Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh Doãn TấnTTXVN
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh Doãn TấnTTXVN

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), ngay sau kỳ họp này, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ cùng với các đơn vị liên quan đã tích cực sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 ngày 15/2/2022. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 31/5/2022, Quốc hội đã nghe giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, tiếp tục thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật để hoàn thiện và ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sẽ chính thức hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này có phạm vi khá rộng, với 102 điều được sửa đổi, bổ sung. Luật đã nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội về rất nhiều nội dung, trong đó nội dung liên quan đến việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được quan tâm nhiều nhất. Các nội dung được sửa đổi theo hướng quy định rõ ràng và chi tiết hơn, với việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật, qua đó nhằm mục đích khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.

Những chính sách, điểm mới căn bản và quan trọng nhất trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được thể hiện qua 7 nhóm chính sách lớn, với một số quy định cụ thể:

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan.

Điểm nổi bật của Luật là quy định cho phép chuyển quyền sử dụng một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (ví dụ thỏa thuận đặt tên tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính …

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì (chủ văn bằng bảo hộ) và lợi ích của Nhà nước với tư cách là “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ… tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT. Các nội dung sửa đổi liên quan đến cả 3 lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, trong đó phải kể đến việc bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, các giới hạn quyền tác giả, quyền liên quan nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm; việc bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ; xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan…

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ. Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống sở hữu trí tuệ (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định sở hữu trí tuệ với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định sở hữu trí tuệ.

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định liên quan đến bảo vệ quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập. Một số quy định sửa đổi, bổ sung cần quan tâm là quy định liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; về bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; về cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm…

Như vậy, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi lần này với các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các kết quả nghiên cứu khoa học do Nhà nước đầu tư vốn được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, nhằm mục đích khuyến khích biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn. Đặc biệt, kì vọng quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội./.

Hoa Hạ