Đổi mới giáo dục không thể bị lệch lạc, mất phương hướng

Nói đến giáo dục giai đoạn vừa qua là nói đến cải cách, đổi mới. Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Xã hội cũng yêu cầu chúng ta thay đổi rất nhiều thứ. Đổi mới, thay đổi là cần thiết nhưng đổi mới thế nào, đổi mới ra sao để không bị lệch lạc, mất phương hướng mới là vấn đề quan trọng.

Chúng tôi nghĩ, giáo dục phải là môi trường đòi hỏi những nguyên tắc căn bản, những kiến thức nền, những chuẩn mực, gọi là “khuôn vàng thước ngọc”. Giáo dục cần sự ổn định, thế nhưng thực tiễn lại đòi hỏi chúng ta phải đổi mới liên tục, vậy thì vấn đề ở đây đặt ra là đổi mới thế nào để vừa đáp ứng được nguyên tắc, chuẩn mực của nghề, mà cũng đáp ứng được yêu cầu đổi mới của ngành, của xã hội? Đây là điều mà ngành phải tính, phải nhận thức thật sự thấu đáo đề làm đúng. Là lãnh đạo quản lý, chúng ta phải tạo điều kiện, môi trường để các thầy cô đạt được cả hai yêu cầu này.

Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về tầm nhìn và hoài bão đổi mới phát triển giáo dục
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về tầm nhìn, hoài bão và trăn trở trong đổi mới giáo dục đào tạo

Giáo dục mầm non phải giữ được sự hồn nhiên cho thế hệ công dân tương lai

Bác Hồ nói về giáo dục đã căn dặn: Dạy mẫu giáo trước tiên phải dạy giữ mãi sự hồn nhiên cho các cháu. Chúng tôi cho rằng ý của Bác như là tuyên ngôn của ngành Giáo dục mầm non. Câu hỏi ở đây là chăm sóc, dạy dỗ kiến thức nhưng phải làm sao giữ được sự hồn nhiên cho các cháu? Hiện nay chúng ta có dạy cứng nhắc theo giáo trình, dạy trẻ con nói giọng của người lớn, tư duy theo kiểu người lớn hay không? Chúng ta có đặt ra yêu cầu dạy kiến thức, những điều quá lớn với giáo viên mầm non hay không? Các cô giáo phải làm sao để gìn giữ, duy trì sự hồn nhiên của lớp thế hệ công dân của chúng ta trong tương lai? – Đó là những vấn đề chúng ta phải trăn trở, tư duy.

Dạy đạo đức là nhiệm vụ hàng đầu của giáo dục Tiểu học

Giáo dục phải dạy những gì? Giáo dục phải dạy kiến thức gì hết sức cơ bản của con người. Đạo đức là toàn bộ nền tảng của Giáo dục tiểu học – đó là lời của Bác Hồ. Cho đến giờ, hơn 50 tuổi rồi, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được những tiết học cấp 1. Những thầy cô giáo cấp 1 là những người đi vào tâm khảm của học sinh lâu nhất, nhớ nhất, và những tiết học mà chúng tôi nhớ nhất lại là những tiết học Đạo đức.

Những câu chuyện mà cứ cuối giờ, gấp sách bút lại, cô giáo dành một thời gian đọc, kể cho chúng tôi một câu chuyện về đạo đức. Những câu chuyện mà nghe có vẻ rất đơn giản nhưng nó lại làm cho chúng ta nhớ mãi, như câu chuyện: Tô mỳ của người lạ, giáo dục chúng ta về tình cảm, ứng xử đối với cha mẹ. Câu chuyện nhỏ, rất đơn giản, ngắn gọn thôi nhưng có thể nói là nhớ cho đến già. Nó thay cho rất nhiều bài học khác.

Chúng tôi muốn làm sao ở bậc Tiểu học, các giáo viên phải truyền giảng, dành cho các em – lứa, lớp công dân sau này, có kiến thức, có sự nhân văn trong tâm khảm của mình. Có một nhà sư phạm đã nói: “Giáo dục đại học là nơi đầu tiên của hội nhập, nhưng giáo dục tiểu học lại là nơi cuối cùng của gìn giữ bản sắc văn hóa, đạo đức của con người”. Rõ ràng, ta muốn dạy một con người có đạo đức thì phải cố gắng làm sao đưa ngay vào chương trình ở bậc Tiểu học. Tôi thực sự mong muốn chúng ta có một nền giáo dục thực sự nhẹ nhàng, nhưng đi sâu vào tâm khảm của các em như vậy.

