Tóm tắt

Phát triển bền vững là xu hướng phổ biến trong sự phát triển hiện nay, là phát triển có sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa 3 trụ cột: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Quảng Ninh là một địa phương có nhiều tiềm năng du lịch, tiêu biểu là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt gồm: danh thắng Yên Tử, di tích lịch sử Bạch Đằng, di tích nhà Trần, di tích lịch sử đền Cửa Ông. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu hút khách du lịch. Bài viết phân tích những tiềm năng, lợi thế của du lịch tỉnh Quảng Ninh theo tiêu chí phát triển bền vững trên cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Quảng Ninh.

Từ khóa: du lịch, du lịch bền vững, phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh

Summay

Sustainable development is a popular trend in current development, i.e. development with a close and harmonious combination of three pillars: economic development, social justice and environmental protection. Quang Ninh is a locality with much tourism potential, typically the world natural heritage Ha Long Bay, special national historical relics including: Yen Tu scenic spot, Bach Dang historical relic, Tran dynasty relics, Cua Ong temple historical relics. Quang Ninh is also one of the leading localities in the country in attracting tourists. The article analyzes the potentials and advantages of tourism in Quang Ninh province according to the criteria of sustainable development in all three aspects: economy, society and environment, thereby proposing some solutions for sustainable tourism development in Quang Ninh province.

Keywords: tourism, sustainable tourism, sustainable development, Quang Ninh province

ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ bao gồm nhiều loại hình du lịch, như: sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách và cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, thách thức chưa bền vững nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng mạnh mẽ và phức tạp hiện nay tác động rõ rệt đến đời sống, các ngành sản xuất và đặc biệt đe doạ sự phát triển bền vững của ngành du lịch.

Các khảo sát chuyên ngành cho thấy, du khách đến với tỉnh Quảng Ninh chủ yếu với mục đích nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…Thời gian thuận lợi nhất cho khách, đặc biệt là khách quốc tế là vào mùa thu, mùa đông và mùa xuân khi nền nhiệt ở mức 15-220C và sự ấm lên của điều kiện nhiệt độ, mùa lạnh ngắn hơn đã phân tích ở trên sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Quảng Ninh khai thác du lịch với thời gian dài hơn, tổ chức được nhiều loại hình du lịch hơn, đặc biệt là du lịch biển và số lượt khách sẽ tăng hơn. Trên cơ sở các thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho hoạt động du lịch trong thời gian qua, dễ dàng nhận thấy đối với các trận bão, lũ quét, sạt lở, nhiệt độ thay đổi thất thường đã tác động rất lớn đến tài sản và hoạt động của ngành du lịch. Trong giai đoạn 2021-2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên một số chuyến du lịch đều bị hoãn hoặc huỷ tỷ lệ điều tra khách du lịch đồng ý hủy du lịch khi gặp thời tiết bất thường lên tới 57,2% khiến doanh thu sụt giảm từ 50%-70% [3]. Bài viết được thực hiện nhằm xuất một số giải pháp phát triển du lịch bền vững tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới.

CỞ SỞ LÝ THUYẾT

Khái niệm du lịch

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourist Organization), một tổ chức thuộc Liên hợp quốc, du lịch bao gồm tất cả mọi hoạt động của những người du hành, tạm trú, trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu, trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn; cũng như mục đích hành nghề và những mục đích khác nữa, trong thời gian liên tục, nhưng không quá một năm, ở bên ngoài môi trường sống định cư; nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền [6]. Du lịch cũng là một dạng nghỉ ngơi năng động trong môi trường sống khác hẳn nơi định cư.

Luật Du lịch năm 2017 của Việt Nam đưa ra khái niệm: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 1 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”..

Khái niệm phát triển bền vững

Khái niệm “Phát triển bền vững” đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1972, do Meadows và cộng sự trong một báo cáo về “Các giới hạn tăng trưởng” và được sự chú ý trên toàn thế giới với hàm ý thúc đẩy phát triển mà không gây nguy hiểm cho môi trường vào năm 1987, tại báo cáo của Ủy ban Thế giới về Môi trường và phát triển: “Phát triển bền vững là đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai” [7].

Theo quan điểm này, tại Việt Nam, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 và dự thảo sửa đổi năm 2020 đã thống nhất khái niệm phát triển bền vững là “phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Phát triển du lịch bền vững

Tổ chức Du lịch Thế giới đã định nghĩa: “Du lịch có tính đến các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai, giải quyết các nhu cầu của du khách, của ngành công nghiệp, môi trường và cộng đồng địa phương” [5]. Tại Việt Nam, Luật Du lịch năm 2017 cho rằng, “phát triển du lịch bền vững được hiểu là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế – xã hội – môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai”.

