Những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị
Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Bí thư Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển.

Cùng với quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau từ lúc sơ khai hình thành (giai đoạn 1948 – 1955), phát triển mạnh (giai đoạn 1955 – 1986), thoái trào (giai đoạn 1986 – 2003) và từng bước hồi phục, khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài (giai đoạn từ 2003 đến nay). Nhìn chung, qua mỗi giai đoạn, KTTT đều có những đóng góp nhất định, là nhân tố quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc XHCN, bảo đảm an sinh xã hội cũng như sự phát triển kinh tế của đất nước.

“Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường chính trị – kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển đất nước”, Thứ trưởng cho biết.

Chỉ rõ rằng hiện tượng này có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân quan trọng là công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các Nghị quyết của Đảng về KTTT còn hình thức, chưa thống nhất; chưa chú trọng tổ chức thông tin, phổ biến đến nhân dân. Đa số đảng viên, người lao động trong các HTX và hầu hết quần chúng nhân dân chưa thấy được vai trò, vị trí của KTTT trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; một bộ phận còn mang nặng mặc cảm với HTX kiểu cũ, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự phát triển của HTX kiểu mới.

“Trong thời gian tới, cùng với việc nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các quan điểm chỉ đạo của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTT phát triển, thì điều quan trọng cần làm là phải thống nhất lý luận về KTTT, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vấn đề lý luận đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiên cứu, tìm hiểu trong quá trình tìm đường cứu nước và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, những giá trị này vẫn còn ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Do vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu và tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng này sẽ có ý nghĩa to lớn trong phát triển KTTT ở nước ta giai đoạn tới”, Thứ trưởng nói.

Những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị
Toàn cảnh Hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã, vận dụng để phát triển hợp tác xã ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” . Ảnh: MPI

Trên cơ sở đó, Đảng ủy cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã, vận dụng để phát triển hợp tác xã ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” với sự trình bày của GS, TS. Hoàng Chí Bảo.

Tư tưởng về hợp tác xã đã được đề cập nhiều lần trong những tác phẩm của Hồ Chí Minh, trong đó riêng khái niệm hợp tác xã đã được đề cập đến rất nhiều lần trong các bài nói, bài viết của Người.

Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh sử dụng khái niệm hợp tác xã là trong báo cáo gửi Ban Biên tập về hoạt động của Báo Le Paria vào cuối năm 1922. Trong đó, Người trình bày dự định thành lập một hợp tác xã xuất bản. Tại phiên họp lần thứ 7 Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế nông dân 13/10/1923 và sau đó tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Người đã trình bày về tình hình hợp tác xã ở Việt Nam và giải thích lý do tại sao ở Việt Nam người lao động chưa thành lập các hợp tác xã.

Vấn đề hợp tác xã được Hồ Chí Minh trình bày một cách đầy đủ, dễ hiểu hơn khi Người soạn bài giảng cho lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, Trung Quốc (những bài giảng sau này được tập hợp in thành cuốn sách Đường Kách mệnh xuất bản vào năm 1927). Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người đưa ra khái niệm: “Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”. Sau khi nêu ra những ví dụ cụ thể, đơn giản để giải thích khái niệm nói trên, Người viết: Tục ngữ An Nam có những câu: “Nhóm lại thành giàu, chia nhau thành khó, và một cây làm chẳng nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao”. Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy. Trong tác phẩm, Người cũng tổng kết sự phát triển hợp tác xã của các nước trên thế giới, từ hợp tác xã đầu tiên ra đời ở Anh năm 1761, do một số thợ dệt rủ nhau lập ra một cái hội “làm vải cho tốt và bán giá trung bình trong hàng xóm”, cho đến các tổ chức, hình thức hợp tác ở Nga, Pháp, Đức…

Sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân từ cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện tư tưởng hợp tác xã vào thực tế Việt Nam. Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Người viết: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông mong vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã. Nói tóm lại, hợp tác xã là hợp vốn, hợp sức với nhau. Vốn nhiều, sức mạnh, thì khó nhọc ít mà ích lợi nhiều”. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản chất của hợp tác xã là hợp sức, hợp vốn với nhau để có nhiều sức mạnh hơn và lao động sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Mục đích của hợp tác xã được Người chỉ ra là để cải thiện đời sống nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh: “Hợp tác xã cốt làm cho những người vô sản giai cấp hóa anh em. Anh em thì làm giùm nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói tranh cạnh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh lợi ích của hợp tác xã nông nghiệp. Người viết: “Hợp tác xã nông nghiệp là một tổ chức có lợi to cho nhà nông… một cách đấu tranh kinh tế có hiệu quả nhất, để giúp vào việc xây dựng nước nhà… là một cách làm cho nhà nông đoàn kết, làm cho nhà nông thịnh vượng… giúp cho nhà nông đạt đến mục đích, đã ích quốc lại lợi dân”.

Sau lời kêu gọi của Người, hàng loạt cơ sở kinh tế hợp tác, lúc đó chủ yếu là tổ đổi công, tổ vần công được hình thành, mở ra một thời kỳ mới phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của các phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ.

Những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX, đến nay, vẫn còn nguyên giá trị
Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Nguyễn Thị Thu Lan khẳng định, những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX, từ mục đích thành lập, cách thức tổ chức, nguyên tắc hoạt động và giải pháp phát triển HTX ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Ảnh: MPI

Sau hơn 2 tiếng, Hội nghị đã được nghe GS, TS. Hoàng Chí Bảo trao đổi chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã, vận dụng để phát triển hợp tác xã ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Nguyễn Thị Thu Lan khẳng định, những tư tưởng chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về HTX, từ mục đích thành lập, cách thức tổ chức, nguyên tắc hoạt động và giải pháp phát triển HTX ở Việt Nam cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Trong thời gian tới, với nhiệm vụ của Bộ là nghiên cứu, tham mưu sửa đổi bổ sung các quan điểm chỉ đạo của Đảng, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực KTTT phát triển, thì điều quan trọng cần làm là phải thống nhất lý luận về KTTT, HTX, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Vì vậy, đề nghị các đồng chị tham dự Hội nghị hôm nay, tiếp tục quán triệt và phổ biến những nội dung được trao đổi tại Hội nghị tới toàn thể cán bộ, đảng viên tại đơn vị. Liên hệ với những yêu cầu, điều kiện cụ thể ở đơn vị mình để lựa chọn, xác định và tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế để phát triển KTTT, HTX ở nước ta giai đoạn tới”, Phó Bí thư nhấn mạnh./.