PGS, TS. Nguyễn Thị Như Hà
Viện Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam
Tóm tắt
Ở Việt Nam, để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề cần được giải quyết, trong đó có vấn đề về các nguồn lực trong quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Bài viết này chủ yếu tập trung vào vấn đề quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cơ bản của đất nước.
Từ khóa: quan hệ giữa nhà nước và thị trường, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phân bổ nguồn lực
Summary
In Vietnam, many issues need to be resolved to develop a socialist-oriented market economy, including the issue of resources in the relationship between the state and the market. This article mainly focuses on the issue of the relationship between the state and the market in mobilizing, allocating, and using the country’s basic resources.
Keywords: relationship between the state and the market, socialist-oriented market economy, resource allocation
GIỚI THIỆU
Trong phát triển kinh tế việc huy đông, phân bổ và sử dụng có các nguồn lực là bài toán cơ bản và khó đối với nhiều quốc gia, nó có nhiều lời giải khác nhau tùy theo mục tiêu, định hướng và phát triển của các quốc gia. Tuy nhiên, đáp số chung là việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đó phải đem lại hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường trong việc thực hiện các mục tiêu của các quốc gia trong từng giai đoạn. Ở Việt Nam, vấn đề về các nguồn lực trong quan hệ giữa nhà nước và thị trường cần được giải quyết nhằm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định và làm rõ hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là một trong các mối quan hệ cơ bản cần nhận thức và giải quyết đúng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
SỰ CẦN THIẾT PHẢI GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC – THỊ TRƯỜNG TRONG VIỆC HUY ĐỘNG, PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LỰC CHO PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN
Thứ nhất, do đặc điểm, yêu cầu của nền kinh tế thị trường
Trong nền kinh tế thị trường việc huy động, phân bổ nguồn lực là vấn đề quan trọng nhất cho sự phát triển của nền kinh tế đó; bởi nó sẽ quyết định đến năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nó quyết định đến hiệu quả hoạt động và sự vận động phát triển của nền kinh tế. Trong lịch sử phát triển kinh tế thị trường của nhân loại đã trải qua các mô hình kinh tế thị trường đó là mô hình kinh tế thị trường cổ điển (kinh tế thị trường tự do cạnh tranh) và mô hình kinh tế thị trường có sự can thiệp của Chính phủ. Ở kinh tế thị trường tự do cạnh tranh việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo sự “mách bảo” của thị trường và xu hướng là các nguồn lực sẽ chịu tác động trực tiếp của các quy luật thị trường như: quy luật giá trị; bởi hễ ở lĩnh vực nào, ngành nào có tỷ suất lợi nhuận cao thì lập tức nguồn lực sẽ huy động, phân bổ nhiều vào ngành, lĩnh vực đó. Nhưng xu hướng đó lại gặp phải cản trở đó là nguồn cung hàng hóa ở các ngành, lĩnh vực này sẽ tăng lên làm cho tỷ suất lợi nhuận lại có xu hướng giảm và các nhà đầu tư lại di chuyển tư bản đầu tư sang ngành khác có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Như vậy, giá cả thị trường vừa có chức năng thông tin về cung cầu thị trường, vừa có chức năng huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh; hay nói cách khác nó điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra trong nền kinh tế thị trường các vấn đề về cạnh tranh, khoa học công nghệ cũng tác động vào việc ứng xử của các chủ thể trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để tăng năng lực cạnh tranh, tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN việc khai thác có hiệu quả các nguồn lực phải được nhìn trên cả 2 khía cạnh nó vừa đưa lại hiệu quả cho các chủ thể, vừa phải đảm bảo lợi ích của quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế do chạy theo lợi nhuận trước mắt do sự chi phối của thị trường tình trạng khai thác các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường cũng dễ làm phương hại đến lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội làm đe dọa đến sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đặc biệt, những hiện tượng khai thác cạn kiệt các nguồn lực, cạnh tranh giành giật các nguồn lực làm méo mó các quan hệ kinh tế, xã hội và môi trường trong