Nội hàm của “phát triển du lịch theo hướng bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, bền vững về kinh tế, bền vững về tài nguyên môi trường và bền vững về văn hóa, xã hội. Trách nhiệm đối với môi trường đòi hỏi tất cả các ngành phải nhận biết và có những biện pháp can thiệp nếu không muốn trong tương lai môi trường bị hủy hoại và xuống cấp. Bản thân ngành du lịch cũng phải tự biết hành động như thế nào để du lịch bền vững hơn.

Về kinh tế: “Phát triển du lịch theo hướng bền vững” là bảo đảm du lịch tăng trưởng đều, lâu dài phản ánh qua các chỉ tiêu, như: lượng khách du lịch, doanh thu (thu nhập) từ du lịch, đóng góp cho ngân sách. Nhưng, mỗi nơi có trình độ phát triển khác nhau, hay nói cách khác là xuất phát điểm khác nhau nên sẽ có chỉ số tăng trưởng du lịch phù hợp để đánh giá bền vững.

Về tài nguyên – môi trường: nội dung này là bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên giảm thiểu ô nhiễm bảo tồn sự đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan xung quanh.

ĐÁNH GIÁ TÍNH BỀN VỮNG CỦA DU LỊCH QUẢNG NINH

Thứ nhất, thực trạng phát triển bền vững về kinh tế

Tiêu chí thu nhập từ du lịch và tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế: Tổng thu nhập của du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2017-2022 từ 7.450 tỷ đồng lên 13.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trung bình đạt 18,6%/năm đối với toàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó trung bình đạt 18,7%/năm. Về chất lượng, có sự chuyển dịch về cơ cấu, giảm tỷ lệ doanh thu từ lưu trú và ăn uống, tăng tỷ lệ doanh thu từ vận chuyển, lữ hành và các dịch vụ bổ sung; nộp ngân sách cho ngân sách địa phương từ 670 tỷ đồng năm 2017 lên 1.400 tỷ đồng năm 2022 [3]. Như vậy, tốc độ tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng.

Kết quả khảo sát của Sở Du lịch Quảng Ninh về sự phát triển du lịch của địa phương trong những năm gần đây cho rằng, ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đang phát triển mạnh (72% người dân đồng tình với ý kiến này); một số ít cho rằng, phát triển bình thường (27,3%); số ít cho rằng, không phát triển (1 phiếu – 0,7%). Người dân đánh giá về lượng khách du lịch đến địa phương: lượng khách du lịch tăng lên (72,7% đồng ý); tỷ lệ cho rằng, lượng khách tăng bình thường là 27,3% [4]. Tăng thu nhập và đóng góp vào ngân sách địa phương của du lịch theo các năm thể hiện tính bền vững về tiêu chí này trong phát triển du lịch.

Tiêu chí số lượng khách du lịch qua các năm: Với tốc độ tăng trưởng khách bình quân ở 2 con số (11,9%/năm) trong đó, khách quốc tế tăng 8,4%/năm và khách nội địa tăng 13,4%/năm. Khách lưu trú lại chiếm gần 50% trong tổng số khách và thời gian lưu trú trung bình 1,5 ngày/khách [4].

Các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm, như: Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, các quốc gia châu Âu đến Quảng Ninh lưu trú tăng mạnh vào thời gian gần đây. Đóng góp vào sự tăng trưởng doanh thu cao hơn con số tăng trưởng về lượng khách, điều này đã khẳng định chất lượng của hoạt động du lịch và dịch vụ của Quảng Ninh đã được cải thiện để phát triển. Điều này cho thấy, khu vực có sức hấp dẫn du lịch rất lớn, là dấu hiệu khẳng định sự phát triển của du lịch Quảng Ninh. Như vậy, với tiêu chí này có thể đánh giá đạt yêu cầu của phát triển bền vững.

Thứ hai, thực trạng phát triển du lịch bền vững về xã hội

Tiêu chí tỷ lệ quay lại và sự hài lòng của khách du lịch: Nghiên cứu mức độ tương quan giữa đặc điểm khách du lịch với tần số đi du lịch và dự định quay lại du lịch của khách cũng phụ thuộc vào từ địa bàn du lịch, giới tính, trình độ học vấn và nghề nghiệp của khách. Kết quả điều tra cho thấy: Khách du lịch tỉnh Quảng Ninh có xu hướng đến du lịch nhiều lần, số lần khách đến du lịch từ 2 lần trở lên chiếm tới 89,7% tổng số khách du lịch, trong đó chủ yếu khách du lịch 2 lần và 3 lần (tỷ lệ tương ứng 37,2% và 31,7% [4].

