THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ

Do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020 là năm đầy thách thức khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung và thu hút các nguồn vốn nói riêng của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, từng bước khắc phục khó khăn và đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư vào Tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, năm 2020, toàn Tỉnh có 474 doanh nghiệp và 157 đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là hơn 8.271 tỷ đồng, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt hơn 17,4 tỷ đồng, tăng 26% về số doanh nghiệp đăng ký so với cùng kỳ năm 2019; có 1.543 lượt doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi (tăng vốn điều lệ, mở rộng ngành nghề kinh doanh, địa chỉ, tên, thành viên….), tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 194 doanh nghiệp, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 121 doanh nghiệp, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Quảng Trị có 3.937 doanh nghiệp đang hoạt động trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia (gồm: doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty hợp danh, công ty cổ phần, gọi tắt là doanh nghiệp tư nhân) với tổng số vốn đăng ký khoảng 65.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động.

Những giải pháp thu hút đầu tư vào Quảng Trị  trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Tỉnh Quảng Trị điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Internet.

Vốn đầu tư phát triển thực hiện trên địa bàn Tỉnh năm 2020 (giá hiện hành) ước tính đạt 19.068,2 tỷ đồng, tăng 15,18% so với cùng kỳ năm trước (năm 2019 tăng 24,8%); bao gồm: vốn khu vực nhà nước 5.175,4 tỷ đồng, tăng 18,42%; vốn khu vực ngoài nhà nước đạt 13.785,8 tỷ đồng, tăng 14,30%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 107 tỷ đồng, giảm 14,06%.

Hết năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Trị, có 17 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 79,85 triệu USD (không có dự án FDI có quy mô vốn đăng ký đầu tư trên 50 triệu USD). Các dự án FDI đang có hiệu lực thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị triển khai hoạt động theo đúng nội dung đã đăng ký và quy định hiện hành của pháp luật. Ngoài ra, có 5 dự án đầu tư được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 (gồm: (i) Nhà đầu tư Saint Gobain Produits Pour la Construction (Pháp) mua cổ phần tại Công ty Cổ phần Hiệp Phú – VICO; (ii) Công ty Hữu hạn Cổ phần khai thác thủy sản Hồng Bảo Quảng Đông (Trung Quốc) mua lại cổ phần tại Công ty TNHH Thủy sản Liên hiệp Quốc tế Elites Việt Trung; (iii) Nhà đầu tư Christophe Philippe Emmanuel Guyard (Pháp) mua lại cổ phần tại Công ty Cổ phần Điện gió TNC Quảng Trị 1; (iv) Nhà đầu tư Christophe Philippe Emmanuel Guyard (Pháp) mua lại cổ phần tại Công ty Cổ phần Điện gió TNC Quảng Trị 2; (v) Công ty Cổ phần Win Energy (Trung Quốc) mua lại cổ phần tại Công ty CP New Energy Quảng Trị). Tỉnh cũng thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Kids First đối với dự án “Xây dựng xưởng đóng gói nông sản và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Xây dựng xưởng lắp ráp xe lăn, xe đẩy cho người khuyết tật; Gia công các sản phẩm cơ khí chất lượng cao và cung cấp dịch vụ sơn tĩnh điện; Sản xuất composite (sợi các bon) và các thiết bị y tế có dùng composite, sản xuất mái che mưa cho xe môtô” và chấp thuận giãn tiến độ thực hiện dự án đối với Dự án Nhà máy sản xuất và gia công may mặc PI Vina Quảng Trị của Công ty TNHH PI Vina Quảng Trị.

Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2020 chủ yếu thực hiện tại chỗ và thông qua các kênh điện tử dưới hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị vẫn quan tâm, nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến với nhiều đối tác; Tiến hành hỗ trợ, cung cấp thông tin cho nhiều doanh nghiệp lớn (chủ yếu là doanh nghiệp trong nước), như: Tập đoàn CAMIMEX (lĩnh vực thủy sản); Tập đoàn FLC; Tập Liên doanh Sembcorp (Singapore), Amata (Thái Lan) và Sumitomo (Nhật Bản); Tập đoàn Gazprom (Nga); Tập đoàn T&T; Công ty Cổ phần Vinacomex P&G; Tập đoàn AMACCAO… hứa hẹn nhiều triển vọng về thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là Khu Kinh tế Đông Nam.

NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP

Thực tế cho thấy, trong thu hút đầu tư vào Quảng Trị thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể là:

– Chất lượng, hiệu quả của các dự án đầu tư thu hút còn chưa cao. Hầu hết các dự án có vốn đầu tư thấp, quy mô còn nhỏ, thiếu những dự án mang tính động lực, chưa có các dự án chế biến sâu, công nghệ hiện đại.

