Nông nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

Dù phải đương đầu với hàng loạt vấn đề tác động từ đại dịch, năm 2021, ngành nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhiều mặt hàng cả về lượng và giá trị. Trong 10 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 38,8 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước, sát với mục tiêu 44 tỷ USD. Chính phủ đặt mục tiêu khôi phục phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên vẫn có thể tiếp tục gặp khó khăn nếu tình hình đại dịch không được kiểm soát. Phát triển nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do tác động từ các lĩnh vực khác: dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn – vốn đều tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Nhóm công tác VBF: Ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số phục hồi sau đại dịch
Phiên họp cấp kỹ thuật Diễn đàn doanh nghiệp thường niên Việt Nam (VBF)

Các vấn đề cụ thể của lĩnh vực này được Nhóm công tác Nông nghiệp đề cập bao gồm: sự phục hồi chậm của chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị, thiếu nguồn lao động và ùn ứ trong vận chuyển nông, lâm, thủy sản tại các cảng và trung tâm phân phối. Cụ thể, theo phản ánh thực tế tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp chế biến, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hiện vấn đề lớn đang phải đối mặt là tình trạng thiếu vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Thậm chí có những doanh nghiệp không thể duy trì mức độ sản xuất. Cùng với đó, chi phí vận chuyển tăng với một số tuyến vận chuyển, cộng với giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, vấn đề được nhóm công tác nêu lên là tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào. Dẫn thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đại diện Nhóm công tác Nông nghiệp cho biết giá nguyên liệu đầu vào ở Việt Nam cao hơn là do mức giá cả trên thế giới đều tăng dưới tác động của đại dịch COVID-19. Nguồn cung đầu vào lại phụ thuộc tới 70 – 80% là nông sản nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu bị gián đoạn do khó khăn trong vận chuyển, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào trên thị trường nội địa. Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp kinh doanh nông sản, chi phí xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng so với thời điểm trước đại dịch, tạo áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và nước ngoài.

Theo khuyến nghị của Nhóm công tác Nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đảm bảo nguồn giống và vật tư đầu vào cũng như phát triển đa dạng thị trường và sản phẩm đầu ra. Ngành cũng cần xây dựng năng lực sản xuất nguyên liệu và cải thiện chuỗi cung ứng dựa trên sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường xuất khẩu.

3 thách thức lớn của ngành nông nghiệp và yêu cầu chuyển đổi số

Dẫn nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Nhóm Công tác Nông nghiệp đặc biệt nhấn mạnh 3 thách thức lớn mà ngành nông nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt. Đó là: Biến đổi khí hậu; Biến động thị trường, và Biến đổi xu thế tiêu dùng thế giới. Vì vậy, các chuyên gia của Nhóm công tác Nông nghiệp cho rằng nông nghiệp Việt Nam cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh để tạo ra bước ngoặt trong thực hành nông nghiệp trên cả nước, chuyển từ giai đoạn sản xuất nông nghiệp là chính sang kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học công nghệ, chuyển đổi số, từ đó chuyển hóa thách thức thành cơ hội.

“Đại dịch Covid-19 vừa là khó khăn, thách thức, vừa là cơ hội để ngành nông nghiệp và người dân thay đổi tư duy quản lý, sản xuất theo công nghệ Công nghiệp 4.0. Đây rõ ràng là cơ hội để các nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt về công nghệ và phương thức sản xuất nông nghiệp hiệu quả, thông minh, đồng thời nâng cao lợi ích từ kiểm soát chất thải và ô nhiễm cũng như sử dụng và quản lý nguồn nước”, ông David Whitehead, Trưởng nhóm Công tác Nông nghiệp VBF nhấn mạnh.

Theo phân tích của ông David Whitehead, chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp khôi phục khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu, nâng cao hiệu quả của các hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và tăng cường mức đầu tư. “Nhóm Công tác Nông nghiệp cam kết hỗ trợ Bộ NN&PTNT nắm bắt các cơ hội phục hồi và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Xin lưu ý rằng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, tập trung tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. Đây là giải pháp rất rất tích cực và đáng hoan nghênh”, đại diện nhóm công tác khẳng định.

