Góp ý cho dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ, khi Quốc hội thảo luận dự thảo này trong sáng nay (ngày 31/5), theo Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, dự thảo Luật chưa xác định khái niệm “tài sản trí tuệ”, nên có sự lúng túng trong việc xác định hợp đồng có đối tượng là tài sản trí tuệ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cơ quan tiếp thu, giải trình sẽ tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, có giải trình thấu đáo các nội dung để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật một cách tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua…

Giải trình về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, rất khó để có định nghĩa chung về tài sản trí tuệ, bởi đây là một lĩnh vực rộng, bao gồm tất cả sản phẩm trí tuệ con người tạo ra, mỗi loại sản phẩm trí tuệ có đặc thù, đặc trưng riêng, khác biệt các loại khác.

Ông Tùng phân tích thêm, tài sản trí tuệ được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật trong các lĩnh vực khác nhau, pháp luật về sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật điều chỉnh liên quan đến tài sản trí tuệ. Việc bảo hộ, bảo vệ theo pháp luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể thực hiện đối với một số loại sản phẩm trí tuệ nhất định gồm 3 nhóm: quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp đối với giống cây trồng. Do vậy, việc bổ sung khái niệm tài sản trí tuệ rất khó để bảo đảm tính bao quát và cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá tác động trong mối quan hệ với các luật có liên quan khác, như: Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng… Cơ quan tiếp thu, giải trình sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này.

Rất khó làm rõ khái niệm “tài sản trí tuệ”
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh), trong các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực, có trường hợp là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu (ảnh: Quốc hội)

Góp ý cho Điểm a, Khoản 1, Điều 96 dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, trong các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực, có trường hợp là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định liệt kê các hành vi như thế nào là dụng ý xấu được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật chi tiết, để phù hợp với các quan hệ xã hội cần điều chỉnh trong từng giai đoạn và điều ước quốc tế có liên quan.

Cơ bản thống nhất với ý kiến trên, nhưng bà Hạnh đề xuất tại Điều 96 cần quy định bổ sung giao cho cơ quan nào sẽ có trách nhiệm quy định chi tiết các hành vi này, là Chính phủ hay Bộ Khoa học và Công nghệ?

Rất khó làm rõ khái niệm “tài sản trí tuệ”
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải trình nhiều nội dung mà Đại biểu Quốc hội đề xuất (ảnh: Quốc hội)

Giải trình đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nội dung này được đề cập trong các điều ước quốc tế, như: Công ước Paris hay Hiệp định TRIPS. Tại các điều ước quốc tế này không có giải thích cụ thể, mà trao quyền cho pháp luật quốc gia thành viên quy định trong luật quốc gia. Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đang sử dụng thuật ngữ “không trung thực”, nhưng chưa phản ánh đầy đủ “dụng ý xấu”. Mặt khác, nếu giải thích rõ nội hàm “dụng ý xấu” theo hướng liệt kê đầy đủ các dấu hiệu trong luật sẽ khó bảo đảm khái quát, đầy đủ. Do đó, dự thảo Luật quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ, Luật sửa bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu, liên quan đến nhiều điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong các lĩnh vực về quyền tác giả, quyền liên quan từ các lĩnh vực về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng…, nên việc nội luật hóa để phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, không trái với các cam kết quốc tế, tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cũng như thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước là một điều phức tạp…/.