Nguyễn Quỳnh Phương – Học viện Hàng không Việt Nam
Trần Ngọc Anh – Trường Đại học Hoa Sen
Đỗ Đoan Trang – Trường Đại học Bình Dương
Trần Thị Mỹ Hằng, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh
Email: ttm.hang83@hutech.edu.vn (Tác giả liên hệ)
Tóm tắt
Ô nhiễm môi trường đô thị, nhu cầu về thực phẩm sạch gia tăng và hệ thống logistics chưa thân thiện với môi trường đang là 3 vấn đề chính ảnh hưởng chuỗi cung ứng rau sạch ở các thành phố lớn của Việt Nam, đặc biệt trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu đưa ra vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp ở góc độ ứng dụng nền tảng điện tử thực hiện logistics xanh để tối ưu hóa quy trình vận chuyển và phân phối rau sạch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu đề xuất thiết kế giao diện “ứng dụng Eco Farm” – ứng dụng logistics xanh để kết nối sản xuất với tiêu dùng, đưa ra các giải pháp thực tiễn cho hệ thống trồng rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh.
Từ khóa: logistics xanh, hệ thống rau sạch, ứng dụng Eco Farm, chuỗi cung ứng, TP. Hồ Chí Minh
Summary
Urban environmental pollution, increasing demand for clean food and an unfriendly logistics system are the three main issues affecting the clean vegetable supply chain in major cities in Vietnam, especially Ho Chi Minh City. This study raises the issue of digital transformation in agriculture, from the perspective of applying an electronic platform to implement green logistics; to optimize the transportation and distribution process of clean vegetables in Ho Chi Minh City. The research results propose the design of the “Eco Farm application” interface – a green logistics application to connect production with consumption, providing practical solutions for the clean vegetable growing system in Ho Chi Minh City.
Keywords: green logistics, clean vegetable system, Eco Farm application, supply chain, Ho Chi Minh City
GIỚI THIỆU
Trong quá trình phát triển nhanh và hội nhập kinh tế quốc tế, TP. Hồ Chí Minh hiện đang đối mặt với 3 thách thức lớn trong chuỗi cung ứng rau sạch: ô nhiễm môi trường đô thị, nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm sạch, và hệ thống logistics chưa thân thiện với môi trường. Để giải quyết những vấn đề này, việc áp dụng logistics xanh trở thành một yếu tố then chốt nhằm tối ưu hóa quy trình vận chuyển và phân phối rau sạch. Bằng cách kết hợp các công nghệ tiên tiến, như: trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), logistics xanh không chỉ giúp tự động hóa hệ thống quản lý tồn kho và phân phối, mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Dữ liệu theo thời gian thực từ các ứng dụng này cho phép doanh nghiệp điều chỉnh nhanh chóng chiến lược, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Kết quả nghiên cứu đã đề xuất giao diện “ứng dụng Eco Farm” – một nền tảng logistics xanh, với mục tiêu kết nối sản xuất và tiêu dùng, cung cấp các giải pháp thực tiễn cho hệ thống trồng rau sạch tại TP. Hồ Chí Minh. Ứng dụng Eco Farm được kỳ vọng không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng nông sản, mà còn đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế thực với phương thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông minh ở TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh và mạnh hiện nay. Do đó, việc phát triển đưa ứng dụng Eco Farm vào tối ưu hóa chuỗi cung ứng rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh đang là một yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng, cải thiện hình ảnh thương hiệu và hướng tới phát triển bền vững.
KHÁI QUÁT VỀ KÊNH PHÂN PHỐI RAU SẠCH TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Thực hiện Đề án “Phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố” theo Quyết định số 4765/QĐ-BNN-TT, ngày 09/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích canh tác rau là 3.000 ha (diện tích gieo trồng 15.280 ha), tập trung tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn; sản lượng ước đạt 446.000 tấn. Tỷ lệ diện tích rau an toàn (rau sạch), tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc đạt 15%÷20% tổng diện tích gieo trồng rau của Thành phố. Diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 540÷600 ha (chiếm tỷ lệ 18%÷20% tổng diện tích sản xuất rau); diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 10÷15 ha. Tuy nhiên, theo Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ lượng rau sạch của Thành phố vào khoảng 200.000 tấn/ngày và được cung ứng từ các nông hộ.