Các điểm du lịch tại Quảng Ninh hầu hết đều thu hút khách quay lại du lịch lần 2 trở lên và hầu hết khách đều có ý định quay lại Quảng Ninh để tiếp tục khám phá. Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô là những điểm thu hút khách du lịch đi nhiều lần và có ý định mong muốn quay lại du lịch.

Xét về giới tính, phần lớn cả khách nam và khách nữ đều đi du lịch ở đây từ 2 lần trở lên và có ý định quay trở lại du lịch. Tỷ lệ khách nam và khách nữ tương đối đồng đều trong số lần du lịch và ý định quay trở lại du lịch. Đáng lưu ý khách nam có số lần đi du lịch ở Quảng Ninh nhiều lần (3 lần trở lên) hoặc lần đầu nhiều hơn khách nữ.

Trình độ học vấn cũng có ảnh hưởng đến số lần đi du lịch của khách và dự định quay lại du lịch. Khách có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học có tỷ lệ so lần đi du lịch cao hơn các đối tượng khách khác, có lẽ bởi đối tượng này có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn đối tượng khách có trình độ học vấn ở bậc THCS và THPT đối tượng khách có thu nhập ổn định, như: cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, nhân viên văn phòng và những người có, chủ động được thời gian thường đi du lịch nhiều lần ở Quảng Ninh.

Phần lớn khách dù có nghề nghiệp khác nhau cũng đều mong muốn quay lại du lịch ở Quảng Ninh. Kết quả này của phản ánh sức hút du lịch ở Quảng Ninh là rất lớn.

Thứ ba, thực trạng phát triển du lịch bền vững về môi trường

Sự tác động tích cực thể hiện ở chỗ, du lịch giúp đẩy mạnh công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường ở một số khu vực được cải thiện. Cơ sở hạ tầng ở các khu vực có hoạt động du lịch được tăng cường đầu tư, một phần kinh phí được đầu tư chính nguồn lợi do du lịch mang lại. Sự tác động tiêu cực của hoạt động du lịch thể hiện ở việc xây dựng ồ ạt phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Hoạt động du lịch phát triển gây sức ép lên tài nguyên môi trường. Thiếu điện sinh hoạt vào mùa du lịch đang là vấn đề bức xúc hiện nay. Hiện tượng ô nhiễm tiếng ồn do sử dụng máy phát điện cá nhân cũng bắt đầu xuất hiện gây cảm giác khó chịu cho du khách.

Điều này thể hiện ở kết quả điều tra, khảo sát của Sở Du lịch Quảng Ninh tại địa bàn khảo sát với kết quả như sau: Phát triển du lịch thân thiện với môi trường (84,7%); Giảm thiểu chất thải, khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế chất thải trong du lịch (82,0%); Tuyên truyền phổ biến cho người dân, du khách về biến đổi khí hậu và những tác động đến du lịch (tỷ lệ đồng ý 75,3%); Xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ thiên nhiên, các điểm du lịch chặt chẽ, điều chỉnh các chính sách, chiến lược chưa phù hợp (70,7%); Tăng cường quản lý đối với khu điểm du lịch tự nhiên (70,0%); Khuyến khích tăng cường trồng cây ở điểm du lịch (67,3%), Hoc hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới để phát triển du lịch trong điều kiện biến đổi khí hậu (64%); Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ sạch vào lĩnh vực du lịch (60,0%); Tăng cường sử dụng năng lượng thay thế (54,7%); Khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước, năng lượng (53,3%). Với khách du lịch, tỷ lệ đồng tình với các giải pháp PTBV du lịch là khá cao, trong đó tỷ lệ đồng ý với giải pháp phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường (74,5%); Giảm thiểu chất thải, khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế chất thải trong du lịch (59,3%); Xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ tài nguyên, các điểm du lịch chặt chẽ hơn, điều chỉnh các chính sách, chiến lược chưa phù hợp (55,9%) [4].

MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NINH

Thứ nhất, giảm nhẹ tác động của các điều kiện tự nhiên đến phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Ninh

Giảm nhẹ tác động trong biến đổi khí hậu chính là thích ứng với biến đổi khí hậu. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu hay đó chính là giảm phát thải hiệu ứng nhà kính – nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, cụ thể như: UBND tỉnh Quảng Ninh cần vận động người dân, khách du lịch tự giác giảm thiểu chất thải, tái sử dụng, tái chế chất thải, không xả rác bừa bãi… Tăng cường việc kiểm soát tình hình quản lý thu gom và xử lý rác tại các địa phương, khu vực cụ thể trong tỉnh; Thành lập các bãi trung chuyển, tập trung rác thải và định kỳ, các địa phương cần có đội ngũ đến các điểm tập trung để thu gom rác đến bãi rác.