Tập trung đào tạo và trang bị cho học sinh Trung học bản lĩnh, kiên trì và kỹ năng sống

Với học sinh trung học, dạy kiến thức cơ bản và hãy dạy cho các em bản lĩnh, kiên trì, ứng phó trước sóng gió, sự thay đổi của cuộc sống. Trước tiên là dạy cho các em có khả năng sau này ra trường làm thợ. Tại sao chúng ta đang duy trì tỉ lệ ngày càng cao hơn học sinh đi học nghề sau khi tốt nghiệp THPT chính vì mục tiêu này.

Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về tầm nhìn và hoài bão đổi mới phát triển giáo dục
Tập thể Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc nhận Cờ thi đua của Chính phủ

Những vấn đề liên quan đến ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống là 2 vấn đề hết sức cơ bản. Nếu chúng ta biết cách làm, biết cách xã hội hóa sẽ hết sức thuận lợi. Ngoại ngữ để giúp con trẻ chúng ta có thêm một font văn hóa, có thêm tư duy và kiến thức, có thêm khả năng tiếp cận với thế giới bên ngoài, mở ra cơ hội rất lớn về công việc trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay.

Chúng tôi muốn giáo dục làm sao để sau này các em học sinh tốt nghiệp THPT, có rất nhiều cơ hội, thậm chí nếu không sống tại quê hương, các em có thể sang các nước để sống và làm việc. Philippines là đất nước lạc hậu hơn chúng ta nhưng người dân thậm chí không sống ở đó thì họ sang Anh tìm việc làm ngay, vì họ có một thứ, đó là ngoại ngữ.

Còn kỹ năng sống là giúp trẻ em chống chọi, ứng phó được các thay đổi, các nguy hiểm, sinh tồn. Rất nhiều câu chuyện trẻ em thoát chết, sống sót vì chúng được đào tạo kỹ năng thoát nạn. Đấy là kỹ năng sống. Cần không? – Cần quá đi chứ! Bố mẹ sẵn sàng nộp 50.000 – 100.000 đồng/tháng để các con được học, được tiếp cận những cái đó. Mong mỏi và đề nghị các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND cũng quan tâm tạo cơ chế cho phép các trường thu tiền để đào tạo các nội dung đó cho các em. Bởi không ở đâu khác, đào tạo kỹ năng sống trong nhà trường là tốt nhất.

Giữ gìn sự tâm huyết, trách nhiệm, sự trong sáng của giáo dục

Gian lận trong thi cử, tiêu cực trong ngành từ việc xin điểm, cất nhắc, đề bạt, chuyển trường, có hay không có? Đây là vấn đề chúng ta cũng phải đặt lên bàn để trả lời, xem xét. Phải khẳng định được với xã hội là chúng ta thật sự không có những chuyện đó. Nếu như có mầm mống ở đâu thì chúng ta phải xử lý triệt để ngay.

Phải làm thế nào để môi trường này thực sự là môi trường trong sạch, minh bạch, đào tạo ra những con người có Đức, Trí, Thể, Mỹ, bởi tiêu cực ở một ngành, một lĩnh vực khác, nó chỉ ảnh hưởng đến phạm vi con người, cá nhân, ngành đó, nhưng tiêu cực trong ngành Giáo dục, nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Thầy cô phải thực sự trong sáng thì mới dạy, mới đào tạo ra được những công dân trong sáng.

Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về tầm nhìn và hoài bão đổi mới phát triển giáo dục
Vĩnh Phúc là địa phương có điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước. Nguồn: Sở GĐ&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc

Đối với các thầy cô giáo, xã hội còn đòi hỏi ở người thầy một cái tâm, sự say mê sáng tạo, một phương pháp phù hợp, mới mẻ để học sinh thích, hiểu, “tiêu hóa” được kiến thức một cách hứng thú nhất; đòi hỏi một cách tiếp cận làm sao vừa gần gũi, vừa chân thành nhưng vẫn nghiêm túc để học sinh muốn đến trường, muốn học tập và tự tin phát triển bản thân. Đó đều là những điều khó khăn, vất vả mà chúng tôi muốn chia sẻ với những người đã chọn sự nghiệp đứng trên bục giảng, nhưng đấy cũng chính là những điều mà học sinh, phụ huynh, nhân dân và lãnh đạo Tỉnh mong muốn, yêu cầu, đòi hỏi ở chúng ta.

