KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN

Nợ của Nhật Bản bắt đầu “phình to” vào những năm 1990, khi bong bóng bất động sản và tài chính của nước này vỡ và gây ra những tác động mạnh. Với những gói kích thích kinh tế và dân số đang già hóa nhanh làm gia tăng các chi phí chăm sóc y tế và an sinh xã hội, nợ của Nhật Bản đã phá ngưỡng 100% GDP vào cuối những năm 1990. Đến cuối năm 2019, nợ của Nhật Bản ở mức 1,328 triệu tỷ Yen, tương đương khoảng 12.200 tỷ USD, chỉ hơn một nửa tổng số nợ của Mỹ tính theo số tuyệt đối, nhưng khi so với quy mô nền kinh tế của Nhật Bản, thì đây lại là khối nợ lớn nhất thế giới, tương đương gần 240% GDP của nước này (Khánh Ly, 2020). Mức nợ công của Nhật Bản vượt xa con số 90% GDP mà các nhà kinh tế học cảnh báo về ngưỡng nợ nguy hiểm. Đáng chú ý là, tăng trưởng GDP của Nhật Bản những năm gần đây khá thấp, từ 2,168% năm 2017 giảm còn 0,323% năm 2018 và 0,27% năm 2019 (World Bank, 2021).

Quản lý nợ công ở Nhật Bản và một số hàm ý cho Việt Nam
Hiện nay, nợ công của Việt Nam đã được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công tăng lên.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Nhật Bản chưa bao giờ phải lo lắng về vấn đề nợ công của mình. Với khối nợ cao gấp gần 2,5 lần quy mô nền kinh tế, Nhật Bản vẫn có thể giữ lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức siêu thấp và khiến giới đầu tư có niềm tin vững chắc rằng nước này có thể tránh được kịch bản vỡ nợ. Vậy điều gì khiến cho Nhật Bản với mức nợ công cao như vậy lại hoàn toàn tự tin về khả năng trả nợ của mình? Qua nghiên cứu của tác giả, những nhân tố đóng góp vào mức an toàn nợ công của Nhật Bản có thể kể đến như sau:

Thứ nhất, trái phiếu chính phủ ổn định, ít phụ thuộc vào giới đầu tư trái phiếu quốc tế. Hầu hết trái phiếu chính phủ của Nhật Bản do người dân Nhật Bản nắm giữ. Điều đó có nghĩa, dù nợ nhiều, nhưng Nhật Bản không bị áp lực tăng lãi suất của chủ nợ hay bị áp lực trả lãi cao khi vay nợ nhiều. Nói cách khác, các khoản nợ của Nhật Bản là “nước Nhật nợ người Nhật”, tức là chủ nợ và con nợ là người dân và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Điều đó cũng có nghĩa, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tự quyết định lãi suất. Hơn nữa, toàn bộ trái phiếu chính phủ Nhật Bản được định giá bằng đồng Yen. Nhật Bản không có nợ bằng ngoại tệ.

Thứ hai, Nhật Bản cũng là chủ nợ của nhiều nước. Tính đến cuối năm 2019, giá trị tài sản nước ngoài ròng mà Chính phủ, doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân Nhật Bản nắm giữ lên tới mức kỷ lục 364.530 tỷ Yen (3.400 tỷ USD). Nhật Bản hiện là nước nắm giữ tài sản nước ngoài ròng lớn nhất thế giới trong năm thứ 29 liên tiếp (Anh Quân, 2020).

Trong vị thế là nước cho vay, Nhật Bản đã giúp tăng lòng tin của nhà đầu tư và giảm các nguy cơ về tiền tệ. Nếu Nhật Bản khó khăn trong việc huy động vốn tài chính trong nước, thì họ có thể sử dụng tài sản ở nước ngoài làm nguồn tài chính bổ sung.

