Vũ Thị Thúy Nga
Viện Nghiên cứu Châu Mỹ
Tóm tắt
An ninh năng lượng và an ninh kinh tế là 2 lĩnh vực quan trọng hàng đầu đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Để đảm bảo an ninh năng lượng, Hoa Kỳ tập trung vào các biện pháp tự chủ năng lượng, hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài. Hoa Kỳ tham vọng đẩy mạnh chính sách năng lượng “nước Mỹ trước tiên” nhằm xác lập một vị thế mới cho Hoa Kỳ trên thị trường năng lượng thế giới, góp phần bảo đảm lợi ích và an ninh tổng thế của quốc gia. Trên cơ sở phân tích chính sách và thực trạng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden, bài viết đề xuất một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Từ khóa: bài học kinh nghiệm, chính sách, Hoa Kỳ, năng lượng tái tạo, Việt Nam
Summary
Energy and economic security are vital components of United States national security. The United States prioritizes energy self-sufficiency to enhance energy security and reduce reliance on foreign sources. The United States aims to implement an “America First” energy policy to redefine its role in the global energy market and safeguard the nation’s overall interests and security. The present study analyzes the status of renewable energy under President Joe Biden of the United States and provides insights and lessons learned regarding the development of renewable energy in Vietnam.
Keywords: lessons learned, Policy, United States, Renewable energy, Vietnam
GIỚI THIỆU
NLTT là loại năng lượng được tạo ra liên tục và gần như vô hạn, như: ánh sáng mặt trời, gió, thủy triều, địa nhiệt… Quá trình sử dụng các nguồn NLTT hạn chế gây ô nhiễm môi trường nên chúng còn được gọi là nguồn năng lượng sạch. Vấn đề sử dụng NLTT tuy mới tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, nhưng hiện tại nguồn năng lượng sạch hoàn toàn này đang dần trở thành xu hướng toàn cầu và thể hiện được vai trò quan trọng trong tương lai.
Hiện nay, nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm hơn 80% sản lượng năng lượng toàn cầu, nhưng các nguồn năng lượng sạch hơn đang dần gia tăng sản lượng một cách nhanh chóng. Khoảng 29% sản lượng điện hiện nay đến từ các nguồn NLTT (UN, 2024). Khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch, như: than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt và việc sử dụng chúng gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng dẫn đến các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững. Vì vậy, các nguồn NLTT đang được xem là giải pháp thay thế và xu hướng tất yếu của ngành năng lượng hiện nay trên thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia luôn phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên, dầu và than đá để sản xuất năng lượng. Nhận thức được tầm quan trọng của tự chủ năng lượng cũng như nhằm giảm thiểu các vấn đề môi trường gây hại cho sức khỏe từ các nhà máy năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, Hoa Kỳ đã đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng cho các nhà máy sản xuất NLTT. Trong phạm vi của nghiên cứu này, thực trạng phát triển của NLTT tại Hoa Kỳ sẽ được phân tích và đánh giá nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho việc phát triển NLTT tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và góp phần bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng và giảm nhẹ biến đối khí hậu trong tương lai.
KINH NGHIỆM CỦA HOA KỲ
Chính sách về phát triển NLTT của Hoa Kỳ
Joe Biden – Tổng thống đắc cử đã có chính sách mạnh mẽ đối với NLTT và giảm lượng khí thải carbon. Có thể kể đến một số chính sách và đạo luạt chính như sau:
– Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm (Infrastructure Investment and Jobs Act – IIJA), còn gọi là Luật Cơ sở hạ tầng Lưỡng đảng (Bipartisan Infrastructure Law – BIL), đã được Tổng thống Biden ký thành luật vào ngày 15/11/2021. Luật này cho phép chi 1,2 nghìn tỷ USD cho giao thông và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng với 550 tỷ USD trong số đó dành cho các khoản đầu tư và chương trình mới.
– Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm (Infrastructure Investment and Jobs Act – IIJA) quy định như sau: (i) Thực hiện khoản đầu tư liên bang lớn nhất vào giao thông công cộng từ trước đến nay; (ii) Thực hiện khoản đầu tư liên bang lớn nhất vào đường sắt chở khách kể từ khi Amtrak – một công ty vận tải đường sắt của Hoa Kỳ được thành lập; (iii) Thực hiện khoản đầu tư cầu chuyên dụng lớn nhất kể từ khi xây dựng hệ thống đường cao tốc Liên bang;(iv) Đầu tư lớn nhất vào cơ sở hạ tầng nước uống sạch và nước thải trong lịch sử nước Mỹ, cung cấp nước sạch cho hàng triệu gia đình; (v) Đảm bảo mọi người dân Mỹ đều có quyền truy cập vào internet tốc độ cao đáng tin cậy; (vi) Giúp nước Mỹ giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu bằng cách đầu tư lớn nhất vào truyền tải năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng trong lịch sử, điện khí hóa hàng nghìn xe buýt trường học và xe buýt công cộng trên khắp cả nước và thành lập Cơ quan triển khai lưới điện mới để xây dựng lưới điện sạch, bền vững của thế kỷ 21 (Natinonal Renewwable Energy Laboratory, 2022).
Vào tháng 8/2022, Tổng thống Biden ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá hơn 430 tỷ USD, nhằm giảm chi phí chăm sóc y tế, tăng thuế thu nhập, và thúc đẩy năng lượng xanh. IRA dành 369 tỷ USD cho an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ tín dụng và trợ cấp cho sản xuất và sử dụng năng lượng sạch. Ngân hàng Credit Suisse dự báo chi tiêu công của Mỹ dưới tác động của IRA có thể lên tới 800 tỷ USD đến 1,7 nghìn tỷ USD nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cảnh báo về nguy cơ cạnh tranh từ châu Á, đe dọa các nhà máy mới tại Mỹ. IRA đặt mục tiêu tăng cường chuỗi cung ứng năng lượng sạch của Mỹ bằng cách khuyến khích sản xuất nhiều thiết bị trong nước, như: tấm pin mặt trời và tuabin gió. Tuy nhiên, gần đây các nhà sản xuất đã cảnh báo về nguy cơ trỗi dậy của làn sóng công suất mới từ châu Á, đe dọa khả năng tồn tại của hàng chục nhà máy đang chuẩn bị được xây tại Mỹ.
Ngày 22/7/2024, Đạo luật Cải cách Cấp phép Năng lượng (EPRA) được ban hành bởi Thượng nghị sĩ Joe Manchin (I-WV) và John Barrasso (R-WY) (2 thành viên cấp cao của Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Thượng viện). Mục tiêu của EPRA là cải thiện và hợp lý hóa quy trình cấp phép năng lượng, giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện và tăng cường an ninh năng lượng của Hoa Kỳ. EPRA sẽ giúp Hoa Kỳ đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, triển khai các đường dây truyền tải để cung cấp nguồn điện sạch, đáng tin cậy và tăng cường an ninh năng lượng. EPRA sẽ thúc đẩy năng lượng của Hoa Kỳ và tạo việc làm trong nước và giúp Hoa Kỳ tiếp tục với vai trò là một nhà lãnh đạo năng lượng toàn cầu (Energy, 2024). Đạo luật cải cách cấp phép năng lượng sẽ cho phép: (i) Hơn 350 GW dự án điện sạch; (ii) Hơn 700 tỷ đô la đầu tư; (iii) Ước tính có 3 triệu việc làm nền tảng để Hoa Kỳ đạt được tiềm năng năng lượng sạch đầy đủ của mình.
Bên cạnh những chính sách trên, thì Chính phủ Mỹ đã công bố một số biện pháp mới nhằm khuyến khích các hộ gia đình sử dụng NLTT và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng tại gia đình. Có một số sáng kiến đang được thực hiện để vượt qua những thách thức trong phát triển NLTT ở Mỹ. Ví dụ: Sáng kiến nhu cầu năng lượng sạch (CEDI) là một quan hệ đối tác công tư giữa Bộ Ngoại giao và Liên minh Người mua năng lượng sạch nhằm kết nối các quốc gia với các công ty quan tâm đến việc đầu tư vào năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho hoạt động của họ. Thông qua CEDI, các công ty có thể gửi tín hiệu nhu cầu về năng lượng sạch và các quốc gia có thể phát triển các kế hoạch chính sách cho phép mua sắm NLTT của công ty…
Vào tháng 01/2024, New Jersey trở thành tiểu bang đầu tiên ở Mỹ thông qua luật trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với xe điện. Đạo luật Quản lý pin xe điện và xe hybrid yêu cầu các nhà sản xuất lập kế hoạch quản lý pin và trình lên Cục Bảo vệ môi trường của bang để phê duyệt. Vào năm 2023, các ngành năng lượng sạch của Mỹ đã phục hồi vượt qua những khó khăn về lãi suất và chuỗi cung ứng. Sau khi Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được thông qua vào tháng 8/2022, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch đã thu hút các khoản đầu tư tăng mạnh trong năm 2023. Đầu tư toàn cầu vào quá trình chuyển đổi năng lượng phá vỡ kỷ lục vào năm 2023, tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ thu hút 303 tỷ USD đầu tư, đứng thứ hai sau Trung Quốc với 676 tỷ USD. Mức kỷ lục về tài trợ chuyển đổi năng lượng tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu vào năm 2023 đã chứng minh, năng lượng sạch là một ngành kinh doanh lớn (BCSE, 2023).
