Từ khóa: người S’tiêng, Huyện Lộc Ninh, du lịch văn hóa

Summary

Cultural tourism is a type of tourism that exploits cultural tourism resources: heritage, festivals, customs, and traditions. The purpose of the study is to analyze the current situation and determine the cultural tourism potential of the S’tieng people in Loc Ninh district, thereby proposing solutions to exploit the potential and strengths of the cultural tourism field of the district.

Keywords: S’tieng people, Loc Ninh District, cultural tourism

GIỚI THIỆU

Huyện Lộc Ninh – tỉnh Bình Phước là vùng căn cứ cách mạng, nơi đây còn lưu dấu nhiều công trình, di tích lịch sử để đời. Với 14 thành phần dân tộc cùng sinh sống, nhiều nhất là đồng bào S’tiêng, Khmer. Cộng đồng các dân tộc ở huyện Lộc Ninh còn lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc sắc. Đồng bào S’tiêng ở xã Lộc Hòa còn lưu giữ nhiều ngôi nhà truyền thống nhiều bộ chiêng lớn. Đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh sinh sống lâu đời ở vùng đất này, còn lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là chùa Sóc Lớn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lộc Ninh hiện có 12 di tích được công nhận và xếp hạng, chiếm hơn 50% tổng số di tích trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Lộc Ninh có tuyến quốc lộ 13 có thể thông thương từ TP. Hồ Chí Minh qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đi Campuchia, Lào, Thái Lan… (Minh Luận, 2022). Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và là lợi thế để Lộc Ninh có thể khai thác, phát triển du lịch văn hóa người S’tiêng.

TIỀM NĂNG DU LỊCH VĂN HÓA CỦA NGƯỜI S’TIÊNG Ở HUYỆN LỘC NINH, TỈNH BÌNH PHƯỚC

Người S’tiêng ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Người S’tiêng cư trú chính ở vùng Tây Bắc tỉnh Bình Phước, với nhiều tên gọi như: Xơ Điêng, Xa Chiêng… Thế kỷ XVII, vùng cư trú của người S’tiêng ở lưu vực sông Bé và sông Sài Gòn, nguồn sống chính của tộc người S’tiêng là canh tác nương rẫy và khai thác thủy sản nước ngọt trên hồ, đào bới cây có củ (củ chụp, củ mài), hái lượm rau quả, săn bắn thú hoang trong rừng làm lương thực nuôi sống cộng đồng. Người S’tiêng hiện nay có 3 nhóm chính: Bù Lơ, Bù Đek, Bù Biêk. Người S’tiêng Bù Lơ ở vùng cao, chủ yếu ở các huyện Phước Long, Bù Đăng. Người S’tiêng Bù Đek, sống chủ yếu vùng dưới, phân bố ở vùng đất tương đối bằng, họ sống xen kẽ với người Khmer, người Việt ở các huyện Lộc Ninh, Bình Long.

Lễ hội truyền thống và di tích văn hóa của người S’tiêng

Là cư dân bản địa của huyện Lộc Ninh, người S’tiêng có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều đời. Về đời sống tín ngưỡng, người S’tiêng luôn quan niệm rằng, “vạn vật hữu linh”, các thần có vai trò quan trọng nhất là thần Mặt Trời, thần Mặt Trăng, thần Sấm Sét. Ngày nay, phần đông đồng bào người S’tiêng theo đạo Tin lành, Công giáo và một số ít theo đạo Phật. Dù niềm tin tín ngưỡng ít nhiều bị biến đổi song văn hóa riêng của họ vẫn nhận ra được. Người S’tiêng có đời sống tinh thần khá phong phú với nhiều lễ hội, như: Lễ hội cúng tỉa lúa mới; Lễ cúng lúa lên; Lễ Cúng lúa trổ bông; Lễ hội Dua Tpeng; Lễ mừng lúa mới; Di Tích khảo cổ Bãi tiên.

Phát triển du lịch văn hóa người S’tiêng ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
Lễ hội Mừng lúa mới dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo

Văn hóa ẩm thực của người ở Lộc Ninh – Bình Phước

Là cư dân của nền văn minh là nông nghiệp sống gắn bó với rừng nên trong ẩm thực của người S’tiêng thể hiện rất rõ, như: cơm ống (cơm Lam), canh thụt, canh bồi, thịt nướng, mắm bò hốc. Thức uống tryền thống của người S’tiêng nổi tiếng là rượu cần: gồm có rượu cần ngọt và rượu cần đắng được chế biến từ các loại vỏ cây rừng vỏ cây hơmuônl, kraiđăng.

THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VĂN HÓA Ở HUYỆN LỘC NINH, TỈNH BÌNH PHƯỚC

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của du lịch văn hóa

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Huyện chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của du lịch. Cụ thể: các tuyến đường giao thông, đặc biệt là đường nhánh tiếp cận các điểm du lịch còn chưa được đầu tư phát triển hoặc có đầu tư thì chất lượng còn thấp, đường nhỏ hẹp. Trong mùa mưa lũ, nhiều đoạn đường ngập lụt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới giao thông. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chưa đảm bảo chất lượng. Ở các khu vực biên giới, địa điểm lưu trú và ẩm thực dành cho khách du lịch còn ít, hầu hết chưa đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch, nhất là những du khách có khả năng chi trả cao. Theo UBND huyện Lộc Ninh, năm 2022, trên địa bàn huyện Lộc Ninh chỉ có khoảng 10 cơ sở lưu trú đã được phân loại xếp hạng với trên 100 phòng, trong đó 4 cơ sở lưu trú xếp hạng từ 1 sao, còn lại là các cơ sở lưu trú chưa đạt chuẩn. Chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ của các cơ sở lưu trú còn hạn chế, ngay cả với các khách sạn 2-3 sao cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cho du khách khi đến tham quan.

Nguồn nhân lực phục vụ cho nghành du lịch

Theo UBND huyện Lộc Ninh, về đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch, huyện Lộc Ninh có 67 lao động trực tiếp, 250 lao động gián tiếp, 3 hướng dẫn viên nội địa.

Cơ sở hoạt động phục vụ cho ngành du lịch

Năm 2017, huyện Lộc Ninh đã có các cơ sở kinh doanh hoạt động du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có: 10 hệ thống kinh doanh lữ hành; 12 điểm du lịch; 1 Bến xe Lộc Ninh; 4 ngân hàng; 1 Bưu điện; 3 cửa hàng hàng lưu niệm; 10 nhà hàng và quán cà phê. Số liệu này cho thấy, cơ sở dịch vụ hoạt động phục vụ cho ngành du lịch còn ít, chưa phong phú, không đáp ứng được nhu cầu của Huyện với nhiều tiềm năng phát triển du lịch.

Vấn đề bảo vệ, phát huy bản sắc du lịch văn hóa người S’tiêng tại huyện Lộc Ninh

Tại tỉnh Bình Phước, để tạo sự khác biệt cho du lịch phát triển, Tỉnh đã thực hiện chương trình phục dựng lễ hội mừng lúa mới của người S’tiêng tỉnh Bình Phước. Từ đó, nhằm bảo tồn và phát huy thành một sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm của du khách, tạo nguồn tư liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học khác có liên quan trong Tỉnh.

Tại huyện Lộc Ninh, để bảo tồn văn hóa cho các tộc người, Huyện đã tổ chức giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số, nhằm tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số gắn kết học hỏi, hiểu biết, phát huy truyền thống tốt đẹp và gắn kết cộng đồng là việc làm hết sức quan trọng và cấp bách hiện nay. Cụ thể như năm 2017, huyện Lộc Ninh đã tổ chức Liên hoan văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số huyện Lộc Ninh chủ đề: “Đoàn kết – thân thiện – phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Với hoạt động văn hóa này, để đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Lộc Ninh giao lưu, đồng thời khi sự kiện diễn ra cũng tạo điều kiện cho thu hút lượng khách du lịch đến Huyện tạo nguồn thu nhập cho dân địa phương.

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng hiện nay, sự du nhập văn hóa bên ngoài vào có sức hấp dẫn và cuốn hút nhiều hơn dẫn đến nhiều bất cập mất cân bằng, nguy cơ làm mai một giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số cụ thể, như: trang phục, kiến trúc, lối sống của giới trẻ, nghệ thuật, văn hóa ứng xử trong cộng đồng; việc phục dựng, tổ chức lễ hội còn bất cập; tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, qua quá trình phát triển du lịch, ngày càng xuất hiện những sản phẩm tương đồng giữa Bình Phước nói chung, huyện Lộc Ninh nói riêng với các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm phát triển du lịch văn hóa người S’tiêng tại huyện Lộc Ninh, theo nhóm tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về tổ chức quản lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực

Để tăng cường đào tạo nhân sự ngành du lịch của tỉnh Bình Phước nói chung và du lịch văn hóa người S’tiêng tại huyện Lộc Ninh nói riêng, Tỉnh cần kết hợp với các trường đại học trong khu vực cũng như mời các chuyên gia, giảng viên giỏi về du lịch để đào tạo nhân lực cho địa phương.

