QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ ĐỐI TƯỢNG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI NHƯNG KHÔNG PHẢI ĐKKD TẠI VIỆT NAM

Theo quy định tại Điều 6, Luật Thương mại 2005, thì thương nhân bao gồm: tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có ĐKKD; thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, dưới các hình thức và theo các phương thức mà pháp luật không cấm. Hoạt động thương mại được hiểu là hoạt động kinh tế nhằm mục tiêu sinh lời của chủ thể kinh doanh trên thị trường. Chủ thể kinh doanh bao gồm: cá nhân, tổ chức, hộ gia đình thực hiện hoạt động kinh doanh thương mại. Như vậy, tất cả các thương nhân khi thực hiện hoạt động kinh doanh đều phải ĐKKD với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải chủ thể hoạt động kinh doanh nào cũng được coi là thương nhân và cũng bắt buộc phải ĐKKD. Theo Điều 3, Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, ngày 16/3/2007 của Chính phủ về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải ĐKKD, thì cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác, nhưng không thuộc đối tượng phải ĐKKD theo quy định của pháp luật về ĐKKD và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể, bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:

(i) Buôn bán rong (buôn bán dạo): là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

(ii) Buôn bán vặt: là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

(iii) Bán quà vặt: là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

(iv) Buôn chuyến: là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;

(v) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

vi) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Tuy vậy, trên thực tế vẫn, các cá nhân không thuộc đối tượng phải ĐKKD này vẫn thực hiện đăng ký với cơ quan thuế, để thực hiện các nghĩa vụ về thuế, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với cơ quan nhà nước và không ĐKKD, nhưng vẫn có thể tiến hành hoạt động kinh doanh bình thường (do pháp luật về ĐKKD hiện nay chỉ quy định quyền được ĐKKD, không quy định nghĩa vụ bắt buộc phải ĐKKD). Theo số liệu của Tổng cục Thuế, hiện tại cơ quan thuế đang quản lý 2,3 triệu cá nhân kinh doanh, có đăng ký thuế, nhưng không ĐKKD. Đối với trường hợp cá nhân không ĐKKD, chỉ có cơ quan thuế nắm được số lượng, thông tin về chủ thể kinh doanh, cơ quan ĐKKD không có thông tin về các chủ thể này.

Như vậy, bản chất các cá nhân hoạt động thương mại không phải ĐKKD này vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước để tiến hành hoạt động kinh doanh. Việc miễn đăng ký ở đây dường như chưa đươc quy định chính xác và đầy đủ. Bên cạnh đó, với quá trình chuyển đổi số, mô hình cá nhân kinh doanh đã mở rộng thêm các đối tượng, như: người kinh doanh trực tuyến, người lao động chuyên môn và tự do (freelancers, nghệ sỹ làm việc trên môi trường trực tuyến)…

QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC MIỄN ĐKKD TẠI CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Quy định miễn đăng ký kinh doanh của Hồng Kông (Trung Quốc)[1]

Tại Hồng Kông, Pháp lệnh Đăng ký kinh doanh quy định các đối tượng kinh doanh sau đây được miễn đăng ký: các hoạt động từ thiện; kinh doanh nông nghiệp, làm vườn ở chợ hoặc đánh cá (miễn trừ không áp dụng cho các công ty được thành lập hoặc bắt buộc phải đăng ký theo Pháp lệnh Công ty); đánh giày; hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi những người bán hàng rong cần có giấy phép theo Quy định của Hawker (người bán rong), ngoại trừ các hoạt động kinh doanh được thực hiện bên trong cấu trúc chính của tòa nhà. Tuy nhiên, một tổ chức từ thiện thực hiện hoạt động thương mại hoặc kinh doanh có lợi nhuận từ việc buôn bán hoặc kinh doanh đó phải chịu thuế lợi nhuận sẽ không được miễn mà bắt buộc phải ĐKKD.

Quy định miễn đăng ký kinh doanh của Singapore[2]