Xây dựng một xã hội học tập sẽ có một mặt bằng dân trí

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, ngành Giáo dục thấm nhuần và phát huy, tiếp tục làm tốt hơn nữa. Đây là nội dung mà tôi cho là hết sức quan trọng. Ai đó đã từng đúc kết: Trong dạy và học thì học quan trọng hơn. Trong học thì tự học là vô cùng quan trọng. Muốn tự học được thì phải có ý thức, có mong muốn. Công tác khuyến học đóng góp quan trọng vào điều đó.

Thứ hai, chúng tôi vẫn nói giáo dục mũi nhọn với các em học sinh đạt Huy chương quốc tế giúp nâng tầm Tỉnh chúng ta lên, làm cho chúng ta rất tự hào, nhưng làm sao để thu hút được các nhân tài này quay về với địa phương vẫn là vấn đề đặt ra. Mặc dù Nghị quyết của Tỉnh đã phê duyệt chi rất nhiều tiền để thu hút nhân tài, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thuyết phục được các em ấy quay về. Chúng ta chưa thực sự có đủ điều kiện để đáp ứng được yêu cầu của các em, nhưng cũng cần nhận ra rằng, xây dựng xã hội học tập để tạo ra cả một xã hội cùng học, nó sẽ tạo ra và nâng cao được mặt bằng dân trí của Tỉnh. Một em đạt Huy chương Vàng như một cánh én nhỏ, chưa thể làm thay đổi được chúng ta, nhưng một xã hội học tập, trong vòng 5 năm tới, nếu làm tốt, thì sẽ làm thay đổi cả Vĩnh Phúc.

Nếu chỉ trông vào ngân sách, chúng ta mãi là giáo dục nghèo

Vấn đề mà chúng tôi tâm huyết, quan tâm, đề nghị các thầy cô, đặc biệt là lãnh đạo Sở GDĐT, đó là thu hút đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT, vấn đề hội nhập trong giáo dục. Nhiều năm nay, chúng ta có một tình trạng là thiếu giáo viên, thiếu tiền đầu tư cho giáo dục, nhưng chúng tôi khẳng định rằng, việc thiếu giáo viên chỉ một phần do chính sách, cái chính là chúng ta chưa làm tốt, chưa xây dựng được cơ chế xã hội hóa giáo dục. Nếu giáo dục chỉ trông mãi bằng chi ngân sách thì chúng ta sẽ mãi là giáo dục nghèo.

Tôi học Kinh tế, là người ngoại đạo với Giáo dục, nhưng có thể khẳng định rằng, không có một ngành nào chỉ trông vào đồng ngân sách để phát triển ngành đấy cả. Cho nên, để thu hút đầu tư, để xã hội hóa giáo dục thì phải làm ngay từ mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Đơn giản nhất là mỗi gia đình có thể đóng góp để con em học ngoại ngữ hay kỹ năng sống kể trên.

Hình thức xã hội hóa cao hơn đó là thu hút các trường tư có thương hiệu về đầu tư. Ta có trường công lập nào nếu dành được khu đất đấy cho các trường tư nói trên thuê, để họ mang Trí, mang Lực, mang Tài của họ về đào tạo cho con em chúng ta, thì thứ nhất, chúng ta thu được tiền; thứ hai, ngân sách không phải trả lương cho toàn bộ giáo viên của trường đó; thứ ba, chất lượng giáo dục họ mang từ thế giới về đây dạy con em chúng ta, thay vì áp lực thầy cô giáo của chúng ta vừa dạy học, vừa “cõng” các kiến thức từ Mỹ, Pháp, Canada về đây…

Hội nhập trong giáo dục là vấn đề hết sức cấp thiết

Hội nhập trong giáo dục hiện nay, là vấn đề tôi cho là hết sức cấp thiết rồi chứ không phải là quan trọng nữa. Trong điều kiện thế giới phẳng hiện nay, chúng ta đào tạo ra các công dân, phải là công dân quốc tế. Ngành Giáo dục trả lời giúp tôi, năm nay có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp cấp 3 đủ khả năng vào các trường thế giới, bao nhiêu phần trăm học sinh Vĩnh Phúc đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế? Chúng ta cần phải theo dõi chỉ số này.

Thực tế, Vĩnh Phúc là một trong những Tỉnh thu hút đầu tư rất tốt, thể hiện qua con số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, con số nộp thuế thu nhập cá nhân có thể nói là cao nhất toàn quốc, thế nhưng nhìn vào danh sách nộp thuế thu nhập cá nhân, địa chỉ người Vĩnh Phúc rất ít. Như vậy những người làm việc và thu nhập cao, nộp thuế nhiều đều ở đâu đến đây, trong khi đó, ta đào tạo ra những con người rất giỏi nhưng chúng ta lại không biết các em đang ở đâu. Nói cách khác, chúng ta đào tạo ra các em rất tốt nhưng sau đó thì việc tái thu hút, sử dụng các em, quay trở lại không tốt.

