Đóng góp của kinh tế số vào GDP còn khiêm tốn

Để mở lối cho sự phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh toàn cầu phải “sống chung” với đại dịch Covid-19 tiếp tục tồn tại dai dẳng, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, nhiều chuyên gia nhìn nhận thực tế đã kiểm chứng kinh tế số là một hướng đi cần được thúc đẩy.

“Để biến đại dịch Covid-19 thành cơ hội, thì điều quan trọng là sức mạnh nhân dân cần kết hợp với chuyển đổi số. Nguy cơ và thách thức càng lớn, nhưng khi vượt qua sẽ đạt được thành công càng lớn…”, theo Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình.

Phục hồi nền kinh tế, còn một dư địa lớn chưa khai phá
Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, để biến đại dịch Covid-19 thành cơ hội, thì điều quan trọng là sức mạnh nhân dân cần kết hợp với chuyển đổi số. Ảnh: Quốc hội
Theo nguyên Phó Thủ tướng Đức Phillip Roesler, có hai xu hướng chính mà nền kinh tế toàn cầu đang hướng tới. Đầu tiên là phát triển bền vững, hai là công nghệ, nói chính xác hơn là số hóa. Về phát triển bền vững, Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều ở khía cạnh này, bởi có nền nông nghiệp rất vững mạnh. Về mặt công nghệ, Việt Nam có nhiều start up và một cộng đồng doanh nghiệp rất trẻ trung và sáng tạo. Họ nên chú trọng vào công nghệ.

Ông Bình cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn FPT đã đồng hành với TP. Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, đã tận dụng cơ sở dữ sở dữ liệu cập nhật về tình hình dịch bệnh và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp trả lời, giải đáp thắc mắc của người dân, qua đó đánh giá tình hình, phân loại F0 để giúp người nhiễm bệnh tự chăm sóc hoặc đưa ra quyết định khi nào cần đến bệnh viện. Qua thống kê cho thấy, có trên 90% thắc mắc của người dân được giải quyết; đã có 26 triệu cuộc gọi được thực hiện bởi AI để chăm sóc hơn 1,6 triệu người dân liên quan đến Covid-19.

FPT cũng đã xây dựng giải pháp chỉ huy xanh; hệ thống chỉ huy nhất quán; xây dựng vaccine công nghệ; xây dựng văn phòng không giấy, văn phòng không chạm, bảo đảm cho doanh nghiệp được vận hành trong bối cảnh dịch bệnh. Cùng với đó là xây dựng giải pháp về giáo dục xanh, an ninh xanh…

Tuy nhiên, ở Việt Nam đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế vẫn còn ở mức khiêm tốn so với thế giới.

“Đóng góp của kinh tế số trong giai đoạn hiện nay bình quân trên thế giới chiếm khoảng 15% GDP, còn ở Việt Nam khiêm tốn hơn, chiếm khoảng 10% GDP. Điều này cho thấy, chúng ta còn dư địa rất lớn cho phát triển kinh tế số…”, ông Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhìn nhận.

Tạo sức bật cho kinh tế số

Theo ông Quang, kinh tế số có rất nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất là giúp nước ta tái cơ cấu và có ngành nghề mới. Chúng ta có thể chọn được một số khâu đột phá để bứt phá lên so với các quốc gia khác có mức độ cạnh tranh tương đương với Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, vấn đề đầu tư và tăng cường về công nghệ thông tin không hẳn là vấn đề khó khăn nhất. Vấn đề khó nhất là những đột phá, thay đổi lớn về thể chế. Đây là điểm nhấn cần được quan tâm trong bối cảnh phát triển mới khi đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Kinh tế số chưa phải là giải pháp hoàn hảo, nếu không có những thay đổi về thể chế, chính sách, những quy định cho phù hợp.

Phục hồi nền kinh tế, còn một dư địa lớn chưa khai phá
Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang (bên trái), đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta tập trung vừa phát triển kinh tế số, vừa đẩy mạnh cải cách thể chế. Ảnh: Quốc hội

“Do vậy, đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta tập trung vừa phát triển kinh tế số, vừa đẩy mạnh cải cách thể chế. Đây cũng là căn cứ giúp tăng năng lực cạnh trạnh, tạo hiệu quả cho các ngành nghề phát triển mới nhằm đạt mục tiêu phục hồi và phát triển bền vững…”, ông Quang nhìn nhận.

Trong tương lai, muốn bứt phá về phát triển kinh tế – xã hội, ông Bình cho rằng, cần xây dựng kinh tế số gồm: chuyển đổi số doanh nghiệp; sử dụng thương mại điện tử, du lịch điện tử, nông nghiệp số; xây dựng xã hội số với các dịch vụ: y tế, giáo dục, vận tải; triển khai hạ tầng chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh…/.