Ts. Khúc Văn Quý, Đại học Quốc gia Hà Nội

Kinh doanh Youtube đang trở thành một trào lưu ở Việt Nam. Trong mô hình này, nhà sản xuất tạo ra các video clip rồi đăng tải lên YouTube. Tùy vào số lượng và chất lượng người xem, họ sẽ nhận được tiền nhờ vào các quảng cáo. Thỉnh thoảng thì tôi cũng gặp phải một số kênh có thông tin “nhảm”, nhưng đa số bây giờ các nhóm làm chuyên nghiệp và có nội dung hấp dẫn.

Vài hôm trước, tôi đã không thể rời mắt 1 clip ghi hình về hành trình của một nhóm (4) người “Gặp mưa bão, vừa chạy lũ vừa tranh thủ vây bắt rất nhiều sản vật từ rừng”. Đoạn video dài chừng 26 phút và một nửa thời lượng quay cảnh người đàn ông trèo lên cây để lấy quả Tai chua (Hình 1)… rất chân thực, thú vị.

Rừng và cuộc sống
Hình 1. Tai chua. Nguồn: https://youmed.vn

Tôi vốn xuất thân từ ngành lâm nghiệp nên biết khá rõ về cây Tai chua. Cây này có tên khoa học Garcinia pedunculata Roxb, thuộc họ măng cụt (Clusiaceae). Cây Tai chua là một loại cây thân gỗ lớn, thân thẳng, có thể cao từ 15-18 m. Vỏ cây Tai chua có màu xám đen, chia thành nhiều cành, cành thường thẳng, đâm ngang. Tai chua mọc hoang tại nhiều khu rừng miền Bắc, nhất là các tỉnh ở Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang… Theo cuốn sách “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của tác giả Đỗ Tất Lợi, Tai chua có rất nhiều công dụng: quả có thể để ăn, hoặc phơi khô kho với thịt, cá. Thân có thể làm thuốc để giảm căng thẳng, chống trầm cảm, ngăn ngừa bệnh tiểu đường… Hiện nay, ở cơ quan cũ của tôi (Viện Khoa học Lâm nghiệp), một số nhà khoa học đã nghiên cứu cả quy trình kỹ thuật để ươm trồng cây Tai chua [1]. Nhiều nơi người dân đã trồng cây này để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sống.

Video gợi cho tôi nhớ về những trải nghiệm thú vị với rừng. Năm 2013, khi còn là nghiên cứu sinh của Đại học Colorado State, tôi được Giáo sư Dan Binkley rủ đi thăm rừng (ôn đới) ở phía Bắc thành phố Fort Collins, Colorado. Trong cả chuyến đi, chúng tôi đi xuyên qua những khu rừng thấp, thăm lại những ô mẫu thực nghiệm ở sâu bên trong, quan sát những vết tích của vụ cháy rừng vài chục năm trước. Cảm nhận chung là rừng rất nghèo nàn. Chuyến đi tưởng chừng kết thúc một cách tẻ nhạt thì một người trong đoàn reo lên vì nhìn thấy 1 con nai đang đứng ở khá xa. Cả đoàn trầm trồ, dừng lại. May mắn, tôi cũng kịp chụp bức hình con nai này.

Đến năm 2016, tôi có nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn hợp tác (Center for Collaborative Conservation) của Trường để về nước thực hiện đề tài khoa học về bảo tồn Dơi ở vườn quốc gia U Minh Thượng. Nhờ dự án này, tôi có cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu hệ sinh thái rừng Tràm và cuộc sống sinh kế của người dân trong vùng đệm của vườn quốc gia. Tôi đã tận mắt quan sát hệ sinh thái của khu vực lõi của Vườn quốc gia U Minh Thượng và được thưởng thức các món ăn từ sản vật của hệ sinh thái rừng Tràm. Những trải nghiệm này cùng với những ngày tháng “ăn ngủ với rừng” khi chúng tôi còn là sinh viên, được tham gia thực tập các môn học tại Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cúc Phương, Đền Hùng (Phú Thọ), đã giúp tôi đi đến một kết luận là: rừng ở nước ta thật sự giàu có và hùng vĩ.

