Nhân viên ngân hàng bỏ việc đi bán bún bò, tiệm lúc nào cũng kín bàn, bán vài tiếng là hết veo: “Làm nghề này cực nhưng mình được sống trọn vẹn!”

ORIG. TEAM

Vào chừng khoảng 5 giờ chiều đi qua đoạn đường Hoàng Sa ở Quận 3, TP.HCM bạn sẽ bắt gặp một tiệm bún bò không có tên nhưng lúc nào cũng cực kỳ đông khách. Mở cửa vào khung giờ có lẽ khá dở dang nhưng lại hết rất nhanh nên nếu khách hàng muốn được thưởng thức tô bún bò với đủ loại topping ở đây thì thường phải ghé sớm.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 1.

Tiệm bún bò lúc nào cũng kín bàn ở đường Hoàng Sa, Quận 3, TP.HCM.

Từ “gánh mưu sinh” nuôi con ăn học đến tiệm bún bò “vạn người mê”

Bún bò có lẽ là một trong những món ăn rất được yêu thích ở Sài Gòn, không khó để tìm thấy một hàng bún bò ở thành phố này bởi lẽ đây là món dễ ăn và hợp khẩu vị với nhiều người. Ở Quận 3, bên cạnh bún bò mỡ nổi cô Như thì tiệm bún bò ở 725 đường Hoàng Sa cũng là cái tên được nhiều người sành ăn thường hay tìm đến. 

Bún bò ở đây về cơ bản vẫn giống như bao tô bún bò ở Sài Gòn với thịt nạm, chả cua, bò viên, gân bò, thịt bò tái, giò heo… nhưng tổng thể đều rất chất lượng và hài hòa. Từ nước lèo thơm mùi mắm ruốc, miếng thịt được hầm mềm thơm, cho đến phần tóp mỡ sa tế nhà làm được tặng kèm miễn phí… đều rất vừa vặn. Chẳng phải nói nhiều, bởi chất lượng đồ ăn chính là điều khiến cho khách hàng luôn muốn quay lại. 

Tô bún bò đầy ắp topping nhìn thôi là đã thấy ngon.

Anh Phan Lê Duy Anh, 34 tuổi, chủ tiệm bún bò, cho biết: “Tính đến năm nay là quán mình mở được 26 năm, từ khi mình mới 8 tuổi. Hồi đó nhà mình nghèo lắm, hai mẹ con rất là thích ăn bún bò. Thế là mới bảo nhau rằng ‘thôi nhà ngoại mình ở trên đó thì mình ra bán bún bò để tối khỏi đi ăn bún bò nữa’. Đầu tiên thì chỉ có hai mẹ con làm thôi. Sau này mình đi học thì tối mới về phụ mẹ làm. Mình lớn lên nhờ gánh bún bò này của mẹ. Nhờ gánh bún bò đó mà mình được học đại học, rồi mình ra trường đi làm.

Sau này mẹ mình già đi, tư duy kinh doanh cũ không còn phù hợp với thời đại, làm ăn cũng xuống, mẹ dần không còn nhiệt để làm nữa. Bản thân mình vẫn thích cái nghề này vì làm cùng mẹ từ nhỏ, tuy hồi đó là mình không có nấu nướng chính. Mẹ không làm nữa thì mình lấy quán làm tiếp, mình đi làm ngân hàng ban ngày, tối về làm quán. Năm nay là năm thứ 8 mình làm quán rồi. Mình vực quán dậy rồi làm theo cách riêng của mình. Hiện tại mình đã nghỉ làm để tập trung cho quán bún bò”.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 3.

Những tô bún bò hấp dẫn khiến nhiều khách ăn một lần là “nghiện”.

Nếu như bạn đã nghe về những quán ăn bán mấy chục năm, công thức được truyền từ đời này sang đời khác thì quán bún bò này cũng được bán từ đời mẹ đến con, thế nhưng hương vị thì lại được thay đổi khá nhiều. Quan trọng là sự thay đổi đó mang đến cho quán nhiều khách hàng hơn.

Nói về công thức của món bún bò tại quán, anh Duy Anh cũng chia sẻ là hương vị món ăn đã rất khác so với hồi mẹ làm. Và thậm chí đến nay, dù đã bán được nhiều năm nhưng anh Duy Anh vẫn luôn tiếp tục tìm tòi, sẵn sàng thay đổi công thức để món bún bò ngày càng hoàn thiện hơn. 

Tóp mỡ trộn cùng sa tế nhà làm được mang ra miễn phí cho khách.

