Vào ngày 9/8 vừa qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian, trong đó có sự góp mặt của phở Hà Nội và phở Nam Định. Thông tin này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng, đặc biệt là những người yêu ẩm thực.
Cụ thể, theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, 2 món ăn trên đều được địa phương giới thiệu với đầy đủ giá trị như tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, bên cạnh đó còn phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, đồng thời có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Chính vì vậy, phở Hà Nội và phở Nam Định đã cùng được “ghi danh” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tài liệu mô tả về “phở Hà Nội” của UBND TP. Hà Nội đã nói rằng, đây là một biểu tượng ẩm thực của thành phố, chính là tô phở chứa nước dùng, thưởng thức cùng thịt bò hoặc gà. Quy trình chế biến, không gian thưởng thức và nền văn hóa ẩm thực đã góp phần làm nên sự đặc sắc cho phở Hà Nội. Các quán phở truyền thống tại Hà Nội thường không mở rộng quy mô quá lớn, dùng mặt tiền làm chỗ chế biến phở và mở rộng không gian phục vụ bằng cách tận dụng vỉa hè hay không gian nhà trong các ngõ nhỏ để đặt bàn.
Hầu hết các quán phở danh tiếng ở Hà Nội đều giữ bí quyết pha chế riêng biệt, mà chỉ vợ chồng chủ quán mới được biết; những người khác không có cách nào biết được các loại gia vị đặc trưng và liều lượng cần thiết cho nồi nước dùng. Công thức này chỉ được chia sẻ và hướng dẫn cho người thân trong gia đình hoặc họ hàng thông qua việc học việc trực tiếp. Thế nên, ở mỗi hàng phở Hà Nội lại có một hương vị đặc trưng riêng được gọi là “gia truyền”.
Trong khi đó, phở Nam Định được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá cao, coi đó là niềm tự hào của người dân và vùng đất Nam Định, đồng thời khẳng định giá trị thương hiệu của món ăn này. Điều này được thể hiện qua từng bước trong quá trình làm phở, từ việc chuẩn bị, chọn lựa nguyên liệu, cách thức sản xuất ra những sợi phở đặc biệt cho tới quy trình nấu nướng, tất cả phải thật cẩn thận, tỉ mỉ để có thể tạo nên một tô phở chuẩn vị.
Được biết, ở Nam Định, những cửa hàng phở có bề dày lịch sử thường tập trung chủ yếu tại thành phố Nam Định và cũng là nơi xuất hiện những hàng phở gánh đầu tiên. Nấu phở đã trở thành công việc kiếm sống của nhiều người trong làng, với phần lớn họ phục vụ ở các đô thị lớn. Sau này, rất nhiều người từ Nam Định cũng đã rời quê hương đến mở quán phở tại các tỉnh thành khác, đặc biệt là tại Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM.
Trước thông tin này, các cư dân mạng đều tỏ ra rất hào hứng. Trong đó, nhiều người bắt đầu thắc mắc về những điểm đặc trưng của phở Hà Nội và phở Nam Định, liệu rằng phở của 2 nơi này có gì khác nhau… Hiện tại, chủ đề này vẫn đang tiếp tục sôi sục khắp các cõi mạng.