Cũng trong sáng kiến này, Bộ NN&PTNT cũng sẽ cung cấp cho doanh nghiệp thông tin thị trường và các quy định về hàng hóa thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hạn ngạch đối với các sản phẩm nông nghiệp địa phương theo các hiệp định EVFTA và UKVFTA.

Một trong những định hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên cơ sở chuyển đổi số và liên kết thị trường trong nước và quốc tế. Theo đánh giá của Nhóm công tác, để thực hiện mục tiêu này nhằm đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Nhưng với yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu nói riêng, nông nghiệp Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh và thích ứng với điều kiện mới bằng cách ứng dụng công nghệ thông minh vào hoạt động sản xuất. Do đó Nhóm công tác Nông nghiệp nhấn mạnh khuyến nghị để sẵn sàng phát triển kinh tế bứt phá sau đại dịch Covid-19, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành nâng cao khả năng tiếp cận các xu hướng quốc tế; tiếp tục đề xuất các sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau chế biến tăng giá trị xuất khẩu

Theo đánh giá của Nhóm Công tác Nông nghiệp, phát triển chế biến là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, do đó tăng thu nhập xuất khẩu, cũng phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là lọt vào top 15 quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến và top 10 với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại.

Nhóm công tác VBF: Ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số phục hồi sau đại dịch
Đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp thông minh và bền vững

Trên thực tế, những nỗ lực hiện đại hóa và thúc đẩy hơn nữa ứng dụng công nghệ trong chế biến sau thu hoạch đã dẫn đến sự gia tăng từ 5 đến 7% giá trị gia tăng hàng năm của ngành nông nghiệp, đẩy kim ngạch xuất khẩu trung bình tăng 8 đến 10% mỗi năm.

Chế biến sau thu hoạch được xem là khâu then chốt làm gia tăng giá trị nông sản, giảm hao hụt và thất thoát; đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động thị trường xuất khẩu cho nông sản của họ.

Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2017 đến nay, các địa phương trong cả nước đã thu hút được trên 70 dự án đầu tư với tổng giá trị hơn 59 nghìn tỷ đồng (tương đưqơng 2,54 tỷ USD) vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản. Xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 22,58 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực từ tháng 1 – 5 ước tính đạt 7,78 tỷ USD, cao hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã giúp nông sản Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn, từ đó thúc đẩy xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thủy sản, rau quả, gạo và chè.

Nhóm công tác cũng dẫn các số liệu chính thức của Bộ NN&PTNT cho thấy ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,74% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9/2021 trong bối cảnh chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 và đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam để khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có đóng góp đáng kể của lĩnh vực trồng trọt. Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động, trong đó tập trung chỉ đạo sản xuất phù hợp với điều kiện thời tiết và diễn biến COVID-19 ở từng địa phương; thúc đẩy phát triển thị trường, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; và tăng cường các biện pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Hướng tới phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn “thông minh”

Ngành nông nghiệp Việt Nam đã tăng trưởng tốt hơn hầu hết các ngành sản xuất và chế biến chế tạo dưới tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu và những hệ quả về hình thái thời tiết có tác động ngày càng lớn, làm gia tăng tình trạng nhiễm mặn. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy chuyển đổi số, bao gồm nông nghiệp thông minh, để tăng cường quản lý nguồn nước, thức ăn, phân bón và chất thải.