Thứ ba, hệ số sử dụng vốn đầu tư ICOR của Nhật Bản hiệu quả và nguồn dự trữ ngoại tệ lớn. Mặc dù tỷ lệ nợ công của Nhật Bản cao hơn GDP trên 200% trong nhiều năm qua (Hình 1), song hệ số ICOR của nước này chỉ vào khoảng 3%, do vậy khả năng trả nợ không quá khó. Mặt khác, dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản cũng ở mức rất cao, vì thế nợ công của Nhật Bản tuy cao, nhưng khó có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ quốc tế.

Quản lý nợ công ở Nhật Bản và một số hàm ý cho Việt Nam

Qua thực tế ở Nhật Bản, có thể thấy, thực chất nợ công an toàn hay rủi ro phụ thuộc vào các yếu tố đó là: nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài; tình trạng “sức khỏe” và hiệu quả đầu tư chung của nền kinh tế; lượng dự trữ quốc gia. Nền kinh tế tăng trưởng ổn định, mức sống người dân khá cao, lợi suất trái phiếu chính phủ thấp cho thấy rủi ro vỡ nợ công thấp. Đó là lý do giải thích Nhật Bản nợ nhiều, song vẫn an toàn.

HÀM Ý CHO VIỆT NAM

Giai đoạn 2016-2020, nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm. Nếu như năm 2016, tỷ lệ nợ công so với GDP là 63,7%, thì đến năm 2020 đã giảm còn 55,3%, thấp xa so với trần nợ công Quốc hội cho phép là 65% GDP (Hình 2). Nợ công đã được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn an toàn; hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công tăng lên, đáp ứng kịp thời những nhu cầu cấp bách của nền kinh tế.

Quản lý nợ công ở Nhật Bản và một số hàm ý cho Việt Nam

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ công của Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đa phần nhờ vào tăng đầu tư, chỉ số ICOR của Việt Nam rất cao so với Nhật Bản. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (2020), bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR của Việt Nam là 6,13. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 là 14,28; bình quân giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR ở mức 7,04. Con số này là rất cao và phần nào phản ánh được sự đầu tư không hiệu quả của nền kinh tế. Nếu trước đây chỉ cần bỏ 5-6 đồng để tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, thì năm 2020 cần tới hơn 14 đồng để có được 1 đồng tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, năm 2020, GDP tăng 2,91% cơ bản là do đầu tư công, mà đầu tư ở đây chủ yếu vào cơ sở hạ tầng, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực mà cần có độ trễ của nó. Thống kê cho thấy, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP, bao gồm: vốn khu vực nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5%; khu vực ngoài nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%. Mức tăng 5,7% vốn đầu tư toàn xã hội là mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020 (Tổng cục Thống kê, 2020). Tăng trưởng dựa vào đầu tư công dễ dẫn đến bội chi và nợ công nếu sử dụng đồng tiền ấy không hiệu quả, khó khăn về nguồn trả nợ.

Cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn “xoay xở” được để trả nợ công, nhưng tình hình ngân sách ngày càng khó khăn khi Chính phủ phải đi vay để trả nợ cũ. Bên cạnh đó, do nước ta đã đạt mức thu nhập trung bình trên thế giới, nên lãi suất, thời gian vay, thời gian ân hạn không còn được ưu đãi như giai đoạn trước. Cụ thể, là nước có thu nhập trung bình và không còn nằm trong số các nước thu nhập thấp, kể từ tháng 7/2017, Việt Nam đã không được tiếp tục nhận tín dụng bao cấp qua chương trình từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của Ngân hàng Thế giới. Do đó, việc vay nợ đã chuyển dần từ vay ODA chi phí thấp sang vay vốn kém ưu đãi và vay thương mại với chi phí thị trường, lãi suất vay các khoản nợ tăng từ mức ưu đãi tiến gần đến mức của thị trường.

