CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CNHT

Ở Việt Nam, do sự phát triển tương đối chậm chễ của ngành CNHT mà thuật ngữ “CNHT” mới xuất hiện và được nghiên cứu từ năm 2000, được sử dụng chính thức từ năm 2004, chủ yếu trong các chỉ thị, công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, trong Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN, ngày 31/07/2007 của Bộ Công nghiệp phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 có định nghĩa “CNHT là hệ thống các cơ sở sản xuất và công nghệ sản xuất các sản phẩm đầu vào là nguyên vật liệu, linh phụ kiện, phụ tùng… phục vụ cho khâu lắp ráp các sản phẩm công nghiệp cuối cùng”. Khái niệm này được làm rõ hơn trong Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg, ngày 24/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành CNHT, theo đó “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng; sản phẩm CNHT bao gồm vật liệu, phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”.

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam hiện nay
Những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam đã có những bước tiến nhất định.

Những năm gần đây, trên cơ sở nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của CNHT, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển ngành này, như: Luật Đầu tư (năm 2014) và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư đã quy định, CNHT là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cũng đã được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế (năm 2014)…

Để CNHT Việt Nam tận dụng được các cơ hội trong bối cảnh mới, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, ngày 8/6/2015 về phát triển CNHT với 06 ngành nghề được hỗ trợ, ưu đãi sau: dệt – may, da – giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm CNHT cho công nghệ cao. Nghị định số 111/2015/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tín dụng. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển còn được hưởng ưu đãi về tín dụng đầu tư và tiền thuê đất… Sự ra đời của Nghị định số 111/2015/ NĐ-CP cùng hàng loạt các thông tư, quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2016-2020 đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNHT ở Việt Nam.

Đến ngày 18/01/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 08/6/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Cụ thể, Nghị quyết số 115/NQ-CP đặt mục tiêu, đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng đầy đủ 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CNHT Ở VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành CNHT Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét. Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương (2020), Việt Nam hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng đa quốc gia, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT hiện chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến – chế tạo.

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại; Linh kiện xe đạp, xe máy; Linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; Dây cáp điện; Linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật; Săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát…, đã tạo nền tảng cho ngành CNHT, giúp các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Có thể kể tới một thành công rõ nét của ngành CNHT Việt Nam nhìn từ trường hợp Samsung. Theo Bộ Công Thương (2021), năm 2014, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm GalaxyS4 và Tab, nhưng các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. Một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó. Theo đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp một lần nữa khẳng định chiến lược phát triển lâu dài và định hướng để Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của Samsung. Ngoài Samsung, đến năm 2020, Toyota Việt Nam có tổng cộng 33 nhà cung cấp thì đã có 5 nhà cung cấp Việt Nam (chiếm 15,15%).

Việc các doanh nghiệp FDI đã có những thay đổi tích cực trong sử dụng nhà cung cấp khi chú ý hơn tới nguồn cung cấp từ các doanh nghiệp Việt Nam cũng được thể hiện qua kết quả khảo sát của Qima – một nhà cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng. Qima đã thực hiện khảo sát với hơn 700 doanh nghiệp trên toàn cầu trong tháng 3/2021 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp Mỹ và châu Âu lựa chọn vào chuỗi cung ứng. 25% doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu trong cuộc khảo sát này đã bình chọn Việt Nam là một trong 3 quốc gia cung ứng hàng đầu của họ trong quý I/2021, riêng với doanh nghiệp ở Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 43%. Trong số các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chuyển sang các nhà cung cấp khác vào năm ngoái để tránh đại dịch và các rủi ro khác, có 1/3 doanh nghiệp cho biết Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của họ. Riêng với doanh nghiệp Mỹ, con số này thậm chí còn cao hơn, ở mức 40%. Trong số những doanh nghiệp được hỏi có ý định tìm kiếm các nhà cung ứng mới trong 12 tháng tới, có 38% doanh nghiệp Mỹ và 28% doanh nghiệp châu Âu cho biết có kế hoạch chọn Việt Nam hoặc mua thêm từ các nhà cung cấp ở đây (Nhật Linh, 2021).

Bên cạnh việc gia tăng số lượng nhà cung ứng, nhiều sản phẩm “made in Việt Nam” đã ra đời. Năm 2015, đánh dấu bước đầu phát triển của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam với sự xuất hiện của chiếc điện thoại cao cấp “Made in Việt Nam” thương hiệu Bphone trên thị trường. Đến năm 2019, ô tô VinFast thương hiệu Việt xuất hiện đánh dấu vị thế mới của ngành công nghiệp ô tô đang vươn lên tự chủ trong đầu tư, sản xuất, làm chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, sau 30 năm chủ yếu làm lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa chưa bao giờ đạt kỳ vọng.

Những vấn đề đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành CNHT Việt Nam vẫn đứng trước những khó khăn, hạn chế như sau:

Thứ nhất, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm CNHT trong nước vẫn còn thấp. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, phần lớn doanh nghiệp CNHT mới chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Theo Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7%-10%. Trong khi mục tiêu đề ra là 30%-40% vào năm 2020, 40%-45% vào năm 2025 và 50%-55% vào năm 2030 (Đức Toàn, 2021). Hay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử hiện mới đạt 5%-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành điện tử phải nội địa hóa đến 45%, đây là mục tiêu đầy thách thức (Thùy An, 2021).