Cách đây chừng 3 năm khi tôi mới về Đại học Phenikaa công tác, tôi có tham dự một hội thảo đặc biệt. Khách mời là những thanh niên đến từ các nước trong khối ASEAN. Tôi đặc biệt ấn tượng với bài chia sẻ của Ts. Vương Quân Hoàng về chủ đề thiên nhiên [2]. Cuốn sách “Trong rừng Dẻ Gai” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú xuất bản năm 1974, được ông nhắc lại, truyền dẫn và kích thích người nghe trước khi bàn đến câu chuyện giáo dục môi trường cho người trẻ. Từ đó, tôi và ông thường xuyên trao đổi về chủ đề này và cũng đã có chung một số công trình nghiên cứu về môi trường.

Rừng có lợi ích rất to lớn. Những ai thuộc thế hệ tôi hoặc trước đó có lẽ đều thuộc nằm lòng những câu thơ trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”

Giờ thì cây rừng có mặt mọi nơi. Những cây Sấu to tỏa bóng mát được bắt gặp trên nhiều tuyến phố, nhiều nhất là Phố Phan Đình Phùng. Sự góp mặt của cây (rừng) phần nào làm nên một Hà Nội rất nên thơ, bình yên và xanh mát con mắt của người dân Thủ đô và du khách. Hay trong ẩm thực, từ món thịt heo quay không thể thiếu được lá cây Mắc mật, đến chiếc bánh Chưng xanh (hương vị của ngày Tết cổ truyền dân tộc) không thể ra “chất đặc trưng” nếu thiếu mùi của lá Dong rừng, dây Giang rừng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, vai trò của rừng còn lớn lao hơn thế. Rừng là một trong hai vũ khí hữu hiệu nhất để giảm phát thải Carbon trong khí quyển. Theo ước tính, rừng toàn cầu có khả hấp thụ gần 1/3 tổng lượng phát thải carbon mỗi năm [3]. Riêng Việt Nam nằm ở vị trí gần xích đạo, nhiệt đới gió mùa nóng ẩm rừng có sinh khối rất lớn, tiềm năng làm giảm phát thải carbon lớn. Cũng vì thế mà trong nhiều năm qua, Việt Nam nhận được nhiều sự đầu tư, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc trồng rừng và phục hồi rừng. Cơ hội mua bán tín chỉ Carbon rừng đang rộng mở, điều này mang lại “lợi ích kép”: thúc đẩy sự mở rộng tài nguyên rừng và cải thiện sinh kế người dân vùng miền núi.

Trong hơn một thập kỷ qua, chuyển đổi rừng (forest transition-FT) đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các học giả toàn cầu. Một cách nôm na, FT chỉ về quá trình chuyển từ mất rừng (deforestation) sang mở rộng diện tích rừng (reforestation). Thực tế thì rừng đã và đang mất đi ở quy mô toàn cầu [4]. Tình trạng này thực sự đáng báo động ở rừng Amazon… Nguyên nhân sâu xa là sự gia tăng dân số nhưng các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu hồi đất quy mô lớn, trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng diện tích rừng sản xuất, mở đường… lại là nguyên nhân trực tiếp mỗi năm lấy đi hàng triệu ha rừng [4–6].

Ở nước ta, sau gần 30 năm nỗ lực trồng rừng và bảo vệ rừng, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi rừng thành công. Độ che phủ rừng tăng từ 28,7% năm 1990 đến 42% năm 2020 [7,8]. Việt Nam cũng là một số ít trong các quốc gia trong khu vực châu Á đang ở giai đoạn cuối của chuyển đổi rừng (post-transition). Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống trong việc thúc đẩy mở rộng diện tích rừng trồng ở những vùng núi xa trung tâm, sự tham gia của các nông hộ vào thúc đẩy phát triển rừng [9,10]. Đáng chú ý, về mặt “chất”, diện tích rừng tự nhiên, nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, vẫn đang bị thu hẹp theo từng năm, trong khi đó những động năng từ quy hoạch đất đai (từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất [11,12]) ở một số nơi đang đặt ra thách thức lớn trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên còn lại của nước ta.

Dưới lăng kính của nguyên lý bán dẫn giá trị kinh tế môi trường, hệ thống quản trị tri thức SM3D [13–16], chúng tôi nhận ra rằng, chừng nào văn hóa khai thác, văn hóa hưởng thụ lấn át văn hóa kiến tạo, văn hóa giá trị cao [17,18], thì tài nguyên rừng, môi sinh sẽ tiếp tục bị làm cho suy thoái và hủy hoại. Ở tầm quốc gia, điều này đặt ra thách thức cho ngành văn hóa, giáo dục trong việc ươm mầm và xây dựng văn hóa môi trường cho các thế hệ công dân tương lai của (đất nước) chúng ta.

