Phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, các đồng chí bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy các địa phương vùng ĐBSCL; lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương; các doanh nghiệp, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỷ đồng. Các dự án gồm: Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ-Cà Mau gồm 2 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau; (2) Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần; (3) Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu gồm 2 dự án thành phần; (4) Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh; (5) Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận; (6) Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; (7) Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (8) Dự án cầu Rạch Miễu 2; (9) Dự án cầu Đại Ngãi.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km và 2 dự án cầu, đường bộ. Cụ thể, 4 dự án cao tốc gồm: (i) 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; (ii) dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; (iii) dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (iv) dự án thành phần 1 Cao Lãnh-An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ. Còn 2 dự án cầu, đường bộ: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau và Dự án cầu Rạch Miễu 2.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, song vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ (vào tháng 9/2024). Dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 99,9%; dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đạt 99%; dự án Cao Lãnh-An Hữu đạt 98,5%; dự án cầu Đại Ngãi 99,5%. Riêng dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua Cần Thơ).

Theo Bộ Giao thông vận tải, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu (cát đắp, cấp phối đá dăm), đồng thời công tác chỉ đạo điều hành của các chủ đầu tư cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công.

Với sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tích cực rà soát, xác định được nguồn cát sông 72,3 triệu m3/nhu cầu 65 triệu m3. Để bảo đảm nguồn cung vật liệu cát đáp ứng tiến độ các dự án, căn cứ vào trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát và chỉ đạo hoàn thành thủ tục để khai thác các mỏ vào cuối tháng 8/2024.

Mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là: Tăng tốc, bứt phá; tập trung cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền tối đa cho các bộ ngành, địa phương, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” và địa phương thụ hưởng; chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét

Theo Thủ tướng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

“Sau thời gian 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả bước đầu đến nay cho thấy: Chúng ta đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực, nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành; từ không có tiền đến có đủ tiền; từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng gần 1.200 km. Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39 km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng.

“Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét”, Thủ tướng biểu dương.

Đến nay, toàn vùng có 120 km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác; có 428 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025; có 215 km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư (gồm: Đức Hòa-Mỹ An (74 km), Mỹ An-Cao Lãnh (26 km), Hà Tiên-Rạch Giá (100 km), cầu Cần Thơ 2 (15 km).

Cùng với đó, các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã trưởng thành, lớn mạnh hơn, đã làm chủ và triển khai được các dự án quy mô lớn. Đã bố trí được phần lớn nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam với khoảng trên 37 triệu m3 trong tổng số nhu cầu khoảng 65 triệu m3.

Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ, trên 90% mặt bằng được bàn giao, nhiều dự án đã hoàn thành 100%. Công tác hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống cho nhân dân được các địa phương chú trọng, thực hiện tốt. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực dự án được bảo đảm, nhân dân ủng hộ các dự án.

Theo Thủ tướng, những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là pháp lý, thủ tục đầu tư, nguồn vốn…; các nhà thầu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động quyết tâm cao với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên Tết, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật”; sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng tình của người dân đã nhường đất, mặt bằng sinh sống, sản xuất để phục vụ thi công các dự án.

Bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, như khó khăn về công tác quản lý ở một số địa phương khi lần đầu được giao chủ quản dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng, bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thành trong tháng 9/2024. Các dự án đều còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng mặc dù tỷ lệ không lớn; di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm (còn 15 vị trí đường điện cao thế chưa di dời). Một số dự án khai thác cát lòng sông chưa nhận được đồng thuận cao của người dân.

Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt: (i) Giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường; (ii) Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí; (iii) Bàn để quyết chứ không bàn để đấy, đã bàn, đã quyết là phải làm, đã làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí

Theo Thủ tướng, khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các các dự án. Hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc”. Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600 km đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đến năm 2030 có khoảng 1.200 km.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ, chủ tịch UBND các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo, phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm nêu trên trong triển khai các dự án.

Trong đó, phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm và đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề tiếp tục còn vướng mắc: Giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế; cung ứng vật liệu (cát, đá, sỏi).

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Thông báo kết luận số 335/TB-VPCP ngày 19/7/2024, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Giao thông vận tải, các bộ ngành liên quan tiếp tục trực tiếp trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo thẩm quyền. Yêu cầu tuyệt đối không đặt ra những quy định gây khó khăn, cản trở hoạt động cung ứng cát san lấp và cấp phối đá dăm, làm chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN), các địa phương khẩn trương di dời đường điện cao thế; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trường hợp để chậm trễ.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “làm việc nào dứt việc đó”, “đã cam kết phải thực hiện “, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các nhà thầu chính hợp tác, hỗ trợ các nhà thầu, doanh nghiệp địa phương tham gia dự án. Những việc mà lực lượng quân đội, công an làm được thì huy động lực lượng công an, quân đội tham gia.

UBND các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10/2024, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nguồn vật liệu và chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo nguồn vật liệu (cát, đá, sỏi); xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành và vượt tiến độ; khen thưởng, kỷ luật kịp thời; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, bảo đảm điều kiện của người dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục vận động các đoàn thể tại địa phương phối hợp, hỗ trợ các công nhân, nhà thầu làm việc trên các công trường trên địa bàn.

Bộ Giao thông vận tải và UBND TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang (những nơi không tự chủ động được nguồn vật liệu san lấp) thường xuyên cập nhật tiến độ giải quyết các thủ tục về cung ứng cát san lấp đắp nền đường cho các dự án, triển khai ngay hoạt động khai thác vật liệu đưa về về công trường để hỗ trợ gia tải xử lý lún và chủ động nguồn vật liệu đá dăm.

Thủ tướng đề nghị các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư thành ủy, tỉnh ủy và chủ tịch UBND các địa phương trong vùng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong triển khai các dự án, làm việc hết mình, hết sức, tránh đùn đẩy, né tránh, hoàn thành, xử lý dứt điểm các công việc đã bàn, đã thống nhất, tất cả vì sự phát triển của vùng ĐBSCL, sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hạnh phúc, ấm no của nhân dân./.