Hai đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm (IIJA) và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) đã góp phần thúc đẩy NLTT thông qua các khoản đầu tư vào các chương trình dự án, tài trợ và thuế tín dụng mới nhằm đẩy nhanh việc triển khai các công nghệ tái tạo hiện có và mới có. Sau 2 năm ra đời, hai đạo luật trên đã tài trợ 227 tỷ USD đầu tư công và tư nhân phân bổ cho các dự án năng lượng mặt trời, lưu trữ, gió và hydrogen xanh.
Tính đến hết 2023, đã có 100 tỷ USD được giải ngân cho nguyên vật liệu mới và cấp bổ sung thêm 82 tỷ USD phân bổ vào lĩnh vực phân phối NLTT và máy bơm nhiệt. Các tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đưa ra mức cắt giảm thuế trị giá 24 tỷ USD vào năm 2022 để thu hút vốn đầu tư cho các dự án NLTT. Theo ước tính, phần lớn các khoản đầu tư phân bổ cho các tiểu bang với mục tiêu và nhiệm vụ loại bỏ cacbon, dẫn đầu là tiểu bang California, tiếp đến là Texas và Florida là những nơi hiện sở hữu nguồn tài nguyên tái tạo lớn hơn cũng như chi phí cấp phép và thuê địa điểm với mức thấp hơn cả so với những tiểu bang khác (NREL, 2023).
Kể từ khi đạo luật IRA được thông qua, dù chậm nhưng IRA cũng đang bắt đầu giúp Mỹ cải thiện nguồn cung. Điển hình như: dự án 650 triệu USD của GM để phát triển mỏ lithium lớn nhất Hoa Kỳ ở Nevada, hay các tập đoàn Honda, Hyundai, BMW và Ford đều đã công bố kế hoạch trị giá hàng tỷ USD để chế tạo pin ở Mỹ. Các công ty đã công bố khoản đầu tư trị giá 91 tỷ USD cho hơn 200 dự án sản xuất, bao gồm 9,6 tỷ USD chi cho 38 dự án năng lượng mặt trời, 14,4 tỷ USD vào 27 dự án lưu trữ, 1,4 tỷ USD cho 14 dự án điện gió và 54 triệu USD cho 6 dự án sản xuất hydrogen sạch cũng như theo dõi giám sát chặt chẽ mức đầu tư vào các nguồn NLTT tương ứng (E2, 2024).
Thực trạng phát triển NLTT tại Hoa Kỳ
Thị trường NLTT của Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng và phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây. Theo báo cáo “Clean Power Annual Market Report 2023” của American Clean Power Association (2024), thì Hoa Kỳ đã đưa vào vận hành 33.844 MW công suất năng lượng sạch, lập kỷ lục về mức tăng trưởng cao nhất trong hoạt động năng lượng sạch trong một năm. Lượng năng lượng sạch mới được lắp đặt vào năm 2023, vượt qua năm 2022 là 7,9 GW (30%) và vượt qua kỷ lục hàng năm trước đó được thiết lập vào năm 2021 là 3,8 GW (13%). Tổng sản lượng điện của Hoa Kỳ ước tính giảm 0,9% vào năm 2023. Khí đốt tự nhiên vẫn là nguồn điện lớn nhất của Hoa Kỳ, cung cấp 43% với sản lượng 1.809 terawatt/giờ (TWh) vào năm 2023, tăng 6,5% so với năm 2022. Khí đốt tự nhiên và NLTT hiện đáp ứng 66% nhu cầu điện của Mỹ so với thị phần 41% vào năm 2013. Trong đó, năng lượng điện gió công suất 153 GW đã sản xuất được 428 TWh điện vào năm 2023 và các dự án phát điện mặt trời (điện mặt trời quy mô tiện ích và trên mái nhà) đã cung cấp sản lượng điện là 237 TWh. Sản lượng điện than giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 15,8% tổng sản lượng điện của Mỹ (EIA, 2024).