Thứ hai, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ sự phát triển các doanh nghiệp CNHT, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vẫn rất khó để tiếp cận được với những ưu đãi của Chính phủ. Nguyên nhân là do, sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ dẫn đến nhiều doanh nghiệp CNHT chưa tiếp cận được các ưu đãi theo quy định. Với lĩnh vực khoa học, công nghệ, sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn hạn chế, không ít các sản phẩm nghiên cứu vẫn gặp rất nhiều khó khăn về ứng dụng và phát triển sản phẩm.

Hiện vẫn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Điều này đã phần nào hạn chế khả năng ứng dụng của các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực CNHT.

Hay đối với các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng, để vay được vốn, doanh nghiệp cần có rất nhiều điều kiện. Trong khi đó, doanh nghiệp CNHT đa số có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc rất ít tài sản bảo đảm, trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp. Hơn thế, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT đa phần là trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, trong khi đó, chính sách tín dụng ưu đãi thường chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn, phạm vi ưu đãi hẹp, chưa kể rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển… nên khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế.

Thứ ba, mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm CNHT, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.

GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CNHT Ở VIỆT NAM

Nhằm thúc đẩy CNHT Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo tác giả, cần thực hiện những giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành CNHT. Đây là giải pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp CNHT có điều kiện tốt nhất để phát triển sản xuất kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tốt với yêu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp. Theo đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, đồng thời, có yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa bằng cách đặt hàng của các doanh nghiệp trong nước, nhưng theo hướng sẽ hỗ trợ các tập đoàn nước ngoài về thuế và chính sách khác theo tỷ lệ đặt hàng nội địa.

Hai là, để các chính sách về CNHT đi vào cuộc sống, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp CNHT phát triển, thì các quy định hỗ trợ cần khả thi hơn, có thể ước lượng được sự tác động, đóng góp tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, không nên gói gọn ở một vài đối tượng, đặc biệt là CNHT – được xem là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế.

Ba là, cần thiết hình thành những trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và hỗ trợ cho CNHT, trước mắt là tại 3 trung tâm kinh tế lớn khu vực miền Bắc, Trung, Nam. Những trung tâm này không chỉ tập trung vào giới thiệu công nghệ, hỗ trợ điều kiện tiếp cận công nghệ cho doanh nghiệp thông qua hợp tác quốc tế và các chính sách của Chính phủ nói chung, mà còn hỗ trợ cho R&D nói riêng, từ đó những trung tâm này sẽ đóng góp cả vào sự phát triển về giá trị gia tăng.

Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Để thực hiện được điều này, cần mở rộng sự liên kết trong đào tạo giữa các trường đại học trong nước và các trường đại học có uy tín trên thế giới. Đồng thời, cần có sự đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo từ các trường đại học cho đến các trường dạy nghề để nâng cao dần chất lượng của những người lao động trong tương lai.

Năm là, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển CNHT. Từ thực tiễn phát triển CNHT ở Việt Nam thời gian qua có thể nhận thấy, thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp CNHT chính là tính liên kết lỏng lẻo. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau cũng như giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm phụ trợ. Bộ Công thương và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đóng vai trò chủ yếu, là cầu nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc thành lập liên doanh để cùng nhau sản xuất các sản phẩm phụ trợ.

Sáu là, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho CNHT phát triển. Bên cạnh những giải pháp đã được đề cập ở trên, để thúc đẩy CNHT phát triển, Nhà nước cũng cần quan tâm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng. Bởi chỉ trên cơ sở hiện đại hóa kết cấu hạ tầng mới đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để sản xuất các sản phẩm hỗ trợ. Việc hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng sẽ góp phần giảm bớt chi phí cho các nhà đầu tư, giúp cho hàng hóa của họ (linh kiện, vật tư, phụ tùng…) thuận lợi hơn cho việc lưu thông ở cả thị trường trong và ngoài nước./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2020). Nghị quyết số 115/NQ-CP, ngày 8/6/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT

2. Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương (2020). Thúc đẩy CNHT giúp ngành công nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu

3. Bộ Công Thương (2021). Báo cáo Tổng kết công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, ngày 07/01/2021

4. Đỗ Thúy Nga (2017). Về hiện trạng phát triển CNHT tại thành phố Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 10

5. Thùy An (2021). Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử Việt Nam chỉ đạt 5%-10%, truy cập từ https://vtv.vn/kinh-te/ti-le-noi-dia-hoa-nganh-dien-tu-viet-nam-chi-dat-5-10-20210415145803963.htm

6. Trịnh Bộ (2020). Nỗ lực của doanh nghiệp Việt để phát triển ngành CNHT, truy cập từ https://vietnam.vnanet.vn/vietnamese/no-luc-cua-doanh-nghiep-viet-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-ho-tro/469195.html

7. Nhật Linh (2021). Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp Âu – Mỹ lựa chọn vào chuỗi cung ứng, truy cập từ https://dantri.com.vn/kinh-doanh/viet-nam-tiep-tuc-duoc-cac-doanh-nghiep-au-my-lua-chon-vao-chuoi-cung-ung-20210503120019043.htm

8. Trần Ánh Phương (2021). CNHT Việt tiếp cận gần hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, truy cập từ http://consosukien.vn/cong-nghiep-ho-tro-viet-tiep-can-gan-hon-vao-chuoi-gia-tri-toan-cau.htm

9. Đức Toàn (2021). Thực trạng phát triển của CNHT ngành ô tô Việt Nam, truy cập từ https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-cong-nghiep/thuc-trang-phat-trien-cua-cnht-nganh-o-to-viet-nam.html

ThS. Nguyễn Vũ Nhật Anh

Trường Đại học Trưng Vương

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 31 năm 2021)