Hàn Quốc đã có “Luật kinh tế hydro”, mong hợp tác với Việt Nam phát triển điện khí
Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… lạc quan về triển vọng mở cửa, phục hồi và phát triển của Việt Nam

Đề cập đến vấn đề thuế, Chủ tịch KoCham cho rằng, Việt Nam đang đạt được những thành tựu quan trọng trong việc lấy lại đà tăng trưởng nhờ việc gia tăng kim ngạch thương mại và phục hồi nền kinh tế nhanh chóng bất chấp những hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phục hồi đầu tư trong tương lai, Việt Nam cần phải cung cấp một môi trường đáp ứng được các tiêu chuẩn toàn cầu để có thể nhanh chóng thích ứng được với những thay đổi của hoàn cảnh và đặc biệt là để cho các doanh nghiệp có thể đầu tư được một cách thuận lợi. Theo ông Kim Han-yong, gần đây, Việt Nam đã có một số cải thiện về các quy định, chẳng hạn như Luật Quản lý thuế sửa đổi và sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Tuy vậy, ông Kim Han-yong kiến nghị Chính phủ Việt Nam sẽ có những hướng dẫn rõ ràng để đảm bảo các nội dung trên được áp dụng một cách thống nhất trên toàn quốc, đồng thời tổ chức nhiều hơn nữa những buổi hội thảo liên quan để phổ biến các thay đổi này cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, cần rà soát lại tổng thể hệ thống thuế quan cũng như môi trường đầu tư của các doanh nghiệp liên quan, đồng thời xem xét, thực hiện các biện pháp cải thiện.

Hàn Quốc đã có “Luật kinh tế hydro”, mong hợp tác với Việt Nam phát triển điện khí
Chủ tịch Kocham cho biết, Hàn Quốc đã ban hành “Luật kinh tế hydro” đầu tiên trên thế giới và đang sở hữu công nghệ năng lượng hydro tốt nhất thế giới

Đề cập đến vấn đề năng lượng, ông Kim Han-yong nhận định, kể từ khi tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu COP26 vào năm ngoái, các cuộc thảo luận về phát triển năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường đang được tiến hành rất tích cực tại Việt Nam. Theo quan sát của Chủ tịch KoCham thì Việt Nam “đang mở ra nhiều khả năng khác nhau liên quan đến năng lượng mới và tái tạo, LNG, hydro, và các lò phản ứng nhỏ, ngoài những nhà máy nhiệt điện hiện có”. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp năng lượng Hàn Quốc đang xúc tiến xây dựng các nhà máy điện LNG ở nhiều vùng khác nhau, bao gồm cả Quảng Trị ở miền Trung, cũng như ở các khu vực phía Bắc và phía Nam Việt Nam.

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2021, Chủ tịch Kocham cho biết, Hàn Quốc đã ban hành “Luật kinh tế hydro” đầu tiên trên thế giới và đang sở hữu công nghệ năng lượng hydro tốt nhất thế giới. Việt Nam hiện cũng đang xem xét đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau như sử dụng các cơ sở LNG để sản xuất hydro và đầu tư các dự án phát điện khí hydro. “Chúng tôi hy vọng rằng, đây sẽ là cơ hội hợp tác giúp hai bên cùng phát triển trong lĩnh vực năng lượng”, ông nói.

Liên quan đến thương mại, ông Kim Han-yong cho rằng, bước vào năm 2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP, hiệp định FTA lớn nhất thế giới bao gồm cả Việt Nam và Hàn Quốc, đã chính thức có hiệu lực. Sau khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành trung tâm của thương mại Đông Nam Á và Châu Đại Dương và quan hệ thương mại với Việt Nam, một đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc, sẽ được tăng cường hơn nữa trong tương lai. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là các doanh nghiệp không thể tận dụng Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022 này.

Kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam, ông nêu: “Chúng tôi hy vọng rằng, những thủ tục liên quan, như mẫu chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, phương thức cấp, chứng nhận nhà xuất khẩu hay thủ tục áp dụng thuế suất nhập khẩu RCEP sẽ sớm được thực hiện”. Hàn Quốc đã chính thức bắt đầu tiến trình chuẩn bị gia nhập Hiệp định CPTPP vào tháng 12 năm ngoái và đang tiến hành rà soát các nội dung chi tiết. Vì thế, phía Hàn Quốc rất mong sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, để Hàn Quốc có thể chính thức gia nhập CPTPP./.