Tôi rất nhớ câu chuyện đoàn lãnh đạo cao cấp của Tỉnh đi công tác tại Mỹ. Đoàn có đi thăm các trường đại học là Arizona ở bang Arizona và Portland ở bang Oregon. Và họ gợi mở, nếu các bạn thay đổi tư duy, cách tiếp cận một chút thì sẽ hiệu quả hơn nhiều, đó là đề nghị Arizona mở một cơ sở ở Vĩnh Phúc, đưa toàn bộ con người, giáo trình, kiến thức sang để lập một cơ sở đào tạo của Trường Đại học Arizona tại Vĩnh Phúc. Trong đó, đào tạo cho người Vĩnh Phúc có thể miễn, giảm học phí, nhưng quan trọng là thu học phí của người học ở các địa phương khác, quốc gia khác cũng phải đến Vĩnh Phúc để được học và được cấp bằng của Đại học Arizona, thì tại sao lại không? Họ đề xuất như vậy, chúng tôi mới thấy rằng, đúng là chúng ta phải thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách tiếp cận, mà cái này đâu phải quá khó nếu chúng ta có đủ đất, đủ cơ chế. Thực hiện hướng đi này, chúng ta hãy bắt đầu đặt một cơ sở nho nhỏ thôi, làm dần dần thì nó sẽ thay đổi. Cách tốt nhất, con đường ngắn nhất của giáo dục để đưa được dân tộc, người dân ra biển lớn bắt kịp với thế giới, nâng tầm Vĩnh Phúc lên; trao thêm cơ hội cho các em, các cháu chúng ta và giảm gánh nặng cho ngân sách chính là thu hút đầu tư và vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế này./.

Vĩnh Phúc là địa phương đứng đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Căn cứ vào dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT công bố ngày 18/7, địa phương dẫn đầu cả nước về trung bình số điểm thi các môn thuộc về Vĩnh Phúc – 7,36 điểm (tăng 1 bậc so với năm ngoái, soán ngôi của Nam Định). Với điểm bình quân các bài thi đạt 7,16, Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Trong đó, có 4/9 môn thi đứng vị trí top 1 cả nước đó là Lý, Sử, Địa, Giáo dục công dân; môn Ngữ văn đứng top 2 cả nước; môn Toán đứng top 4; môn Hóa, Sinh đứng top 5; môn Ngoại ngữ đứng top 7.

Chủ tịch UBND Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chia sẻ về tầm nhìn và hoài bão đổi mới phát triển giáo dục
Vĩnh Phúc đứng vị trí đầu trong Top 20 tỉnh, thành có điểm trung bình bài thi các môn đứng đầu cả nước. Nguồn: Sở GĐ&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc

Trong nhiều năm qua, Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Thực hiện đổi mới giáo dục, Vĩnh Phúc là một trong 4 tỉnh sớm nhất cả nước hoàn thành biên soạn, giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1. Chất lượng trong dạy, học, thi cử và kiểm định chất lượng giáo dục được xếp là một trong 5 đơn vị đứng đầu toàn quốc. Năm 2022 đứng thứ 3, năm 2023 đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ đạt giải học sinh giỏi; đặc biệt trong hơn 3 năm qua Tỉnh đã có 4 học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic Quốc tế các môn Toán, Sinh học và Vật lý.

Kế hoạch “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2021-2030 được địa phương này ban hành. Quỹ Khuyến học, khuyến tài các cấp được thành lập và vận động được trên 50 tỷ đồng, một số huyện đã vận động được trên 2 tỷ đồng. Phong trào khuyến học, khuyến tài được nhân rộng, nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào rộng khắp như Hội sách, Hội thảo văn hóa đọc, Hội sách gắn kết yêu thương; Khai bút đầu xuân; Nhận thức – đổi mới – sáng tạo… với hàng trăm ngàn lượt người dân, học sinh, sinh viên hưởng ứng. Các hoạt động ngày hội Văn hóa đọc được tổ chức tại 9/9 huyện, thành phố đang trở thành xu thế và góp phần xây dựng văn hóa đọc của Vĩnh Phúc nói riêng, xây dựng bản lĩnh, tri thức, văn hóa con người Vĩnh Phúc nói chung.