Chiều nay (ngày 21/02), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành là thành viên Hội đồng thẩm định; các chuyên gia là ủy viên phản biện và đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía tỉnh Phú Thọ có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành của tỉnh Phú Thọ.

Phát huy tối đa các nguồn lực để Phú Thọ bứt tốc trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng
Toàn cảnh Hội nghị

Khắc phục, giải quyết những điểm hạn chế trong phát triển thông qua bài toán quy hoạch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Quy hoạch tỉnh Phú Thọ được lập trong bối cảnh có những thuận lợi.

“Đặc biệt, chúng ta có Quy hoạch tổng thể quốc gia vừa được Quốc hội thông qua; rồi các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông) và một số quy hoạch Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là căn cứ, là cơ sở để tỉnh Phú Thọ xem xét, cụ thể hóa những định hướng phát triển trên địa bàn tỉnh thông qua Quy hoạch tỉnh Phú Thọ”, Thứ trưởng nói.

Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi phát tích của dân tộc Việt Nam với bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi các Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Vị trí ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam, cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội; nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – tuyến hành lang đã hoàn hiện về hạ tầng kết nối và phát huy vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực miền Bắc, đã tạo cho Phú Thọ nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế.

Trong giai đoạn 2011-2020, các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực của Tỉnh được khai thác khá hiệu quả, thể hiện qua nhiều chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,68%/năm; quy mô GRDP năm 2020 đạt trên 75,3 nghìn tỷ đồng (tăng 3,42 lần so với năm 2010), GRDP bình quân đầu người đạt 50,8 triệu đồng/người (theo giá hiện hành); cơ cấu GRDP dịch chuyển theo hướng tích cực sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn; văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc và tiến bộ, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; quốc phòng – an ninh được bảo đảm.

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh nhìn chung vẫn thấp hơn so với mức bình quân của cả nước. Các kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, dư địa để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực vẫn còn khá lớn.

Bối cảnh mới trong nước và quốc tế đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với Tỉnh trong giai đoạn tới cần định hướng phát triển tổ chức lãnh thổ, xác định là ngành động lực, phát huy tối đa các nguồn lực phát triển là những lựa chọn mang tính chất quyết định để tỉnh Phú Thọ bứt tốc trở thành Tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước.

Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm, những điểm hạn chế trong phát triển của tỉnh Phú Thọ thời gian qua cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ để khắc phục, giải quyết trong bài toán quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Phú Thọ 2021-2030: 1 trung tâm, 2 trục, 3 đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang khẳng định tầm quan trọng của công tác quy hoạch. Quan điểm phát triển của Tỉnh trong thời kỳ 2021-2030 là đặt Phú Thọ trong quan hệ chặt chẽ với các địa phương khác để tạo ra hiệu ứng tốt cho việc phát triển kinh tế của Tỉnh và đảm nhận được vai trò trung tâm và trở thành đầu tàu lôi kéo các địa phương trong tiểu vùng Tây Bắc.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Phú Thọ đặt trọng tâm trở thành: Trung tâm thương mại và logistic gắn với trung tâm chế biến nông, lâm sản; trung tâm văn hóa – du lịch; trung tâm khám chữa bệnh; trung tâm đào tạo của 5 tỉnh tiểu vùng Tây Bắc.

Tỉnh Phú Thọ xác định ưu tiên phát triển: 1 trung tâm (đô thị trung tâm Việt Trì); 2 trục (2 hành lang kinh tế theo trục Bắc – Nam và trục Đông – Tây); 3 đột phá phát triển; 4 nhiệm vụ trọng tâm.

(1) Xác định 5 quan điểm phát triển: (i) Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Tổ; (ii) Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội; (iii) Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung; (iv) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; (v) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế – xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

(2) Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030: Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường kết nối nội vùng, liên vùng. Hình thành trung tâm phát triển về du lịch; giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh của tiểu vùng Tây Bắc và trung tâm thương mại, logistics, công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ với 2 di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn Tỉnh bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10,6%/năm (trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9,0%; giai đoạn 2026-2030 đạt trên 12%); GRDP bình quân người năm 2030 đạt 6.200-6.300 USD; ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 48-50%; ngành dịch vụ chiếm 33-35%; ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 12-14%.

(3) Các ưu tiên phát triển:

– Một trung tâm: Đô thị Việt Trì mở rộng là đô thị loại I, trung tâm quan trọng của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với trọng tâm là phát huy vai trò của Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

– Hai trục (hành lang) kinh tế: (i) Trục Đông – Tây gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai và tuyến quốc lộ 2D hiện hữu; đường liên vùng nối đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 70B, quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái. (ii) Trục Bắc – Nam gắn với hành lang kinh tế dọc tuyến Cao tốc Bắc Nam phía Đông (cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ, cao tốc đoạn tuyến Cổ Tiết – Chợ Bến, Hòa Bình); một phần tuyến quốc lộ 2; đường nối quốc lộ 32C với quốc lộ 70B đi tỉnh Hòa Bình; Cầu Tình Cương, Cầu Vĩnh Lại.

(4) Ba đột phá phát triển: (i) Cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị địa phương; (ii) Phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao; (iii) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

(5) Xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm: (i) Xây dựng Phú Thọ trở thành trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc trên 4 lĩnh vực: Du lịch; y tế; giáo dục; thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản; (ii) Bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng đất Tổ; (iii) Làm mới sản xuất, kinh doanh (trong đó có lĩnh vực trọng điểm) và làm mới tổ chức theo hướng hiện đại; (iv) Thu hút có hiệu quả nguồn vốn ngoài Tỉnh.

(6) Phương án phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; phương án phát triển hệ thống đô thị-nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội cơ bản đảm bảo hài hòa, đồng bộ, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, thế mạnh của địa phương và khả năng huy động các nguồn lực phát triển.

Để Phú Thọ phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, bố trí được không gian phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả, giúp Tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ quy hoạch 2021-2030, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lưu ý một số vấn đề. Đặc biệt là về kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh là yếu tố then chốt để phát triển kinh tế.

“Theo kịch bản phát triển được lựa chọn, Phú Thọ tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 là 8,5%, giai đoạn 2026-2030 là 12,4%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy, thì cần những động lực, đột phá gì?”, Thứ trưởng nêu vấn đề.

Thứ trưởng cũng đề nghị các thành viên Hội đồng và các chuyên gia góp ý cho việc lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá là Một trung tâm (Việt Trì); Hai trục hành lang kinh tế (trục Đông-Tây và trục Bắc-Nam); Ba đột phá (cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng); Bốn nhiệm vụ trọng tâm (Trung tâm Du lịch; Trung tâm Khám chữa bệnh; Trung tâm giáo dục – đào tạo; Trung tâm thương mại, logistics gắn với chế biến nông, lâm sản).

Thứ trưởng cũng gợi ý vấn đề định vị thương hiệu và khai thác hiệu quan du lịch tâm linh gắn với đặc thù riêng của Tỉnh; chú trọng phát triển kinh tế đô thị và phát triển đô thị xanh, nông thôn sinh thái, gắn với du lịch; vấn đề về lao động, nguồn nhân lực; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Phú Thọ./.