– Việc xây dựng hệ thống thông tin và truyền thông về xúc tiến đầu tư giữa địa phương và Trung ương chưa được đồng bộ khiến việc quản lý nhà nước trong công tác xúc tiến đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Tính liên kết vùng trong hoạt động xúc tiến đầu tư chưa được coi trọng đúng mức.

– Chưa tạo được quỹ đất sạch cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình khảo sát, nghiên cứu để tính toán lộ trình đầu tư.

– Khả năng thu hút và chất lượng vốn FDI, đầu tư trong nước vẫn còn thấp, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghệ nguồn, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

– Việc xây dựng các thông tin dự án còn đơn giản, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Thông tin dự án và số liệu chi tiết còn ít. Một số thông tin cần thiết đối với nhà đầu tư, nhưng hầu hết các sở, ban, ngành, địa phương chưa cung cấp được. Thực tế đó ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả xúc tiến đầu tư. Nhiều dự án chưa có địa điểm rõ ràng, chưa ước tính được tổng mức đầu tư, chưa xác định chắc chắn quy mô diện tích, do nhà đầu tư tự nghiên cứu và đề xuất. Xét về mặt kinh tế, kinh doanh và quản trị rủi ro, thông tin không chuẩn bị chu đáo sẽ không mang tính thuyết phục, khó mời được nhà đầu tư.

– Kết nối giao thông chưa thuận tiện, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, đặc biệt về hạ tầng sân bay, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng được nhà đầu tư khi đăng ký đầu tư vào Tỉnh, đây là một vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm.

– Một số dự án đầu tư đang triển khai thực hiện gặp phải những vướng mắc, như: giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng…, thủ tục đầu tư mới ban hành còn chưa rõ ràng khiến công tác hướng dẫn đầu tư còn lúng túng, môi trường đầu tư chưa được cải thiện. Trong thời gian qua, có nhiều dự án chưa thể đáp ứng kịp thời các điều kiện về nội dung, thành phần hồ sơ về trình chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư và tiến độ triển khai của các dự án, đặc biệt là các dự án điện gió vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung Quy hoạch Điện lực quốc gia.

– Hoạt động xúc tiến đầu tư, tổ chức các đoàn nghiên cứu, quảng bá… giảm mạnh về số lượng, quy mô; Số lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu, khảo sát giảm thiểu.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP CẦN THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Để thu hút các nguồn vốn trong nước, đặc biệt nhất là vốn FDI trong và sau đại dịch Covid-19, Quảng Trị cần có các giải pháp nhằm đẩy mạnh và cải thiện môi trường đầu tư, trong thời gian tới, như sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

– Triển khai các Nghị quyết chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND Tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các ngành, địa phương nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch của Tỉnh và của từng đơn vị về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Quảng Trị định hướng giai đoạn 2021-2025.

– Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 391/KH-UBND, ngày 25/01/2019 của UBND Tỉnh về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 139/NQ-CP, ngày 09/11/2018 của Chính phủ và Chương trình hành động số 2992/QĐ-UBND, ngày 21/12/2018 của UBND Tỉnh ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp;

– Hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận, thực hiện các điều kiện, chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Tỉnh; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2019/NĐ-CP, ngày 17/4/2019 của Chính phủ; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND, ngày 18/7/2019 của HĐND Tỉnh về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019-2021.

– Thường xuyên tổ chức rà soát những cơ chế, chính sách đã ban hành, kịp thời bổ sung, sửa đổi những chính sách không còn phù hợp. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi mới đủ sức hấp dẫn, có tính cạnh tranh, mang tính khả thi và phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật cũng như điều kiện thực tế của Tỉnh nhằm thu hút các dự án lớn, mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty xuyên quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng, cập nhật và ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

– Tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu quy hoạch đã được phê duyệt nhằm thu hút, kêu gọi nhà đầu tư đến đầu tư tại địa bàn Tỉnh; Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các tỉnh Quảng Trị. Ưu tiên bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến đầu tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn

– Thực hiện tốt Bản cam kết của Chủ tịch UBND tỉnh với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và 9 cam kết của Chủ tịch UBND Tỉnh với các nhà đầu tư; cam kết giữa giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND Tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ số thành phần nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Duy trì đối thoại doanh nghiệp, mô hình “Cà phê doanh nhân” nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

– Tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức, doanh nghiệp và hoạt động đầu tư, kinh doanh, giúp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tiết kiệm nguồn nhân lực cho tổ chức, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

– Nâng cao chất lượng trong việc cải cách thể chế cũng như môi trường đầu tư nhằm thu hút và kêu gọi đầu tư một cách có hiệu quả; tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ các công việc có liên quan sau khi cấp phép đầu tư cho các tổ chức, nhà đầu tư.

– Thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, cũng như đổi mới phương thức để thúc đẩy đầu tư, xúc tiến đầu tư.

– Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hoàn thiện Trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn và hỗ trợ nhà đầu tư tối đa trong việc tiếp cận thông tin, môi trường và cơ hội đầu tư của Tỉnh.

– Niêm yết công khai, đầy đủ các thủ tục hành chính cũng như địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trong việc giải quyết các thủ tục hành chính tại các sở, ban ngành, đặc biệt là các thủ tục hành chính về đất đai.

– Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp về giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong lĩnh vực đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tỉnh đối với công tác đầu tư

– Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; ít nhất mỗi tháng một lần, lãnh đạo UBND Tỉnh họp với các sở, ban ngành, địa phương liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục xúc tiến đầu tư dự án.

– Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và thời gian để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

– Hoàn chỉnh công tác quy hoạch tại các địa phương nhằm kêu gọi đầu tư, đổi mới cơ chế thông thoáng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư kinh doanh trên địa bàn Tỉnh; đồng thời vận động thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, lợi thế về trình độ quản lý đầu tư.

Thứ tư, tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư

– Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có như đường giao thông, nhà máy xử lý nước thải, tăng cường trồng cây xanh tạo cảnh quang môi trường xanh – sạch – đẹp… để thu hút thêm các nhà đầu tư vào lấp đầy các khu công nghiệp.

– Tập trung tham mưu xử lý các vướng mắc của nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư về năng lượng tái tạo trong việc giải tỏa công suất, đấu nối hệ thống điện.

– Kết hợp chặt chẽ giữa đầu tư của Nhà nước với huy động mạnh các nguồn vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo sức lan tỏa, thúc đẩy hợp tác thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển, các hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch – thương mại, hạ tầng cảng hàng không sân bay…

– Tập trung các nguồn lực, nguồn vốn khác nhau để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; ưu tiên các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Tỉnh, nhất là các dự án nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, như: dự án VSIP, các dự án Tổ hợp điện khí…

– Đẩy mạnh công tác rà soát các dự án triển khai chậm tiến độ đã cam kết cũng như các dự án chưa triển khai theo quy định, các dự án mà nhà đầu tư không có năng lực hoặc năng lực thấp để có giải pháp thu hồi dự án, kêu gọi nhà đầu tư mới triển khai thực hiện.

Thứ năm, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư

– Củng cố và thường xuyên đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên viên hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư về kiến thức pháp luật liên quan đến đầu tư, kỹ năng xúc tiến đầu tư.

– Quan tâm đến công tác nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư; Cải thiện hiệu quả quản lý hoạt động cấp phép đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư và quản lý hoạt động của các dự án đầu tư cho các cán bộ, công chức tại các sở, ngành, địa phương.

Thứ sáu, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá

– Xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm và dài hạn để chủ động và phối hợp với các bộ, ngành trung ương tăng cường công tác quảng bá, tiếp xúc với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để giới thiệu, trao đổi nhằm mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực thu hút đầu tư của Tỉnh.

– Xây dựng và cập nhật các tài liệu xúc tiến đầu tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư. Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan) để cung cấp cho nhà đầu tư. Đồng thời, hàng năm, xây dựng bảng thông tin tóm tắt cho từng dự án theo thứ tự ưu tiên trong danh mục dự án được Tỉnh khuyến khích đầu tư (project profile).

– Đẩy mạnh công tác marketing điện tử về xúc tiến đầu tư và kết nối website để quảng bá cơ hội đầu tư, phát triển thành kênh liên lạc đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời cho nhà đầu tư./.

Tài liệu tham khảo

1. HĐND tỉnh Quảng Trị (2016). Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND, ngày 19/8/2016 quy định chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

2. HĐND tỉnh Quảng Trị (2018). Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND, ngày 18/7/2018 của về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018-2021

3. UBND tỉnh Quảng Trị (2019). Kế hoạch hành động số 391/KH-UBND, ngày 25/01/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng năm 2021

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị (2018-2020). Báo cáo tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Trị các năm, từ năm 2018 đến năm 2020

TS. Đỗ Văn Nhân

Học viện Chính trị Khu vực III

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)