Tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững”, do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức sáng nay (ngày 5/6), bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm Đề tài Từ chính sách ra Cuộc sống, chia sẻ, hiện nay các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo có sự phân tán, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, trong khi sự kết nối giữa các đơn vị này còn không ít hạn chế, thách thức. Điều này khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, lúng túng khi muốn triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số, bởi không biết làm theo bộ, ngành nào.
|
Theo bà Nga, để khắc phục những hạn chế trên, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển thực chất và hiệu quả trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp: (i) Cần tạo ra sự kết nối 2 chính sách quan trọng là thu hút nguồn lực tri thức, hỗ trợ nâng cao vai trò của doanh nhân trong thời đại mới; (ii) Các bộ, ngành phải ngồi lại với nhau để tạo ra sự liên kết, liên thông về cơ chế, chính sách đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Với vai trò của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC), tổ chức này nên là đầu mối, là trung tâm tập hợp tổng thể hệ thống cơ chế, chính sách ở tầm quốc gia về đổi mới sáng tạo; (iii) Muốn đổi mới sáng tạo thành công, cần tập trung vào 3 vấn đề, gồm: Tăng năng suất lao động, tăng nguồn thu, tăng nhận diện thương hiệu.
Bà Nguyễn Thy Nga tham gia phiên tọa đàm tại Diễn đàn “Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững” |
Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển chia sẻ, V-Startup là vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, có nhiều hoạt động phát triển thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ với các thành tố trong hệ sinh thái, thúc đẩy các doanh nghiệp startup, các nhà đầu tư và các chuyên gia, cơ quan nhà nước phát triển chính sách công nghệ. Phối hợp các cơ quan nghiên cứu, khảo sát, tổ chức các sự kiện quốc gia, tổ chức Đoàn Việt Nam gồm: Các ban, bộ, ngành, các doanh nghiệp công nghệ số, startup Việt, truyền thông báo chí tham gia các chương trình công nghệ quốc tế uy tín. V-Startup tập trung hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực như: Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), AI, Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Thành phố thông minh (Smart City).
Theo bà Nga, các vườn ươm công nghệ đủ điều kiện để lập bộ phận nghiên cứu – phát triển mạnh, quy tụ nhiều tài năng công nghệ để nghiên cứu về xu hướng phát triển của báo chí và công nghệ truyền thông chính sách, đồng thời tạo ra những sản phẩm truyền thông mang tầm dẫn dắt, định hướng. Các vườn ươm công nghệ hiện tại như V-startup đã có sẵn các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ tạo ra các sản phẩm truyền thông như: công nghệ chuyển đổi giọng nói và văn bản, công nghệ trường quay MC ảo, trợ lý ảo… và luôn phát triển liên kết hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để cùng phát triển nghiên cứu nhiều sản phẩm hỗ trợ cho quá trình truyền thông nói chung, truyền thông chính sách nói riêng. Các cơ quan hoạch định chính sách và truyền thông chính sách nên học cách chấp nhận rằng, các ấn phẩm, website, bản tin qua email (newsletter) hoặc các ứng dụng mobile đều là những sản phẩm. Người dùng luôn đứng trước quyết định có sử dụng một sản phẩm nào đó hay không, họ có rất nhiều lựa chọn để tiếp nhận chính sách và tham gia góp ý kiến nghị chính sách. Các cơ quan hoạch định chính sách, ban hành chính sách và truyền thông chính sách cần thay đổi đường đi của quy trình quản trị chính sách, nếu muốn các thông điệp truyền thông chạm được vào người dân, doanh nghiệp và bắt kịp môi trường của đời sống thực tiễn./.