Sáng 26/4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”.

OECD dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc trong năm 2023-2024

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD và ADB trong các hoạt động này là rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”.

Năm 2023-2024: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc

Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua, sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch bệnh Covid-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới.

Môi trường kinh tế vĩ mô nói chung và lạm phát nói riêng tương đối ổn định hơn so với khu vực và cả trên bình diện thế giới. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh các nỗ lực cải cách gắn với chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, phục hồi xanh gắn với kinh tế tuần hoàn.

Thứ trưởng khẳng định, đằng sau những chuyển biến rất tích cực về kinh tế và chính sách ấy là tư duy tích cực, nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhằm tìm kiếm những ý tưởng, kiến nghị trên các lĩnh vực: cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ổn định kinh tế vĩ mô; và thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đồng thời tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Trình bày báo cáo, TS. Koen Vincent thuộc Ban Kinh tế của OECD cho biết, Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể trong những thập niên qua và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Những cải cách sâu rộng và liên tục kể từ cuối những năm 1980 là chìa khóa dẫn đến thành công kinh tế này. Kinh tế Việt Nam cũng đã chứng tỏ khả năng phục hồi trước những cú sốc, bao gồm cả đại dịch Covid-19. Thời kỳ đại dịch, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vượt trội so với hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á.

Còn ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB, trong hơn 3 thập niên, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế nổi bật, duy trì mức tăng trưởng gần 7% là điều rất ít quốc gia đạt được.

“Đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại bước tiến này, nhưng Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để kiểm soát dịch bệnh, linh hoạt các giải pháp điều hành, mở cửa mạnh mẽ nên tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì, dù phải đối mặt với nhiều bất lợi”, ông Cường nhận định.

OECD dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc trong năm 2023-2024
TS. Koen Vincent thuộc Ban Kinh tế của OECD cho biết, Việt Nam đã đạt được tiến bộ kinh tế đáng kể trong những thập niên qua và duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Ảnh: Đức Trung

OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, với tổng sản phẩm trong nước (GDP) ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.

Theo ông Cường, Việt Nam đã nhanh chóng hồi phục sau những đợt suy thoái do đại dịch gây ra, nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy.

Phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức

Ông Nguyễn Minh Cường chỉ rõ, sau 3 năm bùng phát đại dịch Covid-19, nền kinh tế đã bộc lộ nhiều vấn đề. Bên cạnh những thách thức từ bên ngoài, thì thách thức lớn nhất vẫn là các yếu tố nội tại của nền kinh tế đến từ những bất ổn về thị trường tài chính, thị trường lao động, tình trạng già hóa dân số, chất lượng thể chế chưa cao…

Nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tình trạng dân số sẽ già hoá nhanh sẽ gây áp lực với chi tiêu công khi độ bao phủ của hệ thống hưu trí vẫn ở mức thấp. Lao động làm việc tự do và lao động làm việc không thường xuyên đang có xu hướng gia tăng, đòi hỏi Chính phủ cần tăng mức độ bảo trợ xã hội.

Quá trình biến đổi khí hậu cũng đang là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trước mắt và dài hạn. Và tỷ trọng thuế/GDP tương đối cao so với các nước trong khu vực; Bên cạnh đó, mức độ tích luỹ vốn còn ít và năng năng suất lao động thấp. Đây là những yếu tố then chốt cần lưu ý.

Còn ông Koen Vincent khẳng định, với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những bất ổn địa chính trị và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, trong ngắn hạn, các điều kiện bên ngoài đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể tiếp tục đè nặng lên thương mại toàn cầu và lạm phát gia tăng trên khắp thế giới có thể gây thêm áp lực giảm tỷ giá hối đoái cho Việt Nam.

Với những thách thức đáng kể phía trước, OECD cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy cải cách cơ cấu nhằm tăng cường hơn nữa các lực lượng thị trường.

Ngoài ra, theo OECD, để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam nên dừng đầu tư mới vào than đá và đẩy nhanh việc thực hiện thị trường carbon. Vì những cải cách này sẽ yêu cầu các nguồn lực tài chính bổ sung, cơ sở thuế nên được mở rộng để tăng thu nhập của Chính phủ.