Theo quan sát của nhóm tác giả, ở TP. Hồ Chí Minh rau sạch đến tay người dùng được thông qua kênh phân phối trực tiếp và gián tiếp (Hình 1). Trong kênh phân phối gián tiếp có kênh hiện đại (thông qua siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên rau sạch) và kênh phân phối truyền thống (thông qua trung gian phân phối, chợ). Tuy nhiên, kênh phân phối truyền thống vẫn là chủ yếu, kênh phân phối hiện đại vẫn còn yếu.
Hình 1: Mô hình hóa kênh phân phối rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Sơ đồ hóa từ quan sát của nhóm tác giả |
Mô tả tại Hình 1 cho thấy, nông hộ sản xuất rau sạch bán theo 6 kênh phân phối chính như sau:
Kênh 1: Nông hộ → Người tiêu dùng.
Kênh 2: Nông hộ → Chợ bán lẻ → Người tiêu dùng
Kênh 3: Nông hộ → Thương lái/Doanh nghiệp thu mua → Siêu thị, cửa hàng rau → Người tiêu dùng.
Kênh 4: Nông hộ → Tổ hợp tác, Hợp tác xã → Siêu thị, cửa hàng rau → Người tiêu dùng.
Kênh 5: Nông hộ → Tổ hợp tác, Hợp tác xã → Nhà hàng, bếp ăn tập thể → Người tiêu dùng.
Kênh 6: Nông hộ → Tổ hợp tác, Hợp tác xã → Chợ đầu mối → Nhà hàng, bếp ăn tập thể; Cửa hàng rau; Chợ bán lẻ → Người tiêu dùng.
Như vậy, có thể thấy, đa phần nông hộ sản xuất rau sạch thường bán qua trung gian và nhờ vào sự chuyên nghiệp của bên trung gian để đưa rau sạch đến người tiêu dùng. Đối với các nông hộ tham gia hợp tác xã và tổ hợp tác, thì có kênh phân phối đa dạng hơn. Tuy nhiên, với sự phân phối chủ yếu là các chợ thông qua thương lái cho thấy, việc tìm kiếm đầu ra ổn định và chắc chắn cho nông hộ còn nhiều khó khăn. Bởi, việc tiêu thụ qua kênh thương lái và chợ sẽ phụ thuộc nhiều vào giá cả từng buổi chợ, nên giá cả luôn ở trạng thái bấp bênh, vì có khi giá cao với những ngày khan hàng và có lúc rớt giá tồi tệ nếu gặp khi sẵn hàng. Bên cạnh đó, cách thức tiêu thụ gián tiếp phổ biến qua kênh thương lái và chợ như hiện nay của các nông hộ còn dẫn đến vấn đề quan ngại về số lượng và chất lượng sản phẩm. Do đó, hiện đại hóa kênh phân phối rau sạch để giúp nông hộ tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, nâng cao uy tín thương hiệu rau sạch và lành mạnh hóa chuỗi cung ứng là yêu cầu đặt ra đối với TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh hiện nay, để ngành hàng rau sạch phát triển bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng – xã hội.
YÊU CẦU HIỆN ĐẠI HÓA KÊNH PHÂN PHỐI ĐỂ TỐI ƯU HÓA CHUỖI GIÁ TRỊRAU SẠCH TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Logistics xanh trong vai trò xanh hóa chuỗi cung ứng
Khi đề cập đến kênh phân phối, điều khiến chúng ta liên tưởng đến chính là hoạt động logistics – chu trình đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ngày nay, trong xu hướng phát triển bền vững của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc xanh hóa các ngành sản xuất trở thành tất yếu. Do đó, logistics xanh ngày càng được chú trọng trong quản lý chuỗi cung ứng để hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị bền vững cho cá nhân và tổ chức, đồng thời cân bằng hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong chuỗi cung ứng, logistics xanh sẽ kết hợp các yếu tố thân thiện với môi trường vào quá trình quản lý, sử dụng thiết bị tối tân để giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, rác thải… vận chuyển, lưu trữ, phân phối hàng hóa nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Nghiên cứu của Cadilhon và cộng sự (2006) đã phân tích sự khác biệt giữa các hệ thống phân phối thực phẩm truyền thống và hiện đại tại TP. Hồ Chí Minh, qua đó nhấn mạnh rằng, logistics xanh là yếu tố quyết định giúp nâng cao chất lượng chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong một đô thị đông dân cư như TP. Hồ Chí Minh – nơi nhu cầu về thực phẩm sạch và an toàn ngày càng tăng, thì việc tích hợp logistics xanh không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường đô thị khỏi những tác động tiêu cực từ hoạt động công nghiệp và vận chuyển. Hơn nữa, đối với mặt hàng rau sạch, logistics xanh đóng vai trò là một công cụ quan trọng để thúc đẩy sự bền vững của chuỗi cung ứng. Khi mà liên kết theo chuỗi sản xuất – thu hoạch – chế biến – tiêu thụ đối với mặt hàng rau sạch (có những đặc thù riêng) đang đặt ra đòi hỏi nhanh hơn nữa để gia tăng giá trị, mang lại hiệu quả tối ưu cho nông hộ, thì giải pháp đưa ra chỉ có thể là ứng dụng công nghệ thông tin cho việc kết nối trực tiếp giữa nông hộ với người tiêu dùng được nhanh nhất. Như vậy, logistics xanh trong bối cảnh này, không chỉ giới hạn trong việc giảm thiểu ô nhiễm, mà còn tạo ra những cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển dài hạn và bền vững.
