Nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo 2 giai đoạn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo vừa chủ trì Phiên họp thứ Tư của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án ”Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, theo Văn phòng Quốc hội.

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH/ĐĐQH15, ngày 10/8/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về triển khai nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 ”, Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức Phiên họp lần thứ Tư, để nghe Tiểu ban số 2 báo cáo và cho ý kiến vào Đề án Chuyên đề về ““Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Chuyên đề số 11).

Phải làm sâu sắc hơn nội hàm về tổ chức của Quốc hội
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Báo cáo tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban số 2 cho biết, Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” gồm 2 phần chính: đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để tiếp tục hoàn thiện Chuyên đề, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu một số vấn đề xin ý kiến Ban Chỉ đạo như: số lượng các Ủy ban của Quốc hội khóa XVI; đại biểu Quốc hội chuyên trách; lấy phiếu tín nhiệm với người do Quốc hội bầu, phê chuẩn…

Trên cơ sở tổng kết hoạt động của Quốc hội các khóa, cũng như những lần sửa đổi Hiến pháp và pháp luật có nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chuyên đề đánh giá thực trạng pháp luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, thực trạng tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ năm 1992 (từ Quốc hội khóa IX) đến nay, đánh giá ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân.

Chuyên đề xác định các quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đổi mới về tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội theo 2 giai đoạn từ nay đến năm 2030 (tương ứng với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và khóa XVI) và từ năm 2030 đến năm 2045, xây dựng một Quốc hội dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.

Tán thành với đề xuất tăng số lượng Ủy ban một cách hợp lý, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường kiến nghị, cần rà soát lĩnh vực hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Ủy ban cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực hoạt động của các bộ, ngành…

Tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Tiểu ban số 2 tiếp tục hoàn thiện Chuyên đề theo hướng tiếp thu tối đa ý kiến phát biểu thảo luận tại Phiên họp; đề nghị làm sâu sắc, kỹ lưỡng, rõ hơn nội hàm về tổ chức của Quốc hội, bao gồm những thành tố nào. Từ đó, làm rõ các đặc điểm, tính chất, mối quan hệ của Quốc hội trong cả hệ thống chính trị…

Phải làm sâu sắc hơn nội hàm về tổ chức của Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tính chuyên nghiệp của Quốc hội được thể hiện qua mô hình tổ chức, các thiết chế; tăng dần số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới định hướng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua mô hình tổ chức, các thiết chế; tăng dần số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho phù hợp; nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp với các cơ quan khác…

Ông Vương Đình Huệ đề nghị Chuyên đề số 11 phải tập trung làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế theo hệ thống, phân loại mô hình; nghiên cứu rút ra những quan điểm lớn, định hướng lớn; nguyên tắc, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu…

“Ngay sau khi tiếp thu hoàn thiện nội dung chuyên đề, Tiểu ban số 2 phải tiến hành gửi tới các cơ quan ngoài Quốc hội; nguyên Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội… để xin ý kiến góp ý, đảm bảo cao nhất chất lượng nghiên cứu của Đề án”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.