TS. Trần Văn Khởi
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Tóm tắt
Trong các cơ sở giáo dục đại học, giảng viên là nguồn lực nhân lực chất lượng cao có tính quyết định để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác. Bài viết khái quát thực trạng phát triển nguồn nhân lực giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nguồn lực này. Đây là vấn đề then chốt của đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Từ khóa: nguồn nhân lực, giảng viên, nguồn nhân lực giảng viên, phát triển nguồn nhân lực giảng viên, cơ sở giáo dục đại học
Summary
In higher education institutions, lecturers are a high-quality human resource and play a decisive role in exploiting and using effectively other resources. This article reviews the current situation of human resources development for lecturers in higher education institutions and, on that basis, proposes several solutions to develop this resource. This is a key issue in education and training innovation, especially in the context of the Industrial Revolution 4.0.
Keywords: human resources, lecturers, human resources for lecturers, human resources development for lecturers, higher education institutions
GIỚI THIỆU
Nguồn nhân lực trong bất kỳ một chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp nào cũng luôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp đó. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đại học nguồn nhân lực giảng viên có vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của mỗi nhà trường. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực giảng viên luôn là yêu cầu cấp bách trong các cơ sở giáo dục đào tạo đại học. Để có nguồn nhân lực giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, cần chú trọng và đưa ra những giải pháp ưu việt nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực giảng viên.
VỀ GIẢNG VIÊN VÀ NHÂN LỰC GIẢNG VIÊN
Theo Luật Viên chức năm 2010, “Viên chức là công dân trên lãnh thổ Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, được hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, giảng viên đại học là viên chức chuyên môn đảm nhiệm các nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở bậc đại học, sau đại học thuộc một chuyên ngành đào tạo trường đại học. Trong các trường đại học, giảng viên còn là nhà khoa học về giảng dạy và giáo dục, biết sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật, công nghệ trong giảng dạy, thường xuyên trau dồi để nâng cao nghiệp vụ giảng dạy của mình, tham gia tích cực vào nghiên cứu khoa học và đời sống xã hội”.
Theo Khoản 3 Điều 70 Luật Giáo dục năm 2005 quy định: “Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên”.
Theo Điều 54 Luật Giáo dục đại học năm 2012 quy định: “Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp; đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật Giáo dục; chức danh của giảng viên bao gồm: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư, trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên”.
Theo Điều 66 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: “Nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên”. Giảng viên có giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học công lập và giảng viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
Từ các quy định trên, có thể hiểu: Giảng viên là người có năng lực, kỹ năng chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm nhiệm trực tiếp công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, soạn thảo giáo trình, bài giảng, các loại sách tham khảo và chuyên khảo phục vụ hoạt động học và các hoạt động khác trong các cơ sở giáo dục đại học đào tạo từ trình độ cao đẳng trở lên.
Từ khái niệm về “nguồn nhân lực” và “giảng viên”, có thể hiểu nguồn nhân lực giảng viên là nguồn lực quan trọng, quyết định đến mọi hoạt động thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong hoạt động các cơ sở giáo dục đại học.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC
Kết quả đạt được
Về số lượng và chất lượng giảng viên đại học
Theo Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học tại Hội nghị giáo dục đại học diễn ra ngày 9/8/2024, đội ngũ giảng viên cả nước hiện nay được gia tăng cả về số lượng và chất lượng, với sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút nhân tài trong hệ thống. Năm 2024, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian là 91.297 người, cao hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng… Theo số liệu từ Hệ thống Hemis do các cơ sở đào tạo kê khai, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong năm 2024 là 91.297, trong đó giảng viên là giáo sư là 743 người, phó giáo sư là 5.629 người, tiến sĩ là 23.776, thạc sĩ là 53.412 người… (Bảng).
Bảng: Số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong 3 năm gần đây (2022-2024)
Nguồn: Số liệu từ Hệ thống HEMIS của Bộ Giáo dục và Đào tạo do các cơ sở đào tạo kê khai |
Số liệu Bảng cho thấy, những năm gần đây, số lượng giảng viên có trình độ cao, như: tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng (từ 21.170 người năm 2022 lên 23.776 người năm 2023). Tỷ lệ giảng viên có chức danh phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm. Riêng về số lượng giáo sư giảm, là do, nhiều người về hưu, trong khi không có lực lượng mới được công nhận bổ sung.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là một trong các hoạt động quan trọng tại các cơ sở giáo dục đại học nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời khẳng định thương hiệu của cơ sở giáo dục – đào tạo. Nghiên cứu khoa học được coi là tiêu chí đánh giá thành tích của mỗi giảng viên. Trong những năm qua, các cơ sở giáo dục đại học đã tập trung đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ, đồng thời xác định rõ 2 nhiệm vụ chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng, các công trình nghiên cứu ngày càng hướng theo chất lượng thực chất; đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học trong công bố khoa học cả trong nước và quốc tế vẫn luôn chiếm vị thế chủ đạo. Thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học và ngành đào tạo của Việt Nam ngày càng được ghi nhận trên bản đồ giáo dục đại học thế giới.
