THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN

Kết quả đạt được

Biển Hà Tĩnh được xem là cửa ngõ vịnh Bắc Bộ với chiều dài 137 km. Tỉnh có hệ thống cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương, dọc bờ biển có rất nhiều vũng, bãi triều, bãi cát và nhiều đảo lớn, nhỏ rất thuận tiện cho việc thành lập các cảng biển, khu nuôi trồng thuỷ sản, với nhiều nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có nhiều bãi cá đáy, cá nổi ổn định và nhiều bãi san hô là nơi cư trú sinh sản của các loài hải sản quý hiếm cỏ thể khoanh nuôi và kết hợp phát triển kinh tế thủy sản với du lịch biển. Vùng biển Hà Tĩnh có nhiều cửa lạch, cửa sông thuận lợi cho tàu thuyền cỡ nhỏ và vừa ra – vào, đồng thời đã có một số cảng được xây dựng và vận hành ổn định.

Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay
Hà Tĩnh là tỉnh có tiềm năng lớn về khai thác và chế biến hải sản với vùng biển có nguồn lợi phong phú. Ảnh minh họa.

Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, khai thác hải sản của Tỉnh đã có những chuyển biến mạnh về năng lực đánh bắt, quy mô sản xuất cũng như chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại. Giai đoạn 2016-2020, sản lượng khai thác hải sản của Tỉnh luôn tăng bình quân 6,71%, thị trường xuất khẩu mở rộng hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong nuôi trồng và khai thác, nhưng tỷ trọng ngành thủy sản trong cơ cấu chung của Tỉnh ngày càng tăng với tỷ lệ đạt từ 15%-17%.

Có được kết quả trên là nhờ những năm qua, ngành thủy sản Tỉnh đã chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân. Cụ thể, sự phát triển lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá của Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả như sau:

Hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền nghề cá: Hà Tĩnh hiện có 4 cảng cá, gồm: Xuân Hội (Nghi Xuân), Cửa Sót (Lộc Hà), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) và Cửa Khẩu (Kỳ Anh) tổng diện tích các vùng biển là 18.400 km2. Đã hỗ trợ kinh phí triển khai đóng mới 28 tàu cá và cải hoán 6 tàu cá có công suất trên 90 CV, cùng với đội tàu khai thác hải sản thì toàn tỉnh hiện đang có 664 chiếc thuyền có động cơ và 1.150 chiếc thuyền, xuồng không có động cơ tham gia khai thác thủy sản nội địa, sản lượng hàng hóa qua các cảng cá, bến cá khoảng 230.000 tấn/năm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn. Trong đó, một cảng cá loại 1 ở xã Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) với quy mô 120 lượt/600 CV; cảng cá Xuân Hội có quy mô 80 lượt/600 CV; cảng cá Cửa Sót quy mô 100 lượt/400 CV; cảng cá Cửa Nhượng 100 lượt/400 CV và 4 âu neo đậu tránh trú bão đáp ứng cho tàu thuyền từ 150-600 CV (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, 2016).

Số lượng, công suất tàu thuyền: Theo Chi cục Thủy sản – Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (2021), tính đến hết năm 2020, Tỉnh có hơn 3.900 tàu cá các loại, trong đó, tàu thuyền trên 90 CV có gần 1.400 chiếc. Tỷ lệ tàu khai thác xa bờ chiếm 49,43% tổng số tàu cá.

Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn có đội tàu hậu cần dịch vụ thu mua hải sản, cung ứng nhu yếu phẩm trên biển khoảng 25 chiếc. Trong đó, phải kể đến là Công ty Cổ phần Dịch vụ hậu cần hải sản với 1 tàu hậu cần dịch vụ trên biển khá hiện đại, có trọng tải 140 tấn.

Cơ sở khai thác, thu mua, chế biến, bảo quản cá: Theo Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (2021), tính đến hết năm 2020, toàn Tỉnh hiện có 17 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến thủy sản, với tổng công suất trên 70.000 tấn thành phẩm/năm. Năm 2015, Liên đoàn Lao động Tỉnh đã chủ trương thành lập 2 nghiệp đoàn nghề cá tại Hà Tĩnh đó là: Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim và Nghiệp đoàn nghề cá xã Cẩm Nhượng. Tính đến hết năm 2020, hai nghiệp đoàn có 504 đoàn viên với 341 tàu cá lao động trực tiếp trên biển. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng có 72 cơ sở thu mua thủy sản, phân bố chủ yếu tại các cảng, bến cá. Hệ thống nậu, vựa là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho các nhà máy chế biến thủy sản. Nậu vựa quy mô lớn thường mua – bán nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, nậu vựa nhỏ thường mua bán thuỷ sản cho chế biến và tiêu thụ nội địa. Cơ chế thu mua và phân phối nguyên liệu như hiện nay có nhiều ưu điểm, như: tận thu được nguyên liệu nhanh chóng bảo đảm chất lượng, chuyên môn hóa khâu cung ứng nguyên liệu, tự giải quyết tín dụng trong dân. Tuy nhiên, thực hiện theo phương thức phân phối qua nậu vựa thì người sản xuất thường bị ép giá.