Cùng với việc công nhận tầm quan trọng và đóng góp của nông dân địa phương và nông nghiệp tuần hoàn, các chuyên gia của Nhóm công tác Nông nghiệp khuyến nghị Việt Nam cần chuyển dịch mạnh mẽ hơn sang các hoạt động canh tác quy mô lớn hơn – cải thiện quản lý chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng và nâng cao tính hiệu quả, đảm bảo sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc và nâng cao chất lượng cũng như kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng không chỉ để ngành nông nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn thúc đẩy lưu thông hiệu quả hàng hóa và nguyên vật liệu trong nước, giữa các tỉnh với đầu mối và trung tâm phân phối. Khi đó, sản phẩm nông, lâm, thủy sản có xuất xứ Việt Nam của các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ nâng cao tính cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lương và kiểm dịch thực vật, bao gồm tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và đóng gói.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh rằng chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ giúp khôi phục khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng và thị trường toàn cầu, nâng cao hiệu quả của các hệ thống nông nghiệp tuần hoàn và tăng cường mức đầu tư. Do đó, Nhóm Công tác Nông nghiệp VBF cam kết sẽ hỗ trợ Bộ NN&PTNT nắm bắt các cơ hội phục hồi và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trong năm 2022 và thời gian tới.

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung sẽ cần phải được đổi mới. Nhà nông quy mô lớn hiện đại phải là một nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp, không đơn thuần chỉ xới đất, gieo hạt hay chăn nuôi gia súc. Người nông dân hiện đại ngồi trong văn phòng và kiểm tra thông tin họ được cung cấp thông qua các cảm biến và công nghệ tiên tiến để có thể theo dõi trữ lượng, tốc độ tăng trưởng, việc sử dụng nước, phân bón và quản lý thức ăn; và quan trọng là tác động đến môi trường của tổng thể từ những hoạt động của họ.

“Chúng ta cần tìm ra những ý tưởng mới, khái niệm thông minh, mô hình canh tác mới, thực hiện đổi mới, số hóa, logistics hiệu quả hơn và tập trung hơn vào nông nghiệp tuần hoàn cũng như trách nhiệm với môi trường”, Trưởng nhóm Công tác David Whitehead gợi mở. Dẫn nhận định của Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu chất thải và tác động môi trường, nâng cao năng suất và rút ngắn chuỗi cung ứng, ông David Whitehead cho rằng nông nghiệp tuần hoàn sẽ là chìa khóa để quản lý hiệu quả các tài nguyên nông nghiệp thông qua tập trung giảm thiểu việc sử dụng các yếu tố đầu vào bên ngoài, khép kín vòng dinh dưỡng, tái tạo đất và giảm thiểu tác động đến môi trường. Nếu được thực hiện trên diện rộng, nông nghiệp tuần hoàn có thể giảm bớt nhu cầu về tài nguyên và tác động sinh thái của ngành nông nghiệp.

Trên khắp thế giới, các phương pháp canh tác hiện đại đang tác động đến tự nhiên, sức khỏe con người và hoạt động sản xuất lương thực. Nông nghiệp tuần hoàn, còn được gọi là nông nghiệp khép kín, là một phương thức canh tác không nghững không làm tổn hại mà còn đem lại lợi ích cho tự nhiên.

Đôi khi các ứng dụng mới trong nông nghiệp lại bắt nguồn ngay từ kiến thức truyền thống hoặc kinh nghiệm làm nông. Nông nghiệp tuần hoàn được thực hiện dựa trên kiến thức truyền thống không dẫn tới sự tụt hậu; ngược lại, các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, kỹ thuật số hóa bao gồm sử dụng robot và canh tác chính xác sử dụng dữ liệu vệ tinh và máy bay không người lái, cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng các trang trại của tương lai.

Bên cạnh đó, Nhóm công tác Nông nghiệp của VBF cũng khẳng định hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên của Bộ Chính phù nhằm hướng tới phát triển 1 nền nông nghiệp thông minh bền vững tại Việt Nam bao gồm: Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước; Giảm thiểu ảnh hưởng của hạn mặn (đặc biệt ở đồng bằng sông Cửu Long); Giám sát biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu với các hình thái thời tiết; Phát triển các hệ thống nông nghiệp thông minh thông qua chuyển đổi số; Theo dõi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm sạch và hợp vệ sinh; Tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu; Nâng cao trách nhiệm xã hội và môi trường của các công ty FDI, và tập trung vào các hoạt động nông nghiệp bền vững./.