Theo báo cáo của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hoạt động khoa học và công nghệ trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước tiếp tục có bước phát triển và giữ ổn định theo định hướng phát triển của các cơ sở giáo dục đại học, với nhiều kết quả nổi bật. Về công bố khoa học của Việt Nam trên các tạp chí quốc tế uy tín, theo kết quả tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus của Nhà xuất bản Elsevier, trong giai đoạn 2018-2022, Việt Nam có 76.672 công bố, trong đó kể từ năm 2020 đến năm 2022, số lượng công bố hàng năm đều đạt trên 18.000 bài (Hình 1).
Hình 1: Công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín của Việt Nam giai đoạn 2018-2022
Nguồn: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Hình 2: 10 tổ chức trong nước có nhiều nhất công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín
Nguồn: Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Trong số 10 tổ chức của Việt Nam có công bố quốc tế cao nhất năm 2022, có tới 9 tổ chức là các cơ sở giáo dục đại học (Hình 2). Điều này cho thấy, chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học ngày càng được nâng cao.
Về trình độ tin học, ngoại ngữ
Nguồn nhân lực giảng viên đại học công lập có trình độ ngoại ngữ, tin học còn chưa cao. Số giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh chiếm tỷ lệ thấp. Theo nghiên cứu khảo sát của Lê Hồng Điệp, Phạm Thị Hồng (2024), chỉ 36,6% giảng viên đại học công lập được bồi dưỡng ngoại ngữ, 39,5% bồi dưỡng công nghệ thông tin.
Một số khó khăn, hạn chế
– Cơ sở giáo dục đại học gặp thách thức về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sỹ. Theo tiêu chí 2.3 của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, ngày 05/02/2024 quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ quy định: “Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ”. Trên thực tế, các trường đại học top đầu sẽ đạt được tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50%. Tuy nhiên, với một số trường khác có đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ gặp thách thức để đạt tỷ lệ này (Ngọc Mai, 2024). Bởi, để đào tạo ra 1 tiến sĩ không phải 1-2 năm mà phải từ 5-7 năm. Chưa kể, số lượng giảng viên toàn thời gian trình độ tiến sĩ của trường cũng hao hụt đi do họ chuyển công tác hoặc về hưu.
– Tỷ lệ giảng viên được đi đào tạo nâng cao trình độ trong nước và nước ngoài theo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030 (theo Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ) có tỷ lệ thấp so với mục tiêu của Đề án. Mục tiêu cụ thể của Đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học; trong đó 7% được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 3% trong nước và phối hợp với các trường đại học nước ngoài. Để đạt mục tiêu trên, trong khoảng 10 năm cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ. Nhưng theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện số giảng viên các trường đại học tham gia đề án này trong 2 năm gần đây đều thấp hơn chỉ tiêu đặt ra. Cụ thể, năm 2022, tổng chỉ tiêu giao đào tạo gồm 766 người trong nước và 251 ở nước ngoài, kết quả thực hiện chỉ đạt 24% trong nước và 32% nước ngoài (chỉ 80 người đi học nước ngoài). Năm 2023, tổng chỉ tiêu giao đào tạo là 319 người trong nước và 202 người ở nước ngoài, nhưng khả năng thực hiện dựa trên số đã đi học và các trường báo cáo chỉ khoảng 37% ở trong nước và 64% ở nước ngoài. Theo đại diện Vụ Giáo dục đại học, việc triển khai Đề án này đang bị chậm, các trường thực hiện rất ít so với chỉ tiêu được giao theo số đăng ký hoặc cam kết ban đầu (Hà Ánh, 2023).
– Việc tuyển dụng, thu hút nhà khoa học, giảng viên trình độ cao là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam rất hạn chế.
