ThS. Đỗ Thị Yến

Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

Email: yentcts@gmail.com

Tóm tắt

Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng góp phần giúp các quốc gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Nó mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân và doanh nghiệp, như: khuyến khích phổ biến công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường, tạo ra lợi thế so sánh và nâng cao triển vọng kinh tế. Nghiên cứu này nhằm trình bày các khái niệm, lợi ích của tài chính xanh, phân tích thực trạng triển khai một số loại hình tài chính xanh tại Việt Nam, đồng thời đề xuất một số giải pháp phát triển tài chính xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: tài chính xanh, xanh hóa nền kinh tế, phát triển bền vững

Summary

Green finance plays a crucial role in helping countries achieve sustainable development goals. It brings many benefits to individuals and businesses, such as encouraging technology dissemination, developing environmentally friendly infrastructure, creating comparative advantages, and improving economic prospects. This study aims to present the concepts and benefits of green finance, analyze the current status of implementing some types of green finance in Vietnam, and propose some solutions for developing green finance in Vietnam in the coming time.

Keywords: green finance, greening the economy, sustainable development

ĐẶT VẤN ĐỀ

Để thúc đẩy hành trình xanh hóa nền kinh tế, tài chính xanh là một phương thức đặc biệt mà các quốc gia trên thế giới đều coi trọng. Tại Việt Nam, tài chính xanh là hướng đi cần thiết trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và đã đạt được những kết quả quan trọng ban đầu. Tuy nhiên, quá trình phát triển tài chính xanh cũng đang đặt ra một số vấn đề khó khăn, hạn chế, cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục.

KHÁI NIỆM VÀ CÁC LOẠI HÌNH TÀI CHÍNH XANH

Khái niệm tài chính xanh

Theo Sachs và cộng sự (2019), tài chính xanh đề cập đến một danh mục rộng lớn các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ (bao gồm: rủi ro tài chính, quản lý liên quan đến khí hậu và môi trường), các công cụ và cơ chế trong lĩnh vực tài chính được liên kết với các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh doanh và công nghiệp có thể tạo ra các hoạt động bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường, bao gồm đất, nước, đa dạng sinh học, không khí và con người.

Tài chính xanh có thể được hiểu một cách đơn giản nhất là một tập hợp các chiến lược và phương pháp để đạt được hoặc huy động và phân bổ quỹ (cả khu vực tư nhân và công, cũng như đóng góp từ thiện) để thu hẹp khoảng cách đầu tư lớn trong việc tạo ra và duy trì các công trình mới, có khả năng thích ứng với khí hậu, cơ sở hạ tầng bền vững. Điều này sẽ giúp các quốc gia giải quyết nhiều thách thức xã hội, đáp ứng các cam kết hành động khí hậu của họ và quyết tâm quốc gia đóng góp phù hợp với Thỏa thuận Paris và đạt được mười bảy mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc trong thập kỷ hiện tại từ năm 2021 đến năm 2030 (Nawaz và cộng sự, 2021).

Các loại hình tài chính xanh

Có nhiều thuật ngữ thường được sử dụng rộng rãi để diễn đạt khái niệm, hình thức và dạng của tài chính xanh như sau:

– Tài chính carbon: Các công cụ tài chính dựa trên giá trị kinh tế của lượng khí thải cacbon mà một tổ chức không thể tránh được, nhưng nó bù đắp bằng cách tài trợ cho các tổ chức khác các dự án bồi thường góp phần giảm phát thải cacbon (Sachs và cộng sự, 2019). Mua – bán phát thải carbon hay giới hạn và giao dịch carbon là một dạng của mua – bán phát thải, nhằm vào lượng phát thải carbon (tính theo đơn vị tấn hay đơn vị tương đương lượng khí thải CO2).

– Trái phiếu xanh: Tiền thu được chỉ được sử dụng để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án với lợi ích môi trường rõ ràng (Dou và Qi, 2019).

