THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN

Về triển khai thanh toán điện tử hiện đại

Toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung và các NHTM nói riêng, chịu trách nhiệm triển khai các dịch vụ thanh toán với khách hàng. Hệ thống ngân hàng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thanh toán, bao gồm: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử, hệ thống các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS), hệ thống máy giao dịch ngân hàng tự động ATM, hệ thống giao dịch ngân hàng số, hệ thống giao dịch thanh toán bằng phương thức điện tử định danh khách hàng eKYC (electronic Know Your Customer) và sử dụng mã QR… Kỹ thuật thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại nhất, nhưng phù hợp với thực tiễn các NHTM Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam được chú trọng đầu tư, nâng cấp, mở rộng dịch vụ. Một số NHTM đã tiên phong ứng dụng công nghệ số trên thị trường dịch vụ ngân hàng về việc kết hợp công nghệ eKYC, Big data và AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc phê duyệt yêu cầu mở thẻ tín dụng hạn mức cao của khách hàng, nên đã được thực hiện nhanh chóng mà vẫn có độ tin cậy cao.

Phát triển công nghệ ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay

Theo Thông tư số 16/2020/TT-NHNN, ngày 14/02/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng eKYC mới chính thức được quy định và áp dụng từ ngày 05/3/2021. Song trước đó, một số NHTM đã từng bước thí điểm phương thức này trong năm 2020. Nhưng phải đến thời điểm khung pháp lý quy định nói trên có hiệu lực, cạnh tranh ứng dụng eKYC mới thực sự bắt đầu sôi động.Tính đến đầu tháng 11/2021, tại 16 NHTM Việt Nam đang triển khai eKYC đã có hơn 900.000 tài khoản hoạt động, đạt 3,2 triệu giao dịch, với doanh số hơn 92,1 nghìn tỷ đồng. Đây là kết quả triển khai bước đầu cho thấy việc mở tài khoản thanh toán eKYC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng eKYC cũng là một bước tiến mới về công nghệ trong phát triển dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt [1].

Thực tiễn cho thấy, hệ thống thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số của các NHTM Việt Nam và tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, thuận tiện trong giao dịch đối với các doanh nghiệp và người dân. Hệ thống này đảm bảo kết nối liên thông giữa các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, các ví điện tử, các đơn vị cung ứng dịch vụ công và các doanh nghiệp, các tổ chức bán hàng, cung ứng dịch vụ khác, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của người dân, doanh nghiệp trong xu thế phát triển kinh tế số và bối cảnh giãn cách xã hội do tác động của đại dịch Covid-19. Đến nay, trong toàn quốc có khoảng gần 40 bệnh viện triển khai thanh toán viện phí điện tử; 50 NHTM hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh, thành phố, 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 NHTM và 10 tổ chức trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện. Doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%. Các ví điện tử cũng phối hợp với các NHTM thực hiện thu tiền nước sạch, cước phí viễn thông, bào hiểm nhân thọ… hằng tháng qua ngân hàng [2].

Về phát triển thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số

Kết quả triển khai các biện pháp nói trên đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng hằng năm khá cao về các dịch vụ thanh toán điện tử dựa trên nền tảng công nghệ số tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam, như: điện thoại di động, ipad, laptop đạt tốc độ tăng trưởng mạnh hằng năm, bình quân lên tới 90% về số lượng giao dịch và 150% về giá trị thanh toán. Nhiều NHTM đạt tốc độ tăng trưởng trên 90% giá trị giao dịch thanh toán điện tử được khách hàng thực hiện trên kênh số. Trong cả nước, chỉ từ tháng 3/2021 đến giữa tháng 11/2021, đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC tại các NHTM, trong tổng số hơn 100 triệu tài khoản của khách hàng thanh toán đang hoạt động tại các NHTM ở Việt Nam. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, so với cùng kỳ năm 2020, giao dịch thanh toán qua điện tử liên ngân hàng tăng 41,4% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 99% về số lượng giao dịch và 139,8% về giá trị tiền sử dụng trong thanh toán. Tính đến nay, trong cả nước, có gần 95% tổ chức tín dụng tại Việt Nam đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số. Hiện nay, cũng có khoảng 80 NHTM triển khai dịch vụ Internet banking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 ngàn điểm thanh toán QR, gần 298 ngàn POS. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thanh toán qua Mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020 [3].