Hoa Kỳ đã xây dựng 33,8 GW dự án năng lượng sạch mới trên 46 tiểu bang vào năm 2023. Năng lượng gió và mặt trời cung cấp 16% điện năng của cả nước vào năm 2023. Iowa vẫn là tiểu bang dẫn đầu về thị phần năng lượng sạch với 61%, Nam Dakota đứng thứ hai với 56% và Kansas đứng thứ ba với 47% sản lượng điện năng đến từ năng lượng sạch. Các tiểu bang Trung tây Hoa Kỳ có lượng công suất điện gió đứng đầu và sản lượng đang được lắp đặt gia tăng khá nhanh. Các tiểu bang Đông Nam xếp cuối bảng do lượng công suất gió và mặt trời chưa đến 1% sản lượng điện (EIA, 2024).
Các tiểu bang Texas và California duy trì vị trí dẫn đầu về năng lượng sạch. Texas dẫn đầu cả nước về số lượng lắp đặt điện sạch hàng năm kể từ năm 2017. Năm 2023, Texas đã lắp đặt gần gấp đôi công suất so với các tiểu bang khác. Hai tiểu bang đứng đầu, Texas và California, đã sản xuất được nhiều điện sạch trong năm 2023 hơn 19 tiểu bang cộng lại. Texas dẫn đầu về lắp đặt điện mặt trời và điện gió trong khi California đứng đầu về lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng. Năng suất năng lượng của Hoa Kỳ đã tăng 3,8% vào năm 2023, khi nền kinh tế tăng trưởng 2,4% và mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Hoa Kỳ chậm lại 1,4%. Trong thập kỷ vừa qua, năng suất năng lượng của Hoa Kỳ đã tăng 30,6% trong và đã cải thiện 101% kể từ năm 1990. Năm 2023, chi tiêu năng lượng chiếm 4,2% tổng chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Hoa Kỳ, giảm 0,6 % so với năm 2022, cùng với giá khí đốt tự nhiên và điện giảm nhẹ (The Business Council for Sustainable Energy, 2024).
Hiện nay, trên khắp nước Mỹ có hơn 500 cơ sở sản xuất liên quan đến năng lượng sạch đang hoạt động, trong đó gần 450 cơ sở chuyên sản xuất điện gió. Ngoài việc cung cấp các thành phần chính, như: cánh quạt, tháp và nacelle, còn có hàng trăm nhà sản xuất nhỏ khác cung cấp các thành phần phụ như lớp phủ, chất bôi trơn, bộ phận truyền động điện và các nguyên liệu thô khác cho ngành công nghiệp điện gió. Có hơn 60 cơ sở sản xuất liên quan đến năng lượng mặt trời đang hoạt động tại Mỹ, hỗ trợ sản xuất mô-đun, sản xuất polysilicon, công nghệ theo dõi và danh mục vật liệu. Tính đến ngày 09/02/2024, các công ty đã công bố 123 nhà máy sản xuất mới, mở rộng hoặc mở cửa trở lại phục vụ công nghệ năng lượng gió, mặt trời, lưu trữ năng lượng và truyền tải sản xuất năng lượng sạch. Trong số 123 cơ sở được công bố, 44 cơ sở đã hoàn thành việc xây dựng hoặc hiện đang được xây dựng, các cơ sở được công bố chiếm hơn 35 tỷ USD vốn đầu tư và sẽ hỗ trợ gần 42.000 việc làm mới (American Clean Power Association, 2024).
Theo American Clean Power Association (2024), công suất điện mặt trời hàng năm và tích lũy đã đạt được hơn 19,5 GW điện mặt trời quy mô lớn được thêm vào lưới điện trong năm. Năm 2023, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Hoa Kỳ đã phá kỷ lục khi bổ sung 19.561 MW công suất điện mặt trời quy mô tiện ích vào lưới điện, nâng tổng công suất hoạt động lên 94.425 MW.
Bên cạnh đó, công suất điện gió đất liền được lắp đạt 6,4 GW trong 2023 và nâng tổng công suất điện gió đất liền lên hơn 150 GW. Năm 2023 cho thấy sự sụt giảm về công suất điện gió được lắp đặt, đánh dấu năm thấp nhất kể từ năm 2014. Thị trường điện gió của Hoa Kỳ đã lắp đặt 1.910 tua-bin gió với tổng công suất là 6.402 MW, giảm so với 8.876 MW năm 2022 và 13.667 MW được lắp đặt vào năm 2021. Tổng công suất điện gió hoạt động tích lũy đã tăng lên 150.455 MW vào cuối năm 2023. Hơn một nửa công suất điện gió đã được đưa vào sử dụng trong quý 4 của năm 2023.
