ chiếm dưới 10%). Thời gian qua, đã có một số dự án đào tạo lao động được triển khai hoặc các khóa tập huấn do lực lượng tri thức trẻ tình nguyện thực hiện, nhưng chưa đạt hiệu quả cao, có nơi chưa được chú trọng và quan tâm dẫn đến còn mang tính hình thức.

Thứ sáu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Khoa học và công nghệ là yếu tố mang tính chiều sâu đối với phát triển kinh tế, quyết định đến năng suất lao động, tạo ra sự bền vững trong phát triển. Tuy nhiên, có thể nói đây lại là yếu tố còn nhiều hạn chế nhất trong các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP. Công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ thâm canh thấp, sản xuất theo lối quảng canh là đặc điểm sản xuất phổ biến trên địa bàn các khu KTQP. Các sản phẩm nông nghiệp tuy đã được chế biến để tăng giá trị, nhưng cơ bản là ở dạng chế biến thô và gia công, giá trị thấp, năng suất thấp, sản xuất manh mún (bột sắn dây, miến dong giềng, chè…).

Thứ bảy, khả năng tiếp cận tín dụng (cả chính thức và phi chính thức) của người dân và doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn khu KTQP đã được tiếp cận các dòng tín dụng với lãi suất ưu đãi. Dòng vốn tín dụng này đã mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn các khu KTQP, giúp người dân có nguồn vốn ổn định để trồng trọt, chăn nuôi, thoát nghèo và tiếp cận với các dịch vụ công thiết yếu. Bên cạnh đó, người dân cũng có thể tiếp cận với nhiều nguồn tín dụng phi chính thức khác dưới dạng tiền mặt hoặc đầu vào sản xuất (như: phân bón, giống vật nuôi). Tuy nhiên, chi phí của các nguồn tín dụng phi chính thức này thường là cao, một số trường hợp là rất cao.

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ CÁC KHU KTQP

Trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện như sau:

Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp về phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP

Để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các khu KTQP, thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy các cấp là vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các chính sách được thực thi có hiệu lực, hiệu quả cao. Quá trình triển khai nhiệm vụ, cấp ủy Đảng các cấp cần quan tâm, chỉ đạo hoạt động của các đoàn KTQP thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong quản lý các khu KTQP. Thời gian tới, các đoàn KTQP cần được củng cố và hoàn thiện cả về tổ chức, trình độ chuyên môn cũng như nâng cao năng lực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân. Các văn bản chỉ đạo cần được ban hành kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhiệm vụ tại các khu KTQP, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp quân đội trên địa bàn các khu KTQP.

Hai là, nâng cao hiệu quả huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau

Vốn là yếu tố không thể thiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP tại Việt Nam. Để đạt được mục tiêu và phương hướng phát triển kinh tế trên địa bàn các khu KTQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách trung ương, việc huy động vốn và quản lý vốn có hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn vốn phát triển có thể huy động từ các nguồn: ngân sách địa phương, từ nguồn tích lũy của dân và doanh nghiệp, vốn từ bên ngoài. Bên cạnh nguồn vốn eo hẹp từ ngân sách trung ương cấp cho dự án khu KTQP, cần thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển của các bộ, ngành, khai thác nguồn vốn từ ngân sách địa phương. Đối với các khu KTQP đã có tích lũy xã hội (địa bàn các khu: KTQP Cư Mga, KTQP Binh đoàn 15, KTQP Binh đoàn 16), cần có chính sách huy động vốn từ người dân và các doanh nghiệp, từ các tổ chức và cá nhân bên ngoài… Đây là nguồn vốn quan trọng và có ý nghĩa lâu dài, nó được tạo lập từ nguồn vốn tái tạo qua quá trình sản xuất và tiết kiệm thường xuyên của xã hội. Vốn huy động từ dân và các doanh nghiệp là nguồn chủ yếu để đầu tư vào đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất; đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, mở rộng thị trường. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế cho sản phẩm nông nghiệp, là thế mạnh chủ yếu trong sản xuất của người dân trên địa bàn các khu KTQP, như: dong riềng, chè, cà phê, cao su và các sản phẩm thế mạnh khác. Để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư bên ngoài cần phải có một số biện pháp, như:

– Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, môi trường đầu tư thông thoáng; chuẩn bị các dự án khả thi để thu hút vốn vào các lĩnh vực ưu tiên; đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao, nhằm hấp dẫn đầu tư vào những địa bàn, ngành – lĩnh vực cho phép.

– Đẩy mạnh các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư kết hợp với công tác quy hoạch ngành nghề, địa bàn, xác định đối tác thu hút đầu tư; trên cơ sở đó giới thiệu tính hấp dẫn khi đầu tư, giúp nhà đầu tư giảm tối thiểu chi phí tiền bạc, thời gian khi đầu tư và góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội.