nền kinh tế thị trường. Do đó, cần phải có sự điều tiết có tính tập trung của một trung tâm chỉ huy để giảm thiểu sự bất ổn, “lệch pha” trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Vì vậy, trong kinh tế thị trường vận hành theo những quy luật vốn có của thị trường cần có sự điều tiết của Nhà nước để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai, do khuyết tật của cơ chế thị trường làm cản trở đến sự phát triển kinh tế – xã hội, nên cần có sự điều tiết của nhà nước. Với động cơ và mục tiêu của các chủ thể tham gia thị trường là tối đa hóa lợi ích mà họ có thể xâm hại đến lợi ích của quốc gia như: khai thác cạn kiệt tài nguyên (rừng, biển, các khoáng sản…) làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, xâm hại đến lợi ích quốc gia không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt chính trị, xã hội nhất là ở các vùng biên giới, hải đảo; hoặc để tăng lợi nhuận họ cắt giảm chi phí xử lý rác thải làm ô nhiễm môi trường. Hiện tượng này ở Việt Nam diễn ra khá nhiều địa phương, nhiều năm vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của dân cư (như nguồn nước, đất, không khí bị ô nhiễm, sạt lở, lũ cuốn, lũ quét…). Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường như: gian lận thương mại, trốn lậu thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả làm phương hại các đối thủ cạnh tranh, tổn hại đến nguồn lực quốc gia. Khi các doanh nghiệp dùng thủ đoạn này trong cạnh tranh để làm thất bại các đối thủ của mình thì các nguồn lực đã sử dụng trong sản xuất kinh doanh sẽ không hiệu quả. Vì vậy, để giảm thiểu những mặt tiêu cực đó cần phải có vai trò của nhà nước.
Mặt khác, sự hoạt động của các quy luật thị trường như quy luật cạnh tranh, quy luật gía trị dễ dẫn đến tình trạng phân hóa những người sản xuất thành người giàu, người nghèo trong xã hội từ đó cũng dễ làm nẩy sinh mâu thuẫn, bất công trong xã hội. Do đó, Nhà nước có sự điều tiết để phân phối lại thu nhập cũng như các nguồn lực quốc gia để tạo cơ hội cho các chủ thể có cơ hội tiếp cận bình đẳng để phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ ba, do các nguồn lực có những giới hạn nhất định: không tái tạo được, hoặc khan hiếm so với nhu cầu của xã hội, hoặc do sử dụng lảng phí dẫn đến những sự thiếu hụt trong nhu cầu phát triển của nền kinh tế như: đất đai, vốn, lao động… Để đảm bảo các nguồn lực cho sự phát triển cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực thì vai trò điều tiết vĩ mô của nhà nước là tất yếu. Sự điều tiết của nhà nước trong việc điều tiết phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia để đảm bảo sự phát triển cân đối giữa các ngành, các khu vực trong sự phát triển không ngừng. Tuy nhiên, sự điều tiết của nhà nước phải có sự kết hợp với thị trường để khơi dậy những tiềm năng sáng tạo và các nguồn lực phát triển kinh tế thị trường. Mặt khác, giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường còn để đảm bảo sự tồn tại và phát triển cho các nguồn lực như tái tạo tài nguyên; tăng tốc độ chu chuyển và tích lũy vốn; phát triển chất lượng nhân lực.
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC VÀ THỊ TRƯỜNG TRONG VIỆC HUY ĐỘNG, PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN
Vấn đề được đặt ra hiện nay là cần xác định mối tương quan giữa nhà nước và thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực trong đó trước hết cần phải khẳng định, không thể có sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững nếu không có một nhà nước hoạt động có hiệu quả. Một nhà nước có hiệu quả là một nhà nước phải hoạt động để bổ sung cho thị trường chứ không phải là thay thế cho thị trường – Đó là tư tưởng bao trùm của các nguyên tắc khi giải quyết quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực. Từ tư tưởng đó các nguyên tắc cụ thể như sau:
– Giải quyết quan hệ giữa nhà nước và thị trường phải đảm bảo việc huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả và giảm thiểu tình trạng khai thác cạn kiệt các nguồn lực nhất là đất đai, tài nguyên, lao động, vốn. Đồng thời, việc phân bổ các nguồn lực phải nhằm đảm bảo thực hiện phát triển kinh tế xã hội và sử dụng tối ưu các nguồn lực đó nhất là các nguồn lực không tái tạo được. Mặt khác, sử dụng các nguồn lực phải đảm bảo sự hỗ trỡ, bảo toàn và phát triển các nguồn lực khác có như vậy mới đảm bảo cho sự bền vững, hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.