Ứng dụng công nghệ số vào tối ưu hóa chuỗi cung ứng
Việc tích hợp công nghệ và các giải pháp kỹ thuật số đã cách mạng hóa cách thức hoạt động của chuỗi cung ứng, giúp cải thiện hiệu quả, tăng khả năng hiển thị và tăng cường cộng tác trong mạng lưới các chuỗi cung ứng. Là một sản phẩm công nghệ – ứng dụng “Eco Farm” được phát triển dưới sự quản lý của App Founder giúp kết nối trực tiếp giữa nông hộ với người tiêu dùng. Theo đó, người bán tải ứng dụng “Eco Farm” điện thoại thông minh và đăng ký thành viên thông qua địa chỉ email hoặc Facebook. Thiết kế “Eco Farm” sẽ hiện thị những thông tin do người bán tạo ra và đảm bảo tính thuận tiện và chính xác của thông tin người bán. Cùng với đó, ở phía người mua giao diện cũng khá trực quan (cung cấp các mục đích rõ ràng, danh mục sản phẩm dễ tìm kiếm và thông tin chi tiết về từng loại rau củ) giúp dễ dàng sử dụng và tìm hiểu ứng dụng (Hình 1). Với ứng dụng “Eco Farm” không chỉ tăng mức độ trải nghiệm người dùng, mà còn giúp điều hướng, tìm kiếm những sản phẩm mong muốn.
Hình 1: Hình ảnh ứng dụng Eco Farm dành cho người mua
Ghi chú: Giao diện xuất hiện trên điện thoại thông minh của người mua |
Ứng dụng Eco Farm giúp tối ưu hóa chuỗi giá trị thông qua sự kết hợp giữa thiết kế đơn giản và các tính năng hữu ích, mang lại trải nghiệm mượt mà cho cả người bán và người mua. Đặc biệt, ứng dụng chú trọng đến cách tiếp cận khách hàng thông qua giao diện thân thiện, dễ sử dụng, giúp người bán không chỉ quản lý sản phẩm và đơn hàng một cách hiệu quả mà còn tăng cường mối quan hệ với khách hàng nhờ vào các công cụ hỗ trợ như phân tích bán hàng và cài đặt vận chuyển. Đối với người mua, trải nghiệm mua sắm trở nên dễ dàng hơn với các tính năng tiện lợi như tìm kiếm sản phẩm, quản lý đơn hàng, và theo dõi tiến trình vận chuyển, kèm theo những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Sự minh bạch và bảo mật thông tin trong quá trình đăng ký và đăng nhập không chỉ đảm bảo tính an toàn mà còn củng cố niềm tin của khách hàng, qua đó gia tăng hiệu quả kinh doanh và sự hài lòng của người dùng.