Thái độ của nhân viên phục vụ và tính chuyên nghiệp của nhân viên phục vụ là yếu tố qua trọng tác động không nhỏ đến du lịch. Vì vậy, cần tập trung đào tạo kiến thức phù hợp cho đồng bào các dân tộc để họ phát huy thế mạnh làng nghề, văn hóa truyền thống, cùng tham gia vào phát triển du lịch tại địa phương. Mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc. Có kế hoạch đào tạo hướng dẫn viên du lịch, đặc biệt là đồng bào S’tiêng. Ngoài ra, Sở Du lịch, Văn hóa và Thể thao Tỉnh cần phối hợp với các trường đại học triển khai chiến lược đào tạo nâng cao năng lực quản lý hoạt động du lịch địa phương.

Về bảo vệ môi trường, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch

Phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan ban nghành trong Huyện, các công ty du lịch, ban quản lý các điểm du lịch kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động để bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ rừng đặc dụng.

Tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục môi trường tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, phải có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường góp phần làm gia tăng giá trị tài nguyên du lịch và phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc về giá trị của môi trường tự nhiên và xã hội để giữ gìn những giá trị truyền thống để phát huy thế mạnh của dân tộc mình để phát triển du lịch.

Khuyến khích đồng bào dân tộc hiến tặng hoặc mua lại những hiện vật của đồng bào để nhà bảo tàng phong phú về chủng loại và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chính quyền và địa phương cần có chính sách thu hút đầu tư vào các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi và các hoạt động vui chơi ngoài trời để thu hút du khách đồng thời đảm bảo sức khoẻ của du khách trong mùa dịch. Cần lưu ý, giá cả cũng phải chăng và có hậu mãi riêng nhằm khuyến khích hướng dẫn viên ở các công ty du lịch đưa khách đến.

Về quy hoạch xây dựng, thu hút đầu tư

Có thể mời các chuyên gia quy hoạch về du lịch cùng trao đổi để đưa ra quy hoạch chi tiết và đồng bộ về du lịch văn hóa người S’tiêng tại huyện Lộc Ninh ngay từ đầu để hạn chế tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không đồng bộ như hiện nay. Chú trọng phát triển du lịch song song với việc bảo tồn thiên nhiên, đời sống văn hóa, xã hội du lịch văn hóa người S’tiêng tại huyện Lộc Ninh. Khuyến khích các tổ chức cá nhân xây mới và chỉnh trang các trạm dừng chân đạt chuẩn trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chính đi qua địa bàn Tỉnh. Cho thu phí tham quan du lịch, tiếp tục bố trí ngân sách, phân quyền mạnh hơn cho địa phương để phục dựng, tôn tạo những giá trị lịch sử văn hóa.

Về quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (lưu trú du lịch, lữ hành, khu, điểm tham quan, hướng dẫn viên)

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cần tiến hành tổ chức khảo sát và hướng dẫn thủ tục về tiêu chuẩn công nhận cơ sở lưu trú xếp hạng 3, 4 sao, 5 sao đưa ra các tiêu chuẩn 5 sao, hỗ trợ các doanh nghiệp để đạt được; hướng dẫn nghiệp vụ, thủ tục, tiêu chuẩn về công nhận khu, điểm du lịch. Phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp về xác minh văn bằng, chứng chỉ phục vụ công tác cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa.

Về tiếp thị – xúc tiến quảng bá du lịch

Dựa vào thế mạnh của Huyện và cùng phối hợp với các công ty du lịch quảng bá, giới thiệu tour đến du khách các hội chợ du lịch, tích cực tổ chức, quảng bá các hoạt động văn hóa đặc trưng của địa phương. Đồng thời, liên kết với google cũng như các website du lịch, như: Agoda, Traveloka, ivivu, mytour, booking… để quảng bá chính sách giảm giá kinh doanh du lịch, kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn Tỉnh; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài Tỉnh thực hiện video clip, bài viết về giới thiệu, quảng bá du lịch Bình Phước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Minh Luận (2022), Đánh thức tiềm năng du lịch Lộc Ninh, truy cập từ https://bptv.vn/news/396/131972/danh-thuc-tiem-nang-du-lich.

2. UBND huyện Lộc Ninh (2022), Báo cáo tình hình phát triển du lịch Lộc Ninh.

3. UBND tỉnh Bình Phước (2020), Quyết định số 2194/QĐ-UBND, ngày 25/11/2022 ban hành phê duyệt đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Lại Thị Ngọc Hồ

Khoa Truyền thông Sáng tạo Trường Đại học Nguyễn Tất Thành

Nguyễn Duy Thành

Trường Đại học Cửu Long

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 02, tháng 01/2024)