Theo Tổng cục Thuế, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động giao dịch thương mại điện tử có xu hướng phát triển nhanh và bùng nổ hơn. Trong bối cảnh này, cùng với đẩy mạnh rà soát, thanh kiểm tra đối với một số trường hợp kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử, Cục Thuế TP. Hà Nội phối hợp với cơ quan công an để quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn đối với các trường hợp có dấu hiệu chây ỳ, không thực hiện quy định pháp luật.

Sau Google Play, Apple Store, đến lượt Lazada, Shoppe… vào tầm quản lý của cơ quan thuế
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng, Cục phối hợp với cơ quan công an để quản lý hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn đối với các trường hợp có dấu hiệu chây ỳ, không thực hiện quy định pháp luật. (Ảnh: Cục thuế TP. Hà Nội)

Để tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tránh phát sinh các hành vi gian lận, trốn thuế, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng cho biết, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ quả tiêu cực.

Theo đó, nếu như trước năm 2021, có 3 nhóm đối tượng nằm trong diện quản lý gồm: các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội; các tổ chức cung cấp sản phẩm ứng dụng trên Google Play, Apple Store; cá nhân cho thuê nhà thông qua ứng dụng như: Agoda, Booking.com, Airbnb…, thì đến năm 2021, cơ quan thuế đã bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng vào diện quản lý là: cá nhân, tổ chức thanh toán các dịch vụ điện tử cho nhà thầu nước ngoài; các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Sendo, Shoppe, Tiki…

Sau Google Play, Apple Store, đến lượt Lazada, Shoppe… vào tầm quản lý của cơ quan thuế
Trong năm nay, nhiều sàn thương mại điện tử đã vào tầm quản lý của cơ quan thuế

Những giải pháp trên đã mang lại kết quả khả quan. Theo đó, đến hết tháng 10/2021, đối với nhóm cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như: Google, Facebook, Apple…, cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 465 cá nhân có doanh thu phát sinh từ nhà thầu nước ngoài, qua đó, số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước là 56,1 tỷ đồng.

Còn với nhóm cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến, cơ quan thuế đã triển khai rà soát, xác minh 3.388 cơ sở có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thuộc diện quản lý thuế; qua đó đã đôn đốc 1.332 người nộp thuế nộp ngân sách 12,1 tỷ đồng; đồng thời tiếp tục rà soát đối với 2.056 cơ sở còn lại. Với nhóm các cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xác minh được 49 chủ cơ sở có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thuộc đối tượng quản lý thuế, dự kiến số thu đạt 1 tỷ đồng.

Đối với nhóm tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử cho nhà thầu nước ngoài, cơ quan thuế đã quản lý dữ liệu phát sinh của 1.447 cá nhân, tổ chức với số tiền chi trả là 46,3 tỷ đồng, dự kiến số thuế phải nộp là 4,6 tỷ đồng. Với nhóm doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử như: Sendo, Lazada, Shoppe… điều hành các ứng dụng (App) trung gian thanh toán, trung gian vận chuyển, cơ quan thuế đã hoàn thành thanh kiểm tra tại một số doanh nghiệp với tổng số truy thu, phạt là 1,4 tỷ đồng, giảm lỗ 66 tỷ đồng.

Về hướng quản lý đối với kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới, ông Hùng cho biết, Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người nộp thuế có hoạt động thương mại điện tử thực hiện tốt chính sách pháp luật thuế. Cơ quan thuế tiếp tục thực hiện các đề án hiện đại hóa của ngành như: khai, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, hoàn thuế điện tử, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ lụy tiêu cực và mở rộng cơ sở thuế. Cơ quan thuế còn phối hợp với các ngân hàng thương mại để đa dạng hóa các hình thức thu nộp thuế không dùng tiền mặt…/.