OECD dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc trong năm 2023-2024
Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những vấn đề được nêu trong Báo cáo cũng là những vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, theo dõi sát sao trong quá trình chỉ đạo, tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế – xã hội, các ngành, lĩnh vực. Ảnh: Đức Trung

Báo cáo của OECD đưa ra 3 thông điệp chính

Báo cáo của OECD đã đưa ra 3 thông điệp chính.

Thứ nhất, chính sách kinh tế vĩ mô cần giúp tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ưu tiên là giảm thiểu tác động của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ có đối tượng mục tiêu cho các hộ gia đình dễ tổn thương, thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.

Trong trung hạn, điều quan trọng là phải củng cố các khung chính sách kinh tế vĩ mô bằng cách cải thiện tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế. Cũng cần tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội và giảm bớt nền kinh tế phi chính thức.

Thứ hai, để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số. Việc tiếp thêm sức mạnh cho tính năng động của doanh nghiệp đòi hỏi phải tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của các quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường, gồm cả giữa doanh nghiệp nhà nước và các thực thể tư nhân.

Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, sẽ cần phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Có thể đạt được điều này thông qua cách tiếp cận chính sách toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, thiết lập các quy định tạo thuận lợi, và giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng các-bon.

Báo cáo là tài liệu tham khảo quan trọng trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách thời gian tới

Đánh giá cao việc hoàn thành “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023”, Thứ trưởng khẳng định, đây là một tài liệu quan trọng, lần đầu tiên OECD thực hiện cho Việt Nam, với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng.

Thứ trưởng tin tưởng rằng, Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới.

Đánh giá cao chất lượng nội dung của Báo cáo, ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những vấn đề được nêu trong Báo cáo cũng là những vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quan tâm, theo dõi sát sao trong quá trình chỉ đạo, tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế – xã hội, các ngành, lĩnh vực.

OECD dự báo, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc trong năm 2023-2024
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu bế mạc. Ảnh: Đức Trung

Với tinh thần cải cách và phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các mô hình kinh tế, định hướng phát triển mới về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các vùng kinh tế xã hội gắn với hoàn thiện thể chế liên kết vùng…

Đồng thời, đang tham mưu với Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô. Qua đó, góp phần hướng tới mục tiêu khát vọng của Việt Nam đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, ông Tâm cho hay.

Đồng tình với thông điệp được đưa ra trong Báo cáo về tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế, việc tham gia tích cực vào thương mại toàn cầu đối với Việt Nam, cũng như những lưu ý về việc cần khắc phục những tác động không thuận từ bên ngoài như lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, ông Trần Anh Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao mong muốn, OECD và ADB sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực cho Việt Nam trong một số lĩnh vực như nghiên cứu, nắm bắt các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo…, hỗ trợ tăng cường năng lực hội nhập quốc tế.

Với tầm quan trọng của hội nhập kinh tế quốc tế đối với Việt Nam, bao gồm mạng lưới hơn 15 FTA đã có hiệu lực và đang đàm phán, ông Vũ hy vọng rằng, trong thời gian tới OECD và ADB sẽ tiếp tục quan tâm có các ý kiến tư vấn, đề xuất cho Việt Nam nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế trong thế giới chuyển biến mạnh mẽ hiện nay.

Khẳng định Việt Nam đang đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, đẩy manh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới biến động đa chiều, phức tạp, đa khủng hoảng, đa chuyển đổi, cơ hội và thách thức đan xen, ông Vũ cho rằng, việc có cách tiếp cận phù hợp để thích ứng với những biến chuyển, hạn chế thách thức và tận dụng tốt cơ hội từ môi trường kinh tế toàn cầu, phát huy lợi thế so sánh của đất nước là vô cùng quan trọng để Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

“Đặc biệt, Việt Nam cần tìm ra và tận dụng được những động lực mới để tạo “sức bật” phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới”, ông Vũ nhấn mạnh./.