Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều

Diễn đàn thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, một số hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện cơ quan truyền thông, báo chí và khoảng 200 đại biểu trực tiếp tham dự sự kiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: Tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam…

Đi qua 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,1%, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

Với vai trò là Cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, quyết sách nới lỏng các quy định chống dịch và tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ đã giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, tin tưởng và lạc quan về tương lai nền kinh tế Việt Nam.

Dù lạc quan với triển vọng kinh tế Việt Nam, nhưng Thứ trưởng cũng lưu ý về những thách thức mới và khó lường xuất hiện trong môi trường kinh doanh. Trên trường quốc tế, kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chững lại, lạm phát tăng cao, khả năng thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ cao trong khi sức mua bị giảm thấp. Kinh tế châu Âu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái khi giá dầu và giá kim loại tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Kinh tế Trung Quốc đứng trước rủi ro tăng trưởng chậm lại…

Đại dịch Covid-19 dù đã được khống chế ở nước ta, nhưng chưa kết thúc, trong khi bức tranh kinh tế – chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn, đòi hỏi công tác dự báo về triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như kinh tế ngành cần được cập nhật dựa trên những phân tích khoa học, chuyên sâu và đa chiều.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Vượt qua thách thức để gói phục hồi kinh tế sớm phát huy hiệu quả…

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (bên phải)

Ngày 30/1/2022, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Chương trình). Thực hiện thành công, hiệu quả, khả năng hấp thụ của Chương trình là thách thức lớn nhất được tính đến trong suốt quá trình thiết kế, xây dựng và thời gian tới là tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Do đó, các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi, giám sát và đối tượng thụ hưởng cần lưu ý một số yêu cầu sau đây để nhằm thực hiện thành công Chương trình.

Thứ nhất, khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện nay đã có một số hỗ trợ đã được thực thi, như: giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ ôtô… nhưng cũng còn nhiều hỗ trợ đang trong quá trình thể chế hóa, xây dựng hướng dẫn, chưa được hiện thực hóa, như: hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gia hạn thuế và thuê đất, danh mục dự án đầu tư hạ tầng… Do đó, việc sớm hoàn thành các hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, điều kiện hỗ trợ để hiện thực hóa hỗ trợ đến người lao động, doanh nghiệp vừa là yêu cầu nhưng cũng đang là một thách thức. Sự khẩn chương, quyết liệt, tích cực của các cơ quan, tổ chức có liên quan là giải pháp duy nhất.

Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Để đáp ứng yêu cầu này, trong triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ của Chương trình cũng có những thách thức. Một số hỗ trợ có phạm vi đối tượng rộng với nhu cầu hỗ trợ khác nhau, chẳng hạn như hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại hay hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc làm thế nào để các doanh nghiệp tiếp cận công bằng các khoản vay có hỗ trợ lãi suất cũng như lựa chọn đúng, hợp lý danh mục dự án đầu tư cơ sở hạ tầng… cũng là một nhiệm vụ không dễ dàng. Để đáp ứng yêu cầu này và vượt qua thách thức, các cơ quan thực thi nên xem xét và bám sát một số nguyên tắc như: (1) Bám sát vào các tiêu chí phân bổ nguồn lực trong Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, để từ đó xác định đối tượng hỗ trợ cũng như quy định trình tự, thủ tục và điều kiện tiếp nhận hỗ trợ; (2) Các điều kiện, trình tự, thủ tục để phân bổ và tiếp nhận các hỗ trợ phải được thiết kế đơn giản, phù hợp, công bằng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; (3) Công tác thông tin kịp thời, đầy đủ và toàn diện về nội dung Chương trình cho rộng khắp đối tượng có liên quan là rất quan trọng…

Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình. Các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo công bằng, minh bạch và chống trục lợi chính sách, như: đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho”, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp; thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ,…

Để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới.