– Cổ phiếu xanh được hiểu là cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả, nhiên liệu sạch, năng lượng tái tạo, nguồn lực tự nhiên, tài nguyên nước, giảm ô nhiễm môi trường và nguyên liệu hỗ trợ hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Xét về bản chất, trái phiếu và cổ phiếu thuộc về chứng khoán, do vậy thị trường cổ phiếu xanh có cấu trúc tương tự thị trường trái phiếu xanh. Thành viên tham gia thị trường gồm có người phát hành, nhà đầu tư, cơ chế điều tiết và tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Các công cụ huy động vốn xanh, các chỉ số chứng khoán xanh có thể phát triển, nếu như các thị trường tài chính xanh phát triển; ngược lại, nếu các chứng khoán xanh càng đa dạng, phong phú càng hỗ trợ thị trường phát triển, tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính xanh (Trần Thị Thanh Tú và Đỗ Hồng Nhung, 2018).

– Quỹ xanh: Tài trợ nợ và vốn chủ sở hữu cung cấp cho khách hàng nền tảng cho tài trợ dài hạn của các doanh nghiệp và tổ chức thân thiện với môi trường (Jin và Han, 2018).

– Tín dụng xanh: Các khoản vay dự án (chủ yếu là thế chấp) và các khoản vay công nghiệp có thể được tạo điều kiện thông qua ký gửi xanh (Wang và cộng sự, 2021).

– Tài chính khí hậu: Tài chính thúc đẩy khả năng phục hồi khí hậu của cơ sở hạ tầng, cũng như các tài sản xã hội và kinh tế (Fang và cộng sự, 2021).

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TÀI CHÍNH XANH

Chủ trương, chính sách phát triển tài chính xanh

Nhằm thúc đẩy nền tài chính xanh ở Việt Nam, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chính sách định hướng phát triển tài chính xanh, tiêu biểu như: Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020), Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 403/QĐ-TTg, ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, ngày 07/01/2022 về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn; Quyết định số 882/QĐ-TTg, ngày 22/7/2022 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, ngày 15/8/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1934/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh cũng là một định hướng được chú trọng trong Chiến lược tài chính đến năm 2030 (theo Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Bên cạnh đó, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu: “phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững”.

Cùng với đó là các quy định pháp lý về tín dụng xanh, như: Chỉ thị số 03/CT-NHNN, ngày 24/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1552/QĐ-NHNN, ngày 6/8/2015 của NHNN về kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Quyết định số 1604/QĐ-NHNN, ngày 7/8/2018 của NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Thông tư số 17/2022/TT-NHNN, ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài; Quyết định số 1408/QĐ-NHNN, ngày 26/7/2023 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, một số chính sách về phát triển trái phiếu xanh cũng được ban hành. Điển hình như: Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, ngày 4/12/2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây được coi là khung pháp lý đầu tiên cho trái phiếu xanh tại Việt Nam và cung cấp đòn bẩy để khuyến khích đầu tư hơn nữa vào các dự án xanh trong khu vực tư nhân. Tiếp đó là các chính sách như: Quyết định số 1191/QĐ-TTg, ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường (năm 2020) cũng chính thức công nhận trái phiếu xanh như một công cụ kinh tế quan trọng đối với bảo vệ môi trường.

Kết quả đạt được

Trong phạm vi của bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến sự phát triển của 3 loại hình tài chính xanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay là: tài chính carbon, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh.

Tài chính carbon

Tại Việt Nam, thị trường carbon đang được triển khai xây dựng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon (Quang Thế, 2023). Năm 2023 đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm WB (Nguyễn Hồng Điệp, 2024). Nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

Tại TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 29/9/2023, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc. Bên cạnh đó, hướng tới thị trường carbon, FPT IS (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) cùng Carbon EX – nền tảng giao dịch tín dụng carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo tại Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp dịch vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn toàn cầu, như: Verra Carbon Standard, Gold Standard, J-Credit. Sự hợp lực của hai bên là mô hình đột phá để đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050.