Cơ sở sản xuất nước đá: Trên địa bàn Tỉnh hiện có 78 cơ sở tư nhân sản xuất nước đá cây với tổng công suất thiết kế khoảng 1 triệu tấn/năm, sản lượng thực tế đạt 250-260 tấn/năm (Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, 2021), tập trung chủ yếu ở những khu vực cảng cá, bến cá để thuận tiện cho việc mua – bán, vận chuyển và bảo quản sản phẩm trên các tàu khai thác.

Các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu quy mô công nghiệp phần lớn đều có xưởng sản xuất nước đá, tuy nhiên vào mùa vụ lượng nước đá tự sản xuất thường không đáp ứng đủ, nên vẫn phải mua từ các cơ sở này.

Vật tư, thiết bị phục vụ khai thác: Các cơ sở cung cấp các loại vật tư, thiết bị khai thác tập trung chủ yếu ở Nghi Xuân, Thạch Hải, Thiên Cầm… với chủng loại khá đa dạng gồm các máy điện hàng hải, khai thác, như: máy định vị, tầm ngư, ra đa, đàm thoại… cùng các máy động lực của các hãng nổi tiếng trên thế giới.

Sản xuất, lắp ráp, đan vá lưới thường được thực hiện ở quy mô hộ, tự cung, tự cấp là chính. Theo Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (2021), tính đến hết năm 2020, Hà Tĩnh có khoảng 1500-2.000 hộ với khoảng 2.000-3.000 lao động chuyên lắp ráp đan vá lưới, trong đó phần lớn là lao động thời vụ. Các dịch vụ khác phục vụ khai thác thủy sản, như: dịch vụ nước ngọt, lương thực thực phẩm, bốc dỡ cá… đều được tập trung ở các làng cá, cảng cá, bến cá trong Tỉnh và đáp ứng được nhu cầu sản xuất, khai thác.

Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh kết quả đạt được, lĩnh vực dịch vụ hậu cần nghề cá của Tỉnh cũng đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định, đó là:

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo đậu còn hạn chế. Các cảng cá trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều được xây dựng đã lâu, cộng thêm số lượng tàu công suất lớn (500-1.000 CV) đóng theo chủ trương của Chính phủ khá nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải trong lưu thông cũng như neo đậu tại các cảng. Các cảng cá đều đã khai thác trong thời gian dài, nhiều cảng được sử dụng từ 15-30 năm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, nhanh xuống cấp, trong khi kinh phí duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, do tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nước biển dâng làm chuyển dịch của dòng chảy, khiến luồng lạch dẫn vào các cảng bị cạn, hẹp, làm ảnh hưởng đến sự ra vào của tàu thuyền.

Thứ hai, năng lực khai thác xa bờ đã phát triển, nhưng số lượng tàu thuyền nhỏ khai thác gần bờ vẫn còn cao. Số lượng tàu thuyền có công suất nhỏ hơn 90 CV vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Cùng với truyền thống đánh bắt gần bờ, ngư cụ lạc hậu, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ không bằng ngư dân các tỉnh bạn, thì việc luồng lạch, dịch vụ hậu cần nghề cá còn hết sức hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến ngư dân không dám đầu tư đóng mới tàu lớn hoặc tàu vỏ sắt.

Thứ ba, lao động khai thác hải sản có trình độ văn hóa, chuyên môn còn thấp, chủ yếu chưa qua đào tạo, dựa vào kinh nghiệm là chính; hiệu quả khai thác, sử dụng tàu thuyền, ngư cụ và thiết bị hàng hải chưa cao, chậm tiếp thu công nghệ khai thác mới.

Thứ tư, năng lực thu mua, chế biến, bảo quản, đóng gói còn chưa tương xứng với năng lực đánh bắt, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả khai thác, nhất là khả năng thu mua trên biển. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng; các nhà máy hoạt động cầm chừng, các dây chuyền sản xuất chỉ chạy 40%-50% công suất do tổn thất trong quá trình khai thác (Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, 2021).