Tương tự như năm 2022, có rất ít sự tăng trưởng trong quý II và quý III năm 2023, với mức tăng thêm chưa đến một GW vào mỗi quý. Các công trình lắp đặt điện gió tiếp tục giảm do thị trường bão hòa ở một số khu vực nhưng cũng có sự chậm trễ về cấp phép và phê duyệt theo quy định hoặc thay đổi về ưu đãi, biến động về chi phí. Các nhà phát triển điện gió đã đưa 81 dự án vào hoạt động trong năm 2023 tại 17 tiểu bang, bao gồm bốn tiểu bang có thêm 500 MW trở lên. Texas tiếp tục được bổ sung nhiều dự án điện gió nhất trong một năm với 1.323 MW. Illinois và Kansas tương tự nhau với công suất lắp đặt lần lượt 919 MW và 838 MW. Các nhà phát triển đã đưa vào vận hành ít hơn gần 2,3 GW điện gió vào năm 2023 so với năm 2022, một xu hướng giảm liên tục kể từ năm 2020. Nhìn chung, công suất điện gió của Mỹ đã tăng gần gấp ba lần trong 10 năm qua và lớn hơn 36 lần so với 20 năm trước (American Clean Power Association, 2024).
Về điện gió ngoài khơi, vào tháng 9/2023, Thượng viện California đã thông qua AB 1373, một dự luật năng lượng sạch mở đường cho thị trường điện gió ngoài khơi đầu tiên của tiểu bang. Dự luật này cho phép tiểu bang hoạt động như một bên mua cho các nguồn tài nguyên có thời gian chờ lâu như điện gió ngoài khơi. New York đã mua hơn 4 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2023 thông qua 3 dự án – Attentive Energy One (1.404 MW), Community Offshore Wind (1.314 MW) và Excelsior Wind (1.314 MW). Tuy nhiên, đã có một số hợp đồng mua – bán điện (PPA) chấm dứt và hủy bỏ dự án vào năm 2023, như: Ocean Wind 1 (1.100 MW), Ocean Wind 2 (1.148 MW), Commonwealth Wind (1.232 MW), Park City Wind (804 MW) và SouthCoast Wind (1.204 MW) đều chấm dứt các thỏa thuận mua điện của mình vào năm 2023. Tính đến năm 2024, New Jersey đã mua hơn 3,7 GW công suất điện gió ngoài khơi mới thông qua Leading Light Wind (2.400 MW) và Attentive Energy Two (1.342 MW). Tương tự, năm 2024, Skipjack Wind (966 MW), Empire Wind 2 (1.260 MW) và Beacon Wind (1.230 MW) thông báo rằng họ sẽ ngừng phát triển do kinh tế dự án (American Clean Power, 2024).
Sự phát triển của thị trường NLTT Hoa Kỳ hiện nay gắn liền với các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển NLTT. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ vừa rút ra khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhưng hiện nay, Hoa Kỳ đang kỳ vọng định hình lại trật tự năng lượng toàn cầu thông qua điện khí hóa và các loại nhiên liệu thế hệ mới. Bên cạnh đó, một số thách thức của phát triển NLTT của Hoa Kỳ có thể kể đến là: chi phí ban đầu khá tốn kém, cần công nghệ tiên tiến, tính ổn định thấp hơn năng lượng truyền thống và tình hình cấp phép quá lâu.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NLTT TẠI VIỆT NAM
Theo nhận định của các chuyên gia và nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam có đủ nguồn NLTT để xây dựng ngành điện quốc gia theo kịch bản phát triển năng lượng bền vững. Trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) (ban hành theo Quyết định 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ) đã đề ra mục tiêu cụ thể, tỷ trọng NLTT trong tổng công suất điện dự kiến tăng từ 27% năm 2021 lên 29% trong năm 2025 và 40% vào năm 2045. Một trong các nội dung nổi bật của quy hoạch này là phát triển mạnh các nguồn NLTT, đạt mức 67,5%-71,5% vào năm 2050.