Tín dụng xanh

Nhờ việc ban hành và triển khai hệ thống quy định pháp lý về tín dụng xanh khá đồng bộ và hiệu quả, đến hết tháng 6/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023 (Hình).

Hình: Dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam giai đoạn 2017 đến tháng 6/2024

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Phát triển tài chính xanh, hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Trái phiếu xanh

Từ cuối năm 2015, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh trong chương trình hợp tác giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Ngày 20/10/2016, Bộ Tài chính đã phê duyệt Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương. Phần lớn các trái phiếu xanh được phát hành bởi Chính phủ và chính quyền địa phương. Giai đoạn 2016-2020, đã có tổng cộng 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn từ năm 2019 đến 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh, trong đó, EVNFinance phát hành 1.725 tỷ đồng vào năm 2022; BIDV phát hành 2.500 tỷ đồng vào năm 2023 (Cấn Văn Lực, 2024).

Cổ phiếu xanh

Một số hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của cổ phiếu xanh, như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với IFC, tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), HNX và HOSE triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho các công ty niêm yết về công bố các thông tin ESG (Environmental – Social – Governance, là một trong những bộ tiêu chuẩn được sử dụng để đánh giá rủi ro và thông lệ của các doanh nghiệp), công bố Sổ tay hướng dẫn thực hiện báo cáo ESG cho các doanh nghiệp niêm yết. Chỉ số phát triển bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam (VNSI) được vận hành từ cuối tháng 7/2017, gồm 20 công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) (Nguyễn Thanh Nga, 2024). Tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty trong bộ chỉ số VNSI có hiệu quả cao hơn so với bình quân của VN-Index.

Một số cổ phiếu xanh ESG điển hình tại Việt Nam như: (i) Vinamilk với mã cổ phiếu VNM – doanh nghiệp đi đầu trong hoạt động phát triển bền vững (ESG). Năm 2021, VNM cho ra mắt 3 trang trại Vinamilk Green Farm, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Công ty hạn chế lượng phát thải, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường xung quanh; (ii) Vinfast với mã cổ phiếu VIC – doanh nghiệp chú trọng đến việc sản xuất các phương tiện di chuyển chạy bằng điện nhằm giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường. Nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng việc áp dụng các kỹ thuật công nghệ thông minh và thân thiện. Năm 2022, VinFast được ESG của Morningstar Sustainalytics đánh giá 23,3 điểm, lọt top 10 hãng xe có xếp hạng ESG cao nhất toàn cầu; (iii) FPT với mã cổ phiếu FPT – doanh nghiệp đóng góp tích cực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và cung cấp nhiều giải pháp công nghệ hỗ trợ cho các doanh nghiệp khác (Vũ Mai Chi, Nguyễn Hồng Gấm, 2023). Từ đó, nâng cao chất lượng người lao động, tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng lợi nhuận.

Một số khó khăn, thách thức

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với thị trường tài chính xanh là chưa có các sản phẩm tài chính xanh, đặc biệt là sản phẩm tín dụng xanh đặc thù. Bên cạnh đó, khung pháp lý vẫn đang được hoàn thiện, các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư sản phẩm tài chính xanh còn hạn chế, thiếu sự tham gia tích cực của các bên cung cấp dịch vụ đánh giá độc lập trước và sau phát hành. Cùng với đó, còn thiếu các quy định về phân loại xanh và xác nhận dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh…

Việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường, xã hội còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ chuyên gia, nhân sự trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn khá hạn chế; Thiếu cơ chế phối hợp và ưu đãi cho các hoạt động tài chính xanh, như: ưu đãi thuế, phí, hạn mức tín dụng, lãi suất. Trong khi đó, các dự án xanh thường có kỳ hạn dài có thể lên đến 20 năm, chi phí đầu tư lớn, còn nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng thường là vốn huy động ngắn, trung hạn… Đây là những trở ngại khiến cho thị trường tài chính xanh tại Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa nắm bắt được lợi ích dài hạn của phát triển bền vững và hạn chế kiến thức về tài chính xanh. Cùng với đó, nhận thức của thị trường đối với ESG, tài chính xanh và bền vững chưa cao và chưa đồng đều. Nhiều công ty niêm yết chưa chủ động trong việc đưa ESG vào định hướng kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; việc phát hành cổ phiếu xanh hầu như chưa có và báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để phát triển tài chính xanh mạnh mẽ hơn nữa ở Việt Nam hiện nay, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Về phía Nhà nước

– Ưu tiên đầu tư và chi tiêu của Chính phủ trong những lĩnh vực xanh và ban hành chính sách phù hợp nhằm thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào kinh tế xanh, như: ưu đãi về thuế, phí… Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để thực hiện các quy định một cách hiệu quả và nhất quán.

– Ban hành chính sách định hướng thay đổi hành vi (nhất là tiêu dùng, sinh hoạt..); đầu tư cơ cơ sở hạ tầng “xanh” (năng lượng tái tạo, công nghệ khai khoáng….); khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo (xe điện, xe tiết kiệm năng lượng).

– Nâng cao năng lực và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các sản phẩm tài chính xanh, đồng thời tạo ra một môi trường đủ thuận lợi cho các chủ thể phát hành và nhà đầu tư để đầu tư và phát triển các dự án tài chính xanh.

– Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán cần xây dựng lộ trình hoàn chỉnh và thống nhất cho các doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ lập kế hoạch, các bước chuẩn bị cho việc phát hành, nguyên tắc phát hành, cách hạch toán, thanh toán trái phiếu đến ngày đáo hạn và sử dụng nguồn thu từ việc phát hành. Nâng cao năng lực để phát triển sàn giao dịch trái phiếu xanh

– Chính phủ cần sớm ban hành Danh mục “phân loại xanh” (Danh mục xanh/Green Taxonomy), trong đó nên có xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và tổ chức thẩm định/xác nhận đủ tiêu chuẩn xanh. Đồng thời, cần có cơ chế, tiêu chí, phương thức đo lường/kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng khác nhau để có định hướng chính sách điều tiết phù hợp.

– Đối với thị trường tài chính carbon, do còn khá mới mẻ, nên cần xác định rõ ràng cơ chế xử phạt với các đơn vị không tuân thủ hạn ngạch phát thải được cấp; thiết lập hạn ngạch phát thải một cách hài hòa giữa mục tiêu cắt giảm phát thải và phát triển kinh tế; xây dựng bộ hệ số phát thải quốc gia cho từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể, phản ánh đúng hiện trạng phát thải của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần thiết lập hạn ngạch theo hướng thúc đẩy các doanh nghiệp sớm áp dụng công nghệ giảm phát thải; xác định rõ cơ chế sử dụng doanh thu từ thị trường carbon để bảo đảm hiệu quả thúc đẩy công nghệ phát thải thấp, chẳng hạn như: thành lập các quỹ và thiết lập một cơ chế cụ thể và minh bạch để giảm tác động kinh tế đối với các nhóm dễ bị tổn thương…

Về phía các ngân hàng thương mại

– Xây dựng định hướng phát triển tín dụng xanh; hoàn thiện các chính sách phù hợp để hướng tới các mục tiêu, như: rà soát và cập nhật các nội dung của chính sách về quản lý môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; xây dựng định hướng tín dụng hàng năm, trong đó có nội dung về quản lý môi trường; xây dựng hướng dẫn thẩm định rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

– Tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh thông qua tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động ngân hàng xanh – tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án;…

– Chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ/ban/ngành đầu mối, hoặc tiếp cận trực tiếp các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác tín dụng xanh… để có nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.

– Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh; có chính sách khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh thân thiện với môi trường như ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay… đồng thời công bố rộng rãi các chương trình này và tích cực tìm kiếm khách hàng phù hợp.

– Thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định, theo đó, các ngân hàng phải đánh giá tác động của dự án đến môi trường, xã hội, thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của dự án trước khi cấp tín dụng, kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn phải có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường xã hội.

Về phía các doanh nghiệp

– Nên có chiến lược xanh hóa hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ theo hướng bền vững và tăng cường trách nhiệm xã hội.

– Các doanh nghiệp có dự án xanh cần chủ động công bố thông tin một cách minh bạch, đầy đủ, chính xác về các dự án xanh, từ đó thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm tài chính xanh gắn liền với doanh nghiệp.

– Các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng cần chú trọng đầu tư vào các dự án xanh, để tạo ra thế mạnh trong cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường./.

Tài liệu tham khảo

1. Cấn Văn Lực (2024), Tài chính xanh – thực trạng và giải pháp đối với Việt Nam, tham luận tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, ngày 10/9/2024.

2. Dou, X., Qi, S. (2019), The choice of green bond financing instruments, Cogent Business & Management, 6(1), 1652227.

3. Fang, Z., Xie, J., Peng, R., Wang, S. (2021), Climate finance: mapping air pollution and finance market in time series, Econometrics, 9(4).

4. Jin, J., Han, L. (2018). Assessment of Chinese green funds: Performance and industry allocation, Journal of Cleaner Production, 171, 1084-1093.

5. Nawaz, M. A., Seshadri, U., Kumar, P., Aqdas, R., Patwary, A. K., & Riaz, M. (2021). Nexus between green finance and climate change mitigation in N-11 and BRICS countries: empirical estimation through difference in differences (DID) approach, Environmental Science and Pollution Research, 28, 6504-6519.

6. Ngân hàng Nhà nước (2024), Cần cơ chế khuyến khích để tăng tốc cho vay xanh, truy cập từ https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/ttsk/ttsk_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV615251&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=1655922116428774#%40%3F_afrLoop%3D1655922116428774%26centerWidth%3D80%2525%26dDocName%3DSBV615251%26leftWidth%3D20%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Drj5yrxcz1_9.

7. Nguyễn Thanh Nga (2024), Tài chính xanh góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng xanh: Kết quả bước đầu tích cực và nhận diện thách thức, tham luận tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh”, ngày 10/9/2024.

8. Nguyễn Hồng Điệp (2024), Việt Nam phát triển thị trường carbon: Xu thế không thể đảo ngược, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-phat-trien-thi-truong-carbon-xu-the-khong-the-dao-nguoc-post934662.vnp.

9. Quang Thế (2023), Cơ hội lớn từ thị trường tín chỉ carbon, truy cập từ https://tuoitre.vn/co-hoi-lon-tu-thi-truong-tin-chi-carbon-20230909224616142.htm.

10. Sachs, J., Woo, W. T., Yoshino, N., and Taghizadeh-Hesary, F. (Eds.) (2019), Handbook of green finance: Energy security and sustainable development.

11. Trần Thị Thanh Tú và Đỗ Hồng Nhung (2018), Phát triển thị trường tài chính xanh: Thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, truy cập từ https://tapchitaichinh.vn/phat-trien-thi-truong-tai-chinh-xanh-thong-le-quoc-te-va-thuc-tien-tai-viet-nam.html.

12. Vũ Mai Chi, Nguyễn Hồng Gấm (2023), Kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu xanh và một số đề xuất đối với Việt Nam, truy cập từ https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?.

13. Wang, H., Qi, S., Zhou, C., Zhou, J., Huang, X. (2022). Green credit policy, government behavior and green innovation quality of enterprises, Journal of Cleaner Production, 331, 129834.

Ngày nhận bài: 04/9/2024; Ngày phản biện: 13/9/2024; Ngày duyệt đăng: 18/9/2024