CEO FiinGroup Nguyễn Quang Thuân: Cần gỡ các “nút thắt” cho tăng trưởng kinh tế

GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6%-7% trong 2 năm 2022 – 2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và nhà nước; triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
CEO FiinGroup Nguyễn Quang Thuân

Dư địa cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế cao tiếp tục vẫn còn lớn, bởi các nhóm ngành đang hồi phục, nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra. Một số ngành vẫn cần được “kích hoạt” cho hồi phục mạnh hơn nữa. Triển vọng tăng trưởng 2022 của hầu hết các ngành chính được dự báo tích cực. Tuy nhiên, một số ngành có sự hồi phục rất chậm như: hàng không và du lịch quốc tế; xây dựng và vật liệu. Yếu tố này sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn, nhất là trong bối cảnh môi trường lãi suất đã “tạo đáy” và lạm phát có thể gia tăng vượt kỳ vọng.

Ngành bất động sản đang gặp những thách thức lớn trong ngắn hạn, do những tác động từ chính sách và vốn tín dụng trong ngắn hạn (đầy là yếu tố rủi ro quan trọng nhất cần theo dõi). Khó khăn của ngành bất động sản sẽ có tác động đến một số ngành liên quan bao gồm: xây dựng và vật liệu xây dựng, đặc biệt là ngành ngân hàng…

Ngành ngân hàng, tài chính vẫn phát triển tốt qua tâm dịch Covid-19, nhưng những khó khăn của ngành bất động sản hiện đối mặt có thể làm thay đổi bức tranh của ngành ngân hàng trong 2-3 năm tới đây. Những thay đổi về chính sách cần tính đến những tác động tới hai ngành trụ cột của nền kinh tế: bất động sản và ngân hàng; cũng như những tác động mang tính dây chuyền tới thị trường tài chính nói chung và các ngành liên quan của Việt Nam. Ở nước ta hiện có sự liên thông rất lớn giữa thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, tín dụng ngân hàng và thị trường chứng khoán/cổ phiếu.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Từ góc nhìn chuỗi dữ liệu, FiinGroup công bố dự báo triển vọng tăng trưởng của các ngành kinh tế trong giai đoạn 2022-2023

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam: IMF: Dự báo GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 6%

Tăng trưởng Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6% vào năm 2022 và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều

Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ. Cho đến nay, chính sách tiền tệ đã hỗ trợ một cách thích hợp nhưng cần phải ngày càng cảnh giác với rủi ro lạm phát. Nếu áp lực lạm phát kéo dài xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ của mình và truyền thông rõ ràng những biện pháp giúp kiềm chế lạm phát.

Đồng thời, cần tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho tăng trưởng trong trung hạn một cách bền vững. Không nên gia hạn quy định cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ sau tháng tháng 6 năm 2022, vì sẽ trì hoãn việc ghi nhận các tài sản có vấn đề và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ sai tín dụng và chấp nhận rủi ro quá mức.

Cần tăng cường huy động nguồn thu ngân sách để xây dựng lại các đệm tài khóa và tài trợ cho cải thiện an sinh xã hội, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đối phó với áp lực già hóa dân số. Cần chuyển những kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ về thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thành hành động, bao gồm cả tính toán chi phí cho những kế hoach này trong ngân sách.

Cần cải cách cơ cấu một cách quyết liệt để đạt được khát vọng của chính phủ về tăng trưởng bền vững, bao trùm. Cần cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tạo một sân chơi bình đẳng trong việc tiếp cận tài chính và đất đai, đồng thời giảm bớt gánh nặng pháp lý, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp non trẻ. Cần có những nỗ lực hơn nữa để cải thiện chất lượng lực lượng lao động và giảm tình trạng không đạt yêu cầu về kỹ năng lao động.

GS. TS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Kinh tế số, động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam

Để trở thành 1 nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao, Việt Nam phải nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực, kinh tế số là nguồn lực giúp tăng trưởng năng suất lao động, là động lực tăng trưởng quan trọng nhất.