– Quan hệ giữa nhà nước và thị trường phải duy trì các nhân tố của thị trường tự do như: Thừa nhận sự tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế không phân biệt là nó thuộc thành phần kinh tế nào trên cơ sở luật pháp. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phát huy yếu tố tích cực trong cạnh tranh kinh doanh. Điều này có nghĩa là các chiến lược, quy hoạch, chính sách của Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau được tiếp cận các nguồn lực phát triển một cách bình đẳng. Đồng thời, trên cơ sở sự vận động của của các quy luật thị trường nhà nước cần tạo lập các môi trường về kinh tế kỹ thuật, môi trường pháp lý, môi trường xã hội.
– Quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phải đảm bảo phát triển bền vững nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: Việc tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh an toàn và phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Một thực tế hiện nay do chạy theo lợi nhuận với tác động của các quy luật thị trường thì môi trường sinh thái, môi trường xã hội dễ bị vi phạm nên nhà nước cần phải can thiệp.
– Giải quyết quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong huy động, phân bố và sử dụng các nguồn lực phải đảm bảo nguyên tắc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng kết hợp chiều sâu; tạo điều kiện cho sự phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ để tăng năng suất lao động xã hội, tăng thu nhập của dân cư; giảm thiểu sự phân hóa giàu nghèo; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa nhằm nâng cao không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần của nhân dân.
NHỮNG TỒN TẠI VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC – THỊ TRƯỜNG TRONG VIỆC HUY ĐỘNG, PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG CÁC NGUỒN LỰC HIỆN NAY Ở VIỆT NAM
Những tồn tại trong mối quan hệ giữa nhà nước – thị trườngviệc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiện nay ở Việt Nam:
– Vai trò nhà nước và vai trò thị trường, còn có sự chồng chéo hoặc những khoảng trống trong sự kết hợp thị trường và nhà nước trong vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhà nước vẫn còn “ôm đồm” những chức năng của thị trường, của doanh nghiệp làm méo mó thị trường trong việc giải quyết các quan hệ kinh tế như: huy động vốn, phân bổ vốn; sử dụng đất đai, tài nguyên, quản trị doanh nghiệp; giá cả…trong khi những chức năng mà Nhà nước chưa hoàn thành như: xây dựng và thực thi khung khổ khung khổ pháp lý liên quan đến các nguồn lực (nhất là về đất đai, tiền nhàn rỗi trong dân cư…) để hỗ trợ phát triển. Việc chậm thay đổi việc can thiệp của Nhà nước vào thị trường bằng các biện pháp hành chính là một nguyên nhân khiến cho các nguồn lực để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN kém hiệu quả. Mặt khác, Nhà nước lại thiếu công cụ và cơ chế giám sát, chế tài để bảo đảm các chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra.
– Sự bất cập trong quản lý của nhà nước đối với các nguồn lực: lúc điều hành quá mức không cần thiết, có quá nhiều quy định hoặc quy định không hợp lý, giấy phép “con”… gây cản trở đến các hoạt động trong nền kinh tế; lúc buông lỏng gây nên những thất thoát, lảng phí, sự bất công trong việc huy động, phân bổ các nguồn lực. Nguyên nhân sâu xa là do “Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá để thúc đẩy phát triển”.
– Sự can thiệp của nhà nước vào thị trường không kịp thời, không đủ sức để giải quyết kịp thời các xung đột, mâu thuẫn diễn ra khi tiếp cận các nguồn lực quốc gia mà điều đáng lo ngại hiện nay đang có xu hướng phức tạp đó là quan hệ giữa các chủ thể tro ng nền kinh tế đang bị lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích ngắn hạn chi phối. Đó là biểu hiện của “chệch hướng” XHCN trong phát triển kinh tế thị trường. Khi các công cụ điều tiết của nhà nước bị thị trường “bất chấp” đã tạo nên sự khan hiếm giả tạo, sốt ảo, thổi giá…các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.
– Giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong thời gian qua ở Việt Nam vẫn còn những tư duy áp đặt chủ quan, thiếu sự khách quan khoa học đã làm cho sự chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường chậm. Sự thay đổi về tư duy trong mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường còn do dự, vẫn muốn đề cao vai trò nhà nước, lấy các công cụ chủ quan để điều khiển thị trường. Thậm chí có những quy đinh trái với sự vận động của các quy luật thị trường…
Hướng giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN:
Thứ nhất, Nhà nước xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách đối với các nguồn lực đặc biệt các nguồn lực quan trọng như đất đai, vốn, lao động để tạo môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch, bình đẳng nhằm khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tôn trọng các quy luật của thị trường để phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực quốc gia.
– Nhà nước xây dựng và lập quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường các nguồn lực (thị trường đất đai thị trường vốn, thị trường các tài nguyên, thị trường lao động…) để các nguồn lực được trao đổi theo quan hệ kinh tế thị trường nhằm điều tiết cung cầu các nguồn lực của nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho thị trường phát triển như: Hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống giao thông vận tải, nhân lực và các loại dịch vụ trên thị trường.
– Hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các chủ thể trên thị trường; Xóa bỏ các đặc quyền, đặc lợi trong việc tiếp cận, huy động và phân bổ các nguồn lực để các doanh nghiệp chú trọng vào đầu tư nguồn lực cho sự phát triển; tránh việc phải dành nguồn lực vào việc xử lý những thách thức, tiêu cực kinh doanh.
– Nhà nước ổn định môi trường vĩ mô, môi trường kinh doanh thông thoáng và minh bạch; xây dựng hệ thống pháp luật, điều chỉnh hành vi của mọi tổ chức, cá nhân để: bảo đảm quyền tự do kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ môi trường sinh thái…trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực.
– Trên cơ sở tiềm lực của các nguồn lực đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực theo chiến lược phát triển kinh tế – xã hôi trong từng giai đoạn, từng khu vực.
Thứ hai, Nhà nước can thiệp trực tiếp thông qua các công cụ, chính sách. Nhà nước tác động và can thiệp trực tiếp vào sự hình thành và phát triển các chủ thể, yếu tố có vai trò, chức năng quan trọng, hoặc những nội dung mà thị trường thất bại, hoặc các khu vực tư nhân không hoặc không được tham gia đầu tư. Các hình thức tác động và can thiệp của Nhà nước là đầu tư vốn, nhân lực, cơ sở vật chất hoặc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho yếu tố đó hình thành và phát triển.
Thứ ba, đổi mới cơ chế, cách thức can thiệp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực vai trò của Nhà nước đối với thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dugj các nguồn lực
Đối với Nhà nước, việc khắc phục những biến dạng thị trường do chính sách của nhà nước gây ra và xây dựng nền tảng định chế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN là quan trọng hơn nhiều so với việc tìm kiếm và sửa chữa những thất bại cố hữu của thị trường. Mặt khác, nhà nước can thiệp vào thị trường trong bối cảnh hiện nay cần phải tính đến các tính chất mới của các thất bại thị trường: – Trước hết, nhà nước không cần tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ mà thị trường có khả năng cung cấp hoặc có thể nhập khẩu. Tuy nhiên, Nhà nước cần huy động thêm nguồn lực cần thiết để thực hiện bằng cách giải phóng (huy động) tiềm năng nguồn lực của khu vực tư nhân, không phải để thay thế mà là để bổ sung cho khu vực nhà nước trong việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ.
Ở nước ta việc giải quyết mối quan hệ này có phần phức tạp hơn vì chúng ta đang trong quá trình vừa tiến hành xây dựng và hoàn thiện kinh tế thị trường, vừa hoàn thiện, thay đổi thể chế vận hành nền kinh tế để hướng tới mục tiêu tăng trưởng và cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong một thế giới biến đổi nhanh đòi hỏi nhà nước phải có những nhạy bén, uyển chuyển trong thực hiện. Điều này đặt ra yêu cầu đối với nhà nước trong việc phải thiết lập và duy trì một hệ thống chính sách phù hợp, nhất quán nhưng phải bảo đảm tính linh hoạt để sẵn sàng đối phó với nhiều thay đổi và rủi ro có thể xảy ra để cho thị trường vận hành hiệu quả chiếm vị trí ưu tiên so với việc làm cho thị trường vận hành hiệu quả.
Để thực hiện được các yêu cầu đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chức năng tạo lập môi trường, cải cách thể chế nhằm huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tạo lập môi trường thuận lợi, bình đẳng chính là nhà nước đã thực hiện vai trò hỗ trợ tăng trưởng, cung cấp dịch vụ và tạo cơ hội thành công cho các chủ thể trong nền kinh tế. Mặt khác, cải cách hoàn thiện thể chế để tạo “luật chơi” chung cho “người chơi” khi tham gia vào thị trường một cách minh bạch nhằm giảm thiểu rủi ro trong việc tiếp cận nguồn lực để đầu tư có hiệu quả hơn. Đồng thời, thể chế đó phải đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo thị trường, phải hiện đại hóa thể chế trên cơ sở thể hiện những giá trị phổ biến của nhân loại.
Ngày nay do sự thay đổi những yếu tố cơ bản của thời đại với sự phát triển công nghệ mới đã và đang tạo ra những biến đổi sâu sắc quan hệ giữa nhà nước và thị trường ở một số vấn đề: Một là, do bối cảnh điều kiện kinh tế mới, nhiều yếu tố mới và công nghệ mới xuất hiện trên thị trường đã và đang làm thay đổi tính chất những thất bại của thị trường; đặt ra những vấn đề mới về phạm vi, mức độ và công cụ can thiệp của nhà nước trong việc giải quyết các thất bại của thị trường. Hai là, những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ ngày nay với công nghệ số, internet kết nối vạn vật… đã làm cho khái niệm độc quyền tự nhiên đối với các nguồn lực trở nên không còn ý nghĩa trong một số lĩnh vực sản xuất, đời sống và do đó đòi hỏi chính phủ có những điều chỉnh và thậm chí rút dần khỏi một số hoạt động, nhường chỗ cho các thị trường hoạt động hiệu quả và phát triển trong các khu vực này. Những bước phát triển này đang làm giảm đáng kể sự biện hộ cho việc can thiệp của nhà nước vào thị trường với vai trò một nhà cung cấp hay với tư cách là một nhà độc quyền trong một số nguồn lực.
Giải quyết quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để phát triển KTTT định hướng XHCN trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi sự sáng tạo và bản lĩnh cách mạng của Chính phủ, trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Mặt khác, quan hệ giữa thị trường và nhà nước không chỉ giải quyết trong phạm vi nội bộ của quốc gia đó mà nó phải có sự đồng nhịp với nền kinh tế toàn cầu; tức là nó phải phù hợp với các quy tắc và luật lệ quốc tế, phải đặt trong mối tương quan với các yếu tố mang tầm cỡ thế giới. Như vậy, giải quyết quan hệ giữa nhà nước và thị trường được thể hiện trong từng chính sách, từng cơ chế, từng công cụ sử dụng… đang có sự thay đổi đáng kể trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm BCHTW khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2017.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia
4. PGS, TS Ngô Tuấn Nghĩa (Chủ biên) (2022), Quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất ở Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế (Sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
5. PGS, TS. Phạm Quốc Thái (Chủ biên) (2015), Sở hữu trong nền kinh tế thị trường hiện đại: Lý luận, thực tiễn thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam (Sách chuyên khảo), Nxb Lao động – Xã hội.
6. PGS, TS. Vũ Thanh Sơn (2021), Thực hiện quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, truy cập từ https://tapchicongsan.org.vn/chinh-tri-xay-dung-dang.
Ngày nhận bài: 05/11/2024; Ngày phản biện: 11/11/2024; Ngày duyệt đăng: 19/11/2024 |