TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 TỚI DN VIỆT NAM

Đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của nước ta. Chưa dừng lại ở đó, sang đến năm 2021, kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư bắt đầu vào cuối tháng 4/2021, bùng phát mạnh ở các khu công nghiệp tại Bắc Ninh, Bắc Giang, đồng thời lan rộng ra hầu hết các quận/huyện tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Thủ đô Hà Nội. Giai đoạn khốc liệt của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra trong toàn bộ quý III/2021 khiến các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội từng khu vực, địa phương, gây nên chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa bị đứt gãy và nhiều đơn hàng sản xuất trong nước bị hủy, thiếu hụt lao động phục vụ sản xuất…

Tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam và một số khuyến nghị
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế trên thế giới duy trì được đà tăng trưởng, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Thu hút vốn đầu tư phát triển của khu vực ngoài nhà nước và khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt thấp. Đầu tư của khu vực ngoài nhà nước năm 2020 chỉ tăng 3,1%; 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 3,9% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2020 giảm 25% so với năm 2019, trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng. Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,48% (năm 2019 là 2,17%), tỷ lệ thiếu việc làm là 2,51% (năm 2019 là 1,5%). Trong quý III/2021, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động lần lượt là 3,98% và 4,46%, đều tăng so với quý I/2021 (2,19% và 2,2%).

Những con số trên phản ánh rõ tình hình hoạt động rất khó khăn của các DN. Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, số DN đăng ký thành lập mới giảm 2,3% so với năm 2019; số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể tăng 13,9%. Phần lớn các DN phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ; những DN quy mô lớn rút lui khỏi thị trường nhiều hơn. Trong 9 tháng năm 2021, có 90,3 nghìn DN tạm ngừng sản xuất, kinh doanh có thời hạn, DN dừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể. Trong số đó, có tới 50,1% DN đã và đang làm thủ tục rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường. Lần đầu tiên, số DN gặp khó khăn tạm ngừng sản xuất, chờ làm thủ tục và đã làm thủ tục giải thể lớn hơn số DN mới thành lập.

Để có cái nhìn cụ thể hơn về những khó khăn mà DN Việt Nam gặp phải trước đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 9/2021 có đến 95% DN gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; 80% DN phải tăng chi phí đầu vào do dịch; 54,2% DN tăng chi phí do giá nguyên vật liệu tăng; 49,5% DN tăng chi phí về logistics; đặc biệt có đến 33,4% DN thiếu lao động và 40,8% DN thiếu nguyên vật liệu sản xuất (Thúy Hiền, 2021).

“Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra DN 2020” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khảo sát gần 10.200 DN trên toàn quốc cũng cho biết, đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến DN tại Việt Nam. Trong đó, có 87,2% DN cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% DN cho rằng, họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.

Cả khu vực DN tư nhân trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực có xu hướng giảm khi số năm hoạt động của DN gia tăng. Song vẫn có tới 84% DN tư nhân và 85% DN FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng cho thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của DN. Chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn. Một số DN còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các DN cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít DN gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều DN cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

ĐÁNH GIÁ CÁC CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐÃ BAN HÀNH ỨNG PHÓ VỚI TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19 NHẰM HỖ TRỢ DN

Để hỗ trợ DN vượt qua những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách hỗ trợ kịp thời, tiêu biểu như: Cắt giảm 30% thuế thu nhập DN (TNDN) cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 01/01/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng.

Đặc biệt, ngày 19/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Đối tượng áp dụng là các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong hơn 50 lĩnh vực cụ thể cả trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp – xây dựng và dịch vụ; cũng như các DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017) và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; và cả các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là DN, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thời gian được gia hạn từ 3-6 tháng và người nộp thuế phải thực hiện nộp ngân sách chậm nhất vào cuối năm 2021. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế ước tính khoảng 115.000 tỷ đồng.

Nghị định số 52/2021/NĐ-CP có đối tượng áp dụng mở rộng hơn, thời gian giãn nộp kéo dài hơn so với Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020 về gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP, ngày 05/9/2020 về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Việc giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất giúp DN có thêm nguồn lực tài chính giúp tăng sức chống chiụ trước các nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, bất ổn hoặc giảm sút sức mua thị trường.