Tài liệu tham khảo

[1] Đặng Quang Hưng. (2012). Kỹ thuật trồng cây Tai Chua lấy quả. Khoa Học Lâm Nghiệp Việt Nam. http://vafs.gov.vn/wp-content/uploads/sites/2/2012/02/14Tai chua.pdf

[2] Vuong, Q. (2020). From children’s literature to sustainability science, and young scientists for a more sustainable Earth. Journal of Sustainability Education, 24 (December).

[3] Alan Buis. (2014). NASA Finds Good News on Forests and Carbon Dioxide. NASA. https://www.nasa.gov/jpl/nasa-finds-good-news-on-forests-and-carbon-dioxide

[4] Khuc, Q. Van, Tran, B. Q., Meyfroidt, P., & Paschke, M. W. (2018). Drivers of deforestation and forest degradation in Vietnam: An exploratory analysis at the national level. Forest Policy and Economics, 90(June 2017), 128–141. https://doi.org/10.1016/j.forpol.2018.02.004

[5] Magliocca, N. R., Khuc, Q. Van, De Bremond, A., & Ellicott, E. A. (2020). Direct and indirect land-use change caused by large-scale land acquisitions in Cambodia. Environmental Research Letters, 15(2). https://doi.org/10.1088/1748-9326/ab6397

[6] Hosonuma, N., Herold, M., De Sy, V., De Fries, R. S., Brockhaus, M., Verchot, L., Angelsen, A., & Romijn, E. (2012). An assessment of deforestation and forest degradation drivers in developing countries. Environmental Research Letters, 7(4). https://doi.org/10.1088/1748-9326/7/4/044009

[7] Meyfroidt, P., & Lambin, E. F. (2009). Forest transition in Vietnam and displacement of deforestation abroad. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 106(38), 16139–16144. https://doi.org/10.1073/pnas.0904942106

[8] Decision No.1558/QD-BNN-TCLNAnnouncement of national forest status in 2020, (2021). http://www.kiemlam.org.vn/Desktop.aspx/List/So-lieu-dien-bien-rung-hang-nam/

[9] Khuc, Q. V. et al. (2022). Driving forces of forest cover rehabilitation and implications for eco-environmental management and sustainable livelihood development in upland Vietnam. Working Paper.

[10] Khuc, Q. V. et al. (2020). Forest Cover Change , Households’ Livelihoods , Trade-Offs , and Constraints Associated with Plantation Forests in Poor Upland-Rural Landscapes: Evidence from North Central Vietnam. Forests, 11(May), 1–28. https://doi.org/10.3390/f11050548

[11] Xuân Hòa. (2021). Tránh tình trạng xác định rừng phòng hộ ít xung yếu để chuyển sang rừng sản xuất. Kinh Tế Môi Trường. https://kinhtemoitruong.vn/tranh-tinh-trang-xac-dinh-rung-phong-ho-it-xung-yeu-de-chuyen-sang-rung-san-xuat-59707.html

[12] Hữu Trung. (2019). Cân nhắc trong việc chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Báo Hà Tĩnh. https://baohatinh.vn/nong-nghiep/can-nhac-trong-viec-chuyen-doi-rung-phong-ho-sang-rung-san-xuat/175003.htm

[13] Vuong, Q. H. et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework. Humanities and Social Sciences Communications, 9(1), 1–12. https://doi.org/10.1057/s41599-022-01034-6

[14] Vuong, Q. H., & Napier, N. K. (2014). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process. International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4). https://doi.org/10.1504/IJTIS.2014.068306

[15] Quan-Hoang Vuong, Le, T.-T., Khuc, Q., & Nguyen, M.-H. (2022). A new theory of serendipity. In: QH Vuong. (Ed.) A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism(pp. 91-108). Berlin, Germany: De Gruyter.

[16] Vuong, Q.-H. (2022). A New Theory of Serendipity: Nature, Emergence and Mechanism. Berlin, Germany: De Gruyter.

[17] Khuc, Q. Van. (2022). Transforming our world from high-value culture system. OSF Preprints. https://doi.org/10.31219/osf.io/r5pcy

[18] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284–290. https://doi.org/10.17811/ebl.10.3.2021.284-290