Nhìn từ Nhật Bản, một quốc gia tuy có tỷ lệ nợ công lớn nhất thế giới và nền kinh tế tăng trưởng tuy thấp, nhưng tương đối ổn định, mức sống người dân khá cao, rủi ro vỡ nợ công thấp, có thể rút ra được một số hàm ý cho Việt Nam như sau:

Một là, về nguồn gốc nợ công, trong khi ở Nhật Bản, phần lớn nợ công là nợ trong nước, thì ở Việt Nam, nợ nước ngoài lại chiếm tỷ trọng lớn. Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát hành rất nhiều trái phiếu chính phủ ra nước ngoài, bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Đồng thời, tuy nguồn vốn ODA đã có vai trò lớn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhanh tỷ lệ nợ công của Việt Nam.

Thực tế từ Nhật Bản cho thấy, mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới chao đảo. Rủi ro của Việt Nam sẽ tăng lên ở trung hạn. Nó làm suy giảm các khoản chi tạo ra năng suất, hoặc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, như: giáo dục và y tế. Nợ nước ngoài nhiều và áp lực thanh toán sẽ khiến khả năng chi tiêu cho các lĩnh vực này thấp. Do đó, giảm lượng vốn đầu tư từ bên ngoài trong cấu trúc vốn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài và thúc đẩy phát triển dựa trên đầu tư có hiệu quả là cần thiết trong mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh huy động vốn trong nước thay vì vay vốn nước ngoài. Thực tế, khoản tiền nhàn rỗi trong nhân dân hoàn toàn phù hợp cho việc mua trái phiếu chính phủ, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam phải đi vay với lãi suất khá cao.

Hai là, một trong những lý do làm tăng nợ công của Nhật Bản và Việt Nam là tăng chi tiêu công và giảm thu ngân sách. Do vậy, Việt Nam có thể xem xét tăng thuế tiêu dùng, đi đôi với thắt chặt công khố, thực hành tiết kiệm và chi tiêu công hợp lý, thận trọng trong những dự án đầu tư quy mô lớn tiêu tốn một lượng lớn vốn từ những khoản nợ nước ngoài. Để đầu tư công không bị lãng phí và ít xảy ra tình trạng tham nhũng, Việt Nam cần bảo đảm cân đối thu – chi ngân sách. Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước cần dựa trên nguyên tắc chỉ khi nào xác định được nguồn lực thực hiện thì mới xác định nhiệm vụ chi

Ngoài ra, cần tiếp tục cắt giảm các khoản chi không cần thiết. Với yêu cầu kiểm soát nợ công, chi tiêu cần được cắt giảm một cách hợp lý, trong đó cân nhắc các khoản mục cắt giảm. Chính phủ cần quyết liệt hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý nợ công, đồng thời có các biện pháp hạn chế sự gia tăng nợ công thông qua việc tăng cường kỷ luật tài khóa; hình thành các cơ chế để đảm bảo việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay được thực hiện theo một chiến lược thận trọng, nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế của Nhà nước; chống tham nhũng, lợi ích nhóm… Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa cần được tiến hành quyết liệt hơn nữa, kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, là gánh nặng cho ngân sách…/.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2020). Bản tin nợ công số 10

2. Chính phủ (2021). Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2021

3. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2020

4. Phạm Quý Long (2015). Quản lý rủi ro nợ công ở Nhật Bản, Nxb Khoa học xã hội

5. Khánh Ly (2020). Vì sao núi nợ của Nhật Bản vẫn trong ngưỡng an toàn?, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/vi-sao-nui-no-cua-nhat-ban-van-trong-nguong-an-toan/645580.vnp

6. Anh Quân (2020). Nhật Bản vẫn là chủ nợ hàng đầu thế giới, truy cập từ https://bnews.vn/nhat-ban-van-la-chu-no-hang-dau-the-gioi/157961.html

7. Trading Economics (2021). Japan Government Debt to GDP, retrieved from https://tradingeconomics.com/japan/government-debt-to-gdp

8. World Bank (2021). GDP growth (annual %) – Japan, retrieved from https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.KD.ZG?end=2019&locations=JP&start=2015

NCS. Nguyễn Thiện Đức – Ngân hàng ACB

(Bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 19, tháng 7/2021)