“Tiệm bún bò nhà mình giờ khác với hồi mẹ mình làm nhiều chứ. Phải nói là khác rất rất nhiều, kể cả từ cách phục vụ, không gian quán, công thức… Trong quá trình làm thì mình liên tục học hỏi, đúc kết kinh nghiệm. Hiện tại đến bây giờ mình vẫn hỏi khách hàng hôm nay ăn được không hay có cần thêm gì nữa không để mình điều chỉnh. Công thức của mình thay đổi liên tục. Trong những tháng gần đây mình cũng đổi công thức mới, mình luôn phát triển những sản phẩm sao cho tốt và phù hợp thị hiếu hơn” – anh Duy Anh chia sẻ.

Đến giờ, anh Duy Anh vẫn luôn là người đứng bếp chính, để đảm bảo hương vị cho tô bún bò sao cho ngon nhất. Bởi anh Duy Anh luôn quan điểm rằng: “Mình phải làm trực tiếp thì mới quản được chất lượng tốt. Việc quan trọng như canh lửa, làm nước ra sao, hầm đồ thế nào, loại nào dùng nồi áp suất, loại nào nồi thường, loại nào bao nhiêu tiếng… thì mình phải là người tính hết. Để kinh doanh muốn thành công thì nấu ngon là điều kiện cần, các dịch vụ khác là điều kiện đủ”.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 4.

Anh Phan Lê Duy Anh, 34 tuổi, chủ tiệm bún bò ở 725 Hoàng Sa.


Nghỉ làm ngân hàng đi bán bún bò: “Cực nhưng mình sống trọn vẹn”

Đến tiệm bún bò ở 725 Hoàng Sa, bạn sẽ bắt gặp anh Duy Anh, chủ tiệm, luôn có mặt ở đó. Là chủ quán nhưng anh cũng vẫn tranh thủ nhận order của khách, hỏi xem khách cần gì đồng thời quán xuyến các việc chung.

Trước khi làm tiệm bún bò, anh Duy Anh từng có cả chục năm đi làm văn phòng như bao người khác. Nhưng cuối cùng anh quyết định nghỉ làm ngân hàng để tập trung cho tiệm bún bò của mình. Anh Duy Anh tâm sự: “Hồi xưa mình thi đại học, mình hỏi mẹ là ‘Nhà mình nghèo quá mình chọn ngành nào để sau này đi làm kiếm được nhiều tiền’, mẹ mình bảo thấy người ta đi làm ngân hàng thì mình cũng thi vào ngành ngân hàng thôi. Đến khi làm ngân hàng rồi thì mình thấy có nhiều thứ không giống như mình tưởng tượng.

Mình đi một vòng trái đất rồi cuối cùng mình quay trở về cái gốc cây của nhà, quay trở về cái nơi đầu tiên mình xuất phát. Cái kho báu nó nằm ở ngay chân mình mà không biết. Đến bây giờ có thể nói mình thành công theo phương diện mình nghĩ. Ở xã hội biết bao nhiêu quán giỏi hơn mình nhiều, họ thành công hơn mình nhiều, mình không dám nhận gì hết. Mình nhìn lại con đường mình đi, mình rất hài lòng, nhưng mình luôn có những khát vọng mới để cố gắng hơn nữa”.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 6.

Các loại topping chất lượng làm nên những tô bún bò thơm ngon.

Không chỉ anh Duy Anh mà cả vợ bây giờ cũng đồng hành cùng làm ở quán bún bò và quan trọng là cả hai đều cảm thấy yêu công việc này. “Vợ mình lúc trước làm trong lĩnh vực nhân sự nhưng rồi cũng nghỉ. Vợ mình làm một thời gian thì niềm đam mê và tình yêu không còn, giờ làm ở quán lại thấy thích hơn, vui hơn. Còn mình, mình không nghĩ là sẽ làm ngành này đâu, mình từng nghĩ là sẽ đi dạy vì mình có bằng dành cho giảng viên đại học. Không biết sao cuối cùng lại đưa đẩy giờ mình làm đầu bếp kinh doanh quán ăn. Tuy là mình làm quán nhỏ, bán ít nhưng mà mình sống một ngày nó trọn vẹn hơn” – anh Duy Anh trải lòng.

Việc nấu nướng và đem đến những món ngon cho khách khiến anh Duy Anh cảm thấy vui và hạnh phúc.

Tuy đạt được những thành công nhất định nhưng anh Duy Anh cũng từng gặp không ít khó khăn trong quá trình làm nghề. Nhưng dù khó khăn và vất vả anh Duy Anh cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình. Anh kể: “Khó khăn nhiều chứ, thời tiết thì nắng nôi, có khi đang nắng lại mưa. 2-3 giờ trưa mà phải đứng giữa 5 cái bếp nóng rực, mồ hôi mồ kê, cực lắm, mệt nữa. Bạn thấy người mình không, đâu cần phải đi tập tạ. Cái nghề của mình thì mình phải chấp nhận, giờ mình ngồi máy lạnh mình gõ máy tính thì sướng đúng không, nắng không chạm da, mưa không chạm tóc. Nhưng mình làm nghề này giờ mình nhìn trời nhìn đất mình thấy hay, mình thấy tự do, mình vui. Cho nên mình chọn đường này mình đi.