Tiếp đó, du lịch Quảng Ninh cần đầu tư, đổi mới các cơ sở vật chất kỹ thuật theo hướng thân thiện với môi trường, như: Thay thế các thiết bị làm lạnh có sử dụng khí CFC tại các cơ sở lưu trú và hạn chế khí thải CO2 từ các phương tiện vận chuyển khách (tăng cường đầu tư, hoàn thiện các tuyến xe điện để chuyên chở khách du lịch); Tăng cường thực hiện kiểm kê tài nguyên du lịch cấp tỉnh, góp phần hoàn thiện mức kiểm kê và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon cấp quốc gia.

Thứ hai, phát triển bền vững ngành du lịch thích ứng với điều kiện kinh tế – xã hội tỉnh Quảng Ninh

Để thích ứng với biến đổi điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh, thì ngành du lịch của Tỉnh cần chú trọng đến các giải pháp phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa và bảo vệ tài nguyên môi trường. Theo đó, cần:

(i) Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, cần có những chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

UBND tỉnh Quảng Ninh cần ban hành chính sách ưu đãi đầu tư du lịch về vốn, thuế cho vay vốn, giảm thuế cho thuê đất dài hạn để xây dựng khu du lịch, khách sạn, công viên vui chơi giải trí. Xây dựng cơ chế môi trường đầu tư du lịch thông thoáng, cải cách hành chính theo mô hình một cửa, khuyến khích kêu gọi đầu tư nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ, linh hoạt về quản lý. Đồng thời, ban hành các văn bản, các thông tư hướng dẫn cụ thể về thống nhất quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ, du lịch theo hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

(ii) Đối với việc quản lý, tổ chức hoạt động du lịch

UBND tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo thống nhất của các ngành, các cấp đối với hoạt động du lịch, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương nơi có điểm du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ Tỉnh đến huyện tạo thành hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch có năng lực phù hợp với nhu cầu quản lý và phát triển du lịch trong tiến trình hội nhập với khu vực và quốc tế. Tăng cường công tác quản lý an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, đôn đốc kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn địa phương, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, các biểu hiện xấu đến văn hóa và cộng đồng dân cư.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch: Quy hoạch các khu, điểm du lịch phải đảm bảo đối mặt được với lũ, lụt và nước biển dâng, phải tính tới yếu tố ổn định địa chất, địa mạo và yếu tố nước biển dâng một cách cụ thể, phù hợp với quy hoạch hệ thống đê biển. Xây dựng hạ tầng và kỹ thuật phục vụ du lịch gồm giao thông, cơ sở lưu trú, các khu vui chơi giải trí… cần tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu, thiết kế thích nghi với biến động của thời tiết, né tránh và bảo đảm an toàn trước bão, lũ và nước biển dâng. Các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp hướng tới mô hình kiến trúc xanh, định mức cột nền xây mới phù hợp với dự báo mực nước biển dâng, đặc biệt với 3 khu vực đã dự báo trước theo kịch bản biến đổi khí hậu: TP. Móng Cái, huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên.

Đầu tư phương tiện, trang thiết bị cũng như nhân lực phục vụ vận chuyển khách và cứu nạn khi có thiên tai, các biểu hiện cực đoan của khí hậu. Đầu tư hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, thông tin cứu nạn và các lực lượng ứng phó tại chỗ, kịp thời để đảm bảo an toàn cao nhất đối với khách du lịch./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (2014), Luật Bảo vệ môi trường, số 55/2014/QH13, ngày 23/6/2014.

2. Quốc hội (2017), Luật Du lịch, số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017.

3. Sở Du lịch Quảng Ninh (2022), Báo cáo tổng kết 5 năm của ngành Du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2017- 2022.

4. Sở Du lịch Quảng Ninh (2023), Báo cáo kết quả công tác năm 2023 và phương hướng nhiêm vụ năm 2024 của ngành Du lịch Quảng Ninh.

5. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11/02/2023 Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

6. UNWTO (2019), International Tourism Highlights, Madrid: UNWTO.

7. World Economic Forum (2021), The Travel and Tourism Competitiveness Report 2019, World Economic Forum.

NCS. Phạm Văn Bền

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Ngày nhận bài: 23/3/2024; Ngày phản biện: 29/3/2024; Ngày duyệt đăng: 12/4/2024