Kinh tế số sẽ giúp Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới. Khủng hoảng Covid-19 đã góp phần chuyển đổi nhanh trong kinh tế số ở Việt Nam. Theo báo cáo kinh tế số của Google, Temasek và Bain Economy, tổng giá trị giao dịch kinh tế số của Việt Nam được dự báo sẽ đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
GS. TS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Chính phủ cần có những hành động, như: chia sẻ dữ liệu công trực tuyến; phát triển khả năng tương tác liên thông giữa các cơ sở dữ liệu; khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu khi các nền tảng và công cụ số mới làm giảm độc quyền của Nhà nước; Bộ chỉ số đo lường kinh tế số và công bố định kỳ.

Trọng tâm chính sách kinh tế số là: (1) Bộ chỉ số đánh giá toàn diện cấu trúc kinh tế số của cả nước, ngành/tỉnh; (2) Đánh giá thực trạng theo các cấu phần kinh tế số; (3) Đặt ra mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế số, chú ý liên kết vùng. Không thể để 63 tỉnh thành lại dàn hàng ngang; (4) Xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế số gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (5) Cần tính đến khả năng về nguồn lực và khung thời gian thực hiện.

Với việc đưa ra 2 quyết định quan trọng, đặc biệt là Quyết định số 411/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ là động lực để thực hiện được mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và 2030.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia: Ở kịch bản tích cực, GDP Việt Nam năm 2022 sẽ tăng từ 6-6,5%

Kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhưng sẽ gặp nhiều gập gềnh và lạm phát tiếp tục còn gia tăng… Dự báo 3 kịch bản cho tăng trưởng GDP cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam năm 2022 chỉ tăng trưởng 4,5-5%; còn ở kịch bản cơ sở, GDP sẽ tăng từ 5,5-6%; ở kịch bản tích cực, GDP sẽ tăng từ 6-6,5%. Dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng từ 6,5-7%.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia

Triển vọng lạc quan về kinh tế Việt Nam dựa trên các cơ sở: dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm nay; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội 2022-2023 với đầu tư công được đẩy mạnh; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định (dù có áp lực tăng); kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được đẩy mạnh; cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách được thúc đẩy; tác dụng của RCEP bắt đầu có hiệu lực… Các yếu tố này sẽ tạo ra các động lực cho phục hồi tăng trưởng mạnh hơn.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê: 8 giải pháp kiểm soát lạm phát

Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 4 tháng đầu năm nay với tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giá xăng dầu tăng rất mạnh, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được xử lý, khủng hoảng Nga – Ukraine càng gây nên thiếu hụt nguồn cung, khiến lạm phát gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Do đó, cần triển khai 8 giải pháp để lạm phát Việt Nam cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4% – đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Một là, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Hai là, cần đa dạng hóa nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Bộ Công Thương chủ trì, cùng với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ba là, cần có dự báo, dự trữ xăng dầu, trong đó phải dự trữ bằng hàng, chứ không phải bằng tiền, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ.

Năm là, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Sáu là, đối với xăng dầu, Bộ Công Thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí.

Bảy là, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; chỉ đạo các Bộ liên quan thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục.

Tám là, các cơ quan truyền thông cần thực hiện hiệu quả hoạt động truyền thông nhằm thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý từ thông tin sai gây ra.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam: Cần sửa cơ chế cho phù hợp hơn để phát triển thị trường chứng khoán…

Chưa bao giờ Quốc hội, Chính phủ quan tâm đến thị trường vốn như hiện nay. Thời gian qua, sau một số vụ việc xảy ra trên thị trường chứng khoán gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp để chỉ đạo, định hướng giải pháp phát triển thị trường lành mạnh, minh bạch hơn.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam

Tại sao gần đây thị trường chứng khoán lại sụt giảm, đó là do cơ chế, chính sách chưa chắc chắn, chưa sát với thực tế hơn. Để tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm, chúng ta có thể đưa ra hình thức phạt tiền gần 10 lần như hiện nay.

Sắp tới, tôi mong muốn cơ chế, chính sách cần được sửa đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh thị trường hiện nay, để giúp thị trường vận hành tốt hơn, tránh tình trạng khi xảy ra một số vụ tiêu cực, thì co lại, hoặc cấm đoán, làm cho thị trường bị méo mó.

Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Vietgo: Việt Nam còn nhiều lợi thế cho tăng trưởng xuất khẩu

Đang còn nhiều dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này thể hiện qua nhiều yếu tố.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Tổng giám đốc Vietgo

Cùng với môi trường chính trị, xã hội ổn định tốt, việc đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp Việt Nam “vô địch” ở châu Á về tham gia các FTA. Chính điều này mang lại cơ hội cho các bên mua nước ngoài có cơ hội mua được hàng hoá của Việt Nam với giá rẻ hơn. Do đó, một khi Việt Nam tối ưu hoá được hoạt động xuất khẩu hàng hoá, thì sẽ tận dụng tốt hơn các lợi thế xuất khẩu hàng hoá do các FTA mang lại. Để tận dụng tốt lợi thế này, điều quan trọng là Việt Nam cần chủ động được kênh thông tin mà khách hàng cần mua, điều mà Trung Quốc làm rất tốt nhờ có Alibaba. Đây là cách để Việt Nam có được giá trị gia tăng cao hơn khi bán hàng ra thị trường nước ngoài nhờ bán được cho khách hàng mua cuối, thay vì hiện phần nhiều bán qua các công ty thương mại của Trung Quốc, Hàn Quốc… đang có mặt tại Việt Nam.

Một điểm mạnh nữa của Việt Nam là lợi thế về vị trí địa lý. “Con đường cao tốc” hàng hải quốc tế bắt đầu từ vùng biển hoa đông, trong khi Việt Nam nằm ở vị trí “mặt tiền” của tuyến hàng hải này, nên có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá cước vận tải quốc tế. Đó là chưa kể, với đặc thù địa hình đất nước kéo dài, từ đất liền ra biển rất gần, nên cước phí vận chuyển trong nội địa cũng rẻ. Điều này cũng tạo lợi thế cho đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo: Tiếp tục nỗ lực kết nối thông tin đáng tin cậy về tương lai kinh tế Việt Nam

Đại dịch Covid-19 chưa có hồi kết trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine ngày một căng thẳng đang tạo nên những thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Với mong muốn kết nối nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng chia sẻ góc nhìn, bình luận, dự báo kịch bản kinh tế Việt Nam 2022-2023 và triển vọng tăng trưởng, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã phối hợp với một số đối tác tổ chức sự kiện Diễn đàn hôm nay.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Bà Nguyễn Lệ Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo

Tại sự kiện, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các chuyên gia, doanh nghiệp đã nêu những quan điểm, dự báo kinh tế, đồng thời thảo luận về nhiều vấn đề lớn, như: nền tảng chính sách, thuận lợi, khó khăn trong thực thi các mục tiêu trung hạn trong bối cảnh kinh tế mới, cũng như nhận diện cơ hội, thách thức với các ngành kinh tế chính. Ngoài ra, trong thời gian chuẩn bị tổ chức Diễn đàn, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, cùng những câu hỏi từ các độc giả, doanh nghiệp về tương lai nền kinh tế, tương lai các ngành kinh tế tại Việt Nam.

Trong phạm vi của Diễn đàn hôm nay, có những vấn đề chưa giải đáp ngay được, nhưng chúng tôi xin ghi nhận và sẽ tiếp tục các nỗ lực kết nối thông tin, chia sẻ các góc nhìn đáng tin cậy, để nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân quan tâm có thêm căn cứ khi ra các quyết định của mình. Chúng tôi cũng tin rằng, những phân tích, nhận định cũng như các chia sẻ trong Diễn đàn hôm nay đã có đóng góp hữu ích cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cá nhân.

Diễn đàn Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Dư địa tăng trưởng kinh tế còn nhiều
Toàn cảnh sự kiện Diễn đàn sáng 12/5/2022

Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự cộng tác, hỗ trợ nhiệt tình của các nhà khoa học, các diễn giả. Đồng thời, trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ – NPK Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí; Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đã hỗ trợ tổ chức thành công Diễn đàn này./.