PHÁT TRIỂN KÊNH PHÂN PHỐI RAU SẠCH Ở TP. HỒ CHÍ MINH THÔNG QUA ỨNG DỤNG ECO FARM
Xây dựng ứng dụng Eco Farm cho người bán
Sau khi đăng nhập thành công, người bán sẽ được truy cập vào hệ thống bán hàng chính thức của ứng dụng “Eco Farm”. Giao diện chính hiển thị thông tin về tên shop, số lượt đánh giá, số lượng hàng hóa đã bán, doanh thu, tốc độ tăng trưởng doanh thu và các thông báo liên quan đến đơn hàng. Người bán có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ như đóng gói hàng hóa, xử lý đơn hàng bị hủy và phản hồi đánh giá. Ứng dụng cung cấp các công cụ hỗ trợ quá trình bán hàng như quản lý sản phẩm, tài chính, cài đặt giao hàng và chương trình khuyến mãi. Đặc biệt, nhà cung cấp Eco – App Founder không chỉ thiết kế ứng dụng mà còn cung cấp các nguyên vật liệu, công cụ và chất dinh dưỡng cho người bán. Hệ thống cho phép tùy chọn phương thức giao hàng với 3 hình thức: nhanh, tiêu chuẩn và tiết kiệm. Người bán có thể quản lý tình trạng sản phẩm, đăng sản phẩm mới và thiết lập cài đặt vận chuyển (Hình 2). Thông tin sản phẩm cần được cung cấp đầy đủ và chính xác để người mua dễ dàng tiếp cận. Ứng dụng cũng tích hợp các công cụ phân tích bán hàng, giúp người bán theo dõi doanh thu và hoạt động kinh doanh thông qua các chỉ số và biểu đồ. App Founder kiểm duyệt bài đăng, nhận đơn mua, nhận tiền hoa hồng và cung cấp các công cụ hỗ trợ khác để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả.
Hình 2: Một số hình ảnh giao diện Eco Farm từ ứng dụng của người bán
|
Xây dựng ứng dụng Eco Farm cho người mua
Ngay sau khi truy cập vào ứng dụng Eco Farm, giao diện đăng ký/đăng nhập sẽ xuất hiện. Người mua có thể truy cập nhanh chóng bằng Face ID hoặc đăng ký tài khoản mới với chính sách bảo mật minh bạch. Ứng dụng cung cấp thanh công cụ với các tính năng như xem hồ sơ, ô tư vấn, tìm kiếm và thông báo. Danh mục sản phẩm cho phép xem toàn bộ các mặt hàng rau củ trồng theo mô hình khí canh. Mục tích hợp tin tức và cập nhật tính năng mới giúp tăng tính tương tác và thu hút người dùng. Eco Farm liên tục cập nhật các chương trình khuyến mãi hấp dẫn như mua sản phẩm tặng kèm, voucher và giảm giá. Các tính năng chính gồm: giao diện chính, quản lý đơn hàng, giỏ hàng, ưu đãi và các tùy chọn khác, như: thay đổi ngôn ngữ, báo cáo vấn đề, thanh toán và đăng xuất. Danh mục hàng hóa được thiết kế để phù hợp với khu vực của người mua, giúp tiết kiệm thời gian tìm kiếm và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Người mua có thể dễ dàng tìm thấy người bán phù hợp nhờ vào các bộ lọc như đánh giá, khuyến mãi, giá cả và khoảng cách. Ứng dụng cũng hỗ trợ người bán mới tăng độ nhận diện thông qua mục “Được đề xuất” hoặc “Khuyến mãi”. Với những khách hàng thường xuyên, họ có thể lưu trữ và truy cập danh sách “Yêu thích” để mua hàng nhanh chóng. Tại trang cửa hàng của người bán, thông tin liên hệ, mặt hàng cung cấp, cam kết phục vụ, đánh giá và bình luận được hiển thị rõ ràng. Người mua có thể xem chi tiết các sản phẩm, giá cả, quá trình trồng và chăm sóc (Hình 3). Tính năng “Order” giúp theo dõi đơn hàng theo từng giai đoạn từ “Pending” đến “Processing” và xem tiến trình vận chuyển trong thời gian thực.