Việt Nam có đặc điểm địa lý và khí hậu lý tưởng để sản xuất NLTT, với đường bờ biển dài và thời tiết nhiệt đới gió mùa, nhận được lượng bức xạ nhiệt mặt trời và lượng gió tương đối lớn. Những điều kiện này tạo cơ hội để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp NLTT, như: nhà máy năng lượng mặt trời và nhà máy năng lượng gió, có ý nghĩa quan trọng trong định hướng an ninh năng lượng để phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Các khu vực có nhiều tiềm năng điện gió và đang được khai thác điện gió, tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên, như: Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Bình Thuận… và các đảo. Tuy nhiên, do còn nhiều rào cản về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí…, nên phát triển điện gió đang có những bước tiến khá chậm.
Việt Nam có nhiều tiềm năng tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời do nằm ở khu vực cận xích đạo, với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2/ngày (EVN, 2023). Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời ở các tỉnh phía Trung và phía Nam. Hầu hết các dự án đều mang lại nhiều lợi ích như: giảm tiền điện hàng tháng, tạo công ăn việc làm cho một số lao động, tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp, tăng phần thuế VAT cho ngân sách của địa phương. Ngày càng nhiều hộ gia đình nhận thấy nhiều lợi ích từ việc sử dụng thiết bị tấm pin năng lượng mặt trời để sử dụng vào những nhu cầu hàng ngày, giúp tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (2024a), đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện (đã COD) toàn hệ thống đạt khoảng 80.555MW, tăng ~2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện NLTT (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 27%, nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện (bao gồm thủy điện nhỏ) là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện. Về sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023 là 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so năm 2022. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống (Pmax) năm 2023 là 46.348MW, tăng 2,01% so với năm 2022. Điện sản xuất và mua của EVN năm 2023 ước đạt 271,1 tỷ kWh, tăng 3,45% so năm 2022.
Tính đến ngày 31/7/2024, tổng số dự án NLTT chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện và hợp đồng mua – bán điện (PPA) là 81/85 dự án, với tổng công suất đạt 4.597,86 MW. Trong số này, 72 dự án với tổng công suất 4.128,01 MW đã đề nghị mức giá tạm thời bằng 50% giá trần theo Quyết định số 21/QĐ-BCT, ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương. Đến nay, EVN và các chủ đầu tư đã hoàn tất đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 64/72 dự án (tăng 1 dự án so với tháng 6/2024). Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm thời cho 63 dự án, với tổng công suất 3.429,41 MW. Hiện có 29 nhà máy/phần nhà máy NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 1.577,65 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại (COD) và phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế từ các dự án NLTT chuyển tiếp từ thời điểm COD đến ngày 31/7/2024 đạt hơn 3,24 tỷ kWh.
Theo EVN, còn 4 dự án với tổng công suất 136,70 MW chưa nộp hồ sơ đàm phán giá (EVN, 2024b). Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về 154 dự án điện mặt trời. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, kế hoạch lắp đặt điện mặt trời là 850 MW vào năm 2020 và tăng lên 4.000 MW vào năm 2025. Tuy nhiên, loại năng lượng này đã phát triển vượt quy hoạch, cao gấp hơn 17 lần tổng công suất được duyệt. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023 cho thấy, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời vào quy hoạch mà không có căn cứ pháp lý. Trong đó, 123 dự án là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện và lãng phí nguồn lực xã hội. Bộ Công Thương có trách nhiệm rà soát, cập nhật các dự án điện mặt trời và điện gió chưa có hoặc đã khắc phục theo kết luận của thanh tra, kiểm toán vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, đảm bảo các dự án này đáp ứng các tiêu chí về an toàn hệ thống, công nghệ truyền tải và hiệu quả kinh tế (Phương Dung, 2024).
MỘT SỐ ĐỀ XUẤT
Dựa trên bài học kinh nghiệm về phát triển NLTT của Hoa Kỳ và thực trạng phát triển tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp cần thực hiện để phát triển NLTT tại Việt Nam như sau:
Thứ nhất, để phát triển năng lượng bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, sửa đổi các luật hiện hành để thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là từ quốc tế. Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là cần thiết do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, khó huy động vốn cho các dự án năng lượng lớn và dài hạn. Tuy nhiên, cần thận trọng để tránh nguy cơ trở thành điểm đến của công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về khảo sát khu vực để triển khai các dự án NLTT. Ví dụ, với Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được thông qua theo Nghị quyết số 139/2024/QH15, ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thì cần lập kế hoạch thực hiện để khảo sát khu vực đầu tư dự án điện gió. Cần quy định rõ thẩm quyền giao khu vực, cho phép các tổ chức thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát để lập dự án điện mặt trời và điện gió. Các quy định này cần được cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), xã hội và quy định về cấp phép khảo sát cho các tổ chức trong và ngoài nước với nguồn vốn ngoài ngân sách.