– Phát triển cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm: Xây dựng khu công nghiệp, nông nghiệp tập trung, các khu du lịch đảm bảo những điều kiện cơ sở hạ tầng, điện, nước, giao thông, bưu điện. Đảm bảo các cơ sở hạ tầng xã hội, như: trường học, bệnh viện, cửa hàng, ngân hàng. Từng bước hình thành các khu nhà ở của công nhân, nhân viên gắn với các khu, cụm công nghiệp.

– Vốn trong dân và từ các doanh nghiệp được sử dụng góp phần tăng năng lực sản xuất của các ngành kinh tế trên địa bàn các khu KTQP. Các đoàn KTQP cần phối hợp với địa phương xác định và xây dựng những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân; hỗ trợ khâu giống, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm, thậm chí có chính sách trợ giá cho nông dân…, từ đó tạo niềm tin cho người sản xuất để họ sẵn lòng huy động mọi tiềm lực kinh tế của mình cho quá trình sản xuất, tăng nguồn thu nhập cho cá nhân, gia đình và tăng thu cho ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế.

Ba là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn các khu KTQP

Đẩy mạnh công tác đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động trên địa bàn các khu KTQP bằng nhiều hình, như: đào tạo tại chỗ, kết hợp với các trung tâm đào tạo của cả nước để đào tạo, gửi đi đào tạo ở các khu vực lân cận có chất lượng tốt; lựa chọn cán bộ trẻ có trình độ và năng lực để đào tạo về một số ngành, lĩnh vực quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ trong đào tạo, như: lập quỹ đào tạo nhân tài, tín dụng đào tạo.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích thu hút, phát triển nhân tài, đãi ngộ các nhà quản lý giỏi, các cán bộ chuyên gia khoa học kỹ thuật đầu ngành, công nhân có tay nghề cao… đến các khu KTQP làm việc có thời hạn và không thời hạn. Tiếp tục xây dựng đề án việc làm, vấn đề trọng tâm của chính sách việc làm trong suốt thời kỳ quy hoạch là tạo được nhiều việc làm mới và phân bố lại lao động giữa nông nghiệp và phi nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn. Xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tạo ra những điều kiện sống và làm việc ở nông thôn ngày càng gần với đô thị nhằm hạn chế di chuyển lao động ra khỏi địa bàn các khu KTQP không theo kế hoạch.

Bốn là, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ

Xây dựng và thực hiện các chương trình phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ mới theo hướng ưu tiên công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, nhất là công nghệ quyết định chất lượng sản phẩm, gắn liền với các sản phẩm hiện nay tại địa bàn các khu KTQP, cụ thể:

– Mở rộng các phương thức và điều kiện vay vốn, thanh toán thuận lợi, lãi suất vay khuyến khích đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Thành lập các quỹ hỗ trợ phát triển khoa học – công nghệ, tín dụng phi ngân hàng để mở rộng nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới trang thiết bị sản xuất, phù hợp với thế mạnh riêng của từng khu.

– Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Có chính sách thu hút lực lượng chuyên gia khoa học, kỹ thuật, kể cả việt kiều và người nước ngoài đến công tác, nghiên cứu, chuyển giao thành tựu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các khu KTQP.

– Xây dựng tiềm lực khoa học, kỹ thuật, hình thành một số cơ sở, trung tâm nghiên cứu một số lĩnh vực mũi nhọn trong hoặc ngoài các công ty, trường học có khả năng hỗ trợ hiệu quả việc nhập công nghệ từ nước ngoài. Xã hội hóa hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ.

– Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hoàn chỉnh, phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; quản lý điều hành của hệ thống chính trị. Xây dựng các cơ sở thông tin dữ liệu kinh tế – xã hội, làm cơ sở khoa học phục vụ cho công tác hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quản lý điều hành phát triển khu KTQP.

Năm là, tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, an ninh quốc phòng đặc biệt với các nước có chung đường biên giới

Các khu KTQP có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc hợp tác kinh tế và an ninh – quốc phòng giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Địa bàn các khu biên giới luôn là khu vực có vị trí địa – chính trị rất quan trọng đối với mỗi nước; là khu vực giàu tiềm năng trong phát triển từ văn hóa, du lịch cảnh quan thiên nhiên đến đất đai, khoáng sản, thủy điện, rừng… Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước láng giềng, thúc đẩy thương mại và đầu tư lẫn nhau, cùng tham gia bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; đối thoại, giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2018). Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế xã hội với quốc phòng

2. Chính phủ (2021). Nghị định số 22/2021/NĐ-CP, ngày 19/3/2021 về khu kinh tế quốc phòng

3. Bộ Quốc phòng (2020). Báo cáo tổng kết của một số quân khu và đoàn kinh tế quốc phòng tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 20102020

4. Bộ Quốc phòng (2017). Báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 20102020

5. World Bank (2019). Báo cáo nghiên cứu các yếu tổ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của dân tộc thiểu số tại Việt Nam

Lê Mạnh Cường

NCS Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)