Hình 3: Một số hình ảnh giao diện Eco Farm từ ứng dụng của người mua
Ghi chú: hiện thị các hình ảnh tương tác với người mua trên điện thoại thông minh |
Ứng dụng “Eco Farm” thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa thiết kế đơn giản và tính năng hữu ích, giúp cả người bán và người mua có trải nghiệm mượt mà và hiệu quả. Với giao diện thân thiện, người bán dễ dàng quản lý sản phẩm, đơn hàng và theo dõi doanh thu, đồng thời tận dụng các công cụ hỗ trợ, như: phân tích bán hàng và cài đặt vận chuyển. Đối với người mua, ứng dụng cung cấp các tính năng tiện lợi như tìm kiếm sản phẩm, quản lý đơn hàng và theo dõi tiến trình vận chuyển, kèm theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Sự minh bạch và bảo mật thông tin trong quá trình đăng ký và đăng nhập cũng là điểm nhấn, đảm bảo tính tin cậy và an toàn cho người dùng. Những ưu điểm này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả kinh doanh, mà còn nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH
Trong quá trình nghiên cứu về phát triển ứng dụng logistics xanh cho hệ thống trồng rau sạch ở TP. Hồ Chí Minh, nhóm tác giả đã nhận thấy rằng, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự thiếu hiệu quả trong việc quản lý và phân phối rau sạch. Sự thiếu hụt trong việc áp dụng các giải pháp logistics xanh và bền vững đã dẫn đến tình trạng lãng phí, gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của người tiêu dùng. Dựa trên những phân tích trên, nhóm tác giả đề xuất việc phát triển ứng dụng Eco Farm – một ứng dụng logistics xanh, nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý và phân phối rau sạch. Ứng dụng này không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm thiểu lãng phí và chi phí mà còn hỗ trợ trong việc duy trì chất lượng sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng, góp phần vào việc phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp đô thị.
Hiện tại, trên thị trường chưa có ứng dụng nào chuyên biệt cho việc quản lý và phân phối rau sạch theo hướng logistics xanh. Vì vậy, Eco Farm sẽ là ứng dụng tiên phong, đứng đầu trong thị trường này. Nhóm tác giả tin rằng, việc phát triển ứng dụng này sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp và nông dân trong lĩnh vực trồng rau sạch, đồng thời góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả hơn, giúp thúc đẩy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị rau sạch phát triển bền vững. Eco Farm không chỉ là một sàn thương mại điện tử kết nối nông dân, nhà sản xuất và các điểm phân phối, mà còn là một công cụ quản lý hiệu quả cho việc vận chuyển rau sạch. Ứng dụng này sẽ cung cấp một nền tảng tin cậy để các bên liên quan có thể theo dõi và quản lý quá trình vận chuyển rau một cách chính xác và nhanh chóng, từ đó giảm thiểu thời gian và công sức trong việc vận chuyển và bảo quản rau sạch./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bai, J., Wahl, T. I., and McCluskey, J. J. (2008), Consumer choice of retail food store formats in Qingdao, China, Journal of International Food & Agribusiness Marketing, 20(2), 89-109.
2. Cadilhon, J. J., Moustier, P., Poole, N. D., Tam, P. T., and Fearne, A. P, (2006). Traditional vs.modern food systems? Insights from vegetable supply chains to Ho Chi Minh City, Development Policy Review, 24(1), 31-49.
3. Cheng, L., Jiang, S., Zhang, S., You, H., Zhang, J., and Xiao, Y. (2016). Consumers’ behaviors and concerns on fresh vegetable purchase and safety in Beijing urban areas, China, Food Control, 63, 101-109.
4. Goldman, A., and Hino, H. (2005), Suppermarkets vs. traditional retail stores: Diagnosing the barriers to suppermarkets’ market share growth in an ethnic minority community, Journal of Retailing and Consumer Services, 12, 273-284.
5. Iton, C. A. (2015), Factors influencing retail outlet choice of women purchasing fresh fruits in Trinidad and Tobago, American Journal of Business and Management, 4(1), 38-48.
6. Kyureghian, G., and Nayga, R. (2013), Food store access, availability, and choice when purchasing fruits and vegetables, American Journal of Agricultural Economics, 95(5), 1280-1286.
7. Maples, M., Morgan, K., Interis, M., and Harri, A. (2013), Who buys food directly from producers in the Southeastern United States? Journal of Agricultural and Applied Economics, 45(3), 509-518.
8. Slamet, A. S., and Nakayasu, A. (2016), Consumers’ choice for vegetable market channels in Indonesia, ICoA Conference Proceedings, 3, 167-172.
9. Smed, S., and Jensen, J. D. (2005), Food safety information and food demand, British Food Journal, 107(3), 173-186.
10. Trung tâm Khuyến nông TP. Hồ Chí Minh (2023), Báo cáo khảo sát phát triển các vùng sản xuất rau an toàn.
Ngày nhận bài: 25/7/2024; Ngày phản biện: 28/8/2024; Ngày duyệt đăng: 09/9/2024 |