Để thu hút đầu tư vào ngành năng lượng điện gió và điện mặt trời, cần có chính sách thuế ưu đãi và các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cần cam kết về giá mua điện và lộ trình tăng giá để đảm bảo doanh thu cho nhà đầu tư, dù điều này có thể dẫn đến tăng giá điện bán lẻ. Việc đàm phán ký kết hợp đồng mua – bán điện theo các cam kết này sẽ là cơ sở để huy động vốn vay cho dự án. Trong khi chờ hoàn thiện các quy định pháp luật, cấp thẩm quyền nên xem xét ban hành cơ chế đặc thù, giải pháp đột phá, thử nghiệm để thực hiện ngay các dự án NLTT. Cần theo dõi sát sao tình hình và xu hướng thế giới, phân tích và dự báo các tác động đối với chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh để đề xuất các chính sách phù hợp, thúc đẩy chuyển đổi NLTT và phát triển kinh tế bền vững.
Thứ hai, cần xác định về nhu cầu điện trong tương lai các giai đoạn, đến 2030 và đến 2050, để từ đó xem xét kỹ ảnh hưởng của giá, tiết kiệm năng lượng và điện khí hóa giao thông vận tải. Nhu cầu điện năng được dự báo trong Quy hoạch điện VIII cho đến năm 2050 là, tăng trung bình 8,8% giai đoạn 2021-2030 và 4%- 4,7%/năm giai đoạn 2031-2050. Đây là một mức độ tăng trưởng rất cao và được dự báo theo phương pháp khoa học và chi tiết. Khi đó, cần có các giải pháp đồng bộ về quy hoạch – kinh tế – kỹ thuật – cơ sở hạ tầng ứng phó thích hợp với đặc điểm của các nguồn NLTT nói chung và từng nguồn NLTT nói riêng. Đồng thời, cần đầu tư cơ sở vật chất có tính chất dài hạn đến năm 2050.
Thứ ba, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng NLTT, như: nâng cấp hệ thống mạng lưới điện, mở rộng đường dây truyền tải để khai thác lợi thế địa lý để lưu trữ điện năng, quản lý phụ tải… Từ đó, hỗ trợ triển khai điện mặt trời, điện gió, dự trữ điện…giúp chuỗi cung ứng trong nước vững mạnh hơn.
Thứ tư, theo Quy hoạch điện VIII, ước tính khối lượng tích lũy các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại vào khoảng 404.000 tấn vào năm 2035 và khoảng 1,9 triệu tấn (năm 2045). Khối lượng này tuy khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm có chính sách, cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời thải loại. Đây cũng có thể là cơ hội để nước ta phát triển công nghiệp tái chế pin năng lượng mặt trời trong tương lai. Ngày 9/7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay. Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng hướng tới sử dụng Pin lithium, đây là vấn đề trên toàn cầu, cần đưa ra những quy định phù hợp để giúp ngành năng lượng phát triển, phù hợp mục tiêu trung hòa carbon, hay Net Zero vào năm 2050.
Thứ năm, đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Tầm quan trọng của sự hợp tác giữa cộng đồng nghiên cứu để giải quyết những thách thức phức tạp, đa ngành đặt ra khi phát triển NLTT.
Thứ sáu, tăng cường xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực phù hợp nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển ngành năng lượng mới.
Thứ bảy, cần quan tâm, xây dựng chuỗi cung ứng, vận tải và hậu cần logistics để đáp ứng nhu cầu của ngành NLTT mới.
Thứ tám, cần tích cực, chủ động tham gia những hoạt động liên quan tới chuyển dịch năng lượng tại các diễn đàn đa phương, tranh thủ cơ hội hợp tác từ các sáng kiến, giao lưu học hỏi giữa các nước để học hỏi kinh nghiệm. Ví dụ: Sáng kiến nhu cầu năng lượng sạch (CEDI) có thể đóng vai trò là hình mẫu cho các nước đang phát triển như Việt Nam. CEDI là quan hệ đối tác công tư giữa Bộ Ngoại giao và Liên minh những người mua năng lượng sạch nhằm kết nối các quốc gia với các công ty quan tâm đến việc đầu tư vào năng lượng sạch để cung cấp năng lượng cho hoạt động của họ…
Thứ chín, cần đưa ra kịch bản các rủi ro có thể có khi phát triển NLTT để có những kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.
