Ngày 10/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng. Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết về phát triển vùng Đông Nam Bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng. Ảnh: Chinhphu.vn

Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là một đầu tàu kinh tế của cả nước

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024. Bộ trưởng cho biết, cách đây 3 tháng (ngày 5/5/2024), Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Tây Ninh đã sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 24-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ số 154/NQ-CP về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ; công bố và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát các cơ chế chính sách đặc thù vùng; tình hình triển khai các dự án quan trọng, liên kết vùng.

Trong 9 nhiệm vụ được giao tại Hội nghị vào tháng 5, đến nay đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ là: (i) Đã bổ sung quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư; (iii) Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa.

Cùng với đó, kết quả phát triển kinh tế – xã hội thời gian vừa qua của vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển.

Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước toàn Vùng đạt hơn 391.000 tỷ đồng, chiếm 38,1% tổng thu ngân sách nhà nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt 59,2 tỷ USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong 7 tháng, Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%.

Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20.000 dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước (chiếm gần 32% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký).

Tính đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.

Về Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5/2024, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, tiếp tục tiếp thu ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện.

Hiện nay, một số dự án quan trọng, liên kết vùng đang triển khai có chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là các dự án: Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, dự án Xây dựng Nhà ga Hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu; dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương…

Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, dù có mức tăng trưởng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng với vai trò là vùng kinh tế động lực, dẫn dắt của cả nước. Tăng trưởng kinh tế vùng đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên.

Sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết về phát triển vùng Đông Nam Bộ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hội đồng điều phối vùng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan để giúp hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành sau Hội nghị lần thứ ba; đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới, đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành quả chung của cả nước thời gian qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững do khả năng chống chịu và chưa có các giải pháp kịp thời trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.

Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.

Phấn đấu khởi công đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Chơn Thành – Gia Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành vào dịp 30/4/2025

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng trong thời gian tới và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh một số phương hướng, nhiệm vụ.

Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 và năm 2024; chủ động bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời.

Về các nhiệm vụ chung, trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2024 đã đề ra để quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Cùng với đó, tích cực, quyết liệt triển khai công tác quy hoạch. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.

Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…). Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết vùng.

“Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tập trung vào các ngành mới nổi; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.

Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa – Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.

Thủ tướng giao TP. Hồ Chí Minh chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11/2024.

TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Chơn Thành – Gia Nghĩa, TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.

Các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới./.