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT

Để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh Hà Tĩnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, theo tác giả, Tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hậu cần thủy sản, cụ thể:

– Tập trung nâng cấp và mở rộng quy mô cho các cảng cá, bến cá. Phát triển các cảng cá thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá có khả năng tiếp nhận số lượng tàu thuyền có công suất lớn. Triển khai kịp thời dự án trung tâm nghề cá lớn theo quy hoạch của Tỉnh tại cảng nước sâu Vũng Áng – Sơn Dương. Nạo vét cửa biển, xây kè khu vực cửa sông để giảm sự bồi lắng đảm bảo cho tàu thuyền ra vào thuận lợi.

– Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong quản lý, sửa chữa, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, tăng tỷ lệ cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu bốc xếp hàng hóa, phân loại, bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản… Chú trọng đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống xử lý nước thải, nâng cấp xây dựng thêm cầu cảng, mái che từ cầu cảng vào chợ đầu mối; đầu tư cần cẩu, băng chuyền vận chuyển hàng từ cầu cảng vào chợ, kho lạnh, thả thêm bù neo, phao neo… để phát huy công suất hệ thống hạ tầng hiện có.

– Tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất 90CV trở lên, kết hợp cải hoán các tàu công suất nhỏ để hướng khai thác xa bờ, dần thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu composite, tàu vỏ sắt.

– Đầu tư, xây dựng, nâng cấp các cơ sở sản xuất nước đá, xăng dầu, kho lạnh, trang thiết bị nghề cá đảm bảo yêu cầu phục vụ nghề cá xa bờ. Phát triển các cơ sở gia công lưới sợi chuyên nghiệp để phục vụ đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao.

Hai là, kịp thời điều chỉnh số lao động nghề cá cho phù hợp với phát triển cơ cấu đội tàu. Tăng cường mở các lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn thủy thủ, thuyền viên, máy trưởng theo nhu cầu áp dụng các thiết bị cơ giới hóa trên tàu cá. Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác và bảo quản sản phẩm, giúp ngư dân giải quyết khó khăn trong việc giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động của các tàu hậu cần nhằm đảm bảo các dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, nhất là tăng khả năng thu mua, sơ chế hải sản đánh bắt trên biển cho ngư dân để giảm tổn thất sau thu hoạch. Tiếp tục vận động thành lập hợp tác xã và các tổ đoàn kết trên biển, phấn đấu đến năm 2025, mô hình này thực hiện trên 100% tàu thuyền đánh cá. Có thể khẳng định rằng, việc đảm bảo luồng lạch, xây dựng nơi đồn trú cho tàu thuyền và đẩy mạnh phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là yếu tố tiên quyết trong việc phát triển đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân vươn khơi bám biển và thay đổi tư duy đánh cá truyền thống cũng như góp phần nâng cao sản lượng khai thác, cải thiện đời sống. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp của Hà Tĩnh cần ưu tiên bố trí kinh phí, có giải pháp đồng bộ để sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề còn bất cập, tồn tại hiện nay.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Nhà nước và các lực lượng chức năng, đảm bảo an toàn cũng như chăm sóc sức khỏe giúp ngư dân yên tâm bám biển. Để giải quyết các vướng mắc trong công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, các cơ quan ban, ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa, sớm tìm ra giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Năm là, có chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ khuyến khích ngư dân khai thác xa bờ, như: hỗ trợ nhiên liệu, máy thông tin liên lạc, thiết bị y tế… đảm bảo chu cấp cho ngư dân yên tâm đóng tàu mới, nâng cấp và sửa chữa tàu cũ, trang bị khoa học, kỹ thuật hiện đại với những tàu có trọng tải lớn đánh bắt, khai thác thủy sản xa bờ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh (2021). Niên giám Thống kê tỉnh Hà Tĩnh năm 2020, Nxb Thống kê
  2. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2017). Quyết định số 576/QĐ-UBND, ngày 13/12/2017 phê duyệt Kế hoạch quản lý không gian ven bờ (ISP) nhằm phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030
  3. UBND tỉnh Hà Tĩnh (2021). Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2021
  4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (2016). Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển khai thác, cơ khí, cảng cá và dịch vụ hậu cần thủy sản giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 tỉnh Hà Tĩnh
  5. Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh (2021). Tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021

Nguyễn Viết Đức

Học viện Hậu cần, Bộ Quốc phòng

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)