Nếu nhìn nhận số liệu đến hết tháng 6/2021 có thể thấy, số tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân tại hệ thống tổ chức tín dụng đã lên tới hơn 107,4 triệu tài khoản, tăng hơn 3,2 triệu tài khoản so với quý I/2021 và tăng gần 7 triệu tài khoản so với cuối năm 2020. Số tiền gửi thanh toán của người dân vào ngân hàng cũng tăng mạnh, đạt mức hơn 754,7 ngàn tỷ đồng, tăng 13,2% so với cuối năm 2020 và tăng 1,5 lần so với thời điểm đầu năm 2020. Số lượng thẻ ngân hàng cũng tăng mạnh thời gian qua. Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, số lượng thẻ nội địa đang lưu hành đạt tới 98 triệu thẻ, tăng 4 triệu thẻ so với đầu năm. Thẻ quốc tế (trong đó chủ yếu là thẻ tín dụng) tăng mạnh, đạt hơn 20 triệu thẻ vào cuối quý II/2021, tức tăng 3 triệu thẻ so với đầu năm [1].

Điểm quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số ngân hàng, đó là thời gian qua đã hình thành hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, như: thuế, hải quan, điện lực, nước sạch, bưu chính viễn thông và các dịch vụ công khác, đem đến trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực cho người dùng dịch vụ trên không gian số, tiết kiệm chi phí tài chính và nhân lực, bộ máy cho các cơ quan và tổ chức.

Một số đánh giá và nhận xét

Kết quả đạt được

– Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được NHNN phối hợp cùng các bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại. Hạ tầng thanh toán của NHNN, như: hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ; cũng như của các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện.

– Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến đối với hóa đơn điện, nước, viễn thông, mua sắm trực tuyến tại các trang thương mại điện tử, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và thương mại điện tử.

– Hầu hết các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam, được nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công, nhiều doanh nghiệp chủ động hợp tác với các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được cả NHNN, các NHTM và tổ chức trung gian thanh toán quan tâm, đầu tư, đưa ra giải pháp hiệu quả; khách hàng được đặt ở vị trí trung tâm ưu tiên trong quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ; đồng thời quyền lợi hợp pháp luôn được đảm bảo.

Hiện đại hóa và tự động hóa các giao dịch nội bộ NHTM đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều ngân hàng.

Những hạn chế cần khắc phục

Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Mãi đến đầu tháng 12/2020, NHNN mới ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN, ngày 19/8/2014 của Thống đốc NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Cùng với đó, rất nhiều văn bản pháp lý khác về dịch vụ thanh toán điện tử, công nghệ ngân hàng số chưa được NHNN ban hành, hay chậm trình Chính phủ ban hành.

Thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới của người dân. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng thanh toán chưa được phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đơn vị chấp nhận thanh toán chưa có đủ kiến thức, cũng như lợi ích thiết thực khi chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt so với tiền mặt, do đó chưa tích cực tham gia.

Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ cao, thanh toán điện tử gần đây có những diễn biến phức tạp với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do đó, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cần tiếp tục được quan tâm và tăng cường.

GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Mục tiêu cụ thể được ngành ngân hàng đặt ra đến năm 2025, đó là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân vốn cho vay của các NHTM, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa… Để hiện thực hóa mục tiêu này, theo tác giả, thời gian tới, ngành ngân hàng cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, NHNN cần chủ động tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cụ thể với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới. Trong đó, trước mắt, tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt.

NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025; triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ: Mobile Money.

Các bộ, ngành, các địa phương chủ động triển khai có hiệu quả chủ trương phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan và tổ chức trực thuộc gương mẫu thực hiện nghiêm túc các biện pháp Chính phủ yêu cầu, đặc biệt trong lĩnh vực: đăng kiểm phương tiện cơ giới, các bệnh viện, trường học, dịch vụ công khác; kiểm tra và siết chặt việc thanh toán thẻ tại các điểm bán xăng dầu, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại.

Hai là, ngành ngân hàng có chiến lược cụ thể tiếp tục đầu tư các nguồn lực cho phát triển hạ tầng số, kết nối, chia sẻ dữ liệu ngân hàng với các dữ liệu ngành, lĩnh vực khác; hình thành các mô hình ngân hàng số, nâng cao công tác an ninh, an toàn bảo mật… Ngành ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp và tăng cường tiện ích, chất lượng dịch vụ đối với hạ tầng thanh toán quốc gia, hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Ba là, đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, cho phép ngành ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân, đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học; qua đó, hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương phối hợp mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký điện tử, giao dịch thương mại điện tử.

Bốn là, các NHTM cần chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng ưu tiên kỹ thuật số, hoặc theo mô hình tương tác gắn kết đa kênh tích hợp xoay quanh triển khai nhanh gọn, linh hoạt công nghệ trí tuệ nhân tạo và năng lực máy học./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VBNA) (2021). Báo cáo sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của các trung gian thanh toán và Fintech

2. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (2020-2021). Báo cáo phân tích thị trường tài chính

3. Ngân hàng Nhà nước (2018-2021). Các văn bản quy phạm pháp luật, truy cập từ https://vbpl.vn/nganhangnhanuoc/Pages/Home.aspx

TS. Đỗ Quang Trị

Trường Đại học Văn Lang

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1 năm 2022)