Quan trọng là mình cảm nhận công việc của mình như thế nào, mình phải làm rất nhiều thứ thì mới biết là mình phù hợp với công việc gì. Giờ mình làm cái này tốt, xã hội công nhận, người ta ăn ngon. Thế là mình đam mê và nó thành nghề nghiệp gắn bó với mình luôn. 

Nhiều khi nấu đồ xong hai vợ chồng đi cafe, đi chơi, có khi đi Cần Giờ chơi tắm biển, rồi về ngủ nghỉ, coi phim tận hưởng cuộc sống. Giống như mọi người, một ngày mình cũng làm 8 tiếng nhưng mình giãn giờ ra, mình sẽ tận dụng được thời gian cho gia đình và bản thân”.

Anh Duy Anh tâm sự thêm rằng mới đầu gia đình cũng cản nhiều lắm, vì đang làm công ty như vậy lại bỏ. Nhưng với anh Duy Anh, con đường này hiện tại cũng đang rất hạnh phúc.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 9.

Đến giờ, anh Duy Anh vẫn luôn là người đứng bếp chính, để đảm bảo hương vị cho tô bún bò sao cho ngon nhất.


Dù đông khách nhưng chỉ bán vừa đủ để giữ chất lượng đồ ăn

Có lẽ nhìn vào lượng khách đến đông như vậy cũng có thể biết được chất lượng đồ ăn của quán. Nhưng dù thế anh Duy Anh cũng chỉ bán vài tiếng mỗi ngày, vì anh cho biết không có sức làm nhiều. Đồng thời bán số lượng vậy thôi nhưng chất lượng đồ ăn đảm bảo cho khách.

“Mỗi ngày mình bán chắc khoảng hơn 200 tô bún vì thời lượng bán cũng chỉ gói gọn trong vài tiếng. Nếu làm thêm thì mình không đủ sức làm, quán mình định hướng là nhỏ nhưng chất lượng, mình cũng đang tích lũy dần dần để làm thêm” – Anh Duy Anh cho biết.

Một tô bún bò ở đây có giá 55.000VNĐ, nếu ăn tô nhỏ thì là 50.000VNĐ. Có thể nói mức giá này không rẻ nhưng cũng không đắt, quan trọng là chất lượng tương xứng với giá bán. Cũng bởi vậy, nhiều người lựa chọn đây là một địa chỉ bún bò “chân ái”. Khách đến với tiệm bún bò của anh Duy Anh rất đa dạng, từ sinh viên, dân lao động, người đi làm, gia đình cho đến khách nước ngoài… 

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 5.

Quán bún bò này cũng là nơi anh Duy Anh tạo điều kiện cho những người họ hàng ở quê có thêm thu nhập.

Anh Duy Anh chia sẻ thêm: “Không có quán nào là ngon nhất, không có ai là nấu ngon nhất, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Cho nên ở quán mình cái gì mình cũng phải có, ví dụ như với giới trẻ hay Gen Z thì thị hiếu lại khác. Giờ kinh tế khó khăn, mức giá này rẻ thì không rẻ nhưng mắc thì cũng không mắc, nói chung nấu ăn sao cho phù hợp với đại đa số và mức thu nhập hiện tại. Kinh tế giờ khó khăn, đợt vừa rồi mình cũng gồng chi phí rất nhiều. Kệ thôi vì mình làm dài hạn.

Khách đến ăn ngon là điều khiến mình yêu nghề. Mình nghĩ là mỗi ngày mình nấu ăn là mình mang đến bữa tối cho mọi người. Mình biết ơn con người ở thành phố này, ở mảnh đất này. Mình làm để mọi người ăn có sức đi làm. Mình bán với giá cả phải chăng, làm ăn đàng hoàng. Điều đó mới ý nghĩa”.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán quán bún bò bán vài tiếng là hết hàng: "Làm nghề này cực nhưng mình thấy hạnh phúc!" - Ảnh 11.

Quán không có tên, mọi người cứ gọi là bún bò 725 Hoàng Sa. Phía bên trong quán anh Duy Anh vẽ bức tranh tường với chữ “Đen bún bò”, anh nói rằng nếu sau này có thương hiệu thì sẽ để cái tên đó, bởi đơn giản “Đen” là tên gọi ở nhà của anh.

Chàng trai bỏ công việc ngân hàng lương cao đi bán bún bò: Quán bún mở từ 5 giờ chiều nhưng hơn 7 giờ đã hết hàng, chia sẻ bí quyết  - Ảnh 1.

Nguồn: Kinh tế và Dự báo

Share This Article
Leave a comment