Với 100% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, theo Văn phòng Quốc hội.

Sắp xử phạt cá nhân, tổ chức cản trở hoạt động tố tụng
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh, để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành (ảnh: Quốc hội)

Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Theo quy định tại Pháp lệnh, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân là đến 40 triệu đồng, còn với tổ chức là đến 80 triệu đồng.

Theo nội dung Pháp lệnh, việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 69 đến Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, thì người có thẩm quyền lập biên bản phải gửi biên bản và các tài liệu khác có liên quan cho người có thẩm quyền xử phạt, để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Pháp lệnh quy định nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục áp dụng, việc hủy bỏ hoặc thay thế các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 120 đến Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan. Lực lượng Công an nhân dân đang tham gia bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm buộc người vi phạm nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ, áp giải theo quyết định của chủ tọa phiên tòa.

Pháp lệnh giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022./.