Sáng ngày 25/02/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Đại sự quán Ai-len tại Việt Nam và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tổ chức Hội thảo “Tác động của Hiệp định EVFTA sau đại dịch Covid -19 và các biện pháp ứng phó phù hợp” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Ailen, Canada và tổ chức FNF (Đức), cùng trên 30 đại biểu từ các Hiệp hội và các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Tác động của EVFTA đối với Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Cơ hội tùy thuộc vào sự chủ động thích ứng
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU; khẳng định việc thực thi Hiệp định EVFTA từ tháng 8/2020 đã có những hiệu ứng đối với nền kinh tế, nhưng ở mức độ nào khi mà nền kinh tế của các nước tham gia EVFTA đều chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì cần phải có đánh giá khách quan. Trong bối cảnh này, tại Quyết định số 1201/QĐ-TTg ngày 06/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện báo cáo “Đánh giá định lượng về tác động của EVFTA sau đại dịch Covid-19 đối với các mặt kinh tế – xã hội cũng như các ngành cụ thể, kiến nghị các biện pháp ứng phó phù hợp” trình Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa nhằm phát huy tốt nhất tác động tích cực và giảm thiểu các tác động tiêu cực của Hiệp định mang lại.

Tác động của EVFTA đối với Việt Nam sau đại dịch Covid-19: Cơ hội tùy thuộc vào sự chủ động thích ứng
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tại Hội thảo, trình bày kết quả nghiên cứu “Tác động định lượng của Hiệp định EVFTA sau đại dịch Covid-19 đối với các mặt kinh tế – xã hội cũng như các ngành cụ thể, kiến nghị các biện pháp ứng phó phù hợp”, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lương Văn Khôi đã nêu bật những đánh giá tác động của EVFTA tới kinh tế vĩ mô (GDP; Xuất nhập khẩu; Ngân sách Nhà nước; FDI; Lao động; Thể chế – chính sách, Sở hữu trí tuệ) và các nhóm ngành chủ yếu (14 nhóm ngành) của Việt Nam có tính đến tác động của đại dịnh Covid-19. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU (tháng 8/2020 đến tháng 12/2020) sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt hơn 2,65 tỷ USD, chiếm 14,83% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Các mặt hàng có kim ngạch sử dụng C/O cao có mức thuế quan ưu đãi FTA của EU dành cho Việt Nam thấp hơn so với GSP và quy định xuất xứ EVFTA lỏng hơn hoặc tương đương GSP (thủy sản, cao su, giầy dép, gạo,…) đã giúp cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA. Trên cơ sở tính toán từ mô hình CGE/GTAP, nghiên cứu đưa ra các kịch bản dự báo tình hình xuất khẩu sang EU trong các trường hợp: (i) Không có Covid-19, xuất khẩu sang EU tăng bình quân 5,15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025 tăng 30,4% và tăng 36,2% vào năm 2030; (ii) Covid22 (thuật ngữ chỉ thời kỳ sau Covid-19 lấy theo năm), tác động của đại dịch không đáng kể trong năm đầu, năm 2025 xuất khẩu sang EU tăng 29,7% và tăng đến 35% vào năm 2030; (iii) Covid25 xuất khẩu sang EU tăng 25,5% vào năm 2025 và tăng 33,16% vào năm 2030 (giảm 3% so với không có Covid-19). Đồng thời, tác động chuyển hướng thương mại trong những năm đầu đóng góp khoảng 46,5% tác động tăng thêm đối với xuất khẩu sang EU, giảm còn 46,2% vào năm 2025 và 45,2% vào năm 2030… Từ những nhận định có căn cứ, nghiên cứu đưa ra những biện pháp khắc phục phù hợp, như: tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản pháp luật; Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường phổ biến tuyên truyền và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý về EVFTA; Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, đáp ứng quy tắc xuất xứ; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Giảm thiểu và ứng phó với các yếu tố tiêu cực: cơ cấu lại ngân sách nhà nước; ứng phó với các biện pháp phòng vệ và tranh chấp thương mại…; Thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống toàn cầu, nhưng có thể ảnh hưởng nặng hơn đối với Việt Nam – quốc gia có độ mở thương mại cao, biểu hiện ra như: cầu tiêu dùng và cầu xuất khẩu giảm do giãn cách xã hội; đứt gãy các chuỗi cung ứng; tăng chi phí logistics… làm giảm hiệu quả thương mại, hiệu quả đầu tư. Từ góc nhìn doanh nghiệp khi thực thi Hiệp định EVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang đã cho thấy, những vấn đề mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt thời kỳ hậu Covid-19, như: chi phí logistics, nguyên vật liệu, xăng dầu leo thang khó lường; khả năng đáp ứng các yêu cầu TBT, SPS của Hiệp định EVFTA; hạn chế trong năng lực cạnh tranh; khả năng thích ứng với các biến động của thị trường và diễn biến dịch. Theo đó, nhấn mạnh vào các hỗ trợ cho doanh nghiệp về phổ biến tuyên truyền chuyên sâu theo vấn đề, theo thị trường; cung cấp thông tin thị trường; xúc tiến thương mại các cấp độ từ quốc gia đến sản phẩm; hỗ trợ nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi, như: chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng các yêu cầu của đối tác, chuyển đổi số. Đi kèm với đó là cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhất là đối với thủ tục xuất nhập khẩu.

Tại Hội thảo, các đại diện Đại sứ quán Ailen, Canada và tổ chức FNF đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về xu hướng phục hồi sau đại dịch Covid-19 và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng thị trường EU. Đại biểu từ các bộ, ngành và các nhà kinh tế từ giác độ của mình đã đưa ra đóng góp làm sâu sắc thêm nhận định, Covid-19 đang có tác động nhiều chiều tới hiệu quả của Hiệp định. Một số ngành có xuất khẩu gia tăng nhanh do tắc nghẽn nguồn cung ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên cũng rất nhiều ngành đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Nếu Covid-19 kéo dài, cần đặc biệt chú ý những ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, xuất khẩu, đầu tư của Việt Nam. Đồng quan điểm đánh giá EVFTA là một FTA có tác động rất tích cực tới kinh tế Việt Nam. Hậu Covid- 19, kinh tế EU phục hồi, đặc biệt khi cầu về tiêu dùng hàng hóa tại EU phục hồi, sẽ là cơ hội tốt nâng cao hiệu quả của Hiệp định cho cả hai bên./.

Linh Thanh