– Hoạt động nghiên cứu khoa học của một số giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học còn đối diện với một số khó khăn. Nguyên nhân là do:
(i) Năng lực nghiên cứu của giảng viên đặc biệt đối với giảng viên trẻ còn hạn chế bởi những lý do khách quan và chủ quan (tiềm lực khoa học còn ít, kinh nghiệm nghiên cứu chưa nhiều; bận rộn với giờ giảng trên lớp, dành nhiều thời gian cho việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao ngoại ngữ, tin học). Điều này ảnh hưởng đến nhiệm vụ của người giảng viên, trong khi đó, giảng dạy và nghiên cứu khoa học luôn là nhiệm vụ kép của người giảng viên đại học;
(ii) Một số giảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và lợi ích của nghiên cứu khoa học trong công tác giảng dạy;
(iii) Một số giảng viên đại học chưa thực sự nghiêm túc, say mê với hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học còn mang tính chất đối phó, một số giảng viên đứng tên trên cùng một bài viết để có đủ giờ định mức còn diễn ra khá phổ biến;
(iv) Căn bệnh thành tích, hình thức trong nghiên cứu khoa học còn diễn ra khá phổ biến trong nghiên cứu khoa học, nên nhiều công trình khoa học chưa có chất lượng cao;
(v) Trong cộng đồng nghiên cứu khoa học, có sự cạnh tranh cao trong việc công bố bài báo và các kết quả nghiên cứu. Do đó, giảng viên các trường đại học đang gặp phải áp lực thực hiện những nghiên cứu có chất lượng cao và xuất bản trong các tạp chí uy tín trong và ngoài nước để bảo đảm động lực nghề nghiệp cũng như tạo được uy tín, chỗ đứng trong lĩnh vực chuyên môn. Các tiêu chuẩn xuất bản cao, quy trình đánh giá nghiêm ngặt, chi phí thẩm định… của các ấn phẩm khoa học, đặc biệt là các tạp chí, tập san quốc tế có uy tín, đã và đang là một trong những thách thức lớn đối với giảng viên khi muốn công bố kết quả nghiên cứu khoa học.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm phát triển nguồn nhân lực giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Phát triển về số lượng giảng viên
Các cơ sở giáo dục đại học cần đảm bảo đủ về số lượng. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo. Số lượng giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học cần phải tương ứng với quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đó, tránh tình trạng thừa thầy, thiếu trò.
Như vậy, căn cứ vào số liệu thực tế này, giảng viên có trình độ thạc sĩ tham gia vào giảng dạy chương trình đại học phải đủ về số lượng sao cho đảm bảo tỷ lệ sinh viên/giảng viên không vượt quá mức quy định cho từng lĩnh vực, nhóm ngành đào tạo (theo quy định hiện hành, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của khối ngành sức khỏe là 15; khối ngành dịch vụ, khối ngành kinh doanh, quản lý là 25; khối ngành nghệ thuật là 10). Và, giảng viên có trình độ đại học và trình độ khác đang tham gia giảng dạy bậc đại học còn khá nhiều cần phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để tránh tình trạng “đại học dạy đại học”.
Phát triển về chất lượng giảng viên
Phát triển về chất lượng giảng viên cần đảm bảo có đủ những khía cạnh sau: trình độ chuyên môn, năng lực chuyên môn, phẩm chất nghề nghiệp.
Thứ nhất, đội ngũ giảng viên đại học cần phải được bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn bằng những biện pháp, như: tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, sử dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy học, ứng dụng các hình thức tiên tiến vào công tác bồi dưỡng giảng viên, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng theo hướng nghiên cứu và nâng cao trình độ ngoại ngữ. Cụ thể: bồi dưỡng cho giảng viên chủ động tham gia các hình thức đào tạo tiên tiến, đào tạo trực tuyến, để vừa nâng cao trình độ, vừa tiếp cận các mô hình dạy học mới, qua đó giúp họ bổ sung kiến thức, đa dạng hóa các hình thức giảng dạy. Trong thời gian tới, các mô hình giảng dạy trực tuyến sẽ được ứng dụng trong đào tạo đại học, như: E-learning; B-learning; hội thảo truyền hình. Đồng thời, cần nhân rộng mô hình liên kết giữa nhà trường – nhà quản lý – nhà doanh nghiệp để trên cơ sở mối liên kết đó giảng viên có thể tham gia trực tiếp vào quá trình thực hành và làm việc trong các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể cử các nhân viên có trình độ tay nghề cao tham gia quá trình đào tạo. Như vậy, giảng viên mới có điều kiện đổi mới, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên đại học để họ có thể ứng dụng các phương pháp hiện đại vào công tác giảng dạy.