Gần đây nhất, ngày 09/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, với mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14, ngày 21/12/2020 sửa đổi, bổ sung tiểu mục 2 mục I Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14, ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14. Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 đã giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 nhằm hỗ trợ ngành hàng không (số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng); cho phép tính vào chi phí được trừ của DN, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN áp dụng cho năm 2020 và năm 2021 (ước tính số tiền thuế DN được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm); giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động; giảm phí liên quan thành lập, công bố thông tin DN, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…

Nhìn chung, những chính sách đã ban hành nói trên có sự kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành hoặc an sinh xã hội khác, trong đó bao gồm nhóm giải pháp ngắn hạn, cơ chế, chính sách trong một số ngành, lĩnh vực cụ thể, nhóm giải pháp căn cơ, dài hạn để tháo gỡ khó khăn cho tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ người dân, DN; cơ bản phù hợp diễn biến và tác động của dịch bệnh, tương đồng với cách tiếp cận mới của nhiều quốc gia trên thế giới, được người dân và cộng đồng DN đánh giá cao. Các chính sách được thực hiện với chi phí thấp, do vậy không gây ảnh hưởng đến các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời bảo lưu dư địa để tiếp tục xây dựng, thực hiện các giải pháp trong giai đoạn tiếp theo. Nhờ đó đã góp phần quan trọng giúp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giúp Việt Nam đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, duy trì triển vọng kinh tế tích cực của đất nước trong trung và dài hạn và củng cố niềm tin của người dân, DN vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung, DN nói riêng vẫn còn hết sức khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó dự báo, biến chủng Delta lây lan nhanh, gây sức ép lớn về thời gian và khối lượng công việc ban hành các chính sách hỗ trợ. Một số cơ chế, chính sách chưa bảo đảm tính tổng thể, chưa bao quát hết được tính chất, quy mô, mức độ khẩn cấp như đại dịch Covid-19. Theo VCCI, trung bình vẫn có 22% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, như: đề nghị miễn, giảm thuế (23% DN gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)… Việc giảm phí, lệ phí có hiệu ứng tích cực, nhưng các quy định về thủ tục vẫn cứng nhắc, đặc biệt trong kiểm tra DN phải trả chi phí kiểm tra xét nghiệm 2-3 nơi, khiến DN phát sinh thêm nhiều chi phí (Nguyễn Minh Phong, 2021). Ngoài ra, năng lực dự báo, cơ sở dữ liệu còn yếu, trong khi năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn nhiều bất cập, hạn chế.

TRIỂN VỌNG TRONG THỜI GIAN TỚI VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh. Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện tử, dệt may, da – giày, chế biến nông sản, thủy sản… sẽ tăng mạnh trở lại. Do vậy, đây là cơ hội của Việt Nam trong việc giành được các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh.

Ở trong nước, sự phục hồi của cầu nội địa, với sức tiêu thụ của thị trường trên 97 triệu dân khi đại dịch Covid-19 được đánh giá là cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc; môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động. Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương và song phương quan trọng có quy mô và tầm vóc lớn, đồng thời chúng ta đang mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới. Hơn nữa, Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nâng cao năng lực và tạo sự đồng bộ hơn về cơ sở hạ tầng của nền kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam, bằng chứng do đại dịch, dòng vốn đầu tư nước ngoài của thế giới suy giảm trên 30%, nhưng vốn FDI đổ vào nước ta vẫn tăng (Thúy Hiền, 2021).

Trong bối cảnh như vậy, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy DN Việt Nam phục hồi trở lại, cụ thể như sau:

Một là, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19 là điều kiện tiên quyết, mang tính cốt lõi để khôi phục kinh tế và giảm thiểu tổn thất do đại dịch gây ra. Cần quyết tâm cao hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19, nhất là tại khu vực động lực, thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để sớm có đủ vắc xin phòng Covid-19 tiêm miễn phí cho toàn dân, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 70% tổng dân số trong thời gian sớm nhất; ban hành danh sách các địa phương, ngành, lĩnh vực được ưu tiên bố trí nguồn vắc xin để chính quyền địa phương và DN, hợp tác xã, người dân chủ động kế hoạch duy trì hoạt động kinh tế – xã hội, sản xuất, kinh doanh. Sớm có cơ chế hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa và nhanh chóng cho DN nhập khẩu vắc xin bảo đảm chất lượng, mua máy móc, trang thiết bị phòng, chống dịch. Thực hiện việc công nhận hộ chiếu vắc xin với các nước; duy trì hiệu quả, cập nhật thường xuyên hệ thống thông tin, dữ liệu về tiêm vắc xin phòng Covid-19 để tăng cường phòng bị, bảo đảm an toàn xã hội. Phân bổ, sử dụng có hiệu quả số tiền huy động từ các nguồn lực xã hội ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19 theo các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; đẩy nhanh tiến độ giải ngân Quỹ vắc xin phòng Covid-19.

Hai là, nâng cao nhận thức về bối cảnh “bình thường mới”, khả năng dịch Covid-19 còn tồn tại trong một thời gian dài và tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội ngay cả khi tỷ lệ tiêm vắc xin trong nước đạt 100%.

Ba là, áp dụng các biện pháp nhất quán, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để duy trì cả cung và cầu trên thị trường, duy trì sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. Kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng với chính sách tài khóa và chính sách an sinh xã hội trên tinh thần tận dụng tối đa và hiệu quả các nguồn lực. Trên phương diện kinh tế, quan điểm chung là hỗ trợ DN, hợp tác xã, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ phục vụ trực tiếp cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Chính vì vậy, hỗ trợ phải quyết liệt, mạnh mẽ, liên tục, thông suốt, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, kịp thời, dễ tiếp cận; quy mô hỗ trợ phải tương xứng với ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; điều kiện, tiêu chuẩn các gói hỗ trợ phải khả thi; các quy trình, thủ tục để hưởng hỗ trợ phải được đơn giản hóa tối đa; đồng thời, có cơ chế giám sát, kiểm tra sát sao việc thực hiện và chế tài xử lý để tránh lợi dụng, trục lợi chính sách.

Bốn là, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng thực thi của hệ thống chính quyền cấp cơ sở, tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức cho các DN. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý nhà nước các cấp…

Năm là, cần lưu ý rằng, so với quy mô tài chính, phương thức, giải pháp và đối tượng các gói hỗ trợ DN và người dân của Chính phủ nhiều nước chống dịch Covid-19 năm 2020 và năm 2021, thì các gói hỗ trợ của Việt Nam còn khiêm tốn… Bởi vậy, cần thêm những giải pháp thiết thực khác nhằm hỗ trợ DN, như: giảm lãi suất cho vay và linh hoạt hơn các điều kiện tiếp cận thực tế tín dụng ngân hàng… Các quy trình và giá cả dịch vụ quản lý dịch vụ công phải bảo đảm sự thuận lợi và tiết giảm chi phí trong lưu thông hàng hóa thông suốt giữa các thị trường trong nước với nước ngoài, giữa các tỉnh có dịch với các địa phương giáp ranh…

Sáu là, thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi số, nhằm giúp DN có sức chống chịu tốt hơn. Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới nhiều quốc gia, người dân và DN, trong bối cảnh đó, những DN sớm triển khai chuyển đổi số có sức chống chịu tốt hơn. Đồng thời, việc chuyển đổi số giúp DN sẵn sàng thích nghi “sống chung với dịch”, tận dụng cơ hội để bứt phá./.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê (2020). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2020

2. Tổng cục Thống kê (2021a). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng năm 2021

3. Tổng cục Thống kê (2021b). Thông cáo báo chí Tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng năm 2021

4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) (2021). Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra DN 2020

5. Nguyễn Thị Hương (2021). Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 28

5. Thúy Hiền (2021). Chuyên gia dự báo kinh tế quý IV sẽ từng bước phục hồi, truy cập từ https://baotintuc.vn/kinh-te/chuyen-gia-du-bao-kinh-te-quy-iv-se-tung-buoc-phuc-hoi-20211011103115486.htm

6. Nguyễn Minh Phong (2021). Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19…!, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Kinh-te/De-ho-tro-doanh-nghiep-vuot-qua-dai-dich- Covid-19/445117.vgp

TS. Hồ Thị Thu Hương

Học viện Tài chính

(Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 29 năm 2021)