“Thời gian qua hoạt động dầu khí đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập…”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, khi trình bày Tờ trình Dự án luật Dầu khí (sửa đổi) trước Quốc hội hôm nay (ngày 3/6), theo Văn phòng Quốc hội.

Cần bổ sung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (ảnh: Quốc hội)

Nêu cụ thể những bất cập, ông Diên cho biết, gồm: một số vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, nhưng chưa được quy định cụ thể bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi; một số vấn đề được quy định trong Luật Dầu khí, nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác… Bởi vậy, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), như: chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí…

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị báo cáo về tính phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Cần bổ sung quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định những nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (ảnh: Quốc hội)

Ủy ban Kinh tế còn đề nghị bổ sung quy định rõ ràng, cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật theo nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật đối với các nội dung có liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về “điều kiện đầu tư kinh doanh” trong lĩnh vực dầu khí.

Về điều tra cơ bản về dầu khí, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ về trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan này và nghiên cứu, bổ sung quy định rõ ràng, đầy đủ về: cơ chế thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; các tiêu chí, điều kiện xác định trường hợp cơ quan quản lý nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia; hình thức ghi nhận sự thỏa thuận giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân; căn cứ, trách nhiệm thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong trường hợp thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí tại khu vực đã được giao thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản hoặc thăm dò, khai thác khoáng sản và các nội dung khác có liên quan…/.