Tác động khoa học biểu hiện qua nhiều hình thức, mức độ và được đo lường qua một số chỉ số chính hiện nay, như: số lượng, phẩm cấp của ấn phẩm khoa học, chỉ số H index, số trích dẫn khoa học. Tuy nhiên, có một chỉ số quan trọng khác, nhưng ít được chú ý là “sự truyền dẫn khái niệm”. Đó là khái niệm học thuật mà nhà khoa học giới thiệu trong ấn phẩm, sau đó, được đồng nghiệp trong và ngoài nước sử dụng (lại) trong công trình nghiên cứu của họ.

Và đến đây, tôi xin kể câu chuyện về “cộng tính văn hóa” (cultural additivity), một ví dụ về sự truyền dẫn khái niệm. Cũng bởi vì hứng thú với những cảm nhận sâu xa của bản thân về ý niệm giàu tính văn hóa này, kèm thêm mối quan tâm môi trường, cho nên tôi mới có bài viết trên Kinh tế và Dự báo vào chính dịp Tết Nguyên đán 2022 [1].

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ rằng, bài báo trên của tôi khó có thể so sánh với những bài nghiên cứu mạnh khác đã chạm tới cultural additivity trên những tờ rất uy tín như Science Advances (họ Science) [2] hay của những tác giả kỳ cựu đã vang danh học giới quốc tế như Noboru Konno đăng trên Journal of Intellectual Capital [3]. Mà đó mới chỉ là 2 trong số rất nhiều ấn phẩm đã sử dụng khái niệm cộng tính văn hóa, xuất phát từ giới nghiên cứu học thuật Việt Nam.

Tác động của nhà khoa học
Tác động khoa học là đích đến quan trọng của nhà khoa học.

Nhưng dù sao chăng nữa, sự thật là tôi đặc biệt yêu thích khái niệm học thuật này và luôn để tâm theo dõi sự lan tỏa qua cách thức, mà khái niệm văn hóa xuất xứ Việt Nam đang lan truyền trong giới khoa học quốc tế. Chính vì thế, tôi tình cờ phát hiện ra một nấc lan truyền mới khá lý thú. Cụ thể là trong một chương sách học thuật [4] trong cuốn Anxiety, Uncertainty, and Resilience During the Pandemic Period, có đoạn như sau:

“Vietnamese resilience, attributable, in part, to “tam giao”, a coexistence of religious and philosophical Taoism, Buddhism, and Confucianism through cultural additivity, provides a unique mindset that other countries can learn from to adapt and even build psychological resilience against COVID-19 pandemic’s psychological outcomes…”

Đoạn văn của hai tác giả R. Mungmunpuntipantip và V. Wiwanitkit [4] đón nhận tới cả hai khái niệm “Tam giáo” lẫn “Cộng tính văn hóa”, thông qua việc tìm đọc một tài liệu khoa học khác đã xuất bản là “Mental health during COVID-19: Tam Giao and Vietnam’s response” của S. Small và J. Blanc [5]. Thực tế này đã giúp tôi nhận thấy một điều: vẻ đẹp và sự hữu dụng của khái niệm cộng tính văn hóa đã được bảo toàn và truyền dẫn hiệu quả, khiến cho hai tác giả của [4] có thể sử dụng cộng tính văn hóa trực tiếp từ nghiên cứu của Small và Blanc, mà không nhất thiết phải lần tìm về nghiên cứu gốc, nơi khởi đầu của ý niệm này [6].

Trong giới làm khoa học, chúng tôi vẫn ví von rằng, lúc ấn phẩm khoa học hay khái niệm học thuật giới thiệu trong ấn phẩm khoa học được xuất bản mới chỉ là lúc “đứa con tinh thần” được cấp giấy khai sinh và mong đứa con ấy lớn khôn và đi chu du càng xa càng tốt. Qua ví dụ nói trên cho thấy, khái niệm “cộng tính văn hóa” chứng tỏ đang có một đời sống riêng của nó, với sức sống và mức độ ảnh hưởng được xác lập thông qua các tác phẩm tiếp theo mà khái niệm đó đã góp phần tạo nên.

Tóm lại, khát khao cháy bỏng của các nhà khoa học chân chính/thực thụ là bước lên nấc thang cao nhất của công việc nghiên cứu, đó là sáng tạo và giới thiệu những khái niệm học thuật hay định luật, lý thuyết, tư tưởng khoa học ra với cộng đồng khoa học ở khắp nơi trên thế giới. Và điều quan trọng hơn là những người sáng tạo tri thức nhìn thấy sự nồng nhiệt và hạnh phúc của đồng nghiệp khi đón nhận “đứa con tinh thần” của mình và như thế họ có thể tự hào và hạnh phúc trọn vẹn với nghề nghiên cứu./.

Tài liệu tham khảo

[1] Khúc Văn Quý (2022). “Tết” và tính cộng văn hóa dân tộc – môi trường, truy cập từ https://kinhtevadubao.vn/tet-va-tinh-cong-van-hoa-dan-toc-moi-truong-21261.html

[2] Alshaabi, T., et al. (2021). Storywrangler: A massive exploratorium for sociolinguistic, cultural, socioeconomic, and political timelines using Twitter, Science Advances, 7(29)

[3] Konno, N., Schillaci, C. E. (2021). Intellectual capital in Society 5.0 by the lens of the knowledge creation theory, Journal of Intellectual Capital, 22(3), 478-505

[4] Mungmunpuntipantip, R., Wiwanitkit, V. (2021). Buddhist Monastery, Amulet, Spiritual Support and COVID-19 Outbreak. In: F. Gabrielli & F. Irtelli. (Eds.) Anxiety, Uncertainty, and Resilience During the Pandemic Period, InTech Open. DOI: 10.5772/intechopen.96496. https://www.intechopen.com/chapters/75425

[5] Small, S., Blanc, J. (2021). Mental health during COVID-19: Tam Giao and Vietnam’s response, Frontiers in Psychiatry, 11, 589-618

[6] Vuong, Q. H., et al. (2018). Cultural additivity: behavioural insights from the interaction of Confucianism, Buddhism and Taoism in folktales, Palgrave Communications, 4(1), 143

Khúc Văn Quý