Những đối tượng sau không bắt buộc phải đăng ký khi tiến hành kinh doanh tại Singapore (1): (a) Bất kỳ chủ sở hữu cá nhân nào chỉ tiến hành kinh doanh dưới tên đầy đủ của chủ sở hữu cá nhân; (b) Doanh nghiệp có từ 2 cá nhân trở lên hoạt động kinh doanh chỉ dưới tên đầy đủ của tất cả các cá nhân; (c) Bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào gồm 2 cá nhân trở lên tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào chỉ bao gồm việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp, mà theo quy định của pháp luật (luật thành văn) có thể được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên môn nhất định theo quy định của pháp luật (luật thành văn) và tên của họ được đăng ký hoặc ghi lại theo cách thức được quy định của pháp luật (luật thành văn); (d) Một người (A) khi có một người khác (B) tiến hành kinh doanh cho người (A) hoặc có liên hệ với người (A) hoàn toàn hoặc chủ yếu với tư cách là người được chỉ định hoặc người được ủy thác nếu người (B) đã cung cấp các thông tin cụ thể theo yêu cầu của pháp luật; (e) Bất kỳ cơ quan có thẩm quyền theo luật định hoặc cơ quan nào khác được thành lập theo quy định tại bất kỳ đạo luật công nào vì mục đích công; (f) Bất kỳ tổ chức, cơ quan, cá nhân hoặc quỹ nào được quy định trong Phụ lục đầu tiên của Đạo luật thuế thu nhập năm 1947; (g) Bất kỳ hiệp hội nào được đăng ký theo Đạo luật Hiệp hội năm 1966; (h) Bất kỳ hiệp hội nào được đăng ký theo Đạo luật Hiệp hội Hợp tác năm 1979; (i) Bất kỳ tổ chức phúc lợi tương hỗ nào được đăng ký theo Đạo luật tổ chức phúc lợi tương hỗ[3] năm 1960; (j) Bất kỳ công đoàn nào được đăng ký theo Đạo luật Công đoàn năm 1940; (k) Người được ủy thác công hoặc Người được chuyển nhượng chính thức tài sản của người bị phá sản; (l) Bất kỳ công ty nước ngoài nào đang kinh doanh tại Singapore được đăng ký theo Đạo luật Công ty năm 1967 và tiến hành kinh doanh dưới tên đã đăng ký của mình; (m) Bất kỳ công ty nào tiến hành kinh doanh dưới tên công ty của mình; (n) Bất kỳ công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn nào được đăng ký theo Đạo luật công ty hợp danh trách nhiệm hữu hạn năm 2005 tiến hành kinh doanh dưới tên đã đăng ký của mình; (o) Theo mục 42(3) của Đạo luật Công ty hợp danh hữu hạn năm 2008 (Đạo luật), bất kỳ công ty hợp danh hữu hạn nào được đăng ký theo Đạo luật đó; (p) Bất kỳ cá nhân hoặc nhóm người nào khác trong thời gian được Bộ trưởng miễn trừ theo quy định tại mục 43 của Đạo luật; (q) Bất kỳ chủ sở hữu cá nhân nào đã thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào được quy định trong Phụ lục đầu tiên của Đạo luật đăng ký kinh doanh ngay trước ngày 3/01/2016 và vẫn tiếp tục thực hiện cùng một hoạt động kinh doanh vào sau ngày đó.

(2) Một cá nhân hoặc một công ty gồm 2 cá nhân trở lên được đề cập trong tiểu mục (1)(c), phải đăng ký khi tiến hành kinh doanh tại Singapore nếu trong mục 43 của Đạo luật có quy định rằng, việc miễn trừ theo tiểu mục (1)(c) không áp dụng cho cá nhân hoặc doanh nghiệp đó.

(3) Người đang kinh doanh tại Singapore không bắt buộc phải đăng ký theo tiểu mục (1), trừ trường hợp là người nêu trong bất kỳ quy định nào của tiểu mục (1)(e) đến (o), có thể lựa chọn để được đăng ký.

(4) Một người không bắt buộc phải đăng ký, nhưng chọn đăng ký phải tuân thủ và thực hiện các quy định của Đạo luật này trong khoảng thời gian người đó có đăng ký.

Quy định về miễn trừ giấy phép kinh doanh của thành phố Chicago, Bang Illinois, Hoa Kỳ[4]

Tại thành phố Chicago, để tiến hành, tham gia, vận hành hoặc quản lý bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, thì cá nhân/tổ chức cần phải có giấy phép kinh doanh (Business License). Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh do Tiểu bang IIlinois quy định có thể được thành phố miễn cấp phép. Các ngành nghề/nghề nghiệp được liệt kê dưới đây là các hoạt động kinh doanh được Sở Quản lý Tài chính và Chuyên môn Illinois (IDFPR) cấp phép, nhưng không yêu cầu giấy phép kinh doanh khi hoạt động kinh doanh tại thành phố Chicago:

Phòng Quy chế Chuyên nghiệp của IDFPR cấp phép gồm:

– Bác sĩ châm cứu, bác sĩ trị liệu nắn khớp xương, bác sĩ Naprapath và bác sĩ nắn xương;

– Kiến trúc sư;

– Thể thao (tức là võ sĩ chuyên nghiệp, người quản lý quyền anh, trọng tài, trọng tài bấm giờ, người quảng bá quyền anh)

– Nghĩa trang (Nhân viên thực thi dịch vụ, Người quản lý và Nhân viên dịch vụ khách hàng)

– Kế toán viên chuyên nghiệp;

– Nhà tâm lý học lâm sàng;

– Nhân viên xã hội lâm sàng và nhân viên xã hội;

– Tư vấn viên (Chuyên gia và chuyên gia lâm sàng);

– Trường dạy thẩm mỹ và các cơ sở tương tự;

– Phát hiện giám khảo lừa dối;

– Nha sĩ, Trợ lý nha khoa và Chuyên gia vệ sinh răng miệng;

