Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt nam đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng đất nước lại đang đối diện với nhiều vấn đề to lớn như ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các đô thị. Theo số liệu được công bố gần đây, Việt Nam thường xuyên đứng trong nhóm 10 nước có các thành phố có chỉ số ô nhiễm không khí cao nhất châu Á [1–4].

Ô nhiễm môi trường có thể thúc đẩy di cư và chảy máu chất xám
Ô nhiễm không khí gây ra nhiều rất nhiều hệ lụy.

Ô nhiễm không khí gây ra nhiều rất nhiều hệ lụy. Trước tiên, ô nhiễm không khí tác động xấu đến sức khỏe con người. Tại diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) mới đây vừa đăng tải bài báo “Ô nhiễm không khí có thể tăng rủi ro về sức khỏe do COVID-19 gây ra”. Theo TS. Maria Neira, những người tiếp xúc và sống trong môi trường có chất lượng không khí kém, thì nguy cơ bị COVID-19 đe doạ cao hơn những người khác [5]. Công trình khoa học của TS. Jos Lelieveld (Viện Hóa học Max Planck) và cộng sự được đăng tải trên Tạp chí danh giá của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (PNAS) chỉ ra số người tử vong do ô nhiễm không khí có thể lên đến gần 9 triệu người mỗi năm [5].

Bên cạnh vấn đề sức khỏe, ô nhiễm không khí được xem là tác nhân thúc đẩy sự di cư và chảy máu chất xám. Lo lắng này được củng cố từ kết quả nghiên cứu của nhóm nhà khoa học đến từ Đại học Phenikaa, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhóm Vietkap về vấn đề ô nhiễm không khí. Công trình khoa học có tên là: “Brain Drain out of the Blue: Pollution-Induced Migration in Vietnam”[6] đăng tải vào ngày 18/03/2022 trên Tạp chí khoa học International Journal of Environmental Research and Public Health. Tạp chí này có hệ số tác động tốt, JIF = 3.390; JCR – Q1; có thể truy cập toàn văn qua địa chỉ DOI: https://doi.org/10.3390/ijerph19063645. Điểm thú vị là công trình khoa học này sử dụng phương pháp Bayesian mindsponge framework (BMF) [7], kết hợp giữa hệ thống lý thuyết Mindsponge [8] gốc và phần mềm Bayesvl [9] của người Việt, do giáo sư Vương Quân Hoàng phát triển trong khoảng 10 năm qua.

Ô nhiễm môi trường có thể thúc đẩy di cư và chảy máu chất xám

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có trình độ học vấn cao hơn thường có ý định di cư cả trong nước (Hình 1) và quốc tế (Hình 2) do ô nhiễm không khí. Về vấn đề di cư trong nước, nhóm nam và thanh niên trẻ tuổi có xác suất di cư cao hơn so với các đối tượng khác. Độ tuổi và giới tính cũng làm giảm mối liên hệ giữa trình độ học vấn và ý định di cư quốc tế, nhưng độ tin cậy vẫn cần được chứng minh thêm.

Ô nhiễm môi trường có thể thúc đẩy di cư và chảy máu chất xám

Hiện tượng chảy máu chất xám đã được giải thích thông qua lý thuyết mindsponge. Đó là, các yếu tố gây căng thẳng môi trường do ô nhiễm không khí gây ra có thể ảnh hưởng đến ý định di dời của người dân trên quy mô lớn thông qua cơ chế tâm lý cá nhân là phán đoán chi phí – lợi ích. Nguy cơ ô nhiễm không khí đối với nguồn nhân lực đặt ra yêu cầu là cần phải xây dựng và thực hiện kỷ luật hệ sinh thái giải pháp bao gồm tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ [10], xây dựng văn hóa môi trường với hạt nhân “văn hóa thặng dư sinh thái – ecosurplus culture”[11]. Cụ thể, mỗi người dân cần (được) nâng cao ý thức, hành vi trong việc bảo vệ môi trường không khí, giảm thiểu hoạt động gây ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con người [12]. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí đang trở nên trầm trọng trở lại do hoạt động sản xuất, giao thông của người dân đô thị gần trở về trạng thái trước thời điểm đại dịch COVID 19, công trình khoa học của nhóm tác giả người Việt là một nguồn thông tin tham khảo có ý nghĩa và kịp thời để giúp cải thiện các chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Thành Ý (2020). Ô Nhiễm Không Khí: Giải Pháp Toàn Cầu và ở Việt Nam Trong Phát Triển Bền Vững, GREENID

2. Nguyen, T. C., Le, H. T., Nguyen, H. D., Le, T.H., Nguyen, H.Q. (2021). Estimating Economic Benefits Associated with Air Quality Improvements in Hanoi City: An Application of a Choice Experiment, Econ. Anal. Policy, 71, 420–433, doi:10.1016/J.EAP.2021.06.009

3. Van Khuc, Q., Phu, T. V., Luu, P (2020). Dataset on the Hanoian Suburbanites’ Perception and Mitigation Strategies towards Air Pollution, Data Br, 33, 106414, doi:10.1016/j.dib.2020.106414.

4. Vuong, Q., Phu, T. V., Le, T. T., Khuc, Q. Van (2021). Exploring Inner-City Residents’ and Foreigners’ Commitment, Data, 6, doi:10.17632/8sv4j2r9wk.2

5. Nguyễn Quang Lộc (2022). Ô nhiễm không khí có thể tăng rủi ro về sức khỏe do Covid-19 gây ra, Người đưa tin

6. Khuc, Q. Van, Nguyen, M., Le, T., Nguyen, T., Nguyen, T., Lich, H. K., Vuong, Q. H (2022). Brain Drain out of the Blue : Pollution-Induced Migration in Vietnam, Int. J. Environ. Res. Public Health, 19, 36-45, doi:10.3390/ijerph19063645.

7. Nguyen, M. H., Le, T. T., Khuc, Q. Van. Bayesian Mindsponge Framework Available online: https://encyclopedia.pub/13852

8. Vuong, Q. H., Napier, N. K. (2015). Acculturation and Global Mindsponge: An Emerging Market Perspective, Int. J. Intercult. Relations, 49, 354–367, doi:10.1016/j.ijintrel.2015.06.003

9. La, V. P., Vuong, Q. H (2019). Package ‘Bayesvl’: Visually Learning the Graphical Structure of Bayesian Networks and Performing MCMC with ‘Stan.’ Compr. R Arch. Netw, doi:10.31219/osf.io/w5dx6>

10. Vuong, Q. H. (2018). The (Ir)Rational Consideration of the Cost of Science in Transition Economies. Nat. Hum. Behav, 2, 5, doi:10.1038/s41562-017-0281-4.

11. Vuong, Q. H. (2021). The Semiconducting Principle of Monetary and Environmental Values Exchange, Econ. Bus. Lett, 10, 284–290, doi:10.17811/ebl.10.3.2021.284-290

12. Khuc, Q. Van (2022). Về khả năng ứng dụng của hệ xử lý thông tin 3D và nguyên lý bán dẫn giá trị trong tìm kiếm giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Kinh tế và Dự báo

Hà Thị Hồng Hạnh, Đỗ Thị Hồng Uyên

Đại học Quốc gia Hà Nội