Theo đó, Petrolimex đưa 6 kiến nghị với Thủ tướng. Thứ nhất, Petrolimex đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho doanh nghiệp được ưu tiên phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu (CHXD) theo quy hoạch đô thị hoá, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Cùng với đó, “ông lớn” xăng dầu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) dành 50% vị trí quy hoạch cửa hàng xăng dầu (tương ứng với thị phần của Petrolimex) trên tất cả các đường cao tốc đang đầu tư bằng nguồn vốn của nhà nước hoặc nguồn vốn của DNNN để chỉ định cho Petrolimex đầu tư với giá đầu tư tương đương giá đấu giá thị trường đối với 50% các vị trí còn lại (do các nhà đầu tư khác tham gia đầu tư).

Petrolimex kiến nghị nới room lên 35% cùng nhiều giải pháp để phát triển
Petrolimex hiện sở hữu hơn 2.600 cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc

Petrolimex cho biết Tập đoàn hiện sở hữu hơn 2.600 cửa hàng xăng dầu (CHXD), chiếm chưa đến 20% tổng số CHXD toàn xã hội, trong khi đó thị phần của Petrolimex chiếm gần 50%, vì vậy việc phát triển hệ thống CHXD theo doanh nghiệp, là để đảm bảo vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu.

Thứ hai, Petrolimex đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan cho phép Petrolimex tham gia hệ thống tra nạp ngầm và Kho xăng dầu hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành với phân kỳ đầu theo tiến độ phát triển lưu lượng khách thực tế của Sân Bay Long Thành.

Thứ ba, về cơ chế chính sách, Petrolimex kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương bố sung điều kiện kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài Chính chỉ đạo Tổng cục Thuế yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải áp dụng đồng bộ hoá đơn điện tử có kết nối trực tuyến với cột bơm xăng dầu tới trung tâm dữ liệu quốc gia của cơ quan Thuế, để đảm bảo nguyên tắc công bằng trong kinh doanh. Lãnh đạo Petrolimex khẳng định đã tiên phong, nghiêm túc áp dụng hoá đơn điện tử trên toàn hệ thống từ 2018, tới nay, trong khi một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chưa triển khai áp dụng. Theo đó, giải pháp này đồng thời cũng để góp phần phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu thuế trong thị trường xăng dầu, qua đó tạo môi trường kinh doanh xăng dầu minh bạch, bình đẳng, tuân thủ quy định pháp luật.

Thứ tư, Petrolimex đề xuất Thủ tướng xem xét việc mở room cho Nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex lên 35%. “Hiện nay, room cho nhà đầu tư nước ngoài tại Petrolimex được quy định là 20% nhưng thực tế chỉ còn khoảng 3%”, đại diện Petrolimex nêu rõ và khẳng định, việc nới room của Petrolimex hoàn toàn phù hợp các quy định của pháp luật. Doanh nghiệp cũng cho rằng kiến nghị này đảm bảo duy trì định hướng Nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Petrolimex ở mức trên 50% đến dưới 65% (theo Quyết định 22/QĐ-TTg) và nhằm xây dựng kế hoạch thoái vốn mang tính khả thi và đảm bảo lợi ích tối đa cho Nhà nước,

Thứ năm, Petrolimex đề nghị Thủ tướng cho phép xúc tiến việc nghiên cứu phương án đầu tư sở hữu chung Nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản của Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản – ENEOS (cổ đông chiến lược của Petrolimex) thông qua phương án cấu trúc vốn tối ưu và hoán đổi cổ phiếu của Petrolimex cho đối tác, đảm bảo lợi ích cao nhất cho Petrolimex và Nhà nước. Theo lãnh đạo Petrolimex, Nhà máy lọc dầu của ENEOS có thể cung ứng các sản phẩm xăng dầu với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất hiện nay trên thế giới, thân thiện hơn với môi trường, mà trong nước chưa sản xuất được. “Sau khi nghiên cứu nếu có hiệu quả, Petrolimex sẽ xây dựng phương án cụ thể trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật”, đại diện Petrolimex khẳng định.

Thứ sáu, Petrolimex kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với UBND TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho phép Công ty Liên doanh Castrol BP Petco được gia hạn giấy phép. Thực tế hiện nay, đến tháng 8/2022 Liên doanh sẽ hết hạn và hồ sơ xin gia hạn đã được hoàn thiện theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh từ tháng 10/2021). Petrolimex cho biết, đây là liên doanh của Petrolimex với BP từ những năm đầu đất nước có luật đầu tư nước ngoài, hoạt động hiệu quả, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Nguyện vọng của các bên là được tiếp tục gia hạn hoạt động thêm 20 năm đúng theo Luật Đầu tư. Hiện nay, các Sở ban ngành TP.HCM đang xử lý, tuy nhiên, để đảm bảo tính liên tục, thông suốt khi giao dịch với các đối tác, Petrolimex đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tạo điều kiện cho Liên doanh sớm có được giấy phép gia hạn.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam hiện là doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm 75%, là đơn vị lớn nhất ở khâu hạ nguồn phân phối xăng dầu, giữ vai trò chủ đạo trong bình ổn thị trường xăng dầu, chiếm thị phần gần 50% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước. Tại những thời điểm căng thẳng về nguồn, Petrolimex là doanh nghiệp thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu cho nhu cầu tiêu dùng thiết yếu và phát triển kinh tế – xã hội. Hiện Petrolimex chiếm thị phần gần 50% tổng nhu cầu xăng dầu cả nước, tuy nhiên trong giai đoạn căng thẳng về nguồn cung xăng dầu trong nước, “ông lớn” xăng dầu khẳng định, có nhiều thời điểm phải đảm bảo cung ứng lượng bán ra lên tới 70-80% nhu cầu thị trường do các đầu mối khác không có hàng, hoặc không bán ra, vì lúc đó càng bán càng lỗ do giá thế giới tăng nhanh hơn điều hành giá của Liên Bộ.

Bên cạnh nhiệm vụ chính trị, Petrolimex cũng là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn đầu tiên thực hiện thành công cổ phần hoá và tái cấu trúc, Tập đoàn hiện nay đã trở thành công ty cổ phần đại chúng quy mô lớn thuộc Top VN30 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM với vốn hoá trên 70.000 tỷ đồng. Theo số liệu của Petrolimex, cổ tức lũy kế Nhà nước nhận được cho đến nay đã vượt phần vốn góp Nhà nước tại doanh nghiệp./.