– Chuyên gia dinh dưỡng và cố vấn dinh dưỡng;

– Kỹ sư (Chuyên nghiệp và Kết cấu);

– Các nhà thực hành sức khỏe môi trường;

– Tang lễ (Giám đốc và Người ướp xác);

– Nhà địa chất (Chuyên nghiệp);

– Kiến trúc sư cảnh quan;

– Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình;

– Y tá;

– Quản trị viên Viện dưỡng lão;

– Nhà trị liệu nghề nghiệp và Trợ lý trị liệu nghề nghiệp;

– Bác sĩ đo thị lực;

– Dược sĩ;

– Nhà vật lý trị liệu và Trợ lý vật lý trị liệu;

– Bác sĩ và trợ lý bác sĩ;

– Bác sĩ chuyên khoa chân;

– Thám tử tư, công ty báo động tư nhân và Nhân viên bảo vệ;

– Môi giới bất động sản;

– Bác sĩ chăm sóc hô hấp;

– Phóng viên tốc ký;

– Nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ và thính giác;

– Phẫu thuật (Trợ lý và Kỹ thuật viên);

– Bác sĩ thú y và kỹ thuật viên thú y;

– Nhà phân phối thuốc bán buôn;

Phòng Ngân hàng IDFPR giám sát các quy định và cấp phép sau:

– Máy ATM không thuộc sở hữu của tổ chức tài chính;

– Kiểm tra máy in;

– Ngân hàng thế chấp và môi giới;

– Hiệp hội tiết kiệm và cho vay;

– Hiệp hội tín dụng;

– Trao đổi tiền tệ;

– Ngân hàng tiết kiệm;

– Ngân hàng đặc quyền nhà nước;

– Công ty ủy thác;

– Người chuyển tiền;

– Công ty bảo hiểm quyền sở hữu.

KIẾN NGHỊ

Từ kinh nghiệm quốc tế đối chiếu với thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, cần phải nghiên cứu để làm rõ phạm vi các nhóm đối tượng không phải ĐKKD theo quy định của pháp luật về ĐKKD, cụ thể:

– Hoàn thiện pháp luật về cá nhân kinh doanh nhằm định vị để xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển đối tượng này.

– Đề nghị xem xét bổ sung hoặc rà soát các trường hợp/đối tượng không phải ĐKKD tại Điều 3, Nghị định số 39/2007/NĐ-CP để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất giữa các quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội.

Trong trường hợp không thuộc đối tượng phải ĐKKD theo quy định của pháp luật về ĐKKD, nhưng vẫn phải tiến hành đăng ký với cơ quản lý nhà nước khác, thì cần có cơ chế quản lý, chia sẻ thông tin về tình hình đăng ký giữa các cơ quan quản lý nhà nước, như: cơ quan ĐKKD, cơ quan thuế, ngân hàng, bảo hiểm. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được bức tranh toàn cảnh, đầy đủ và thống nhất về các chủ thể kinh doanh, từ đó, nắm bắt được nhu cầu, tình hình hoạt động, đưa ra được những chính sách khuyến khích, hỗ trợ sự phát triển của các chủ thể này đóng góp chung cho nền kinh tế./.

Đặng Tiến Đạt

Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Acra, Who Must Register with ACRA?, retrieved from https://www.acra.gov.sg/how-to-guides/before-you-start/who-must-register.

2. CIEM và ADB (2017), Chính thức hóa Hộ Kinh doanh ở Việt Nam.

3. Chính phủ (2007), Nghị định số 39/2007/NĐ-CP, ngày 16/3/2007 về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.

4. Chính phủ (2021), Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp.

5. Chicago, Business License Exemptions, retrieved from https://www.chicago.gov/city/en/sites/chicago-business-licensing/home/business-license-exemptions.html.

6. Inland Revenew Department – Gov HongKong, Exemption from Registration or Payment, retrieved from https://www.ird.gov.hk/eng/tax/bre_erp.htm#a1.

7. Jean-Pierre Cling, Mireille Razafindrakoto và Francois Roubaud (2010), Kinh tế không chính thức ở Việt Nam, ILO, Hanoi.

8. Quốc hội (2005), Luật Thương mại, số 36/2005/QH11, ngày 14/ 6/2005.

9. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp, số 59/2020/QH14, ngày 17/6/ 2020.

10. Uyên Phương (2023), Xử nặng livestream bán hàng giả, truy cập từ https://tienphong.vn/xu-nang-livestream-ban-hang-gia-post1591209.tpo


[1] https://www.ird.gov.hk/eng/tax/bre_erp.htm#a1

[2] https://www.acra.gov.sg/how-to-guides/before-you-start/who-must-register

[3] “Tổ chức phúc lợi tương hỗ” (mutual benefit organisation) là tổ chức được thành lập để cung cấp lợi ích cho các thành viên hoặc một nhóm người của chính tổ chức đó.

[4] https://www.chicago.gov/city/en/sites/chicago-business-licensing/home/business-license-exemptions.html