Thứ hai, cần chú trọng phát triển năng lực giảng dạy, bao gồm những nội dung cụ thể như xây dựng chương trình giảng dạy ở cấp độ môn học; xác định mục tiêu học tập của môn học và từng đơn vị học tập của sinh viên; xác định những nội dung phù hợp để đạt tới các mục tiêu đã đề ra; xác định các phương pháp học tập và giảng dạy phù hợp nhằm chuyển tải được nội dung và đạt tới mục tiêu; xác định các phương pháp đánh giá phù hợp để động viên người học, đánh giá đúng trình độ của người học. Nâng cao năng lực sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, phù hợp với chuyên môn của bản thân, như: giảng dạy bằng tình huống, thảo luận nhóm, khám phá, mô phỏng, dự án… Rèn luyện các năng lực truyền đạt; năng lực giải quyết vấn đề và ra quyết định; năng lực quản lý xung đột và đàm phán; năng lực không ngừng học tập và phát triển bản thân; năng lực sử dụng các thiết bị, phương tiện hiện đại trong giảng dạy (quản lý tài nguyên, dữ liệu trên internet, sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ mới phục vụ quá trình dạy học…).
Thứ ba, từng bước hoàn thiện những tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và thường xuyên trau dồi phẩm chất chính trị. Mỗi giảng viên phải tự học tập và rèn luyện để có năng lực chuyên môn cao, nắm bắt được những thành tựu mới của khoa học – công nghệ để kịp thời ứng dụng vào công tác giảng dạy; có khả năng sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, mà chủ yếu và quan trọng nhất là tiếng Anh; có năng lực nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí về năng lực riêng biệt cho đội ngũ giảng viên đại học. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo đại học xây dựng chiến lược phát triển đối với đội ngũ giảng viên cho phù hợp với nhu cầu của đơn vị thông qua nhiều hình thức đào tạo.
Phát triển về cơ cấu giảng viên
Điều 54 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2019) quy định tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm chức danh giảng viên theo thẩm quyền; tỷ lệ giảng viên cơ hữu tối thiểu của cơ sở giáo dục đại học; quy định tiêu chuẩn giảng viên thực hành, giảng viên của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù. Điều này cho thấy, cần đồng bộ về cơ cấu, sự phù hợp giữa giới tính, độ tuổi, học hàm, học vị trong cơ cấu giảng viên. Vì vậy, cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Về giới tính: Cần có sự đảm bảo tỷ lệ hài hòa giữa giảng viên nam và giảng viên nữ trong từng khoa, bộ môn và chuyên ngành cụ thể.
– Về lứa tuổi: Cần hình thành nguồn nhân lực giảng viên trẻ có trình độ cao, kế cận, kế tiếp giữa các thời kỳ chuyển giao giữa các giảng viên với nhau, tránh tình trạng tuyển dụng ồ ạt giảng viên còn thiếu kinh nghiệm, chưa chuẩn hóa tham gia vào quá trình giảng dạy, không tính đến sự kế cận, tiếp nối.
– Về chuyên môn: Cần phải đảm bảo được số lượng giảng viên phù hợp với quy mô và nhiệm vụ đào tạo của từng chuyên ngành./.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2024), Báo cáo tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024, ngày 09/8/2024.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
3. Hà Ánh (2023), Nhiều giảng viên du học bằng ngân sách không quay về: Trường ĐH tìm hướng đi mới, truy cập từ https://thanhnien.vn/nhieu-giang-vien-du-hoc-bang-ngan-sach-khong-quay-ve-truong-dh-tim-huong-di-moi-185231009215204337.htm.
4. Lê Hùng Điệp, Phạm Thị Hồng (2024), Cơ hội và thách thức trong quản lý nhà nước đối với giảng viên tại các trường đại học công lập trong bối cảnh chuyển đổi số, truy cập từ https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/03/07/co-hoi-va-thach-thuc-trong-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-giang-vien-tai-cac-truong-dai-hoc-cong-lap-trong-boi-canh-chuyen-doi-so/.
5. Ngọc Mai (2024), Cơ sở giáo dục đại học gặp thách thức về tỷ lệ giảng viên, cơ sở vật chất theo chuẩn, truy cập từ https://giaoduc.net.vn/co-so-giao-duc-dh-gap-thach-thuc-ve-ty-le-giang-vien-co-so-vat-chat-theo-chuan-post241417.gd.
6. Quốc hội (2012), Luật Giáo dục đại học năm 2012, số 08/2012/QH13, ngày 18/6/2012.
7. Quốc hội (2019), Luật Giáo dục, số 43/2019/QH14, ngày 14/6/2019.
8. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo (2023), Báo cáo hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học năm học 2022-2023 và một số định hướng cho năm học 2023-2024.
Ngày nhận bài: 06/8/2024; Ngày phản biện: 09/8/2024; Ngày duyệt đăng: 27/8/2024 |