Thứ mười, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển thị trường NLTT, đồng thời khuyến khích người dân có lối sống trách nhiệm với môi trường, thực hiện sử dụng nguồn năng lượng sạch gắn với tiết kiệm năng lượng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững./.
Tài liệu tham khảo
1. American Clean Power (2024), Clean Power Annual Market Report 2023.
2. BCSE (2023), Clean Energy Transition Thrives in 2023, Boosted by Strong Federal Policies, retrieved from https://bcse.org/market-trends/.
3. EIA (2024), What is U.S. electricity generation by energy source?, retrieved from https://www.eia.gov/tools/faqs/faq.php?id=427&t=3#:~:text=In%202023%2C%20about%204%2C178%20billion,facilities%20in%20the%20United%20States.&text=About%2060%25%20of%20this%20electricity,%2C%20petroleum%2C%20and%20other%20gases.
4. E2 (2024), Tracking new clean economy projects, expansions, and production announced across America since the Inflation Reduction Act, retrieved from https://e2.org/announcements/.
5. Energy (2024), Manchin, Barrasso Release Bipartisan Energy Permitting Reform Legislation, retrieved from https://www.energy.senate.gov/2024/7/manchin-barrasso-release-bipartisan-energy-permitting-reform-legislation.
6. EVN (2023), Tín hiệu tích cực từ điện mặt trời mái nhà, truy cập từ https://evn.com.vn/d6/news/Tin-hieu-tich-cuc-tu-dien-mat-troi-mai-nha-0-668-120722.aspx
7. EVN (2024a), Một số số liệu tổng quan về nguồn điện toàn quốc năm 2023, truy cập từ https://www.evn.com.vn/d6/news/Mot-so-so-lieu-tong-quan-ve-nguon-dien-toan-quoc-nam-2023-66-142-124707.aspx
8. EVN (2024b), Cập nhật đến ngày 31/7/2024: Thêm 1 dự án NLTT chuyển tiếp hoàn thành đàm phán giá và kí tắt hợp đồng PPA, truy cập từ https://www.evn.com.vn/d6/news/Cap-nhat-den-ngay-3172024-Them-1-du-an-NLTT-chuyen-tiep-hoan-thanh-dam-phan-gia-va-ki-tat-hop-dong-PPA-6-2014-125410.aspx.
9. Natinonal Renewwable Energy Laboratory (2022), A Guidebook To The Bipartisan Infrastructure Law For State, Local, Tribal, And Territorial Governments, And Other Partners, retrieved from https://gfoaorg.cdn.prismic.io/gfoaorg/0727aa5a-308f-4ef0-addf-140fd43acfb5_BUILDING-A-BETTER-AMERICA-V2.pdf.
10. NREL (2023), Evaluating Impacts of the Inflation Reduction Act and Bipartisan Infrastructure Law on the U.S. Power System, retrieved from https://www.nrel.gov/docs/fy23osti/85242.pd
11. Phương Dung (2024), 154 dự án điện mặt trời từng bị thanh tra vẫn chờ bổ sung quy hoạch, truy cập từ https://vnexpress.net/154-du-an-dien-mat-troi-tung-bi-thanh-tra-van-cho-bo-sung-quy-hoach-4784813.html.
12. The Business Council for Sustainable Energy (2023), Clean Energy Transition Thrives in 2023, retrieved from https://bcse.org/market-trends/.
13. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
14. UN (2024), Evaluating Impacts of the Inflation Reduction Act and Bipartisan Infrastructure Law on the U.S. Power System, retrieved from https://www.nrel.gov/docs/fy23osti/85242.pd.
15. UN (2024), Renewable energy – powering a safer future, retrieved from https://www.un.org/en/climatechange/raising-ambition/renewable-energy?gad_source=1&gclid=Cj0KCQjwjY64BhCaARIsAIfc7YbaxKpecpkbf1JFcXs_pBH5P0AzHxw165DfVE_wkZEcYq1G4B5yDncaAgYqEALw_wcB.
Ngày nhận bài: 11/10/2024; Ngày phản biện: 15/10/2024; Ngày duyệt đăng: 28/10/2024 |
* Bài viết là sản phẩm của đề tài Chính sách năng lượng tái tạo của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden