Sáng ngày 12/02/2023, tại Quảng Ninh, đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đã đề xuất 5 nhóm vấn đề để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả cao, các tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra nhanh chóng đi vào cuộc sống, từ góc nhìn của Quảng Ninh được đặt trong toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.

Quảng Ninh đề xuất 5 giải pháp thực hiện Nghị quyết phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký đề xuất 5 nhóm vấn đề để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30 đạt hiệu quả cao. Ảnh: Hoài Anh

Một là, với quan điểm “giao thông đi trước một bước” để khai thác, phát huy đầy đủ giá trị, hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược Quảng Ninh đã được hoàn thành, hiện đại hóa, đưa vào sử dụng, nhất là hệ thống đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái kết nối đồng bộ với đường cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Cảng hàng không quốc tế Quảng Ninh; Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai cùng hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, các cửa khẩu quốc tế Việt Nam -Trung Quốc trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết số 30 cho phép các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố bạn đẩy nhanh, đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội trên toàn vùng, liên vùng như: Cầu Lại Xuân; cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ nút giao với Quốc lộ 18 – tỉnh Quảng Ninh đến cầu vượt Quán Toan – thành phố Hải Phòng; đường ven sông từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; kết nối từ đường ven sông sang thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; tuyến đường nối từ Quốc lộ 279 (xã Tân Dân, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) đến đường tỉnh 291 (thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); đường tỉnh 342 nối từ Hạ Long lên Ba Chẽ sang Lạng Sơn để khai thác không gian núi rừng, mở ra cơ hội cho phát triển du lịch Quảng Ninh và Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng; đồng thời nâng cao khả năng kết nối thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch như: Hành lang kinh tế Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hành lang kinh tế Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình.

Hai là, kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, khai thác tối ưu các hành lang giao thông đã được định hình rõ gắn với kiến tạo các hành lang kinh tế và hành lang đô thị, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của Tỉnh đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững; tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới của các địa phương và toàn vùng; trên cơ sở đó quy hoạch, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên biển cho mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa.

Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa – đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế kết nối với khu vực và thế giới, trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; giữ vững sự ổn định và phát triển ngành than theo quy hoạch bền vững hơn.

“Tạo đột phá trong thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI thế hệ mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, tăng nhanh quy mô và tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo giá trị gia tăng lớn; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại…”, ông Ký nhấn mạnh.

Bốn là, xây dựng hệ thống quản trị vùng và quản trị địa phương hiện đại, năng động, hiệu quả. Đặc biệt là tập trung cải cách nền hành chính quản lý – quản trị – kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; giảm tối đa rủi ro pháp lý, chi phí hành chính và tuân thủ đối với người dân và doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng.

Xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao để thu hút và giữ chân nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu lao động việc làm.

“Các cấp chính quyền địa phương trong vùng cần tạo điều kiện và khuyến khích mạnh mẽ sự hợp tác, tham gia của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu… để thực hiện có hiệu quả các nội dung liên kết vùng đã được thỏa thuận, ký kết giữa các địa phương trong vùng với mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức và cơ chế điều phối vùng hiệu quả, đủ mạnh để thực thi kịp thời các cam kết liên kết vùng”, ông Ký nêu đề xuất.

“Năm là, tỉnh Quảng Ninh mong muốn các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương phối hợp với địa phương nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu đề xuất, cụ thể:

(1) Cơ chế, chính sách vượt trội để xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, cạnh tranh với các khu kinh tế của đảo Hải Nam và Quảng Tây – Trung Quốc đang diễn ra sôi động, tính cạnh tranh cao; là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng và tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; (2) Xây dựng khu hợp tác kinh tế song phương Móng Cái – Đông Hưng tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế; (3) Cơ chế chính sách đột phá cho phát triển Khu kinh tế Vân Đồn…/.